8. Bố cục luận văn
2.1. Nguồn gốc của nghề làm bún Đa Mai
Xã Đa Mai có điều kiện thuận lợi nằm gần trung tâm thành phố Bắc Giang. Từ Đa Mai vào trung tâm thành phố Bắc Giang chưa đầy 2km. Với vị thế nằm liền kề quốc lộ 1A, tỉnh lộ 284 cũ, nằm cạnh sông Thương, sông Đa Mai, đây là những điều kiện thuận lợi để Đa Mai hình thành và phát triển nghề chế biến lương thực thực phẩm cung cấp cho nhu cầu sử dụng của những khu đông dân cư và nơi neo đậu tập kết của các bến thuyền qua lại.
Thời xưa sông Thương, sông Đa Mai luôn tấp nập thuyền bè quanh năm. Những thuyền buôn từ Thái Nguyên về Bắc Giang tập kết tại khu Tân Thành tạo thành khu buôn bán khá nhộn nhịp. Kinh tế nông nghiệp ở Đa Mai đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên phần lớn diện tích đất nông nghiệp chỉ cấy được một vụ trong năm, thời gian còn lại ruộng đồng bị ngập lụt vì không có đê ngăn lũ vì thế nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp không ổn định. Với những điều kiện thuận lợi, khó khăn trên chính là yếu tố để nghề thủ công ra đời ở Đa Mai trong đó có nghề làm bún. Chắc chắn nghề làm bún không phải ngẫu nhiên xuất hiện ở Đa Mai và phát triển cho đến ngày nay, sự ra đời của
nghề làm bún gắn liền tiến trình phát triển vùng đất này dưới tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội.
Trong quá trình sưu tầm tài liệu về nguồn gốc nghề làm bún truyền thống Đa Mai chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì những tài liệu thành văn có ghi chép về nguồn gốc, lai lịch của nghề, tổ nghề đều không có. Các tài liệu truyền miệng trong dân gian thì khá nhiều nhưng có nhiều dị bản, khá mơ hồ. Thành Hoàng thờ tự ở các Đình làng không trùng với vị tổ nghề làm bún.
Trong cuốn “Làng nghề và những nghề thủ công truyền thống ở Bắc
Giang” có đoạn viết: “Nghề làm bún làng Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún của miền Bắc - ba làng còn lại là: làng bún Phú Đô – Từ Liêm – Hà Nội; làng bún Tứ Kỳ - Thanh Trì – Hà Nội và làng bún Cổ Đô – Hà Tây. Ấy là bốn làng nghề làm bún có truyền thống lâu đời và nổi tiếng. Những làng nghề này đã cung cấp bún các tỉnh xung quanh” [58, tr.115]. Theo cuốn sách này, Nghề làm bún Đa
Mai có từ lâu đời (khoảng 400 năm) nhưng không ai biết được tổ nghề và không có tài liệu nào nhắc tới [58, tr. 121]. Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, những ngày lễ hội của làng mọi người dân trong làng Đa Mai đều sắm lễ ra đình, đền, chùa để tế Thần, cúng Phật, một trong những vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ là bún hoặc các sản phẩm từ bún.
Bún là sản phẩm truyền thống của Đa Mai, là niềm tự hào của người dân bao đời. Cũng chính từ sản phẩm này địa danh Đa Mai nổi tiếng trong vùng. Nhờ vào việc sản xuất bún mà cuộc sống của người dân Đa Mai ấm no, hạnh phúc. Trong tâm thế của mỗi người dân Đa Mai luôn biết ơn người đã mang nghề bún đến truyền dạy cho dân làng để họ có cuộc sống ổn định hơn.
Khi thực hiện đề tài, tác giả đã mang những thắc mắc về nguồn gốc của nghề bún ra đời từ khi nào để hỏi người dân địa phương. Chúng tôi nhận được những câu trả lời đầy tự tin về lòng yêu nghề, tự hào về nghề nghiệp của mình nhưng thông tin về thời điểm ra đời của nghề bún lại khá mơ hồ. Dưới đây là
tập hợp một số câu trả lời của người dân Đa Mai về sự ra đời của nghề làm bún.
Theo cụ Lương Thị Liệu 86 tuổi thôn Đình xã Đa Mai: “Nghề làm bún
ở Đa Mai có từ lâu đời, không ai biết chính xác có từ khi nào cả. Tôi biết làm bún từ khoảng năm mười lăm tuổi. Khi tôi đi lấy chồng thì gia đình nhà chồng cũng có sẵn nghề làm bún rồi. Gia đình nhà tôi làm bún từ đời cụ, kỵ, đến đời cháu tôi là vào khoảng sáu đời rồi”.
