Ủy ban nhân dân

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cơ sở ở huyện can lộc, tỉnh hà tĩnh thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 46)

Theo kết quả điều tra tại 9 xã của huyện Can Lộc, cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân được bố trí đủ số lượng theo quy định của nghị định 92 về cán bộ, công chức cấp xã và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, bao gồm các thành viên Ủy ban nhân dân và đội ngũ công chức chuyên môn, trong đó có 5/9 xã (55.56%) có tổng số cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân là 21 người; 2/9 xã (22.22%) có 20 người; 1/9 xã (11.11%) có 22 người; 1/9 xã (11.11%) có 23 người.

Cơ cấu, giới tính: Ủy ban nhân dân xã có chủ tịch Ủy ban nhân dân, 1 hoặc 2 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cụ thể: 4/9 xã (44.44%) có 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; 5/9 xã (55.56%) có 2 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. 6/9 xã Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Phó Bí thư Đảng bộ. Trong tổng số 14 Phó Chủ tịch của 9 xã chỉ có 1 đồng chí (7.14%) của xã Thiên Lộc là ủy viên Thường vụ; 13 đồng chí (92.86%) là đảng ủy viên. Cán bộ công chức nữ chiếm 19.47%, nam chiến 80.53%.

Trong tổng số 190 cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân của 9 xã tiến hành điều tra, về trình độ học vấn: 3.68% tốt nghiệp trung học cơ sở, 96.32% tốt nhiệp trung học phổ thông; về trình độ chuyên môn: trung cấp 42.6%, cao đẳng 2.11%, đại học 42.63%, có 12.63% cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn; về trình độ lý luận chính trị: trung cấp 56.84%, cao cấp 0.53%; về quản lý hành chính nhà nước: chỉ có 4 đồng chí, chiếm 2.11% được bồi dưỡng ngạch chuyên viên, 1 đồng chí, chiếm 0.53% được bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính.

Ủy ban nhân dân các xã đều xây dựng quy chế hoạt động; hàng năm xây dựng chương trình làm việc của Ủy ban nhân dân, thực hiện việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân xã họp định kỳ tháng một lần để thảo luận và quyết định tập thể các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao. Trong hoạt động của mình, Ủy ban nhân dân các xã luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng uỷ. Trên cơ sở Nghị quyết của cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hoá tổ chức thực hiện. Trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với các cơ quan, ban ngành

liên quan chuẩn bị nội dung để báo cáo Đảng uỷ, Ban Thường vụ Đảng uỷ cho ý kiến trước khi trình bày tại Hội đồng nhân dân.

Đối với Mặt trận và các đoàn thể, 66.67% Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền,

Để thu thập ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân, hàng năm Ủy ban nhân dân của 3/9 xã (chiếm 33.33%) tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân; Ủy ban nhân dân của 5/9 xã (55.56%) đặt hòm thư góp ý xây dựng chính quyền tại trụ sở. Trước khi triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các công trình, dự án, Ủy ban nhân dân của 6/9 xã (chiếm 66.67%) phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến của nhân dân.

Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân các xã đều đảm bảo quy định của pháp luật; hoạt động quản lý, điều hành có nhiều đổi mới, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ cán bộ, công chức được xây dựng ngày càng vững mạnh từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương.

Tuy nhiên, chất lượng cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân vẫn còn bất cập. Theo kết quả điều tra cho thấy vẫn còn 3.68% cán bộ mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở; chỉ có 44.74% có trình độ, đại học, cao đẳng; có 42.63% cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân chưa được đào tạo lý luận chính trị; đặc biệt, đang còn 97.37% cán bộ, công chức chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước. Cho nên một số cán bộ, công chức không đủ năng lực, không nắm chắc chủ trương, chính sách, thiếu cơ sở lý luận để giải quyết vẫn đề thực tiễn.

Hoạt động quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các xã trên một số mặt còn buông lỏng, yếu kém như: việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thực hiện chính sách xã hội; việc nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự chưa kịp thời, còn để xẩy ra những vụ việc phức tạp, khiếu kiện tập thể, khiếu nại tố cáo vượt cấp, chống người thi hành công vụ, đe dọa cán bộ. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp trên và cùng cấp, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở một số xã đạt kết quả thấp. Các thôn, xóm, khối phố chưa thể hiện đúng

vị trí là cánh tay vươn dài của chính quyền cơ sở; một số thôn, xóm, khối phố thiếu chủ động trong giải quyết những vấn đề phát sinh của đơn vị mình, còn biểu hiện đùn đẩy lên trên; thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền với các tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, khi được hỏi về vai trò quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã, chỉ có 28.06% ý kiến đánh giá tốt, 33.19% ý kiến cho rằng khá, đặc biệt còn 27.77% ý kiến đánh giá ở mức trung bình và 8.97% ý kiến cho rằng yếu.

Trong hoạt động, một số xã (33.33%) chưa xây dựng quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nên chưa phát huy được dân chủ cơ sở. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các công trình, dự án chưa tổ chức để tham vấn ý kiến của nhân dân, chưa tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện giám sát và phản biện. Vì vậy, một số chương trình, kế hoạch khi triển khai chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên là do kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các phòng ban chuyên môn ở một số xã còn bất cập trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với chính quyền nói chung và Ủy ban nhân dân nói riêng chưa thật sự đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên thuộc Ủy ban nhân dân chưa được thường xuyên.

Chưa phát huy đúng mức trách nhiệm xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Điều kiện về cơ sở vật chất và các yếu tố đảm bảo khác cho hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã còn yếu.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị cơ sở ở huyện can lộc, tỉnh hà tĩnh thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 46)