9.1. Giải pháp quy hoạch
Chuẩn bị các điều kiện để ngay sau khi có Quyết định của Chính Phủ về Khu Công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế, có thể lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong khu công nghệ cao. Trong quy hoạch chi tiết sẽ đưa ra các giải pháp đảm bảo:
- Phát huy tối đa các tiềm lực thế mạnh của Thừa Thiên Huế.
- Tiến độ quy hoạch đảm bảo gắn với các chương trình phát triển bền vững tại Thừa Thiên Huế.
- Các phân khu chức năng hoàn thiện dần từng bước, ưu tiên đưa nhanh các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trong Khu đi vào hoạt động sớm và tạo ra các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao càng nhanh càng tốt.
- Quy hoạch tạo ra việc làm cho dân cư bản địa có thể định cư lâu dài và phục vụ sự phát triển của Khu Công nghệ cao, giảm nhẹ tới mức tối thiểu việc di dân và đền bù ruộng đất trên Khu Công nghệ cao.
Căn cứ trên dự toán sơ bộ trong Đề án được duyệt, ưu tiên xúc tiến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào mở (cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông, hệ thống các dịch vụ phục vụ cho các chủ đầu tư, các chuyên gia, nhân viên các loại làm việc trong Khu Công nghệ cao...) để tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án. Khẩn trương quy hoạch các khu tái định cư, quy hoạch một khu nghĩa trang nhân dân (từ nay đề nghị chấm dứt việc chôn cất một cách tự phát trong khu vực định phát triển khu công nghệ cao và tầm nhìn tới một thành phố khoa học trong vòng 10 - 15 năm tới đây 2020 - 2025) để phục vụ việc triển khai các hạng mục trong khu có thể giao đất sạch cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích từng bước các phân khu theo quy hoạch được duyệt.
9.3. Giải pháp bảo vệ môi trường
Môi trường là 1 trong 3 yếu tố trọng yếu trong phát triển bền vững; bảo vệ môi trường và duy trì môi trường sạch cũng là một yếu tố sống còn của việc phát triển công nghệ cao. Vì vậy, phải tạo ra một khu công nghệ cao thân thiện với môi trường và xã hội, và đó cũng là mục tiêu phát triển của Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bản thân mỗi doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao đã phải bảo vệ môi trường sạch chất lượng cao để bảo vệ việc tồn tại và phát triển của bản thân doanh nghiệp; trong toàn cục Khu Công nghệ cao cũng cần ưu tiên xây dựng các khu cung cấp nước sạch, khu xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn và đảm bảo chỉ phê duyệt các doanh nghiệp sạch thân thiện với môi trường với các thiết bị thực hiện một quy trình sản xuất đảm bảo giữ môi trường trong Khu Công nghệ cao không bị tác động của ô nhiễm (đặc biệt là môi trường khí, nước, đất).
9.4. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Phối hợp năng lực của các cơ sở giáo dục & đào tạo trên địa bàn tỉnh, tạo một sức mạnh tổng hợp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu Công nghệ cao trong các năm trước mắt và lâu dài:
- Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao, Ban quản lý cùng các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, xây dựng một quy hoạch và kế hoạch cung ứng nhân lực từ năm 2011 và tiếp cho các năm sau này.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế có một quy hoạch và kế hoạch: phát hiện, bồi dưỡng học sinh từ trung học phổ thông hướng tới phục vụ cho Khu Công nghệ cao từ 2015 trở đi; đặc biệt nghiên cứu và đề xuất các chính sách trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Xây dựng chính sách và xúc tiến việc thu hút các chuyên gia đầu ngành và các chuyên gia giỏi về làm việc tại Khu Công nghệ cao.
9.4.1. Nhân lực quản lý chuyên nghiệp
Như đã trình bày, Luật Công nghệ cao đã quy định một trong các điều kiện để thành lập khu công nghệ cao là: Có nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Thực tế hiện nay có lẽ khó tìm ra một nơi nào trên thế giới chuyên đào tạo cán bộ quản lý chuyên nghiệp về công nghệ cao; tuy nhiên có thể thống nhất một số tiêu chí về đội ngũ quản lý chuyên nghiệp công nghệ cao là:
- Nhà quản lý có hiểu biết về công nghệ cao.
- Nhà quản lý có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. - Nhà quản lý chuyên nghiệp công nghệ cao hiện nay ở nước ta rất hiếm, vì công nghệ cao nói chung và đặc biệt là ở Việt Nam lại rất mới và không phổ cập. Do vậy, nếu các nhà quản lý chuyên nghiệp này được chuyên tâm và không bị luân chuyển thì có hy vọng sẽ đào tạo được các nhà quản lý chuyên nghiệp công nghệ cao giỏi góp phần vào việc phát triển công nghệ cao ở nước ta.