Cũng với câu hỏi về thời gian ra đời nghề làm bún ở Đa Mai, cô
Nguyễn Thị Thương 59 tuổi thôn Chùa xã Đa Mai trả lời:“Ở đây làm bún thì
từ lâu đời rồi, nghề bún chính xác có từ khi nào thì cũng không ai biết rõ. Từ thời mẹ chồng nhà tôi đã làm bún. Lúc đó vắt bún bằng tay vất vả lắm, quay bằng tay, được cân bún thì phải mất một bát mồ hôi. Tôi ở nơi khác lấy chồng về đây, gia đình đã có nghề sẵn rồi thế nên tôi học và làm nghề của gia đình. Tôi đã lấy chồng về đây được 40 năm thì cũng phải trên 35 năm làm bún”.
Anh Ngô Văn Thái 47 tuổi thôn Sẫu trả lời về sự ra đời của nghề làm
bún như sau:“Anh làm nghề này cũng được hai chục năm nay rồi. Nhà anh
trước đây mẹ vợ làm bún rồi truyền nghề cho vợ chồng anh. Làm bún này thì công việc nó đều hàng ngày, không phải đi làm ăn xa nhà. Anh là người ở huyện Tân Yên lấy vợ dưới này và có nghề từ đây”.
Bác Thân Hồng Sảo thôn Đình là một trong những gia đình có nhiều đời làm bún và có uy tín nhất ở Đa Mai thì cho rằng nghề bún ở đây xuất phát
từ chính dòng họ nhà bác.“Không phải tự khoe chứ nghề bún ở Đa Mai này
xuất phát từ dòng họ nhà tôi. Dòng họ nhà tôi mới là gốc của nghề bún ở Đa Mai này. Người mang nghề bún đến Đa Mai này là cụ, kỵ tính đến tôi là sáu đời. Hiện nay gia phả nhà tôi cũng không còn nữa nên không biết cụ kỵ quê ở đâu. Chúng tôi chỉ đoán cụ quê ở Nam Hà hoặc Thái Bình. Theo như các cụ truyền miệng lại thì cụ ông lên đây (tức Bắc Giang) làm phu cho Pháp đào hồ 1/6 thì gặp cụ bà nhà tôi ở làng này đi bán bánh đúc. Chứ lúc ấy ở làng này
chưa có nghề bún. Cụ bà nhà chúng tôi đi bán bánh đúc cho phu. Cụ ông ăn bánh đúc do cụ bà bán và sau đó kết duyên vợ chồng. Nhà cụ ông có sẵn nghề làm bún ở làng mình. Sau đó hai người lại về đất này mua đất cất nhà rồi sinh con đẻ cái ở làng này và làm bún. Tôi nghe các cụ nhà tôi truyền miệng là như vậy. Chứ dân ở đây không ai biết làm bún. Khi tôi còn bé thì chỉ có mấy hộ trong dòng họ nhà tôi làm bún như nhà chú thím tôi, và mấy nhà ở xóm Chùa làm bún thôi. Chứ còn mấy hộ các cháu vào tham quan hiện nay cũng chỉ làm bún cách đây khoảng 20 năm đổ lại. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ vì chính sách lương thực nên nghề bún bị cấm gắt gao. Những người làm bún phải làm chui lủi và cả làng chỉ có mấy hộ trong dòng họ nhà tôi là có cối có chày làm bún. Những năm sau đó Mẹ của tôi có quán bán bún nho nhỏ ở bên chợ Thương rất nhiều năm. Bán bún ở chợ Thương chỉ có mấy người bán thôi chứ có nhiều đâu. Như vậy nghề bún xuất hiện đến giờ chỉ khoảng hơn trăm năm đổ lại thôi”.
Không dễ để đưa ra được dấu mốc chính xác nghề bún Đa Mai ra đời từ khi nào, căn cứ vào sự ghi chép được lưu lại thì chưa tìm thấy. Với người dân Đa Mai, nghề bún có từ rất lâu đời. Sản phẩm bún luôn hiện diện trong bữa ăn hàng ngày, trong những dịp lễ, tết. Tục biếu bún vẫn còn lại đến ngày nay có lẽ là minh chứng rõ nét cho lịch sử lâu đời của nghề bún đồng thời
cũng thể hiện nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người làm
bún ở Đa Mai.
2.2.Nguyên liệu, dụng cụ, kỹ thuật làm bún