II. Những rủi ro trong thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng
3. Đánh giá thực trạng rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ
3.2. Những rủi ro còn tồn tại
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được thì NHQĐ cũng còn một số hạn chế:
• Vẫn tồn tại L/C phải trả nợ thay còn vướng mắc chưa được giải quyết.
• Rủi ro tác nghiệp còn phổ biến và chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Nhiều thanh toán viên mắc lỗi chính tả khi tiến hành mở L/C cho khách hàng. Có thanh toán viên ghi sai ngày giá trị thanh toán, sai số tiền thanh toán nên NHQĐ phải bồi thường thiệt hại cho đối tác.Vì vậy, NHQĐ đã phải tiến hành kiểm tra tay tất cả các bức điện. Tuy nhiên, việc kiểm tra tay không mang tính chất bắt buộc và không ràng buộc trách nhiệm của người kiểm tra.
•Rủi ro uy tín còn cao: tỷ lệ L/C bị từ chối xác nhận trong tổng số L/C phát hành còn cao (1,97%).Nhiều L/C xác nhận phải ký quỹ 100% trị giá thanh toán đặc biệt là các thị trường mới như Mỹ, Italia, …
•NHQĐ chưa ngăn chặn được rủi ro hàng hoá. Vẫn còn xảy ra tình trạng hàng hoá bị rủi ro trên đường vận chuyển nhưng khách hàng không mua bảo hiểm cho hàng hoá. NHQĐ chưa có biện pháp quản lý hiệu quả việc mua bảo hiểm của khách hàng, đôi khi còn có tình trạng xuê xoa buông lỏng với những khách hàng có doanh số lớn trong việc yêu cầu mua bảo hiểm.
•NHQĐ chưa thực sự thu hút được khách hàng giao dịch L/C, đặc biệt là L/C xuất khẩu mặc dù đã có sự tăng trưởng về số lượng khách hàng và doanh số L/C nhưng nhìn chung vẫn thấp so với mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại và với tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đến năm 2007, doanh số L/C của NHQĐ chỉ chiếm 1,67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước và doanh số L/C xuât khẩu chỉ chiếm 1,18% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một trong những hạn chế trong công tác phòng ngừa rủi ro của NHQĐ là thiếu các cơ quan quản trị rủi ro như: uỷ ban quản trị rủi ro tác nghiệp, rủi ro tín dụng, ….