Cơ chế bảo hộ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm thông qua việc thực thi quyền hướng tới mục tiêu chính là bảo đảm một mức độ tương ứng về bảo hộ quyền ở các Quốc gia thành viên với các mục tiêu khác như: (i) Kích thích đầu tư sáng tạo; (ii) Ngăn chặn những thất thoát về thuế; (iii) Thúc đẩy sự phát triển kinh tế đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí; iv) Bảo hộ người tiêu dùng; (v) Đảm bảo duy trì trật tự công cộng.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của cơ chế thực thi quyền trong việc bảo hộ quyền SHTT, pháp luật quốc tế đã có khá nhiều quy định về vấn đề này. Điều 26 Công ước Rome 1961, Điều 23 Hiệp ước WPPT về biểu diễn và ghi âm cùng quy định các bên ký kết phải ban hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng các Công ước này phù hợp với hệ thống pháp luật nước mình. Các thành viên đó cũng phải bảo đảm các thủ tục thi hành đó đã phải có sẵn trong pháp luật nước mình và phải ở trong tình trạng có thể thực hiện được.
Điều 3 Công ước về Bản ghi âm cũng đã khẳng định pháp luật các quốc gia thành viên phải đề ra các biện pháp để thực thi Công ước. Các biện pháp đó bao gồm việc bảo hộ (i) bằng cách cấp bản quyền tác giả cho các bản ghi âm; (ii) bằng cách cấp các quyền cụ thể khác; (iii) bằng luật liên quan tới cạnh tranh không lành mạnh; (iv) hoặc bằng chế tài hình sự.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng các Công ước, Hiệp ước trên chỉ nêu ra những vấn đề chung về thực thi quyền mà không đi sâu vào chi tiết các biện pháp thực thi. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc thống nhất áp dụng trên thực tế, HĐ.TRIPs ra đời đã khắc
phục hạn chế này. Các quy định về thực thi theo các cam kết quốc tế, vì thế sẽ được đề cập ở Hiệp định TRIPs.
TRIPs đã dành cả phần III, từ Điều 41 đến Điều 64 để quy định về thực thi quyền SHTT, bao gồm hai phần chính: Thứ nhất, quy định về các yêu cầu chung đối với hệ thống pháp luật của các bên ký kết về thực thi quyền SHTT; Thứ 2, quy định về các yêu cầu cụ thể về thủ tục dân sự, hành chính, hình sự và các biện pháp kiểm soát biên giới. Đây cũng chính là các quy định về thực thi quyền của nhà sản xuất bản ghi âm.
4.1. Các yêu cầu chung về việc thực thi quyền của nhà sản xuất bản ghi âm.
Điều 41 HĐ.TRIPs yêu cầu các bên ký kết có nghĩa vụ quy định trong luật quốc gia các thủ tục thực thi cho phép chống lại có hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền. Quy định này cũng đã được đề cập tại Điều 23 Hiệp ước WPPT, Điều 26 Công ước Rome. Điều 41 Hiệp định TRIPscũng quy định các thủ tục thực thi trong pháp luật quốc gia chỉ được coi là có hiệu quả khi đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất: Phải bao gồm các biện pháp kịp thời để ngăn chặn xâm phạm và các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, không để các hành vi xâm phạm tiếp diễn.
Thứ hai: Việc áp dụng các thủ tục thực thi phải không gây cản trở đối với hoạt động thương mại chính đáng và có các biện pháp bảo vệ có hiệu quả chống lại sự lạm dụng của chủ thể quyền. Yêu cầu này được đưa ra nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa việc bảo hộ quyền của các nhà sản xuất bản ghi âm và quyền của các bên liên quan cũng như của xã hội nói chung.
Hai yêu cầu trên có thể được coi là nguyên tắc có tính chất chỉ đạo và cơ bản nhất cho hoạt động thực thi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các quốc gia trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác như:
Các thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng, không được quá phức tạp hoặc tốn kém và không có những giới hạn bất hợp lí về thời gian cũng như sự chậm trễ không chính đáng.
