TBG tạo máu được xếp vào loại TBG trưởng thành. Đây là các tế bào được tách ra từ máu hoặc tủy xương, chúng có khả năng tự tái tạo (self renew), có thể biệt hóa thành các tế bào đặc thù, có thể di chuyển từ tủy xương vào máu, và có thể trải qua quá trình tự chết để loại bỏ đi các tế bào không cần thiết [13], [40].
Các TBG tạo máu được định nghĩa dựa trên 3 đặc trưng cơ bản, đó là khả năng tự tái tạo, khả năng biệt hóa đa dòng và khả năng phục hồi mô tạo máu. Ngoài ra còn một số đặc điểm khác như khả năng di chuyển từ tủy ra máu, tính mềm dẻo trong biệt hóa và chết theo chương trình[13], [40], [93].
Khả năng tự tái tạo
Bằng chứng rõ ràng về khả năng tự tái tạo của các TBG là việc cung cấp liên tục các tế bào máu trong suốt cuộc đời của một cá thể. Khả năng này liên quan chặt chẽ với hoạt tính của enzyme tổng hợp chuỗi có khả năng tổng hợp chuỗi DNA mới. Ở người, thời gian tổng hợp chuỗi DNA rất ngắn trong quá trình phân bào của TBG, đặc biệt khi tác động mạnh (stress) như trong quá trình ghép [13].
Khả năng biệt hóa đa dòng
TBG tạo máu có khả năng biệt hóa thành tất cả các tế bào máu, ban đầu tạo các tế bào định hướng dòng tủy và dòng lympho. Các tế bào định hướng dòng lympho sẽ phân chia và biệt hóa thành các dòng lympho T, B và NK. Các TBG định hướng dòng tủy sẽ phân chia và biệt hóa thành các tế bào đầu dòng bạch cầu hạt, dòng mono, dòng mẫu tiểu cầu, dòng hồng cầu.
Các y văn sớm nhất đã công bố về khả năng phục hồi mô tạo máu của TBG dựa trên thực nghiệm ghép trên chuột sau khi chiếu xạ liều cao. Tương tụ như vậy, các TBG ở người cũng đặc trưng bởi đặc tính quay trở lại tủy xương và tái tạo mô tạo máu. Sau khi trở lại, nó cư trú tại tủy xương, các TBG tạo máu tăng sinh và biệt hóa, đáp ứng những tín hiệu kích thích từ môi trường đệm gian bào.
Hình 1.2. Sơ đồ biệt hóa tạo máu [Nguồn http://voer.edu.vn/m/cac-te-bao- tham-gia-vao-dap-ung-mien-dich]