Can Lộc xưa kia có tên gọi là Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang, được xem là vùng đất "địa linh nhân kiệt" của xứ Nghệ An gắn với tên tuổi của nhiều vị tướng tài ba lỗi lạc, nhiều danh nhân lịch sử tiêu biểu. Vào thế kỷ 17 nhân dân Can Lộc đã ủng hộ nhà Lê xây dựng sự nghiệp của một quốc gia. Ở Can Lộc nổi bật lên một dòng họ thế tướng, truyền suốt mấy thế hệ gần 300 năm, đó là dòng họ Ngô với tên tuổi của Ngô Phúc Vạn, Ngô Văn Sở... Đặc biệt, cuối thế kỷ 17, nhân dân Can Lộc đã cùng với nhân dân huyện Nghi Xuân tạo ra một điểm giao lưu văn hóa có ảnh hưởng lớn trong văn học. Can Lộc có làng Trường Lưu, quê hương của hát phường vải nổi tiếng, có Nguyễn Huy Oánh - cây đại thụ trong nền văn hóa Hồng Lam, hay Nguyễn Huy Tự với cuốn "Hoa Tiên" tạo điều kiện mở đầu cho Nguyễn Du sáng tác nên tác phẩm vĩ đại "Truyện Kiều".
Sang thế kỷ 18, tiếp tục dòng chảy của một vùng đất anh kiệt, người dân Can Lộc đã đóng góp tích cực cho dòng văn hóa của tỉnh nhà. Danh tiếng "Thiên Lộc tứ hổ" được lưu truyền rộng rãi. Giai đoạn này có rất nhiều người làm quan và đỗ Thám
hoa, Bảng nhãn như: Phan Kính, Đặng Văn Kiều, Nguyễn Huy Oánh, Vũ Diễm... hay có những ẩn sĩ nổi tiếng, giúp ích nhiều cho đất nước như Nguyễn Thiếp.
Những năm đầu thế kỷ 20 là những năm sôi nổi, mảnh liệt nhất của người dân Can Lộc. Đỉnh cao là phòng trào chống thuế 1908 - hạt nhân của Nghệ Tĩnh do Nguyễn Hàng Chi cầm đầu, tiếp đến là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Trong cao trào Cách mạng tháng tám, ở Can Lộc, đội khởi nghĩa vũ trang thuộc Đoàn thanh niên cứu quốc Can Lộc đã khởi nghĩa và giành chính quyền sớm hơn 3 ngày (16/8/1945) so với các địa phương khác trong cả nước. Nơi đây, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành bản hùng ca về tinh thần bất khuất của người dân Can Lộc anh hùng.
Nhân dân Can Lộc có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, với truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng được tiếp nối liên tục đã hội tụ ở vùng đất này nhiều danh nhân học rộng, tài cao, nhiều danh nhân văn hóa như: Thám hoa Đặng Bá Tĩnh (thời nhà Trần); danh tướng Đặng Tất (thời Hậu Trần); Thượng thư kiêm Tổng tài Đặng Minh Khiêm, Đặng Chiêm; tiến sĩ Nguyễn Hành, Trần Quốc Thượng; La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; Đại tư mã Ngô Văn Sở; danh tướng Ngô Phúc Vạn, nhà văn hóa Hà Tông Mục; Đình Nguyễn Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ; Đình Nguyễn Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính; chí sĩ Ngô Đức Kế; nhà yêu nước Võ Liêm Sơn; nữ anh hùng La Thị Tám...
Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và hiếu học của địa phương, hiện nay các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Can Lộc luôn quan tâm tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và phát triển sự nghiệp giáo dục trên tất cả các mặt từ xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... xem đó là động lực cho sự phát triển của huyện. Đến nay toàn huyện có 4 Trường Trung học phổ thông (01 trường Dân lập), 17 Trường Trung học cơ sở (trong đó có 6 trường liên xã), 25 Trường Tiểu học, 24 Trường Mầm non, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề và 01 Trường dạy nghề tư nhân Phạm Dương, 23 Trung tâm học tập cộng đồng, tổng số học sinh các cấp học 40.500 em. Đã hoàn thành vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở hoàn thành vào đầu năm 2002 và phấn đấu hoàn thành phổ cập bậc trung học
vào năm 2014. Đến nay có 8 xã đã đạt chuẩn; có 01 trường trung học phổ thông, 11/17 trường trung học cơ sở, 21/24 trường Tiểu học, 8 trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 10 trường Tiểu học đạt chuẩn mức 2, 18 trường đạt chuẩn mức 1). Các hoạt động giáo dục đã quán triệt cuộc vận động “hai không” nên hạn chế nhiều tiêu cực, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Toàn huyện có 39 di tích được xếp hạng, trong đó: 26 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và 13 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đảng bộ huyện có tổng số 7.998 đảng viên, có 54 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Với truyền thống hào hùng và những tiềm năng to lớn của mình, trong tương lai huyện sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc. Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập Quốc tế, cả nước nói chung và huyện Can Lộc nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phải nhận thức sâu sắc những thuận lợi, khó khăn; phấn đấu vì sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng Can Lộc thành một huyện giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với truyền thống hào hùng và những giá trị văn hiến của vùng đất xứ Nghệ.