7. Cấu trúc khóa luận
2.2.2. Nhận thức những kiến thức về xã hội
Đồng dao không những cung cấp cho các em học sinh những kiến thức tự nhiên, đồng dao còn giúp các em nhận thức được cả một kho kiến thức xã hội. Đó là những kiến thức về hội hè, đình đám, trong họ ngoài làng về đồ ăn, thức uống:
“Những nồi cơm nếp Những tệp bánh chưng Mứt bí, mứt gừng Mứt chanh, mứt khế”.
Và cả những kiến thức sơ đẳng nhất về đời sống thực tế cũng được lí giải rất sinh động qua đồng dao:
“Con mèo, con chó có lông Cây tre có đốt nồi đồng có quai”.
Đới với người lớn, việc “con mèo”, “con chó” là chuyện bình thường hoặc “cây tre”, “nồi đồng” cũng chẳng có gì đặc biệt. Song đối với trẻ em,
nhất là lứa tuổi đầu Tiểu học thì nhận thức này là rất quan trọng, có ý nghĩa đặc trưng cho từng con vật hoặc đồ vật. Lớn thêm chút nữa, các em có điều kiện nhận thức phức tạp hơn:
“Đòn gánh có mấu Củ ấu có sừng Bánh chưng có lá Con cá có vây”.
Không chỉ có vậy, qua đồng dao các em còn được nhìn thấy xã hội nước ta với nền kinh tế ngày càng phát triển – một xã hội đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa:
“Hay chăng dây điện Là con nhện con Không cần cỏ non Là con trâu sắt Rồng phun nước bạc Là chiếc máy bay”.
Các em còn được chuẩn bị từ tuổi hoa niên những kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội sau này:
“Ông thầy có sách Thợ ngạch có dao Thợ rèn có búa”.
Hay:
“Ai cày ruộng nuôi trâu Ai trồng dâu nuôi tằm Ai hay nằm nhịn đói”.
Đồng dao còn giúp các em phê phán thói hư tật xấu, sự lười nhác:
“Cho đi học chữ - nhiều chữ ai vay Cho đi học nghề - rằng nghề ở tớ Cho đi làm thợ - nói: nghề ấy buồn”.
Thậm chí, các em bé gái còn được đồng dao trang bị cho kiến thức nữ công gia chánh đặc biệt:
“Bắt được con cua Đem về nấu canh Băm tỏi băm hành, Xương sông lá lốt”.
Hay:
“Canh ốc thì ngọt Canh bứa thì chua”.
Đồng dao cung cấp cho các em kiến thức xã hội không là kiến thức hệ thống như tư duy người lớn mà trình bày liệt kê, dừng lại ở những nét bề ngoài dễ nhớ dễ phân biệt, kích động trí tò mò ở các em. Đó là công dụng đồ vật:
“Con trấu cày xiên Cái liềm gặt lúa”.
Đó là cách phân biệt giống vật:
“Chàng chàng lót ổ bụi tre Chèo bẻo lót ổ mái đình”.
“No lòng phỉ dạ Là con cá cơm Không ướp mà thơm Là con cá ngát Liệng bay thấm thoắt Là con cá chim”.
Qua đồng dao, các em học sinh còn nhận thức được mối quan hệ họ hàng thân thuộc, gần gũi giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Đó là mối quan hệ họ hàng giữa các loài thực vật:
“Bí ngô là cô đậu nành Đậu nành là anh dưa chuột Dưa chuột cậu ruột dưa gang Dưa gang cùng hàng dưa hấu Dưa hấu là cậu bí ngô
Bí ngô là cô đậu nành...”
Đó là mối quan hệ họ hàng giữa các loài động vật:
“Chim ri là dì sáo sậu Sáo sậu là cậu sáo đen Sáo đen là em tu hú Tu hú là chú bồ các Bồ các là bác chim ri...”
Với kết cấu theo kiểu vòng tròn ta có cảm tưởng như tất cả mọi vật
trên thế giới này không có gì là tuyệt đối. Tất cả những mối quan hệ họ hàng thân thiết giữa các sự vật được đặt trong một mối tương quan lẫn nhau, cùng tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giống như vòng tuần hoàn. Đó là các mối quan hệ : là cô, là cậu, là anh, là em, là chị,... Qua đó, các em có thể nhận thức được mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên.
Như vậy có thể nói đồng dao góp phần không nhỏ trong việc tích lũy những kinh nghiêm sống, những kiến thức về xã hội cho học sinh Tiểu học. Khi tiếp xúc với đồng dao, các em sẽ có điều kiện mở rộng sự hiểu biết về xã hội từ đó chuẩn bị hành trang kiến thức cho các em khi hòa nhập xã hội sau này.