Nhận thức những kiến thức về tự nhiên

Một phần của tài liệu Đồng dao và vai trò của đồng dao trong việc góp phần giáo dục toàn diện học sinh tiểu học (Trang 30 - 36)

7. Cấu trúc khóa luận

2.2.1. Nhận thức những kiến thức về tự nhiên

Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng ẩm, mưa nhiều. Điều kiện khí hậu như vậy làm cho thiên nhiên nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Do đó, trẻ em nước ta nhất là trẻ em vùng nông thôn rất gần gũi và gắn bó với thiên nhiên. Đứng trước thiên nhiên rộng lớn, hàng trăm câu hỏi đến với các em “Cây gì đây, quả gì đây, rau gì đây?... Nó cao nó thấp, nó thơm nó ngọt như thế nào?... Nó có như các em không? Nó có như người lớn không? Nó có chơi đùa không, nó có tính tốt, tính xấu không?...”. Và khi những câu hỏi này được giải đáp sẽ giúp các em sẽ nhận thức được các sự vật, hiện tượng, nhận thức được cả một thiên nhiên vô cùng lộng lẫy xung quanh mình.

Thế rồi, với sự quan sát, với trí tưởng tượng, cây cỏ, hoa lá, ông trăng, ông sao,... và rất nhiều sự vật hiện tượng trong thiên nhiên tươi đẹp bỗng nhiên trở thành anh em, bè bạn với các em, cùng hát với các em, cùng vui với các em. Đó là cách nhìn thiên nhiên của các em trong những lời hát đồng dao. Đồng dao đã giúp các em nhận thức được cả một thiên nhiên sinh động trên trời dưới bể mà trước hết là thế giới thực vật. Qua lăng kính của trẻ thơ, thế giới thực vật hiện lên có phần còn giản đơn nhưng lại không kém phần sinh động. Đó là những loài thực vật tồn tại gần gũi xung quanh cuộc sống của các em, phần nhiều là các loài hoa, loài quả, loài rau,...

Vời bài đồng dao “Họ nhà hoa” các em có thể biết đền hàng chục loài hoa khác nhau mà loài nào cũng có màu sắc riêng, dáng vẻ riêng:

“Vác bóng mà soi Là hoa bông giếng Hay bay hay liệng

Là hoa chim chim Xuống nước mà chìm Là hoa bông đá Làm bạn với cá Là hoa san hô Cạo đầu đi tu Là hoa dâm bụt Đi ăn đám cưới Là các hoa dâu...”

Cứ như vậy, nếu thử đếm trong một lời đồng dao về hoa thì có đến 37 thứ hoa được giới thiệu một cách sinh động nhẹ nhàng về tên gọi và đặc điểm riêng. Lời đồng dao không chỉ kể tên mà có nhiều mối liên hệ hoặc máy móc, hoặc hữu cơ, có khi từ tên hoa mà nghĩ đến những chuyện lạ như hoa

dâm bụt “đi tu”, hoa dâu tằm “ăn đám cưới”,... Có thể nói, qua bài đồng dao

“Họ nhà hoa” các em học sinh đã có được những nhận thức ban đầu về một số loài hoa trong thiên nhiên, có thể nó không đúng về mặt khoa học nhưng lại vô cùng hợp lí với logic tưởng tượng bay bổng của tư duy trẻ nhỏ.

Về các loại trái cây, chỉ với 70 câu ngắn gọn trong bài “Họ nhà quả” đã giới thiệu cho các em hàng chục trái cây kì lạ của đất nước ta. Làm sao kể xiết, nào là đu đủ, dứa, ngô; nào là chanh, bưởi, cam, ổi, quýt,... là những trái cây thường thấy nhưng cũng có cả những trái, những quả hiếm thấy được giới thiệu cho các em như: trái cách, cóc kèn, đậu rựa,...

Và cách tìm hiểu quả, trái cũng khá độc đáo:

“Đông con nhiều cháu Vốn thiệt trái sung Nhỏ mà cay hung Là trái ớt hiểm....”

