Học sinh biết yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên

Một phần của tài liệu Đồng dao và vai trò của đồng dao trong việc góp phần giáo dục toàn diện học sinh tiểu học (Trang 43 - 46)

7. Cấu trúc khóa luận

2.3.1. Học sinh biết yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên

Ai cũng biết thiên nhiên không chỉ ưu đãi cho con người những thứ cần thiết để sống như lúa ngô, khoai sắn, tôm cua, ốc hến,... mà còn hấp dẫn chúng ta bởi những điều kì diệu. Do đó, thiên nhiên càng cần cho đời sống thể chất và tinh thần của con người bao nhiêu thì lại càng không thể thiếu với trẻ em bấy nhiêu.

Trẻ thơ sống trong lòng thiên nhiên, nơi ban ngày có ánh sáng chan hòa, ban đêm có ánh trăng thanh ngọn gió mát, chỗ này có mặt nước trong xanh, chỗ kia có núi non hùng vĩ. Bao quanh các em là tràn đầy sắc màu của hoa lá. Bao nhiêu loài hoa là bấy nhiêu hình dáng, bấy nhiêu hương sắc. Bao

nhiêu loài chim là bấy nhiêu tiếng hát, tiếng ca. Thế giới thiên nhiên vô cùng lộng lẫy mà cũng rất bình dị. Có thể nói đến với thiên nhiên, các em như được sà vào lòng mẹ, được hòa mình vào dòng suối mát vô tận của tạo hóa. Do đó tách các em ra khỏi thiện nhiên là một việc làm trái với quy luật phát triển. Qua đồng dao chúng ta tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc, được hòa hợp, được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên để thỏa mãn trí tò mò ngây thơ trong sáng của các em. Chúng ta dẫn dắt các em đến với thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên đặc biệt là dạy cho các em cách ứng xử có văn hóa với thiên nhiên. Các em không chỉ biết yêu quý, biết thưởng thức, biết cảm nhận những gì thiên nhiên ban tặng mà còn biết bảo vệ, giữ gìn những gì thuộc về thiên nhiên để thiên nhiên mãi là tài sản vô giá của mọi người.

Trước hết, những khúc đồng dao dạy trẻ tìm tòi khám phá thiên nhiên. Trong đồng dao hình như không có sự cách biệt giữa thiên nhiên và trẻ em. Bầu trời và mặt đất là chỗ vui chơi đầy hấp dẫn. Trẻ quan niệm trời đất có khoảng cách rất gần chỉ cách nhau ba mươi sáu tấc:

“Mướn ông thợ mộc Đủ đục đủ chàng Ba mươi sáu tấc Bắc từ dưới đất Lên hỏi ông trời...”

Trăng với trẻ là bầu bạn của nhau vừa gần gũi, thân quen nhưng cũng mới mẻ và rất đáng yêu:

“Ông trẳng ông trăng Xuống chơi với tôi Có bầu có bạn Có ván cơm nếp Có nệp cơm xôi...”

Trăng cũng lười biếng như một đứa trẻ không ngoan. Ông không chịu đi trâu bị mẹ đánh đau và ông cũng khóc giống như một đứa trẻ vậy:

“Ông lười đi trâu Mẹ ông đánh đau Ông ngồi ông khóc...”

Như vậy đối với trẻ em thì thiên nhiên là cả một thế giới diệu kì, lung linh, huyền ảo và đầy bí ẩn. Tiếp cận với thiên nhiên càng nhiều thì cảm giác, tri giác của các em ngày càng nhạy bén, tinh tế. Bên cạnh đó, đồng dao còn giúp các em gắn bó với thiên nhiên thông qua những câu hát, trò chơi để các em dần nhận ra rằng con người là một bộ phận hữu cơ của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên. Với tâm hồn của trẻ thơ, dường như các em nhìn thấy trong thiên nhiên đời sống của chính mình nên rất tự nhiên gắn bó với thiên nhiên:

“Hú dê dê Về nhà mẹ Mẹ cho bú Chú cho ăn

Đừng có đi đâu mà lạc đường...”

Phải chăng đó là hình ảnh của chính các em.

Gần gũi vời thiên nhiên, đời sống tình cảm của các em cũng biến hóa, hòa nhịp với thiên nhiên. Sửng sốt lúc ráng chiều rực đỏ, lo lắng cho hàng cây mới trồng khi bão về, xót thương cho bầy chim rũ cánh dưới trời mưa. Sự đồng cảm ấy đã gắn bó trẻ với thiên nhiên như gắn bó với những người bạn thân thiết.

Có thể nói, hát những bài hát đồng dao, chơi các trò chơi đồng dao như đánh thức trong trái tim các em một thái độ ân cần với mầm sống trong

thiên nhiên, biết bảo vệ thiên nhiên dù đó chỉ là một chú chim sâu, căm ghét những gì đã tàn phá thiên nhiên dù đó chỉ là một cơn gió lạnh.

Một phần của tài liệu Đồng dao và vai trò của đồng dao trong việc góp phần giáo dục toàn diện học sinh tiểu học (Trang 43 - 46)