Hiệp hội nhân dân Singapore trong hệ thống chính trị Singapore

Một phần của tài liệu tiểu luận: thể chế chính trị Singapore (Trang 37 - 43)

III. CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI Ở SINGAPORE

1.Hiệp hội nhân dân Singapore trong hệ thống chính trị Singapore

Hiệp hội nhân dân Singapore đóng vai trò to lớn trong việc giúp đỡ Đảng Nhân dân hành động thực hiện sự đồng thuận xã hội “là cầu nối giữa đảng cầm quyền và nhân dân trong việc hậu thuẫn cho chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức của nhân dân… xây dựng môi trường chính trị ổn định.”

a. Hiệp hội nhân dân Singapore – Lịch sử, cơ cấu tổ chức và vai trò

Hiệp hội nhân dân Singapore (PA) được thành lập ngày 1 – 7 – 1960, thuộc Bộ Phát triển cộng đồng, thanh niên và thể thao (Ministry of Community development, youth and sports) của Chính phủ Singapore. Thủ tướng là người đứng đầu Hiệp hội và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Giám đốc Điều hành (Ông Yam Ah Mee).

Để đối phó với căng thẳng dân tộc và chính trị tại Singapore trong các năm 1950, 1960 và để tăng cường các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nhóm dân tộc khác nhau…. Chính phủ đã thành lập PA thông qua một đạo luật của Quốc hội (Đạo luật Hiệp hội nhân dân). Theo luật, các chức năng hoạt động của PA bao gồm: tổ chức và thúc đẩy sự tham gia của các nhóm trong các hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục và thể thao cho người dân của Singapore nhằm giúp họ có thể nhận ra rằng họ thuộc về một cộng đồng đa dân tộc và lợi ích của cộng đồng thể hiện qua lòng trung thành của họ đối với hiệp hội. Truyền cho các nhà lãnh đạo về ý thức của bản sắc dân tộc và tinh thần cống hiến cho một cộng đồng đa dân tộc; qua đó thực hiện mục đích đào tạo cán bộ lãnh đạo. Tạo lập sự liên kết cộng đồng và tăng cường sự gắn kết xã hội giữa những người dân Singapore (giữa các dân tộc, tôn giáo). Là một kênh thông tin liên lạc giữa các chính phủ cầm quyền và những người dân nhằm mở đường cho chính phủ đáp 1 Theo PGS. TS. Lê Văn Đính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III)

ứng tốt hơn quá trình lãnh đạo của mình. Thực hiện các chức năng khác được dành cho Hiệp hội được quy định trong văn bản pháp luật.

Các tổ chức trong Hiệp hội nhân dân Singapore có thể kể đến là: Ủy ban tư vấn công dân (Citizens’ Consultative Committees – CCCs); Ủy ban quản lý câu lạc bộ cộng đồng (Community Club Management Committees – CCMCs); Ủy ban khu dân cư chung (Residents’ Committees – RCs); Ủy ban láng giềng (Neighbourhood Committees – NCs); Đoàn Thanh niên (Youth Executive Committees – YECs); Câu lạc bộ thiếu niên (Teens Network Club – TNC); Câu lạc bộ thể thao cộng đồng (Community Sports Clubs – CSCs); Ủy ban cứu trợ khẩn cấp (Community Emergency and Engagement Committees – C2E); Hội Phụ nữ (Women’s Executive Committees – WECs); Hội Người cao tuổi (Senior Citizens’ Executive Committees – SCECs); Ủy ban điều hành hoạt động Ấn Độ (The Indian Activity Executive Committees – IAECs); Ủy ban điều hành hoạt động Mã Lai (Malay Activity Executive Committees – MAECs). Mỗi tổ chức đều có vai trò, chức năng riêng của mình.

Ủy ban tư vấn công dân (CCCs): các CCCs được thành lập vào năm 1965 và là một phần trong cơ chế nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng những lãnh đạo không chính thức (informal leader). Các CCCs có chức năng truyền đạt thông tin hai chiều: các nguyện vọng và đề đạt từ nhân dân đến chính quyền và các chính sách từ chính quyền ngược trở lại – tập hợp, phản hồi thông tin và đưa ra các khuyến nghị về nhu cầu của người dân với chính phủ; cũng như thông báo về hành động của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề nói trên nhằm giải quyết các mối quan hệ xã hội, duy trì sự hòa hợp chủng tộc, tôn giáo và phát huy tính tích cực chính trị của công dân. Hiện nay vai trò chính của CCCs là tổ chức các chương trình để hỗ trợ Đảng Nhân dân hành động và hỗ trợ chính phủ trong các chiến dịch quốc gia như phòng chống sốt xuất huyết, tuần lễ sạch và xanh, tháng hòa hợp dân tộc và ngày láng giềng tốt. Hõ cũng tổ chức các diễn đàn cộng đồng và thực hiện hỗ trợ phúc lợi xã hội.

