III. CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI Ở SINGAPORE
2. Công đoàn quốc gia Singapore
Tổ chức NTUC của Singapore đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện sự đồng thuận xã hội trong cộng đồng – lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hòa giải thay cho tranh chấp để giữ vững ổn định chính trị xã hội và phát triển bền vững.
a. Lịch sử phát triển
(Công đoàn Quốc gia Singapore – NTUC) được thành lập vào năm 1961 khi Công đoàn Singapore (Singapore Trades Union Congress – STUC) thành công trong việc định hướng chính phủ tự quản chia tách NTUC thành NTUC cánh hữu (ủng hộ PAP) và Hiệp hội thương mại Singapore cánh tả (Singapore Asssociation of Trade Unions – SATU). Năm 1963, SATU chính thức bị xóa bỏ hoàn toàn (ngày 13 – 11 – 1963) sau khi Chính phủ bắt giữ các nhà lãnh đạo SATU trong hoạt động chống đối chính phủ và khi đó chỉ còn NTUC là liên hiệp thương mại duy nhất ở Singapore. Hiện nay, hơn 98% các thành viên gia nhập NTUC.
Sau chiến thắng bầu cử có tính chất quyết định của Đảng Nhân dân hành động (PAP) vào năm 1968, Chính phủ đã thông qua một đạo luật có tên Các quan hệ công nghiệp (sửa đổi) năm 1968, đạo luật này đã hạn chế quyền đình công của công dân. Vào năm 1969, theo đường hướng của riêng mình, NTUC thông qua một chính sách “hợp tác, đối thoại với người sử dụng lao động thay cho chính sách đối đầu”.
Để chống lại sự phát triển của lực lượng cánh tả, ông Lý Quang Diệu đã áp dụng triệt để Luật tình trạng khẩn cấp – Luật này cho phép chính quyền bắt giữ mà không cần xét xử. Ông Lý Quang Diệu quan niệm “mức lương cho người lao động tăng lên cùng với năng suất. Khi người lao động hiểu rõ hơn về vai trò của họ và người lãnh đạo kinh tế tạo nên một vị trí vững chắc và an toàn thì những người cánh tả khó bề khai thác” và “kinh tế phát triển là điều cần thiết cho sự bền vững của hệ thống chính trị, và sự ổn định chính trị là điều cần thiết cho phát triển kinh tế”. Do vậy, để “sống còn”, ông Lý Quang Diệu cho rằng xã hội Singapore cần được tổ chức lại chặt chẽ hơn và người dân cần có kỹ luật hơn. Và vì mục tiêu đó, các tổ chức, đoàn thể phải hy sinh các quyền lợi riêng tư mà đóng góp vì quyền lợi chung của quốc gia và chịu sự chi phối và kiểm soát của chính phủ.
Do vậy, không quá khó hiểu khi chúng ta thấy rằng quan hệ giữa Đảng Nhân dân hành động và Công đoàn “quốc gia (NTUC) là rất chặt chẽ và các thành viên
thường giữ vị trí trong cả hai tổ chức cùng một lúc. Người sáng lập của NTUC, ông Devan Nair, là một người tích cực ủng hộ PAP và sau này trở thành tổng thống của Singapore. Ông Ong Teng Cheong, người được bầu trực tiếp làm Tổng thống đầu tiên của Singapore, đã từng giữ chức Tổng thư ký NTUC, kiêm Phó Thủ tướng (từ năm 1985) cho đến khi đắc cử tổng thống. Ông Lim Boon Heng, trước đây làm Tổng thư ký NTUC, hiện nay là một thành viên của Quốc hội và Chủ tịch Đảng Nhân dân hành động. Ngày 5 – 1 – 2007, ông Lim Swee Say (Phó Tổng thư ký) đã thay thế ông Lim Boon Heng làm Tổng Thư ký NTUC. Ngày 8 – 12 – 2011, tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Lao động Singapore, bà Diana Chia được bầu làm Chủ tịch của NTUC – lần đầu tiên trong 50 năm qua có một chủ tịch là nữ giới. Bà Diana Chia là y tá trưởng thuộc Bệnh viện đa khoa Singapore, là thành viên lâu năm của tổ chức công đoàn.
b. Nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, chức năng của NTUC
Công đoàn Quốc gia Singapore (NTUC) được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ và tự nguyện.
