MẠI SƠN THỦY
2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán chi phí kinh doanh tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Sơn Thủy
phần sản xuất và thương mại Sơn Thủy
2.1.2.1. Các nhân tố bên ngoài
Việt Nam qua từng thời kỳ với những sự thay đổi về hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với sự phát triển kinh tế. Các nhân tố bên ngoài là những nhân tố có ảnh hưởng chung đến công tác kế toán tại các doanh nghiệp, đồng thời là ảnh hưởng chung đến các ngành nghề, các lĩnh vực kinh doanh. Những nhân tố này bao gồm:
•Chế độ kế toán hiện hành và Luật kế toán:
Đây là nhân tố tất yếu ảnh hưởng đến công tác kế toán trong các doanh nghiệp nói chung, các quy định theo Chế độ hiện hành và Luật kế toán hướng dẫn tất cả các doanh nghiệp trong hạch toán kế toán, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị ngoài công lập, các đơn vị hành chính sự nghiệp…Trong đó, Chế độ kế toán quy định về hệ thống tài khoản, chứng từ sử dụng, sổ kế toán, báo cáo tài chính, theo quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và theo quyết định số 48/2006/QĐ-BTC.
Bên cạnh đó, Luật kế toán được ban hành năm 2003 để thống nhất quản lý kế toán, bảo đảm kế toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế, tài chính, cung cấp thong tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, công khai , minh bạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
•Chính sách kế toán – tài chính và vai trò điều tiết của Nhà nước:
Đó là những thay đổi trong quy định về kế toán, những thông tư ban hành bổ sung, hướng dẫn các doanh nghiệp về hạch toán kế toán; đồng thời, những thay đổi về chính sách tài chính, gây ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong mỗi kỳ kinh doanh nhất định. Đó là những thay đổi trong quy định về thuế phải nộp Nhà nước, các khoản phí và các khoản lệ phí, những thay đổi về mức lương cơ bản, giá xăng dầu, điện, nước… Ví dụ như, theo quy định cũ (Nghị định 142/2005/NĐ-CP), giá đất để tính tiền thuê đất dựa theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường; nhưng theo quy định mới (Nghị định 121/2010/NĐ-CP), giá đất để tính tiền thuê đất phải theo sát giá thị trường, khiến cho khoản phí doanh nghiệp phải trả tăng lên, nói cách khác, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng.
Mặt khác, nền kinh tế thị trường của nước ta chịu sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước đóng vai trò là người hướng dẫn, kiểm soát, điều tiết hoạt động ở tầm vĩ mô thông qua các điều luật, chính sách, tạo môi trường hành lang pháp lý cho cho nền kinh tế. Chế độ kế toán, chính sách kế toán – tài chính, luật kế toán được xây dựng nhất quán, đồng bộ sẽ giúp các doanh nghiệp hạch toán kế toán dễ dàng hơn, khoa học hơn, cụ thể là kế toán chi phí kinh doanh có thể chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Bởi thế, những quy định trong các văn bản kế toán, tài chính mà Nhà nước đưa ra phải được trình bày rõ rang, cụ thể, thống nhất với nhau, không chồng chéo và mâu thuẫn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
•Sự phát triển của khoa học kĩ thuật:
Trước kia, hạch toán kế toán trong các doanh nghiệp chủ yếu bằng phương pháp thủ công, mọi nghiệp vụ kế toán phát sinh đều được hạch toán vào những cuốn sổ được ghi chép bằng tay với giấy trắng mực đen. Cùng với việc tính toán nhiều con số, nhiều phép tính trong một ngày có thể dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót, công việc kế toán vất vả và khó khăn hơn thời nay rất nhiều. Khi mà khoa học công nghệ ngày một phát triển, kế toán trên Excel giúp nhân viên kế toán giảm được một khối lượng phép tính đáng kể, dễ dàng hơn trong quản lý. Đồng thời, sự ra đời của hàng loạt những phần mềm kế toán tiên tiến, hiện đại giúp việc kế toán ngày nay trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.
•Các nhân tố ảnh hưởng của ngành:
Mỗi ngành nghề kinh doanh có những đặc thù riêng, những đặc thù đó có ảnh hưởng nhất định với kế toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Với chi phí quản lý doanh nghiệp, là loại chi phí chắc chắn sẽ phát sinh đối với mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và tồn tại. Tuy nhiên, với chi phí bán hàng, nó có thể phát sinh thường xuyên tại các doanh nghiệp thuộc ngành nghề này nhưng rất ít hoặc không có tại doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác. Để nắm bắt được rõ ràng, cụ thể, phải tìm hiểu với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có đòi hỏi bộ phận bán hàng độc lập hay không, chi phí vật liệu, bao bì có tính riêng không hay tính vào giá thành sản phẩm, hay là, sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra có cần thiết phải có bảo hành sản phẩm hay không…Những đặc điểm riêng của từng ngành nghề kinh doanh cũng vì thế mà gây nên sự khác biệt trong kế toán chi phí kinh doanh tại mỗi doanh nghiệp.
