Đặc trưng điều kiện tự nhiên vùng nghiên cứu

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần, đặc điểm sinh học sinh thái và biện pháp phòng trừ sâu hại chính trên đậu đỏ tại thừa thiên huế (Trang 35 - 37)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

2.2.3.Đặc trưng điều kiện tự nhiên vùng nghiên cứu

Thừa Thiên – Huế là một tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ, trải dài từ 14o59’32’’- 16o44’45’’ vĩ độ Bắc; 107o00’50’’-108o09’36’’kinh độ Đông; phía Nam giáp Đà Nẵng, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị; phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào [25]

Tổng diện tích tự nhiên là 500.920 ha, trong đó có 47.000 ha đất nông nghiệp, 160.000 ha đất lâm nghiệp, 14.800 ha đất chuyên dùng, 11.100 ha đất dân cư và đất chưa sử dụng chiếm tới 258.520 ha.

Địa hình tỉnh Thừa Thiên - Huế thấp dần từ Tây sang Đông do dãy Bắc Trường Sơn đổ dần về phía đồng bằng duyên hải ven biển. Cũng như các tỉnh

miền Trung, địa hình Thừa Thiên - Huế chia thành ba vùng cảnh quan: vùng núi, vùng đồi và vùng đồng bằng.

+ Vùng núi có diện tích khoảng 45%, gồm nhiều núi thấp, hẹp ngang, sườn dốc, nhiều dãy núi song song và so le theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, độ cao trung bình là 600 - 800m, các đỉnh núi cao nhất được cấu thành từ đá granit, có đỉnh nhọn, sườn dốc (Động Ngài: 1774m; Núi Mang: 1708m; Bạch Mã: 1448m)

+ Vùng đồi chiếm khoảng 50% diện tích, chủ yếu là dạng đồi bát úp với nhiều cây bụi thấp và thung lũng hẹp. Đất đai ở địa hình này bị thoái hoá nhiều, tầng mặt đất mỏng, độ phì nhiêu kém. Thực vật ưu thế là loài cây chịu hạn như sim, mua, tràm, chổi…

+ Vùng đồng bằng - cát ven biển chiếm diện tích 9% được xem là vùng tương đối rộng của miền Trung Việt Nam. Đặc điểm chung là vùng đồng bằng mài mòn, bồi tụ. Sự hình thành nên đồng bằng lúc đầu liên quan đến qua trình xâm thực của biển và bào mòn của sông ngòi hoà quyện với nhau. Đồng bằng Thừa Thiên - Huế có độ cao trung bình từ 0 - 15m so với mặt biển, có nhiều đụn cát di động và một hệ đầm phá rộng lớn [19].

Thừa Thiên - Huế thuộc miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt trong năm: mùa khô từ tháng 2 đến tháng 7 và mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 1. Ngoài những đặc điểm chung của khí hậu Việt Nam, Thừa Thiên - Huế có đặc điểm riêng do địa hình địa lí tạo nên. Ở đây có sự giao lưu các khối khí lớn, lớp không khí ở gần mặt đất không ổn định gây ra những chế độ mưa phức tạp. Các đặc điểm chính của khí hậu như sau: nhiệt độ không khí cao tuyệt đối là 41,5oC; nhiệt độ không khí trung bình là 25,1oC, nhiệt độ không khí thấp tuyệt đối là 8,6oC. Do đặc điểm của địa hình đã xuất hiện hai tiểu vùng có nhiệt độ thấp hơn các vùng khác là Bạch Mã và A Lưới, một tiểu vùng có nhiệt độ cao là Nam Đông [20].

Lượng mưa chênh lệch và phân mùa rõ rệt: lượng mưa tối đa là 4.000mm, lượng mưa trung bình trong cả năm là 26,36mm, lượng mưa tối

thiểu là 1.500mm; Số ngày có mưa hàng năm là 153 ngày, tháng có mưa nhiều nhất là tháng 10 và tháng 11. Các trung tâm có mưa lớn là thung lũng Nam Đông, A Lưới và Thừa Lưu (lượng mưa trung bình là 2.5000-3.000mm). Độ ẩm thay đổi khá rõ: độ ẩm không khí cao nhất đạt 95%, độ ẩm không khí trung bình là 85 - 88%, độ ẩm không khí thấp nhất là 20%. Mưa và độ ẩm là hai yếu tố có liên hệ với nhau, độ ẩm ở Thừa Thiên - Huế dao động hàng năm khá cao từ 80% - 90%, những tháng cuối mùa đông độ ẩm khá cao, trung bình đạt tới 90%. Tuy nhiên vào những ngày có gió Tây khô nóng mạnh thì độ ẩm không khí có thể giảm xuống tới 20% [20].

Nắng: Tổng bức xạ hàng năm là 110-140 Kcal/cm3, tổng giờ nắng trung bình hàng năm là 1952 giờ, tháng có giờ nắng nhiều nhất là các tháng 6 - 7.

Gió thay đổi theo mùa rõ rệt, chia thành gió mùa đông và gió mùa hè: gió mùa đông hướng Tây Bắc và Đông Bắc trong đó hướng Tây Bắc là chiếm ưu thế, gió mùa hè có hướng Tây Nam và Nam, xen kẽ giữa hai gió trên là gió Đông và gió Đông Nam. Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng của gió Tây nóng khô vào mùa hè và còn chịu ảnh hưởng to lớn của bão. Mùa bão thường bắt đầu vào tháng 7, kết thúc vào tháng 11, đi kèm với mưa lớn và lũ lụt. Có hai thời điểm xảy ra là lụt tiểu mãn vào tháng 5 và lụt lớn vào tháng 9, 11 [18].

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần, đặc điểm sinh học sinh thái và biện pháp phòng trừ sâu hại chính trên đậu đỏ tại thừa thiên huế (Trang 35 - 37)