Việc ra các quyết định quan trọng của NTUC được thực hiện theo nguyên tắc đa số và thông qua bỏ phiếu kín. Lãnh đạo công đoàn gồm ba cấp và tất cả đều được bầu chọn thông qua bỏ phiếu kín. Công nhân trong một công ty bầu ra các lãnh đạo chi nhánh của họ (công đoàn cấp cơ sở). Cấp tiếp theo là Ủy ban chấp hành của một liên minh (công đoàn cấp công ty) – các thành viên của Ủy ban này được rút ra từ các chi nhánh. Ở cấp quốc gia là Ủy ban Trung ương của NTUC - Ủy ban Trung ương gồm 24 thành viên được bầu 4 năm một lần.
+ Ủy ban điều hành NTUC (NTUC Executive Commmittee): ở cấp trung ương có đại diện của các cấp chi nhánh (cấp cơ sở) với tư cách là đại biểu của NTUC. Họ có quyền bỏ phiếu hoặc là ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào Ủy ban điều hành NTUC và ủy ban đó có nhiệm vụ điều phối hoạt động công đoàn. Các chi nhánh (công đoàn cấp cơ sở) trực thuộc có đại diện tại hội nghị đại biểu NTUC, đây là cơ quan tối cao của phong trào lao động. Hội nghị đại biểu được tổ chức hai năm một lần. Trong hội nghị này, các đại biểu xem xét hoạt động của NTUC (thời gian qua) và vạch ra định hướng hoạt động tương lai của các phong trào lao động.
+ Ban Chấp hành Trung ương NTUC (The NTUC Central Committee): ở cấp quốc gia , bốn năm một lần , các đại biểu công đoàn NTUC bầu 21 thành viên của Ủy ban Trung ương để giám sát công việc của phong trào lao động. Các
thành viên Ban chấp hành Trung ương bầu ra Tổng thư ký, Chủ tịch, Giám đốc tài chính và Phó Chủ tịch. Ủy ban Trung ương bổ nhiệm các chức danh văn phòng khác.
Các doanh nghiệp xã hội và tổ chức liên quan của NTUC (NTUC Social Enterprises):
+ Mục tiêu và vai trò của các doanh nghiệp xã hội của NTUC là: thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, các hợp tác xã để giúp bình ổn giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường bảo vệ sức mua của người lao động; cho phép các nhà lãnh đạo công đoàn nâng cao kinh nghiệm quản lý, hiểu và đối mặt với những vấn đề quản lý, góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý tốt hơn.
+ Các loại doanh nghiệp xã hội và các tổ chức liên quan của NTUC bao gồm: Các loại hình doanh nghiệm xã hội gồm có: Nhà chất lượng cao NTUC (NTUC Choice Homes), Câu lạc bộ NTUC (NTUC Club), Chăm sóc người già NTUC (NTUC Eldercare), Giá hợp lý NTUC (NTUC Fair Price), Cung cấp lương thực NTUC (NTUC Foodcare), Trung tâm học thuật NTUC (NTUC LearningHub)… Các tổ chức liên quan bao gồm: Tổ chức Lao động Singapore (Singapore Labour Foundation – SLF), Viện lãnh đạo lao động Ong Teng Cheong (Ong Teng Cheong Laboure Leadership Institute – OTC Institute), Viện nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp (Employment and Employability Institute – E21), Hiệp hội người tiêu dùng Singapore (Consumers’ Association of Singapore – CASE).
Ngoài ra, NTUC có một đơn vị nghiên cứu và quản lý (Administration and Research Unit – ARU) để thực hiện các công việc liên quan và hỗ trợ quan hệ công đoàn. Trong khuôn khổ của ARU, Tổng thư ký thực hiện chức năng của một tổng giám đốc. Tổng giám đốc được hỗ trợ bởi các giám đốc bộ phận, mỗi người trong số họ phụ trách một nhóm các phòng ban.