Ủy ban quản lý câu lạc bộ cộng đồng (CCMCs) có vai trò trong việc xây dựng, quản lý và duy trì tất cả các câu lạc bộ cộng đồng (Community Club – CCs). CCMCs thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc và gắn kết xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục và giải trí, thể thao, xã hội và tổ chức các hoạt động đặc biệt cho cư dân.

Trong những năm đầu thập niên 1960, sau khi có sự phân hóa trong PAP giữa hai phái: phái Barisan Sosialis (được cho là phái có xu hướng xã hội chủ nghĩa –

phái cánh tả) và phái PAP (được cho là phái thân phương Tây – phái cánh hữu). Đứng giữa tình thế khó có thể củng cố được lực lượng trong một khoảng thời gian ngắn để thực thi một vai trò quyết định trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, các nhà lãnh đạo PAP đã nhanh chóng dựa vào các CCs để tuyên truyền và củng cố những ảnh hưởng đối với những cơ sở các khu vực dân cư. Kinh nghiệm nhận được và sự thành công trong chiến lược này là PAP đã thúc đẩy việc mở rộng một cách có cơ sở “chính trị nhánh” – nghĩa là ngoài vai trò là Trung tâm giải trí cộng đồng; các CCs có một vai trò tích cực trong việc truyền bá các chủ trương, chính sách của nhà nước và hỗ trợ PAP trong nỗ lực hình thành một quốc gia. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò trong việc củng cố quyền lực của PAP bằng cách tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của PAP xuống tới các khu vực dân cư.

Ủy ban khu dân cư chung (RCs) – mục tiêu ban đầu của các RCs là tạo một cơ chế để các cư dân và các nghị sĩ cùng nhau hợp tác nhằm quản lý các khu nhà chung cư và giữ gìn môi trường xung quanh. Sự thành công của các RCs được đánh giá không chỉ ở khả năng quản lý các khu dân cư mà còn ở khả năng thúc đẩy sự hợp tác của người dân đóng góp những đề xuất trong việc quản lý. RCs thúc đẩy sự sự quan hệ cố kết xã hội cho tất cả các khu vực lân cận trong các khu nhà công cộng tại Singapore và cũng là kênh giao tiếp giữa người cư trú và chính phủ. Mỗi RCs có một Trung tâm hoạt động cộng đồng để tiến hành các cuộc họp và tổ chức các chương trình hoạt động cho cư dân nhằm thúc đẩy sự hài hòa và gắn kết giữa các cư dân của vùng mình quản lý – đặc biệt là thực hiện chính sách hài hòa các dân tộc (giữa người Hoa, Mã Lai, Ấn Độ…) trong khu dân cư mới; để giữ liên lạc và kiến nghị với cơ quan chính phủ về các nhu cầu và nguyện vọng của cư dân trong vùng; phổ biến thông tin và phản hồi thông tin về chính sách của chính phủ và sự chấp hành từ các cư dân; để phát huy tính tích cực của công dân trong vùng được chỉ định quản lý.

Ủy ban láng giềng (NCs)1 – thúc đẩy hoạt động hài hòa, gắn liền giữa các cư dân trong khu nhà ở tư nhân; kết nối và kiến nghị với cơ quan chính phủ về các nhu cầu và nguyện vọng của người dân; phổ biến thông tin, phản hồi thông tin về chính sách của chính phủ và chấp hành của cư dân; tuyên dương các công dân tích cực trong số các cư dân.

Đoàn Thanh niên (YECs) – là tổ chức quản lý các hoạt động của thanh niên trong một câu lạc bộ cộng đồng (từ 18 tuổi đến 35 tuổi) với các hoạt động thể 1 Còn gọi là Ủy ban dân cư trong khu vực nhà ở tư nhân (không phải chung cư).

thao, vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quản lý câu lạc bộ cộng đồng (CCMCs) để tổ chức các dự án phát triển cộng đồng.

Câu lạc bộ thiếu niên (TNC) – tổ chức của thiếu niên với hoạt động như: giáo dục, giải trí, thể thao và các hoạt động dịch vụ cộng đồng nhằm mục đích làm phong phú thêm cuộc sống của thanh thiếu niên ở Singapore và truyền cảm hứng cho họ để đóng góp cho cộng đồng.

Câu lạc bộ thể thao cộng đồng (CSCs) – vai trò quan trọng của tổ chức này là thúc đẩy sự liên kết cộng đồng thông qua các hoạt động thể thao.

Ủy ban cứu trợ khẩn cấp (C2E) – giúp tăng cường khả năng đối phó và phục hồi của cộng đồng trước những tình trạng khẩn cấp (như bão lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh…) thông qua các Đội cứu trợ khẩn cấp (The Community Emergency Response Team – CERT) nhằm giảm thiệu những thiệt hại.

Hội Phụ nữ (WECs) – đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp phụ nữ từ các tầng lớp xã hội để thúc đẩy sự liên kết cộng đồng, bồi dưỡng phẩm chất lãnh đạo và giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn.

