đầu tư xây dựng cơ bản ở tỉnh Nghệ An
2.2.3.1. Những kết quả đạt được
Trong công tác giao kế hoạch vốn hàng năm, nhờ sự chủ động của các ngành, các cấp trong xây dựng kế hoạch, nắm bắt thông tin kịp thời, ngay khi có quyết định giao vốn của Trung ương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh kịp thời. Đến cuối tháng 1 hàng năm, các nguồn vốn ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia đều đã được giao chỉ tiêu. Căn cứ quyết định giao chỉ tiêu của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Tài chính và Kho Bạc Nhà nước tỉnh thông báo cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện.
Việc thực hiện thẩm định dự án, về cơ bản các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã làm tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Quá trình thẩm định đã tham gia cùng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chỉnh sửa quy mô,
nội dung đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả đầu tư của dự án. Qua thẩm định cũng đã tiết kiệm cho ngân sách một số tiền đáng kể
Từ năm 2012, thực hiện theo Chỉ thị 1792 và thực hiện Chỉ thị số 27/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản tại các địa phương đã kiểm soát việc điều chỉnh dự án chặt chẽ hơn, xác định nguyên tắc phân bổ vốn tập trung để bố trí trả nợ, hạn chế tối đa khởi công mới, do đó việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đã phần nào được nhẹ nhàng hơn.
Công tác thanh toán của Kho bạc Nhà nước với các các chủ đầu tư có nhiều cố gắng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB so với kế hoạch cũng như số vốn giải ngân tăng nhanh qua các năm. Tỷ lệ giải ngân bình quân từ năm 2010 - 2013 đạt 95%.
2.2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
* Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý vốn trái phiếu Chính phủ trong đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao so với yêu cầu đặt ra, cụ thể:
* Trong công tác kế hoạch
- Việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án còn dàn trải và kéo dài, không đảm bảo thời hạn để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; một số dự án chưa đủ điều kiện vẫn ghi kế hoạch. Vốn bố trí dàn trải, không đảm bảo tiến độ huy động vốn cho thi công dẫn tới tình trạng dự án thi công kéo dài, không đảm bảo tiến độ theo quy định, công trình chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Đối với nhiều dự án, việc kéo dài thời gian thi công đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho dự án do trượt giá, do bổ sung chi phí nhân công, máy thi công theo mức tăng lương hàng năm.
- Việc ban hành Quyết định đầu tư chưa dựa vào nguồn vốn: Các chủ đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư đều xuất phát từ nhu cầu cần thiết của địa phương đơn vị mình; nguồn vốn để đầu tư công trình không rõ. Việc ban hành Quyết định đầu tư chưa gắn với thẩm định nguồn vốn nên số dự án ban hành nhiều nhưng kết quả thực hiện còn thấp, nhiều công trình dở dang, dự án treo.
Trách nhiệm quản lý còn bị buông lỏng làm cho ban hành chủ trương tăng quá khả năng nguồn vốn do cơ chế vận hành chưa chặt chẽ, khi đề xuất của các ngành, các cấp còn chủ quan hoàn toàn và còn thiếu cơ sở, các đơn vị, ngành huyện chưa xem xét đến bức tranh hiện tại về các dự án đang yêu cầu bố trí nguồn lực, chưa dự kiến nguồn vốn trong năm kế hoạch của lĩnh vực, ngành, cấp mình, nhìn nhận đơn lẻ cho từng dự án mà chưa đề cập đến tổng thể địa bàn do mình quản lý dẫn đến hiện tượng bỏ sót các dự án có độ cần thiết cao hơn. Mặt khác, vẫn còn có tư tưởng cục bộ tranh thủ cho ngành mình địa phương mình, trong quá trình chuẩn bị đầu tư còn nóng vội để tranh thủ nguồn vốn dẫn đến chất lượng dự án không cao, tình trạng nể nang né tránh của các cấp, các ngành trong xác định sự cần thiết phải đầu tư, nắm bắt cơ chế chính sách của các cấp các ngành, các chủ đầu tư còn yếu.
- Nợ đọng XDCB lớn ảnh hưởng đến công tác xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn, gây thất thoát lãng phí cho toàn xã hội.
* Trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư
- Công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều trường hợp chưa chặt chẽ; hiện tượng đầu tư không có quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt vẫn còn, nhất là các công trình hạ tầng đô thị (đường xá, cấp thoát nước, …), các công trình thương mại (chợ đầu mối, chợ dân cư, ...) dẫn đến công trình làm phải đào phá làm lại nhiều lần, phát sinh chí phí bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, công trình khi hoàn thành không phát huy hiệu quả do không phù hợp với quy hoạch mới; một số dự án không được tính
toán cân nhắc kỹ các nội dung như địa điểm xây dựng, quy mô, công nghệ thiết bị... nên khi dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu còn coi đây là nguồn vốn “xin” được, phải đầu tư hết vốn và cân đối hài hoà lợi ích giữa các địa phương nên không tính toán kỹ hiệu quả kinh tế từ khi xác định chủ trương đầu tư đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Còn có dự án có quy mô lớn hơn so với nhu cầu sử dụng gây lãng phí vốn đầu tư.