Các quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính và thủ tục xét xử phải được thể hiện bằng văn bản và nêu rõ các lí do là căn cứ của các quyết định đó. Các quyết định giải quyết vụ việc chỉ dựa trên chứng cứ mà các bên liên quan đã đưa ra.
Các bên tham gia khiếu kiện phải có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính theo thủ tục tư pháp.
- Hệ thống tư pháp để thực thi các quyền không phải tách biệt với hệ thống tư pháp để thực thi pháp luật nói chung.
4.2. Quy định về các yêu cầu cụ thể về thủ tục dân sự, hành chính, hình sự và các biện pháp kiểm soát biên giới (Các biện pháp thực thi).
4.2.1. Biện pháp hành chính.
Các quốc gia ký kết phải xác định ở nước mình hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm quyền của nhà sản xuất bằng biện pháp hành chính. Hiệp định không yêu cầu cụ thể cơ quan nào sẽ giữ trách nhiệm này mà để các thành viên tự quyết định. Nhưng thường thì việc thực thi sẽ được thực hiện chủ yếu bằng hệ thống cơ quan hành pháp. Mặc dù vậy, có một số nước sử dụng cơ quan tư pháp để thực thi pháp luật, Hoa Kỳ là một ví dụ.
Điều 49 Hiệp định TRIPs quy định trong quá trình xử lí vụ việc bằng biện pháp hành chính, các quốc gia vẫn có thể áp dụng bất kì biện pháp chế tài dân sự nào, nhưng phải phù hợp với các nguyên tắc chung Hiệp định đã đề ra.
4.2.2. Biện pháp dân sự.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chủ sở hữu các đối tượng bản ghi âm có thể áp dụng một số biện pháp, thủ tục nhất định theo qui định của pháp luật. Trong số các biện pháp, thủ tục đó, thủ tục dân sự chiếm một vị trí rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các hệ thống tư pháp trên thế giới, tranh chấp trong lĩnh vực bản ghi âm được giải quyết thông qua các thủ tục dân sự. Điều đó được lý giải bởi lẽ xét trên góc độ luật pháp, quan hệ bản ghi âm mang bản chất của một quan hệ pháp luật về dân sự, đối tượng của quan hệ này là một loại tài sản đặc biệt: tài sản SHTT. Do vậy, việc xử lý các
hành vi xâm phạm quyền bản ghi âm cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này đương nhiên sẽ tuân theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hơn nữa, so với các thiết chế và thủ tục thực thi khác, thủ tục dân sự chiếm ưu thế hơn bởi tính dân chủ và khả năng duy trì cũng như bảo đảm công lý của nó. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng thủ tục dân sự là con đường duy nhất để giải quyết thoả đáng vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xâm phạm.
Đặc biệt, Hiệp định TRIPS chú trọng đến các biện pháp và thủ tục dân sự hơn so với các biện pháp chế tài khác, dưới hai hình thức chủ yếu là các biện pháp khẩn cấp tạm thời và đền bù thiệt hại.
Các yêu cầu chung của thủ tục tố tụng dân sự:
Hiệp định TRIPs đưa ra một yêu cầu chung đối với các thủ tục và biện pháp chế tài dân sự là các thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng. Các thành viên của hiệp định phải bảo đảm quyền tham gia các thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến bất kỳ loại quyền SHTT nào quy định trong Hiệp định TRIPs. Và theo nguyên tắc thông thường, người nào chứng minh được mình là người có quyền hợp pháp đều có quyền khởi kiện nếu có chứng cứ cho rằng quyền của mình không được tôn trọng hoặc bị vi phạm. Sự bảo đảm quyền và thực thi các thủ tục một cách đúng đắn và công bằng phải đảm bảo lợi ích chính đáng cho cả hai bên trong tranh chấp.
