Đánh giá chung về quản lý, bảo tồn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khu vực hệ đầm phá tam giang cầu hai (Trang 58 - 61)

Đánh giá chung về mặt tổ chức

- Về mặt tổ chức: công tác quản lý tài nguyên đầm phá nhằm phát triển HST ĐNN khu vực đầm phá theo hướng bền vững, vai trò của các cấp chính quyền không thể bao trùm lên tất cả và thường xuyên mà cần có sự tham gia của cộng

đồng dân cư do họ chính là người trực tiếp bảo vệ nguồn lợi cho họ đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định sinh kế lâu dài.

Phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc trao quyền quản lý khai thác mặt nước là cần thiết để người dân hoạt động hợp lý dựa trên cơ sở các văn bản quy định của Nhà nước. Việc trao quyền nhằm mục tiêu xây dựng đồng quản lý tài nguyên đầm phá, cải thiện một số hoạt động sinh kế của các nhóm khai thác thủy sản, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong quản lý tài nguyên đầm phá.

Trên thực tế, sở hữu ĐNN đầm phá bao gồm cả sở hữu nhà nước và sở hữu cộng đồng, không có sở hữu cá nhân. Sở hữu cộng đồng đối với đánh bắt, nuôi trồng, nông nghiệp do chính quyền xã quản lý. Các hoạt động khác, tùy quy mô do chính quyền huyện, tỉnh, thậm chí Nhà nước quyết định. Hiện tại quyền sử dụng ĐNN với tư cách lãnh thổ (thí dụ, để xây dựng ao nuôi trồng thuỷ sản), theo phân cấp, do UBND huyện cấp. Tuy nhiên, mặt nước tự nhiên nơi có thể khai thác thuỷ sản, mặc dù có phân định theo ranh giới hành chính cấp xã, nhưng không được quản lý trên thực tế.

Đánh giá chung về hệ thống văn bản pháp luật

- Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo tồn hệ sinh thái ĐNN nói chung và khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng ngày càng hoàn chỉnh hơn, tạo cơ sở cho việc đánh giá tầm quan trọng hệ sinh thái đầm phá thiết lập cơ chế sử dụng hợp lý và hiệu quả các vùng đất ngập nước. Các chương trình, dự án, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đất ngập nước được xác định; các hình thức khen thưởng, xử phạt vi phạm cũng được đề cập, đây là những định hướng quan trọng đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát triển đầm phá.

- Quy chế khai thác, quản lý thủy sản đầm phá là cơ sở pháp lý quan trọng để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng phương thức khai thác, khuyến khích khai thác bền vững để phát triển nguồn lợi thủy sản là nguồn tài nguyên có tiềm năng lớn tại đầm phá. Bên cạnh đó, Điều lệ của Chi hội nghề cá và việc thành lập

các khu bảo vệ thủy sản đã mang lợi những lợi ích nhất định đối với công tác bảo tồn HST ĐNN tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, góp phần gìn giữ các loài sinh vật quý hiếm, có nguy cơ cạn kiệt, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các hệ sinh thái đã và đang dần biến mất. Xây dựng các khu bảo vệ không những góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái đầm phá, điều hòa môi trường và nguồn giống thủy sản mà còn có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế lâu dài, thể hiện hướng đi đúng đắn trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý liên quan đến quản lý, bảo tồn đầm phá hiện nay còn một số vấn đề.

- Hầu hết nội dung quản lý, bảo tồn khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ được lồng ghép trong các văn bản nêu trên, chưa có văn bản chính thức được ban hành quy định về công tác quản lý, bảo tồn HST ĐNN Tam Giang - Cầu Hai, ví dụ như các nội dung, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường khu vực đầm phá được lồng ghép trong quyết định phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 hoặc trong các quyết định liên quan đến hoạt động thủy sản. Việc thiếu văn bản quy định chính thức sẽ làm giảm hiệu quả quản lý, bảo tồn khu vực này do nội dung bảo vệ môi trường rời rạc trong các văn bản có thể chồng chéo hoặc đối lập nhau, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai.

- Việc triển khai, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững đầm phá chưa được quan tâm đúng mức; thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện ở từng cấp, ngành.

- Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có rất nhiều loại giá trị trong HST ĐNN, tuy nhiên các văn bản ban hành mới chỉ tập trung vào 2 đối tượng chính là thủy sản và du lịch, các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn cũng chỉ xoay quanh 2 đối tượng này. Các giá trị khác như đa dạng sinh học, điều tiết nước, cung cấp, sản xuất chất dinh dưỡng... chưa được nhắc đến trong các văn bản này.

- Thiếu quan tâm trong công tác quy hoạch, tình trạng tự phát trong nuôi trồng tràn lan, thiếu kiểm soát trong hoạt động thủy sản, vượt quá tầm quản lý của cơ quan có thẩm quyền cơ sở.

- Các cấp chính quyền còn lúng túng trong việc cụ thể hóa việc thực hiện các quy định pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành, ví dụ Nghị quyết 15/NQ-TU là chủ trương quan trọng của Thừa Thiên Huế nhưng không có văn bản cụ thể hóa. Do chưa có chính sách chung, trong khi các huyện, xã thuộc vùng đầm phá lại ban hành quy định để tự quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác trên đầm phá thuộc địa phận mình quản lý. Các quy định này tại mỗi địa phương khác nhau và thiếu thống nhất, đồng bộ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng trực tiếp hoạt động trên đầm phá.

Chính bởi một số tồn tại nêu trên trong công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên tại khu vực này, cần thiết nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý mới vừa cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư, vừa đảm bảo cân bằng sinh thái, hiệu quả trong bảo tồn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khu vực hệ đầm phá tam giang cầu hai (Trang 58 - 61)