Ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 50 - 54)

6. Bố cục của khóa luận

2.2.2. Ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc

Ngoài những bài thơ, chùm thơ khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, ca tụng những truyền thống anh hùng dân tộc trong lịch sử, Hồng Đức quốc âm thi tập còn có nhiều bài thơ, chùm thơ khắc họa, ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc.

Đây là sáng tác trong cung đình, lại do vua chỉ đạo nên trước hết nó toát lên tinh thần “trung quân ái quốc”, hình ảnh nổi bật trong tập thơ là hình ảnh vua sáng tôi hiền. Vì thế khi ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc thì không thể không ngợi ca triều đại ơn vua.

Lê Thánh Tông là một trong những vị minh quân ở ngôi lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Cả cuộc đời mình không có giây phút nào ông không nghĩ cho dân cho nước. Ông đã tự thuật rằng:

Lòng vì thiên hạ những sơ âu, Thay việc trời dám trễ đâu. Trống dời canh còn đọc sách, Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.

(Tự thuật)

Nhờ đó, trong thời gian Lê Thánh Tông trị vì, nhân dân luôn sống trong cảnh hòa bình, hạnh phúc, yên vui. Do đó trong Hồng Đức quốc âm thi tập có hàng loạt các bài thơ ca ngợi triều đại, ơn vua. Trong bài Tân nguyệt, các tác giả thời Hồng Đức đã ca ngợi vị minh quân của mình:

Càng cao càng sáng trên ngôi ấy, Càng tỏ huân danh đấng tướng tinh.

Không chỉ quan tâm tới cuộc sống của nhân dân, Lê Thánh Tông còn quan tâm cả đến thân phận của những người cung nữ, phi tần trong cung:

Ơn vua thương đến phận xa xôi Cửa ngọc thân nhàn trộm tới lui. Cỏ áy những nhờ hơi tuyết bén, Hang sâu mừng thấy bóng dương soi.

(Cung tần)

Nhờ có sự cai trị sáng suốt của nhà vua mà nhân dân được sống trong cảnh yên bình, con đàn cháu đống:

Ơn chúa vun trồng những thuở nao, Một năm là một nhẵn lên cao. Buồng đống cháu con bao xiết kể, Nhà đầy khách khứa hỏi han chào.

(Cây cau)

Cũng nhờ sự cai trị sáng suốt ấy nên khi tết đến, nhân dân không phải “van nợ lắm khi trào nước mắt”, ngược lại, đó là cảnh vui vẻ, đầm ấm:

Cơ mầu thợ hóa bốn mùa vần, Đông cuối ba mươi mồng một xuân. Rờ rỡ cửa vàng ngày Thuấn rạng, Làu làu phiến ngọc lịch Nghiêu phân. Cao vòi vọi ngôi hoàng cực,

Khắp lâng lâng phúc thứ dân.

(Tết nguyên đán)

Bên cạnh những bài thơ ca ngợi triều đại, ca ngợi ơn vua, Hồng Đức quốc âm thi tập còn có những bài miêu tả đời sống nhân dân trong thôn xóm, mặc dù còn sơ sài nhưng vẫn rất quý. Các nhà thơ đã chú ý tới cuộc sống tươi vui của một làng thôn, chú ý đến hình dáng con trâu, đụn củi, đến cơm trắng,

cá tươi...của người bình dân; đã chú ý đến sự cần cù một nắng hai sương của người nông dân...

Trong chùm thơ vịnh năm canh, không khí làng thôn hiện lên thật nên thơ:

Lầu treo cung nguyệt người êm giấc, Đường quạnh nhà thôn cửa chặt cài. Cảnh vật chòm chòm bay lửa đóm, Cỏ hoa gốc gốc đượm hương trời...

(Canh hai)

Có bài thơ còn vẽ nên bức tranh toàn cảnh về cuộc sống tươi vui của một làng thôn:

Chấp chảnh trời vừa mọc đẩu tinh, Ban khi trống một mới thu canh. Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh. Tuần điếm kia ai khua mõ cá, Dâng hương nọ nện chày kình. Nhà nam nhà bắc đều no chặt, Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.

(Canh một)

Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là giọng ca vui về một thời phong kiến thịnh trị, thái bình qua cách cảm nhận cụ thể về cảnh sắc một làng quê lúc chập tối. Bức tranh làng quê ấy có âm thanh (tiếng trống thu canh, tiếng chim gù trong lá, tiếng mõ ngoài điếm canh, tiếng chuông chùa niệm Phật...); có màu sắc (lá xanh, sương bạc); có sự chuyển đổi của cảnh vật từ “trời mọc Đẩu tinh” sang “đầu nhà lan khói tỏa” và đến sườn núi chim gù; và còn có cả hành động của con người (tuần điếm khua mõ, kẻ nọ dâng hương...). Như vậy,

dòng chảy thời gian vũ trụ khách quan đã được các nhà thơ thời Hồng Đức tái hiện qua những biến đổi thật tinh tế của thiên nhiên và qua những sinh hoạt thường nhật trong đời sống con người nơi làng quê. Chất dân tộc đậm đà được lộ ra từ đó. Vì thế, qua bức tranh “canh một”, người đọc có thể hình dung được một phần không khí đời sống xã hội nửa sau thế kỉ XV:

Nhà nam nhà bắc đều no mặt, Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.

Không chỉ miêu tả cuộc sống của những người nông dân, thành viên hội Tao Đàn còn đi sâu miêu tả cuộc sống của những người dân vạn chài:

Lụp sụp bên giang bảy, tám nhà, Trời thâu bóng ác bãi tha la.

Chan chan thuyền đỗ dãi ghềnh liễu, San sát chài phơi cuối vụng hoa.

(Ngư thôn tịch chiếu)

Cảnh làng chài tuy đơn sơ, bình dị, chỉ có bảy, tám nhà nhưng phần nào đã phản ánh được cuộc sống no đủ của người dân nơi đây. Khi trời chiều buông xuống, ngoài bãi “chan chan thuyền đỗ” chứ không phải là cảnh “con thuyền gối bãi suốt ngày ngơ” (Nguyễn Trãi), và ở bờ giậu nhà nào cũng “san sát chài phơi”...Bốn câu thơ đã cho ta thấy được tất cả sự thái bình thịnh trị của xã hội đương thời.

Làng thôn dưới con mắt nhà thơ có thể bị thi vị hóa đi phần nào nhưng vẫn có cơ sở hiện thực. Cảnh làng thôn như vậy khó mà tìm thấy trong thơ văn các thế kỉ sau, nhất là khi chế độ phong kiến đã bước vào thời kì suy vi. Qua đó có thể thấy “thơ vịnh cảnh của Lê Thánh Tông thường thể hiện sự quan tâm đến cuộc đời hơn là đi tìm cái đẹp thiên nhiên thuần túy. Trong mỗi bài thơ, cảm hứng thiên nhiên thường hòa lẫn với sự quan sát xã hội. Có

những hình ảnh rất thơ đứng song song với những hình ảnh rất thực của đời sống.”[7, tr. 316].

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)