8. Bố cục luận văn
1.2. Khái quát chung về Đa Mai
1.2.1.Địa lý hành chính
Xã Đa Mai ngày nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Đa Mai có vị trí cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 2 km, cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Từ Hà Nội có thể đến Đa Mai theo nhiều cung đường khác nhau nhưng đều rẽ vào tỉnh lộ 398 (đường 284 cũ) hướng đi huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Cung đường thứ nhất: theo Quốc lộ 1A cũ đi từ Hà Nội đến cầu Mỹ
Độ, thành phố Bắc Giang rồi rẽ trái vào tỉnh lộ 398 (đường 284 cũ) hướng đi huyện Tân Yên khoảng 100m là đến địa phận xã Đa Mai.
Cung đường thứ hai: theo Quốc lộ 1A mới đi từ Hà Nội đến trạm dừng
nghỉ Song Khê (km 120 Quốc lộ 1A mới) thuộc địa phận huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, rẽ trái vào tỉnh lộ 398 đi đến cầu Mỹ Độ và đi theo cung đường thứ nhất tới Đa Mai.
Cung đường thứ ba: theo tuyến đường sắt đi từ Hà Nội đến nhà ga Bắc
Giang, từ ga Bắc Giang theo đường Xương Giang đi hướng cầu Mỹ Độ, qua cầu rẽ phải vào tỉnh lộ 398 (đường 284 cũ) hướng đi huyện Tân Yên để tới Đa Mai. Đa Mai nằm gần Quốc lộ 1A, nằm liền kề tỉnh lộ 398 đi tỉnh Thái Nguyên.
Về địa giới hành chính xã Đa Mai: Phía Đông giáp với phường Trần Phú thành phố Bắc Giang, phía Tây giáp với xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên, phía Nam giáp phường Mỹ Độ và xã Tân Mỹ thành phố Bắc Giang, phía Bắc Giáp xã Song Mai thành phố Bắc Giang.
Trải qua nhiều lần tách nhập địa giới hành chính, cho đến nay xã Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang bao gồm các thôn: thôn Chùa, thôn Sẫu, thôn Đình, thôn Đọ, Thanh Mai, Tân Thành, Tân Mai.
Về diện tích, theo thống kê năm 2005 xã Đa Mai có tổng diện tích là 360,88 ha. Trong đó đất cho nông nghiệp là 234,47 ha, đất ở nông thôn là 35,6 ha, đất giao thông là 25,2 ha, đất xây dựng là 6,2 ha, đất thủy lợi là 7,9 ha.
Về dân số, theo điều tra dân số năm 1927 của chính quyền thực dân
Pháp mà tác giả Ngô Vi Liễn thống kê, sử dụng trong cuốn “Tên làng, xã và
địa danh Bắc Kỳ” lúc bấy giờ ở Đa Mai có 1059 người, làng Thanh Mai có
6326 người, đến năm 2005 thống kê dân số xã Đa Mai là 6726 người, năm 2013 Đa Mai có 7152 nhân khẩu.
1.2.2.Lịch sử hình thành
Đa Mai là một xã có từ trước Cách mạng tháng Tám thuộc tổng Đa Mai, phủ Lạng Giang, Kinh Bắc. Tên cổ của Đa Mai xưa là Đa Mỗi trang. Đa Mai là vùng đất bao gồm các khu đồng bằng phẳng được bồi đắp phù sa hàng năm bởi sông Thương và sông Đa Mai (ngòi Đa Mai). Xen kẽ những khu đồng bằng phẳng là những đồi gò cao, đây là điều kiện thuận lợi cho việc định cư và phát triển kinh tế. Có lẽ vì thế mà vùng đất Đa Mỗi trang xưa được con người chọn lựa và quần cư từ khá sớm.
Ngay từ những năm đầu công nguyên, Đa Mỗi trang được ghi chép trong sử sách gắn liền với những cuộc đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm. Năm 40 sau công nguyên, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại nhà Đông Hán được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trong đó có nhân dân ở trang Ngọc Lâm (nay thuộc thôn Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ thành phố Bắc Giang) dưới sự lãnh đạo của bà Thánh Thiên đã phối hợp với nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh chiếm san phẳng căn cứ của địch trên bờ sông Thương. Để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn nhiều ngôi đền đình được lập ra và phụng thờ bà, tên hiệu của bà cũng được đặt tên cho một con phố ở thành phố Bắc Giang ngày nay.