Trong quy định của Hiệp định TRIPs, bên bị xâm phạm quyền tác giả có thể khởi kiện bên vi phạm theo thủ tục tố tụng dân sự. Bị đơn phải được thông báo bằng văn bản một cách kịp thời và chi tiết để họ biết mình bị kiện vì lý do gì và bị buộc phải chịu những trách nhiệm gì. Các bên đều có quyền bình đẳng trong việc cung cấp chứng cứ và được phép có cố vấn pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước toà. Toà án căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm có thể đưa ra các lệnh: chấm dứt hành vi vi phạm, buộc người có hành vi xâm phạm phải đền bù thoả đáng thiệt hại mà chủ thể có quyền sở hữu phải gánh chịu do hành vi xâm phạm. Trong trường hợp thích hợp, hiệp định còn quy định các thành viên có thể cho cơ quan xét xử được quyền ra lệnh thu hồi các khoản lợi
nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm kể cả trường hợp người xâm phạm đã thực hiện hành vi đó khi không biết hoặc không có căn cứ để biết điều đó. Qua đó có thể thấy, hiệp định đã đề ra rất nhiều biện pháp dân sự khá nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền nhà sản xuất bản ghi âm.
4.2.3. Chế tài hình sự.
Mặc dù không có quy định cụ thể về các chế tài hình sự nhưng Hiệp định TRIPs cũng đưa ra khung pháp luật cho các nước thành viên áp dụng. Các thành viên hiệp hội bắt buộc phải có quy định việc áp dụng các thủ tục hình sựvà các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm. Ngoài ra hiệp định cũng quy định các hình phạt bổ sung như bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Có thể nói, với quy định này, hiệp định đã cho thấy sự đấu tranh hết sức triệt để của pháp luật quốc tế đối với loại tội phạm xâm phạm quyền của nhà sản xuất.
4.2.4. Biện pháp tạm thời
Do việc thực hiện các thủ tục dân sự và hình sự có thể cần nhiều thời gian, nên Hiệp định TRIPs quy định các cơ quan pháp luật phải có trách nhiệm đưa ra những biện pháp khẩn cấp tạm thời và hiệu quả nhằm ngăn chặn xảy ra vi phạm, ngăn các hàng hoá vi phạm đi vào kênh thương mại. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời thường nhằm hai mục đích cơ bản. Thứ nhất, để thu thập chứng cứ, lưu giữ các chứng cứ liên quan về hành vi được coi là vi phạm, bảo vệ chứng cứ trước nguy cơ bị tiêu huỷ; thứ hai, nhằm bảo đảm bồi thường. Các biện pháp này yêu cầu bị đơn ngừng hoặc chấm dứt một hành vi nhất định.
Để ngăn chặn tình trạng chứng cứ bị bên vi phạm tẩu tán hoặc tiêu huỷ, toà án có quyền ra lệnh cho bên vi phạm cho phép chủ sở hữu quyền tác giả vào lục soát bên vi phạm để thu giữ, sao chép, vv..để tìm chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị kiện. Để có được lệnh này và để tránh sự lạm dụng lệnh này, nguyên đơn phải có chứng
cứ để chứng minh rằng: Thứ nhất, có sự xâm phạm rõ ràng; thứ hai, có nhiều khả năng cho thấy chứng cứ của việc xâm phạm sẽ huỷ nếu lệnh này không được đưa ra; thứ 3, lệnh này sẽ không gây khó khăn qua mức đối với bị đơn; thứ tư, nguyên đơn cam kết trả mọi khoản bồi thường, nếu bị đơn không xâm phạm quyền của nguyên đơn.
Biện pháp tạm thời này được thể hiện rất rõ trong Điều 50.2 Hiệp định TRIPs, theo đó Hiệp định cho phép các cơ quan xét xử trong trường hợp cần thiết, đặc biệt nếu bất kỳ một sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ gây hậu quả không khắc phục được cho chủ thể quyền, hoặc nếu có thể thấy rằng chứng cứ đang có nguy cơ bị thủ tiêu, các cơ quan xét xử cũng phải có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời trước khi nghe bị đơn trình bày ý kiến.
Nói tóm lại, từ những phân tích trên đây chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam đã xây dựng được những văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và khá hài hoà với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, là một vấn đề mới mẻ và phức tạp nên việc xây dựng một hệ thống