Hội Người cao tuổi (SCECs) là tổ chức của những người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên) với những hoạt động nhằm phát huy nguồn lực, kinh nghiệm của người cao tuổi và thực hiện việc an sinh xã hội (thông qua việc chăm sóc y tế tốt, tổ chức các hoạt động giải trí và thường xuyên gặp gỡ động viên họ) để người cao tuổi có thể sống lành mạnh, có ý nghĩa trong cộng đồng. Đối với những người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động chính trị sẽ được trọng dụng với vai trò cố vấn. Khuyến khích những người lao động cao tuổi có kinh nghiệm tiếp tục làm việc để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và thực hiện việc đào tạo lại những công nhân lớn tuổi nhưng còn hạn chế về tay nghề.

Ủy ban điều hành hoạt động Ấn Độ (IAECs) – tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội, giải trí và thể thao để thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa cộng đồng Ấn Độ với các cộng đồng dân tộc khác.

Ủy ban điều hành hoạt động Mã Lai (MAECs) – tổ chức hoạt động nhằm mục đích để tăng cường sự hiểu biết về văn hóa Mã Lai trong số các cộng đồng khác.

b. Tóm lại

Để có được một nền kinh tế phát triển năng động, chính trị ổn định, xã hội hài hòa. Các nhà chính trị học Singapore cho rằng cần có một hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện, đồng bộ với các nhân tố sau: một đảng cầm quyền mạnh có kỷ luật nghiêm minh, có quyết sách chính trị khoa học và lãnh đạo nhà nước có hiệu quả; một chính phủ minh bạch, quản trị tốt và luôn lắng nghe ý kiến của người dân; các tổ chức chính trị - xã hội phát huy được sức mạnh của cộng đồng.

Hiệp hội nhân dân Singapore đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện sự đồng thuận xã hội “là cầu nối giữa đảng cầm quyền và nhân dân trong việc hậu thuẫn cho chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức của người dân… xây dựng môi trường chính trị ổn định.1 Những nổ lực của PA là tạo ra không gian hoạt động chung cho mọi người dân tham gia giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau và cùng tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục, giải trí, thể thao và từ thiện…nhằm củng cố tinh thần cộng đồng. Lúc đầu, chỉ với 28 trung tâm cộng đồng. Ngày nay, PA đã có hơn 1 800 tổ chức cơ sở với hơn 25 000 tình nguyện viên là các nhà lãnh đạo cấp cơ sở. Các tình nguyện viên thường đến thăm người dân để động viên hội viên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức về các vấn đề cộng đồng; tuyên truyền, giải thích chính sách của chính phủ và thu nhập thông tin phản hồi của nhân dân, cũng như tư vấn, giúp đỡ hội viên về những vấn đề cần giải đáp.

Đặc biệt, với một xã hội phức tạp với nhiều sắc tộc, tôn giáo và nhiều ngôn ngữ, thì “ý thức hệ sống còn” (ideology of survival) là mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo chính trị và người dân Singapore. Khi nhắc đến ý thức hệ này, ông Lý Quang Diệu cho rằng: để một đất nước như Singapore có thể tồn tại , xã hội Singapore cần được tổ chức lại chặt chẽ hơn và người dân cần có kỷ luật hơn: “Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế trên bình diện quốc gia và nâng cao mức sống của mỗi người. Để làm được điều đó, các tổ chức, đoàn thể tìm kiếm các lợi nhuận cho riêng các thành viên của đoàn thể mình phải hy sinh các quyền lợi riêng tư nhằm đóng góp vì quyền lợi chung của quốc gia.”

Tất nhiên, để giữ vững vị trí cầm quyền, các tổ chức trong Hiệp hội nhân dân Singapore đều chịu sự kiểm soát và chi phối của Chính phủ. Về điều này, ông Lý 1 PGS. TS. Nguyễn Thị Quế - TS. Tống Đức Thảo (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh): Kinh nghiệm xây dựng Đảng cầm quyền ở Singapore.

Quang Diệu đã từng khẳng định: “Và vì mục tiêu đó, các tổ chức, đoàn thể… trong xã hội phải chịu sự chi phối và kiểm soát của chính phủ”. Và không phải là ngẫu nhiên mà trong cơ cấu tổ chức , Hiệp hội nhân dân Singapore lại thuộc Bộ Phát triển cộng đồng, thanh niên và thể thao của Chính phủ Singapore. Và theo Luật Hiệp hội, thủ tướng chính phủ là chủ tịch của Hiệp hội, một bộ trưởng (thường là một thành viên cao cấp trong nội các) được chủ tịch bổ nhiệm làm phó chủ tịch, tám thành viên khác của Hiệp hội cũng được bổ nhiệm bởi chủ tịch, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ là giám đốc điều hành.

Một phần của tài liệu tiểu luận: thể chế chính trị Singapore (Trang 37 - 43)