Theo “Ngọc phả ghi về hai công chúa triều Trần có công giúp nước rất
linh ứng” do Nguyễn Bính soạn năm 1572 và Quan quản giám bách thần,
thiếu sư Nguyễn Hiền phụng sao năm 1737 đã thấy ghi “cho phép trang Đa
Mỗi”. Mặc dù địa danh Đa Mỗi (một tên gọi khác của Đa Mai) được nhắc đến
trong các dữ kiện của lịch sử dân tộc nhưng để khẳng định trang Đa Mỗi xuất hiện từ khi nào thì cho đến nay chưa có cứ liệu để khẳng định. Đến thời nhà Trần, nơi đây đã xảy ra các sự kiện như: hai công chúa con vua Trần là Bảo Nương và Ngọc Nương dưới sự giúp sức của dân làng đã dùng kế mỹ nhân dìm chết nhiều tướng giặc trên sông Thương trong kháng chiến chống Mông
Nguyên lần thứ ba. Ngày 2/1/1288 “Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu là
Toàn đem thủy binh đánh ở vùng Đa Mỗi giặc chết đuối rất nhiều”. Như vậy,
qua các dữ kiện lịch sử được ghi chép lại cho thấy, vùng đất trang Đa Mỗi
được hình thành từ rất sớm và khá phát triển. Trong bản “Ngọc phả” có đoạn
“Cho phép trang Đa Mỗi (nay đổi là Đa Mai)” đã khẳng định địa danh trang
Đa Mỗi đã được đổi thành Đa Mai từ trước năm 1572 do Nguyễn Bính biên soạn không lâu [74].
Đến đầu thế kỷ XIX, Đa Mai cùng các xã Thanh Mai, Phương Đỗ (sau là Phương Đậu), Phú Giã, Quảng Phúc, Phù Liễn, Mai Khê thuộc tổng Đai Mai, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, Kinh Bắc.
Đầu thế kỷ XX, Đa Mai thuộc huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Đơn vị hành chính này cũng tồn tại trong suốt thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và cai trị cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính tổng bị xóa bỏ, đơn vị hành chính xã thành lập dưới một hoặc nhiều xã cũ trước đây, nhiều xã cũ đổi thành thôn, dưới thôn là các xóm. Giai đoạn này xã Đa Mai gồm hai thôn Đa Mai (xã Đa Mai cũ) và Thanh Mai (xã Thanh Mai cũ) thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Năm 1948 Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu I quyết định sát nhập hai xã Đa Mai và Mai Khê thành xã Song Mai thuộc huyện Lạng Giang để thuận tiện cho việc chỉ đạo, tập trung lực lượng kháng chiến chống Pháp. Lúc này hai xã Đa Mai và Thanh Mai trở thành hai thôn của xã Song Mai.
Năm 1950 Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc quyết định tách xã Song Mai về huyện Việt Yên. Ngày 14 tháng 03 năm 1963, Hội đồng Chính phủ có nghị định số 25-CP tách hai thôn Đa Mai và Thanh Mai của xã Song Mai huyện Việt Yên để thành lập Tiểu khu Đa Mai thuộc thị xã Bắc Giang.
Ngày 22/04/1964, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 127/NV thành lập xã Đa Mai thuộc thị xã Bắc Giang trên cơ sở tiểu khu Đa Mai thành lập trước đó [13].
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) chính quyền và nhân dân Đa Mai nhanh chóng ổn định sản xuất, góp phần đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, Đa Mai đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định tặng thưởng nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đa Mai danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 11 tháng 06 năm 1999.
Giai đoạn 1976 – 1985, Đa Mai cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc ổn định đời sống kinh tế sau thời gian dài chiến tranh, tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 29/08/1994, Chính phủ có nghị định số 103/CP quyết định sát nhập diện tích đất tự nhiên 6ha, 1899 nhân khẩu của phường Mỹ Độ vào xã Đa Mai quản lý [74]. Sau quyết định này, Xã Đa Mai có diện tích tự nhiên 335ha, nhân khẩu 5599 người.
Cho đến hiện tại, với bẩy thôn trong xã Đa Mai đã và đang nỗ lực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần xây dựng sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thông qua tiến trình lịch sử của Đa Mai, có thể thấy Đa Mai là một làng cổ thuần Việt được hình thành từ lâu đời trên cơ sở di dân lập ấp từ nhiều dòng họ khác nhau. Nhiều dòng họ từ nơi khác đến Đa Mai cư trú bên cạnh người dân bản địa, họ cùng nhau khai phá đất đai, đắp đê ngăn lũ lụt vào mùa mưa để phát triển kinh tế. Đây cũng là vùng đất có nhiều biến động về lịch sử, tuy thế những cư dân nơi đây đã viết lên lịch sử của chính mình góp phần vào việc giữ gìn an ninh chung của làng xã cũng như góp thêm vào sự hào hùng của lịch sử dân tộc.
