Thực trạng bảo hộ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu BẢO HỘ QUYỀN CỦA NHÀ SẢN XUẤT BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH (Trang 47 - 50)

Ở các nước, các quyền liên quan từ lâu đã được đưa vào luật quyền tác giả. Đối với Việt Nam, quyền liên quan là một lĩnh vực tương đối mới. Việt Nam đã tham gia và thực hiện hầu hết các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan như: Công ước Berne 1971 bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Pome 1961 bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ; Công ước Brussels 1974 liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền hình qua vệ tinh; Hiệp định TRIPS 1994 về những khía cạnh liên quan đến thương mại. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song cần phải nhìn nhận một thực tế đó là công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của nhà sản xuất bản ghi âm nói riêng ở Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều bất cập, điển hình như:

Thứ nhất, Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT quy định: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.

Như vậy quyền liên quan là một thuật ngữ được hiểu là nó phải liên quan đến quyền tác giả, hay nói cách khác nhất thiết nó chỉ được phát sinh trên cơ sở đã tồn tại một/những tác phẩm trước đó.

Nhưng Khoản 3 Điều 16 Luật SHTT lại quy định: “Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác”. Như vậy, các âm thanh, hình ảnh khác trong quy định này có thể được hiểu là âm thanh, hình ảnh không liên quan đến quyền tác giả, ví dụ một người ghi tiếng chim kêu, vượn hót, hình hươu, nai nhảy múa trong rừng hoặc bản ghi hình một trận đấu thể thao…thì theo Khoản 3 Điều 16 được bảo hộ theo quyền liên quan, nhưng bản ghi âm, ghi hình này lại không hề liên quan gì đến quyền tác giả, không được phát sinh trên cơ sở đã tồn tại tác phẩm bất kỳ nào trước đó. Thực chất bản ghi âm, ghi hình này là một tác phẩm nghệ thuật (nếu nó thỏa mãn định nghĩa tác phẩm nghệ thuật – nhưng rất tiếc Luật cũng không định nghĩa cụ thể tác phẩm, trong đó có tác phẩm nghệ thuật), bởi vậy nó được bảo hộ quyền tác giả chứ không phải được bảo hộ theo quyền liên quan. Đây là vấn đề quan trọng cần phải bàn đến việc này, bởi lẽ việc phân định quyền tài sản khi bảo hộ theo quyền tác giả hay quyền liên quan rất khác nhau.

Ngoài ra, Luật không định nghĩa thế nào là bản ghi hình nên không thể xác định được đối tượng bảo hộ, bởi vậy có thể nhầm lẫn bản ghi hình với tác phẩm điện ảnh theo quy định tại điều 14 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP: “Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác”. Để tránh việc đồng nhất bản ghi âm, ghi hình với tác phẩm điện ảnh và cũng để minh họa cho quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Luật, Khoản 6 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh

khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác”. Tưởng chừng được làm rõ nghĩa thêm các quy định của Luật thì chúng ta lại bắt gặp một thuật ngữ mới, đó là tác phẩm nghe nhìn tác phẩm nghe nhìn khác, cần lưu ý rằng Luật và Nghị định 100/2006/NĐ-CP không định nghĩa tác phẩm nghe nhìn.

Thứ hai, trên thực tế, các hãng sản xuất chương trình băng, đĩa với tư cách là nhà đầu tư tài chính, là chủ sở hữu các chương trình ghi âm do mình sản xuất ra. Với vai trò đó, các hãng đã vật hóa các sáng tạo âm nhạc của nhạc sỹ, lao động biểu diễn của ca sỹ, nhạc công, đạo diễn chương trình thành các sản phẩm băng, đĩa phục vụ công chúng. Hoạt động đó đã góp phần lưu giữ các nền âm nhạc trên thế giới. Thông qua hoạt động của mình, các hãng đã tạo cơ hội cho các ca sỹ thành đạt trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các nhạc sỹ sáng tạo ra nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao phục vụ công chúng.

Để tổ chức các chương trình băng đĩa, nhìn chung các hãng sản xuất đã tôn trọng quyền của nhạc sỹ, bằng việc xin phép, ghi tên tác giả trên sản phẩm băng đĩa, thanh toán tiền nhuận bút. Các ca sỹ, nhạc công, đạo diễn tham gia xây dựng chương trình băng đĩa đã được các hãng đảm bảo quyền lợi về tinh thần và vật chất. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng được duy trì trong cơ chế kinh tế thị trường. Một số hãng kinh doanh phát triển, đã mở rộng sản xuất, có lợi nhuận, đóng góp lớn cho Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, không ít các trường hợp sử dụng tác phẩm không xin phép nhạc sỹ, nghệ sỹ. Một số trường hợp tùy tiện thay lời, đổi nhạc vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Tình trạng làm các bản sao vượt số lượng đã thỏa thuận với nhạc sỹ, nghệ sỹ, không thanh toán tiền bản quyền cũng diễn ra.

Các hãng sản xuất băng, đĩa cũng đã trở thành nạn nhân của các hành vi vi phạm quyền hợp pháp của mình. Nạn in sang lậu đang diễn ra tràn lan đối với các chương trình băng, đĩa có chất lượng, phù hợp với thị hiếu của công chúng. Tình trạng trích ghép từ nhiều chương trình của các hãng khác nhau thành chương trình mới để phát hành là hành

vi chiếm đoạt toàn bộ đầu tư của các hãng. Việc in nhân bản từ nước ngoài, nhập khẩu trái phép qua biên giới các loại băng, đĩa để bán phá giá tại thị trường Việt Nam, đã gây tổn thất lớn cho các nhà sản xuất.

Một phần của tài liệu BẢO HỘ QUYỀN CỦA NHÀ SẢN XUẤT BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH (Trang 47 - 50)