2.1.2.2. Các nhân tố bên trong
Bên cạnh những nhân tố vĩ mô ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp, ta cần phải xem xét, chú ý đến những nhân tố tác động trực tiếp đến kế toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
•Trình độ của nhân viên kế toán
Đây là nhân tố quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến kế toán chi phí kinh doanh trong doanh nghiệp. Trình độ của nhân viên kế toán tác động đến tất cả các mặt khác trong hạch toán kế toán. Nếu nhân viên kế toán có học vấn cao, được đào tạo bài bản và dày dạn kinh nghiệm, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến chi phí kinh doanh, cụ thể là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp sẽ được hạch toán đầy đủ, chính xác. Việc hạch toán này đảm bảo doanh nghiệp vừa tuân thủ các quy định của Chế độ kế toán hiện hành, các quy định của Luật kế toán, vừa giúp doanh nghiệp quản lý tốt những khoản chi phí phát sinh và cung cấp thông tin kế toán cho những đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những nhân viên kế toán tay nghề còn non trẻ, sự nhiệt tình và ham học hỏi cũng được đánh giá khá cao. Cùng với sự sáng tạo của tuổi trẻ, họ có thể đưa ra những giải pháp hoàn thiện hơn về công tác kế toán nói chung, kế toán chi phí kinh doanh nói riêng, vẫn
duy trì những điểm mạnh mà bộ máy kế toán những người có kinh nghiệm đã xây dựng trước đó.
•Tổ chức bộ máy kế toán và tổ chức hệ thống thông tin kế toán
Năng lực của nhân viên kế toán được phát huy tối đa hiệu quả khi doanh nghiệp tổ chức bộ máy kế toán hợp lý, phù hợp với quy mô và đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Các kế toán viên được phân công công việc đúng với năng lực, trình độ của mình, kế toán trưởng là người đủ các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra.
Tổ chức hệ thống thông tin kế toán bao gồm chứng từ, tài khoản, sổ kế toán và phương pháp hạch toán. Những chứng từ mà Công ty sử dụng như Hóa đơn GTGT, Giấy báo Nợ, Phiếu thu, Phiếu nhập kho… được lập hợp lý, hợp lệ và thống nhất với nhau thì chi phí kinh doanh mới được công nhận là chi phí được trừ. Hệ thống sổ kế toán và phương pháp hạch toán đồng bộ, phù hợp với hình thức kế toán mà doanh nghiệp lựa chọn cũng là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả trong kế toán chi phí kinh doanh trong đơn vị.
•Trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống người dân. Trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thể hiện rõ nét nhất trong việc doanh nghiệp kế toán máy thay cho kế toán thủ công và lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp với bộ máy tổ chức và hình thức kế toán áp dụng trong doanh nghiệp. Việc lựa chọn này giúp công việc kế toán đơn giản, nhẹ nhàng hơn, giảm khối lượng tính toán thủ công nên số liệu chính xác hơn. Đồng thời, cùng với việc áp dụng những phát minh mới của khoa học kỹ thuật, kế toán cũng thường xuyên xem xét các thông tin liên quan, cập nhật những cái mới trong quy định, phiên bản mới của phần mềm kế toán để công tác kế toán chi phí kinh doanh được thực hiện hiệu quả hơn, cung cấp số liệu chính xác hơn.
•Năng lực quản lý của nhà lãnh đạo:
Mặc dù công tác kế toán chủ yếu được thực hiện bởi Phòng kế toán với sự hướng dẫn của Kế toán trưởng, nhưng không thể phủ nhận năng lực quản lý của nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến kế toán. Ban giám đốc
với những người lãnh đạo doanh nghiệp nếu có trình độ cao, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực có thể có những đóng góp không nhỏ trong đổi mới công tác kế toán, đưa ra quan điểm để cùng với Phòng kế toán có những quyết định hợp lý trong kế toán, Bên cạnh đó, năng lực quản lý của nhà lãnh đạo thể hiện ở sự phân cấp quản lý trong doanh nghiệp, bổ nhiệm người xứng đáng vị trí kế toán trưởng nói riêng, những vị trí quản lý ở từng phòng ban bộ phận nói chung
•Chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp
Không chỉ thực hiện những quy định về tiền lương cho công nhân viên theo Luật lao động, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng thêm một phần khi công nhân viên được hưởng theo đúng Chế độ về các khoản trích theo lương bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cùng với việc doanh nghiệp chăm lo đời sống của công nhân viên qua các buổi giao lưu, du lịch… Những khoản chi phí này là điều khích lệ tinh thần giúp họ có cố gắng và đóng góp hết mình với doanh nghiệp trong tương lai lâu dài, tăng hiệu quả hoạt động trong mọi bộ phận, phong ban của doanh nghiệp.
•Đặc điểm sản phẩm mà Công ty sản xuất kinh doanh:
Công ty kinh doanh mặt hàng chủ yếu là quần áo đi mưa. Loại mặt hàng này có giá trị không quá lớn, không yêu cầu phải bảo hành sản phẩm cho khách hàng giống như các mặt hàng điện tử, điện lạnh. Bên cạnh đó, công việc bán hàng không quá phức tạp, không đòi hỏi Công ty phải có bộ phận bán hàng độc lập, chỉ cần có một nhân viên chuyên phụ trách bán hàng. Nhân viên này chuẩn bị về bao bì, đóng gói, chuẩn bị cho vận chuyển hàng hóa một cách thuận tiện. Tiền lương và các khoản phải trả cho nhân viên này được Công ty tính cùng với nhân viên bộ phận quản lý trong Bảng thanh toán lương.
Mặt khác, kinh doanh loại sản phẩm quần áo đi mưa không đòi hỏi Công ty phải đầu tư tài sản cố định, mua sắm công cụ dụng cụ phục vụ mục đích bán hàng. Bởi vậy, hạch toán kế toán chi phí bán hàng khá đơn giản và ít nghiệp vụ phát sinh có liên quan.