1.2.3.Cơ sở kinh tế
Xã Đa Mai cùng với khu vực thành phố Bắc Giang nằm trong vùng chuyển tiếp từ đồng bằng Bắc bộ với vùng trung du miền núi phía Bắc. Địa
hình chưa bị cắt xẻ mạnh, có sự xen kẽ giữa ruộng và đồi thấp. Địa hình ở Đa Mai nghiêng từ Đông sang Tây. Khu vực cầu Bắc Giang cho đến dốc Vòng Xẻ, đồi Sẫu cao hơn nhiều so với khu vực Thanh Mai. Đa Mai có nhiều vùng trũng vì thế kinh tế cơ bản của làng xã vẫn là sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất nông nghiệp trong xã hàng năm được tưới tiêu bởi sông Đa Mai và sông Thương theo hình thức tự chảy. Ruộng đất ít được bồi đắp phù sa mầu mỡ hàng năm, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân trong vùng đã tổ chức đắp công trình thủy lợi bờ Rì, bờ Rậy ngăn lũ úng từ xã Nghĩa Trung, Song Mai đổ nước về vì thế một số chân ruộng cấy hai vụ được đảm bảo không bị ngập úng vào mùa lụt. Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa giữ vai trò chủ đạo, mang lại thu nhập chính cho người dân. Đất trồng lúa ở Đa Mai một phần chịu ảnh hưởng của lũ sông Thương thông với ngòi Đa Mai vì thế vụ hè thu diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp đáng kể [74]. Khi có công trình thủy lợi được cải tạo, diện tích đất trồng lúa được đảm bảo hơn, một năm nhân dân trong vùng canh tác được hai vụ lúa. Ngoài trồng lúa nhân dân còn trồng các loại rau màu ngắn ngày như: đậu tương, lạc, khoai ở vùng đất cao không bị ngập lụt. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cũng được người dân Đa Mai chú trọng.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Đa Mai có bẩy xã hầu hết làm nông nghiệp. Riêng làng Đa Mai có số dân đông, ruộng đất ít, có nghề làm bún và bánh cuốn từ lâu đời. Đa Mai là một trong những làng nghề làm bún nổi tiếng ở Miền Bắc. Với vị trí nằm ở giao điểm giữa sông Thương và sông Đa Mai nên giao thông đường thủy khá phát triển. Ngoài làm bún nhân dân trong vùng còn buôn bán gỗ, đan lát tre, nứa bán cho người sử dụng khắp nơi. Hoạt động buôn bán gỗ, tre nứa khá phát triển, thuyền buôn gỗ từ Thái Nguyên đi Hải Dương, Quảng Ninh ghé bến Đa Mai tập kết thường xuyên từ đó hình thành nên các địa danh như Ao Gỗ, Vòng Xẻ tồn tại đến ngày nay.
Các nghề phụ kể trên được tồn tại và phát triển với quy mô không lớn do nhu cầu sử dụng tại chỗ hạn chế.
Hoạt động thương nghiệp ở Đa Mai được diễn ra dọc hai bên đường tỉnh lộ 284 cũ đi tỉnh Thái Nguyên và chợ Đa Mai. Chợ Đa Mai có từ lâu đời và nằm ở vị trí phía tây của thành phố Bắc Giang. Chợ họp vào các ngày 1, 3, 6, 8 hàng tháng. Hàng hóa trao đổi buôn bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản của bà con nhân dân trong xã, các mặt hàng phục vụ sản xuất, xây dựng như tre, nứa, các loại gỗ. Hiện nay chợ Đa Mai ngày nào cũng họp, hoạt động buôn bán khá sôi nổi. Bún là sản phẩm truyền thống của làng xã vì vậy được bày bán tất cả các ngày trong tháng. Những nghề xuất hiện muộn hơn ở Đa Mai như cơ khí, kinh doanh vật liệu xây dựng tập chung chủ yếu ở Tân Thành và ngày càng có vị thế trong kinh tế làng xã.
Dưới góc độ kinh tế có thể thấy Đa Mai có nền kinh tế tiểu nông lấy nông nghiệp làm chính, có sự kết hợp phát triển với các nghề phụ khác. Sự thuận tiện về giao thông thủy bộ đã giúp cho cư dân ở đây ngoài việc phát triển nông nghiệp còn phát triển thêm các nghề phụ gắn với địa thế của làng.