Chỉ với những lời đồng dao độc đáo trên mà các em có thể thấy được những đặc điểm điển hình của các loại quả, từ đường nét ngoại hình diện mạo bên ngoài đến những thuộc tính bản chất bên trong.

Bên cạnh đó, còn có những trái, quả được tả thực mà các em có thể hình dung ra ngay hình dáng của những quả, trái đó:

“Hình tựa gà xước Vốn thiệt trái thơm (dứa) Cái đầu bờm chơm Là trái bắp nấu Hình thù xâu xấu Là trái cà dê...”

Ngoài ra, các em còn có thể biết đến nhiều loại quả trái khác nhau của các vùng miền qua lời đồng dao kết hợp tìm hiểu các loại quả, trái vừa kết hợp trò chơi, vừa kết hợp đố vui:

“Trái từng chùm Trái gì?”.

(Trái cà). “Trái đeo dây Trái gì?”.

(Trái nhót).

Về các loại rau, với bài “Họ nhà rau” các em có thể biết đến tên gọi và đặc điểm về hương sắc, hình dáng của hàng chục loại rau. Đây là mùi vị:

“Ăn hơi tanh tanh Là rau diếp cá”.

Hay:

“Ăn cay như ớt Vốn thiệt rau răm”.

Còn có những tên rau được miêu tả, lí giải khá ngộ nghĩnh giống như tật xấu của con người:

“Thú ở hỗn hào Là rau ngành ngạnh Trong lòng bất chính Vốn thiệt tâm lang...”

Ngoài ra, các em còn được biết đến những địa danh nổi tiếng về trồng rau như làng Láng ở ngoại thành Hà Nội, xưa kia vốn là một làng rau nổi tiếng:

“Đi đâu mà chẳng biết ta Ta ở Kẻ Láng vốn làng trồng rau”.

Rồi lại được giới thiệu đủ các loại rau:

“Rau thơm, rau húng, rau mùi Thì là, cải cúc, đủ mùi hành hoa

Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà Bí đao đậu ván, vốn nhà trồng nên”.

Như vậy, thông qua một số bài đồng dao về hoa, về quả, về rau mà các em học sinh có những nhận thức ban đầu về tên gọi cũng như số lượng, đặc điểm, hương sắc, hình dáng của từng loại. Có thể nói, đồng dao giống như một chiếc chìa khóa thần kì giúp các em mở ra cánh cửa khám phá thế giới tự nhiên xung quanh mình.

Cùng với cây cỏ, hoa trái của thế giới thực vật, qua đồng dao các em còn được nhận thức, được biết đến rất nhiều loài động vật trên trời dưới bể. Trẻ em vùng này gần gũi với chim chóc muông thú, trẻ em vùng kia biết đến các sự vật của ao, hồ, sông, biển, dẫn dắt chúng vào đồng dao, vui hát với chúng, truyền miệng cho nhau qua không gian và thời gian để đến ngày nay đâu đâu trên đất nước ta, dù miền ngược hay miền xuôi, các em đều có thể có cả “bộ sưu tập” sinh động về chim trời, cá biển với nhiều tên quen nhưng

cũng có nhiều tên lạ mà chưa dễ các nhà nghiên cứu về sinh vật có thể đã gặp, đã biết. Đồng dao hiện ra dưới mắt các em như một vườn bách thú với voi, hổ, hươu, nai, với rùa, rắn, ba ba, phượng hoàng, bồ nông, sáo, sếu, chèo bẻo, ác là,... Ví như chỉ với 48 câu của bài ca “Làng chim” mà 24 loài chim với 24 động tác, hình ảnh khác nhau đã được giới thiệu đến:

“Hay chạy lon ton Là gà mới nở Cái mặt hay đỏ Là con gà mào Hay bơi dưới ao Mẹ con nhà vịt Hay la hay hát Là con bồ chao Hay bay bổ nhào Là con bói cá...”.