9.4.2. Nhân lực chất lượng cao
Các nhà đầu tư nước ngoài đều có một mục tiêu cao nhất là thu được lợi nhuận lớn nhất; các yếu tố mang lại lợi nhuận cao, chi phí thấp cho nhà đầu tư đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các nhà kêu gọi đầu tư; các yếu tố lợi thế này thường nằm trong các nhóm: các loại thuế ở mức thấp, giá thuê đất thấp, và giá nhân công thấp.
Những năm trước đây các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, nhưng theo thời gian giá nhân công ở Trung Quốc tăng lên. Hiện nay giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên 200 – 300 USD/người/tháng, do vậy các nhà đầu tư đang có xu thế chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đưa đến các quốc gia có lợi thế cạnh tranh, thậm chí các nhà đầu tư sẵn sàng lập các nhà máy mới tại các quốc gia có lợi thế cạnh tranh này; có thể dẫn trường hợp “người khổng lồ” INTEL quyết định xây dựng một nhà máy lắp ráp Chip điện tử hiện đại tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề cung cấp nhân lực chất lượng cao được đặt ra cấp bách và cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và mời gọi các nhà đầu tư nhằm phát triển nhanh Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế. Các trường đại học có truyền thống tại Thừa Thiên Huế, truyền thống học tập lâu đời của cư dân đất cố đô, sẽ góp phần lớn kết quả cho giải pháp nhân lực khu công nghệ cao (giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu).
9.5. Giải pháp vùng nguyên liệu và thị trường
9.5.1. Về công nghệ thông tin
Trong những năm đầu tiên, Khu Công nghệ cao có thể triển khai tổ chức việc gia công phần mềm, công việc này không đòi hỏi một đầu tư lớn, thực chất
có thể sử dụng nguồn đầu tư từ trong nước, nguồn đầu tư của tỉnh, và nguồn tư nhân; nguồn nhân lực có thể tuyển tại chỗ và đào tạo tại chỗ. Cái khó nhất là tìm đầu ra các sản phẩm, nhưng thực tế ở Việt Nam trong mấy năm gần đây cho thấy có nhiều nơi đã tổ chức việc gia công phần mềm và tìm đầu ra cho gia công phần mềm đã đạt được những kết quả nhất định. Thừa Thiên Huế nên có các dự án cho nội dung này và có thể đạt được những thành tựu nhất định; từng bước xây dựng và phát triển công nghệ phần mềm và công nghiệp công nghệ phần mềm công nghệ thông tin.
9.5.2. Về công nghệ sinh học
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều điều tra và nghiên cứu đánh giá tiềm năng sinh học của Thừa Thiên Huế; trong những năm trước mắt cần xúc tiến việc điều tra, đánh giá các đối tượng sinh học (thực vật, động vật), có khả năng đưa vào tổ chức dây chuyền công nghiệp sản xuất tạo ra các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị gia tăng cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Như vậy, về nguồn nguyên liệu có thể tiến hành điều tra đánh giá, tổ chức khai thác bằng nguồn kinh phí trong nước: kinh phí sự nghiệp KH&CN, kinh phí dự án điều tra cơ bản và kinh phí triển khai thử nghiệm.
9.5.3. Về y dược
Trong những năm trước mắt cần xúc tiến đưa vào tổ chức dây chuyền công nghiệp sản xuất tạo ra các sản phẩm thuốc và các loại dược liệu y học cổ truyền có giá trị gia tăng cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
9.5.4. Về thị trường
Những nội dung nêu trên, ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức sản xuất và xuất khẩu, Thừa Thiên Huế có thể tiếp cận học hỏi và tìm đầu ra cho các sản phẩm ở những bước đi ban đầu. Tuy nhiên, để phát triển theo đúng tầm của mục tiêu xây dựng Khu Công nghệ cao, cần phải nghiên cứu các chính sách thích hợp để có thể tiếp cận với công nghệ thế giới, doanh nghiệp các nước phát triển và đặc biệt các quốc gia tiếp nhận đầu ra cho các sản phẩm của Khu Công nghệ cao...
9.6. Giải pháp cải cách hành chính và thu hút đầu tư
Giải pháp này luôn là yếu tố mang lại thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư, giống như đối với việc hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phát triển công nghệ cao và xây dựng khu công nghệ cao là một công việc rất lớn lao mà sức chúng ta có hạn, do vậy luôn gặp phải một hàng rào tâm lý trái chiều: nghi ngờ khả năng và tin tưởng thành công một cách dễ dãi. Vì vậy, cần tăng cường thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ và thường xuyên các thông tin tới các cơ quan và cán bộ thừa hành, tạo một sự đồng thuận và tin tưởng, cùng nhau chung sức khắc phục khó khăn từng bước tiến lên trong quá trình phát triển công nghệ cao và xây dựng Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế.