Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Đề án - Khu công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 31 - 33)

3. Hiện trạng nghiên cứu và triển khai công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế

3.2. Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế

Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (Huesoft) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, được thành lập với nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chuyên nghiệp; tổ chức xây dựng, phát triển và cung cấp các giải pháp ứng dụng CNTT tổng thể cho các cơ quan, doanh nghiệp; làm đầu mối thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Thừa Thiên Huế đầu tư để phát triển CNTT thành một ngành kinh tế. Trung tâm hình thành trong thời kỳ cả nước sôi nổi thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và

phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Nghị quyết 07 của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005. Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo phát triển CNTT thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm thông qua Nghị quyết 02 về phát triển CNTT và xây dựng công nghiệp phần mềm. UBND tỉnh đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này của Tỉnh ủy. Được sự đầu tư có tập trung của UBND tỉnh, Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế đã được hình thành và phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, Trung tâm đã có đội ngũ nhân lực 118 người có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và một cơ sở hạ tầng khang trang, ổn định. Trung tâm đã thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh giao và góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển CNTT tại Thừa Thiên Huế.

- Về hoạt động phát triển phần mềm, Trung tâm đã hình thành được 5 nhóm phần mềm chuyên nghiệp: Nhóm giải pháp tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và doanh nghiệp, Nhóm giải pháp thương mại điện tử, Nhóm giải pháp và công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS), Nhóm giải pháp tích hợp hệ thống và điều khiển tự động và Nhóm nghiên cứu và triển khai các phần mềm chiến lược. Các nhóm này đã phát triển được 35 sản phẩm phần mềm cho đến thời điểm hiện nay. Tại Thừa Thiên Huế, các sản phẩm tin học hóa quản lý nhà nước của Trung tâm đã được triển khai thành công tại Văn phòng UBND tỉnh và tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm nổi bật như các cổng giao tiếp điện tử của UBND tỉnh, UBND thành phố Huế, Sở Công thương; phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến; phần mềm tiếp nhận, xử lý và hoàn trả hồ sơ một cửa; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm quản lý xuất cảnh… Trung tâm là đơn vị hợp tác của Công ty đo đạc ảnh địa hình APT của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các ứng dụng và triển khai Dự án hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (Dự án GISHue). Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm độc lập, Trung tâm cũng đã có các giải pháp ứng dụng CNTT tổng thể trong nội bộ doanh nghiệp với một cổng giao tiếp intranet được gắn kết bởi các phân hệ tin tức nội bộ, phân hệ thông tin điều hành tác nghiệp, phân hệ thông tin quản lý và các trình diễn các chỉ số kinh doanh dựa trên các tài nguyên thông tin của doanh nghiệp. Một số phân hệ thông tin quản lý tích hợp vào cổng intranet này đã được khách hàng đánh giá cao như phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý tài sản, phần mềm quản lý tài liệu, phần mềm chấm công tự động, phần mềm quản lý tổng đài điện thoại… Trung tâm cũng nghiên cứu và chế tạo thành công các thiết bị tự động hóa và đã triển khai cho nhiều khách hàng như thiết bị tính cước tổng đài điện thoại, chuông báo giờ tự động trong các trường học, các mạch quang báo sử dụng các đi ốt phát quang để hiển thị thông tin doanh nghiệp. Bên cạnh các khách hàng trong nước, Trung tâm

cũng đã hợp tác để làm các phần mềm gia công cho các công ty của Mỹ, Pháp, Nhật bản và hiện nay vẫn đang tích cực tìm kiếm thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài, đặc biệt quan tâm nhiều đến thị trường Nhật bản.

- Về hoạt động dịch vụ, Trung tâm có 3 đơn vị: Nhóm dịch vụ thương mại điện tử Khám phá Huế, Nhóm dịch vụ Mỹ thuật Đa phương tiện và Nhóm dịch vụ Công nghệ Mạng và Internet. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Trung tâm đã xây dựng gần 150 website cho các cơ quan, doanh nghiệp; đã tạo ra các kiosk thông tin văn hóa-du lịch đặt trên đường phố, kiosk thông tin doanh nghiệp đặt tại nơi tiếp xúc với khách hàng; đã xây dựng Chợ điện tử “Khám phá Huế” làm cầu nối thương mại giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-du lịch với người dân Huế và khách du lịch đến Huế, đã phát hành các CD văn hóa du lịch phục vụ các kỳ Festival Huế. Trung tâm là một trong những đơn vị tư vấn mạnh về các giải pháp CNTT, đã xây dựng rất nhiều dự án khả thi ứng dụng CNTT cho các cơ quan, doanh nghiệp. Trung tâm đã hình thành các dịch vụ trên mạng như đăng ký tên miền và tổ chức hệ thống thư điện tử riêng cho doanh nghiệp, quảng bá thông tin doanh nghiệp thông qua các công cụ tìm kiếm mạnh như Google. Cho đến thời điểm hiện nay, Trung tâm đã ký được hơn 570 hợp đồng với các khách hàng trong và ngoài nước về các dự án ứng dụng CNTT.

- Về mặt đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, ngoài hai trung tâm đào tạo Anh ngữ CNTT và Tin học ứng dụng, Trung tâm hiện có hai trung tâm đào tạo hợp tác với tập đoàn Aptech của Ấn Độ: Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Hue-Aptech và Trung tâm đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Hue- Arena. Đây là các chương trình đào tạo nghề nghiệp CNTT chuyên sâu có thương hiệu đã được khẳng định.

- Mục tiêu phải đạt được trong thời gian tới của Trung tâm là hình thành một công ty mạnh trong lĩnh vực kinh tế tri thức, có vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển đồng thời đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Ngoài hoạt động làm các phần mềm gia công cho nước ngoài, mục tiêu cơ bản của Trung tâm vẫn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua các giải pháp ứng dụng CNTT thiết thực và hiệu quả cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Đề án - Khu công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 31 - 33)