Chim chóc cũng hoạt bát như các em, cũng ca hát, lại có bao tính tốt xấu như con người. Các loài chim bồ chao, bói cá rồi đến chim khách, chim sẻ,... cũng được giới thiệu một cách sinh động giúp các em nhận thức được đặc điểm riêng của mỗi loài, phân biệt được từng giống loài, từ đó có một kiến thức toàn diện về thế giới loài chim.

Nước ta với mưa nhiều, ao hồ, sông ngòi nhiều, biển rộng bao la với bao loài thủy sản từ tôm, cua, ốc, ếch đến cá sông, cá biển. Vè về cá là một hệ thống đủ loại với số lượng đến 188 tên. Có những tên ai ai cũng biết như con rô, con giếc, con chép, con tràu,... như cá thu, cá chim, cá hố,... nhưng biết bao tên lạ của loài cá sông, cá biển nhiều người chưa biết đến như cá nác, cá đao, cá sà, cá chéc,... Đến với đồng dao, các em còn được gần gũi,

được biết đến nhiều loài gia súc từ con gà, con lợn, con mèo đến con trâu, con nghé,...

Với các em, thiên nhiên còn có trời cao, có mặt trời nóng gắt, có sấm sét đùng đùng, có mây, có gió, khi nhẹ nhàng khi hung tợn. Do đó, đến với đồng dao, các em học còn được biết đến vũ trụ huyền bí cao siêu, nhiều điều bí ẩn khó lí giải ngay đối với người lớn nhưng với các em lại rất giản dị, ngộ nghĩnh và thân quen. Các em sẽ được nhập cuộc vào thế giới vô tri vô giác, biến chúng thành vật có hồn để làm bầu bạn. Đồng dao giúp các em có những nhận thức mới mẻ, hấp dẫn, lí thú về các hiện tượng tự nhiên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Đó là sự thay đổi về hình dáng của mặt trăng vào từng ngày trong một tháng:

“Mồng một lưỡi trai Mồng hai lá lúa Mồng ba câu liêm Mồng bốn lưỡi liềm Mồng năm liềm giật Mồng sáu thật trăng...”

Đó còn là sự hiểu biết về lượng mưa của các tháng trong một năm:

“Tháng giêng là tháng mưa xuân Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra

Tháng ba mưa nụ mưa hoa Tháng tư hư đất biết là đâu hơn

Tháng năm tháng sáu mưa cơn Bước sang tháng bảy rập rờn mưa ngâu”.

Đó còn là sự hiểu biết về nắng, về gió nói riêng, về thời tiết – khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng nói chung:

“Tháng giêng là nắng hơi hơi Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra”.

Và:

“Tháng giêng là gió hây hây Tháng hai gió mát trăng bay vào đền”.

Có thể thấy rằng, với các em ở lứa tuổi Tiểu học (đặc biệt là giai đoạn đầu Tiểu học) nhận thức của các em còn đang trong quá trình hoàn thiện vì vậy mà việc nhận biết tất cả các sự vật của thế giới xung quanh đặc biệt là thế giới thiên nhiên sẽ rất khó khăn với các em. Nhưng với ngôn ngữ vui tươi trong sáng, cách tạo nhịp điệu, vần điệu những bài đồng dao đã truyền tải trong đó những nội dung rất quan trọng cho sự hiểu biết của các em về thế giới thiên nhiên. Đó không chỉ là sự nhìn thấy và phản ánh mà đó còn là một quá trình ý thức và sáng tạo. Nhờ đó mà các em học sinh có thể nhận thức được, lí giải được các vấn đề, hiện tương tự nhiên xung quanh mình.

Như vậy, qua những lời đồng dao mộc mạc, giản dị, học sinh Tiểu học có thể có một kho tàng học thức bình dị vô cùng hữu dụng về các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Đó là cả thế giới thực vật muôn màu muôn sắc, muôn hương thơm, là cả thế giới động vật sống động phong phú, là cả thế giới siêu nhiên nhưng không xa lạ với con người.

Một phần của tài liệu Đồng dao và vai trò của đồng dao trong việc góp phần giáo dục toàn diện học sinh tiểu học (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)