1.2.4.Cơ cấu tổ chức làng xã
1.2.4.1.Cơ cấu tổ chức làng xã trước năm 1945
Như đã trình bày ở trên, vùng đất Đa Mỗi trang được hình thành từ rất sớm. Những năm đầu công nguyên dân cư ở Đa Mỗi trang đã trở nên đông đúc. Ngoài cư dân bản địa, nơi đây có bộ phận lớn người Hoa di cư đến sinh sống. Dấu tích còn lại đến ngày nay là hàng loạt các ngôi mộ cổ của người Tàu ở cánh đồng Đa Mai. Vào thời kỳ phong kiến loạn lạc, một bộ phận khá đông dân cư di chuyển đến định cư ở Đa Mai, Thanh Mai từ các vùng đồng bằng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. Dân ở Tân Thành chủ yếu là những cư dân ở vùng Phủ Lý Hà Nam, Nam Định đến định cư.
Dưới thời kỳ phong kiến cấu trúc làng xã, dòng họ được hình thành dựa trên quan hệ huyết thống. Cơ cấu tổ chức làng Đa Mai xưa bao gồm các thiết chế: dòng họ, giáp, hội đồng kỳ mục, lý dịch.
Ở Đa Mai có khá nhiều dòng họ. Dòng họ là tổ chức tập hợp những người có quan hệ huyết thống. Các dòng họ lớn và lâu đời ở Đa Mai bao gồm: họ Đoàn, họ Lương. Ngoài ra còn có các dòng họ số lượng nhân khẩu nhỏ hơn như: họ Thân, họ Lê, họ Dương, họ Vũ. Ở Thanh Mai bốn dòng họ cơ bản là: họ Thân, họ Lê, họ Dương, họ Nguyễn, trong đó họ Thân và họ Dương có số lượng nhân khẩu đông hơn cả. Hiện nay ở xã Đa Mai cơ bản gồm có mười ba dòng họ.
Đến đầu thế kỷ XIX, hai xã Đa Mai và Thanh Mai thuộc tổng Đa Mai huyện Yên Dũng. Thời kỳ này, tổng Đa Mai có 5 xã (Đa Mai, Thanh Mai, Mai Khê, Quảng Phúc, Phù Liễn) và 13 làng. Xã Đa Mai có ba thôn: Chùa, Liễu, Trong với tám xóm (Chùa, Sẫu, Cối, Giữa làng, Ngõ Bè, Ngõ Ba, Đọ Nội, Đọ Ngoại). Xã Thanh Mai có bốn xóm (ngõ Ba, ngõ Dành, ngõ Giếng, ngõ Khoang). Làng xóm ở Đa Mai xưa được ngăn cách bởi các lũy tre làng, ao hồ. Các xóm quan hệ với nhau vừa theo quan hệ láng giềng, vừa theo quan hệ huyết thống, giúp đỡ nhau trong sản xuất và cùng nhau bảo vệ an ninh làng xã.
Đa Mai và Thanh Mai có nhiều giáp khác nhau. Giáp là tổ chức của nam giới trong làng xã. Trong giáp tất cả nam giới từ ẵm ngửa trở lên đều phải vào hàng Giáp để gánh vác công việc của làng, nước. Đa Mai có ba Giáp (giáp Bắc, giáp Trung, giáp Tây), Thanh Mai có hai Giáp (giáp Đông, giáp Tây).
Hội đồng kỳ mục là cơ quan quản lý làng truyền thống. Ở Đa Mai mỗi làng đều có Hội đồng kỳ mục và Hội đồng lý dịch quản lý và giải quyết các công việc trong làng căn cứ theo hương ước và luật pháp của nhà nước. Các công việc chung trong làng được phân cho các Giáp thực hiện.
Đầu thế kỷ XX theo nghị định cải lương hương chính ra đời theo quy định của Thống sứ Bắc Kỳ. Hội đồng tộc biểu được thay thế cho Hội đồng kỳ
mục. Hội đồng tộc biểu gồm những người do các dòng tộc trong làng cử ra. Số tộc biểu được phân bố căn cứ theo xuất đinh của từng họ. Các tộc nhỏ phải liên kết với nhau để có được tộc biểu đại diện cho dòng họ. Hội đồng Tộc biểu đầu tiên ở Đa Mai được hình thành khi cải lương hương chính do ông Đoàn Văn Thế làm Chánh hội. Khi làm Chánh hội ông Thế đã lãnh đạo nhân dân đắp đê ngăn lũ chống ngập úng cho những chân ruộng cấy được hai vụ,