thủ tục. Những quy định trên chỉ là một hạn chế về mặt thủ tục, là thủ tục hình thức mà một số quốc gia đề ra trong pháp luật quốc gia mình.
2.3. Thời hạn bảo hộ.
Về thời hạn bảo hộ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, Điều 4 Công ước Geneva quy định: “thực hiện bảo hộ sẽ tuỳ thuộc vào pháp luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết. Tuy nhiên nếu luật pháp quốc gia quy định một thời hạn cụ thể cho sự bảo hộ này, thì thời hạn đó sẽ không ít hơn 20 năm kể từ khi kết thúc của năm mà các âm thanh thể hiện trong bản ghi âm được ghi lần đầu hoặc của những năm mà bản ghi âm được công bố lần đầu”. 20 năm cũng chính là thời gian bảo hộ tối thiểu đã được ghi nhận trong Công ước Rome tại Điều 14. Trong khi đó Điều 17 Hiệp ước WPPT: “thực hiện bảo hộ dành cho nhà sản xuất bản ghi âm theo hiệp ước này kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thực hiện 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm đã được công bố, nếu không có việc công bố này trong vòng 50 năm kể từ khi định hình bản ghi âm, 50 năm tính từ khi kết thúc năm mà việc định hình được thực hiện”. Như vậy, thực hiện bảo hộ theo Hiệp ước WPPT kéo dài hơn so với quy định của Công ước Rome và Công ước Geneva. Thực hiện bảo hộ các bản ghi âm theo quy định Hiệp định TRIPs cũng tương tự như Hiệp ước WPPT, bảo hộ trong 50 năm, tuy nhiên chúng có sự khác biệt về nội dung. Theo Điều 14.5 của Hiệp định TRIPs, thời hạn 50 năm luôn được tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà việc ghi âm được tiến hành, trong khi đó, thời hạn mà Hiệp ước WPPT qui định lại được tính kể từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm đựơc công bố, và chỉ trong trường hợp không được công bố thì thời hạn mới được tính theo Hiệp định TRIPs. Do việc công bố thường diễn ra sau khi định hình nên thời hạn tính theo Hiệp ước WPPT nhìn chung là dài hơn. Hiện nay thời hạn 50 năm là mức bảo hộ phổ biến được áp dụng hầu hết các nước trên thế giới.