Vào tháng 5 – 2010, tổng số công đoàn viên ở Singapore là 555, 000; công đoàn hiện nay (2011) của NTUC là 670 000 người và dự đoán năm 2013 là 850, 000 đoàn viên.
Công đoàn viên có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm Công đoàn viên thường xuyên (Ordinary Branch – OB) – là nhóm công đoàn viên có đại diện trực tiếp trong các tổ công đoàn và được tham gia vào thỏa ước tập thể. Nhóm Công đoàn viên thông thường (General Branch – GB) là những công nhân làm việc
trong các công ty không có đại diện trực tiếp tại các đơn vị công đoàn nhưng vẫn được tư vấn nghề nghiệp. Các điều kiện làm việc vẫn được bảo đảm và được quản lý chuyên nghiệp.
- Tổ chức Thanh niên NTUC (Young NTUC): là một thành viên của NTUC, được thành lập vào năm 2005, Young NTUC là một tổ chức trẻ của Công đoàn quốc gia Singapore với mục tiêu thu hút những lao động trẻ vào các công đoàn. Tổ chức Young NTUC là đại diện của lực lượng lao động trẻ và là phong trào thanh niên lớn nhất tại Singapore – so với PAP Young và Phong trào Thanh niên của Hiệp hội nhân dân (People’s Association’s Youth Movement) – với cơ sở có khoảng 150, 000 thành viên trẻ. Tổ chức này giúp cho các thành viên trẻ và các đoàn viên tham gia tích cực vào phong trào lao động; chia sẻ ý tưởng, quan điểm và các mối quan tâm khác với các đồng nghiệp của họ, cũng như lãnh đạo cấp cao của các cấp công đoàn.
c. Vai trò của NTUC
Về mặt lý thuyết, NTUC là tổ chức phi chính phủ, đại diện cho quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, một số quan chức của chính phủ lại được cử vào tổ chức này để tham gia hoạt động tư vấn: Ban lãnh đạo công đoàn gồm các thành viên của nghị viện, những thành viên này có quyền bỏ phiếu giống như đoàn viên cơ sở. Những thành viên khác của nghị viện, bao gồm các bộ trưởng, đóng vai trò như là cố vấn công đoàn các cấp: Chủ tịch Đảng Nhân dân hành động, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ là Tổng thư lý liên đoàn. Hàng loạt cán bộ của PAP cũng được lựa chọn vào các cơ quan của NTUC toàn quốc và các công đoàn trực thuộc. Điều này làm tăng khả năng lãnh đạo công đoàn của PAP – công đoàn trở thành lực lượng ủng hộ chính phủ, đồng nghĩa với chính phủ được đông đảo nhân dân ủng hộ - nắm được công nhân, viên chức là một điều kiện quan trọng để PAP ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế. Khi đó uy tín của PAP ngày càng được nâng cao hơn. Chính phủ thực hiện chính sách “bàn tay sắt” với những biện pháp cứng rắn đối với hoạt động của công đoàn liên quan đến biểu tình, đình công (trái luật) của công nhân. Công nhân muốn đình công phải làm đơn và phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; muốn biểu tình phải có giấy phép và chỉ được tập trung thể hiện ý nguyện của mình tại những vị trí được chính phủ quy định.
Đường hướng, phương châm hoạt động chủ yếu của NTUC là “hợp tác, đối thoại với người sử dụng lao động thay cho chính sách đối đầu”: nghĩa là, công đoàn và người sử dụng lao động không được đối đầu mà phải đối thoại để tìm ra
giải pháp mang lại kết quả tốt như tăng năng suất lao động, lương cao nhằm mang lại lợi ích hai hòa cho công nhân; tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm thất nghiệp. Chính phủ, giới chủ sử dụng lao động, người lao động phải tìm ra phương sách để cải thiện quá trình sản xuất, phân bổ lợi ích cho hài hòa. Còn nếu xảy ra tranh chấp giữa người lao động và giới chủ, thì phải sử dụng Chiến lược thương lượng tập thể (Strategic Collective Bargaining).