Đất công ích xem xét từ góc độ tạo lập nên quỹ đất này, cùng với đối tượng sử dụng bao gồm Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và hộ gia đình, cá nhân, đất công ích có hình thức sử dụng phù hợp với bản chất và mục đích.
a) Hình thức sử dụng quỹ đất công ích của Ủy ban nhân dân
Ủy ban nhân dân cấp xã, có thể được coi như là mộ chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật đất đai, vì là cơ quan duy nhất được trao quyền vừa quản lý, vừa sử dụng trực tiếp hoặc tự quyết định cho thuê đất đối với một diện tích tương đối trong tổng diện tích đất nông nghiệp hiện có của địa phương.
Hình thức sử dụng trực tiếp, là hình thức mà Ủy ban nhân dân sử dụng đất đúng hiện trạng và diện tích theo quy hoạch chi tiết đã lập của từng địa phương. Khi có nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích phát triển của xã, chính quyền sở tại đã trình bày các phương hướng phát triển đó của mình một cách khá cụ thể và chi tiết vào kế hoạch sử dụng đất do cấp huyện hoạch định (theo Luật Đất đai năm 2013, cấp xã không có thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã), nghĩa là xin để lại bao nhiêu đất cho quỹ đất công ích, nhằm sử dụng xây công trình gì…khi các dự kiến đó được chấp thuận, quyết định thành lập quỹ đất theo yêu cầu, nghĩa là Ủy ban nhân dân cấp xã, sẽ căn cứ đúng vào kế hoạch ban đầu đặt ra, để sử dụng đất công ích, mà chủ yếu nhất là xây dựng các cơ sở phục vụ công cộng, gắn liền với lợi ích chung trên địa bàn địa phương nơi đất công ích tọa lạc. Với hình thức sử dụng này đất công ích đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong phạm vi gói gọn của xã, phường, thị trấn.
Thực ra thì hình thức sử dụng này cũng chỉ là cách Nhà nước đại diện cho người dân, thể hiện các nhu cầu sử dụng đất, thông qua vai trò của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nói như vậy vì khi xây dựng các công trình gọi là để phục vụ công ích, chính là các sản phẩm được làm ra để cho chính người dân trong địa phương đó dùng trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, đâu riêng gì Ủy ban nhân dân là người hưởng lợi từ việc sử dụng đất đó, mà phải nói đúng hơn là các cơ quan cấp xã ở cương vị là người quản lý, không có cái lợi trực tiếp nào tự việc sử dụng đất công ích mà họ chỉ đóng vai trò như là một người giúp việc phụng sự nhân dân, lo các thủ tục xin đất, tạo tài chính từ đất công ích và sau đó đứng ra điều hành quá trình xây dựng và đam các công trình thành phẩm vào cho người dân sử dụng. Cuối cùng người sử dụng đất hay các lợi khác trên đất công ích cũng là người dân trong địa phương có đất
công ích.
Một hình thức sử dụng khác cũng được nhận xét là gián tiếp của Ủy ban nhân dân cấp xã đó là việc, cơ quan này tạm thời cho hộ gia đình, cá nhân thiếu đất canh tác thuê diện tích đất công ích còn trống chưa sử dụng vào mục đích công ích nào, tiền thu được từ hoạt động cho thuê đất đó cũng sẽ được sử dụng giống như khoản tiền được hỗ trợ khi có đất công ích bị thu hồi, nghĩa là sử dụng để trả cho các chi phí xây dựng các công trình công ích trong xã, hoặc nộp vào ngân sách của Nhà nước nếu không sử dụng hoặc sử dụng không hết. Và hình thức này sẽ được phân tích tiếp dưới đây.
b) Hình thức sử dụng đất công ích của hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng thuê đất
Hình thức sử dụng thông qua hợp đồng thuê đất mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng là người thuê và Ủy ban nhân dân nơi có đất công ích là bên cho thuê. Hình thức này được coi như là giải pháp giải quyết tạm thời tình trạng lãng phí đất của bên cho thuê và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của chủ thể thuê, tạo sự ổn định và phát triển cân đối cho địa phương. Hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu về đất để sản xuất nông nghiệp thì nộp đơn xin thuê đất và nếu đủ điều kiện, sẽ ký hợp đồng thuê. Ở đây cần làm rõ, tính chất của hình thức sử dụng này là kém ổn định, một mặt là do chỉ là giao dịch mang tính chất tạm thời, mặt khác hợp đồng thuê không có cơ sở bền vững như các hợp đồng thuê đất của các tổ chức, cá nhân khác được Nhà nước cho thuê đối với các loại đất ngoài quỹ đất công ích này.