Những vấn đề còn tồn tại và tranh luận hiện nay

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả lâu dài điều trị bong võng mạc do chấn thương tại bệnh viên mắt trung ương từ năm 2009 đến năm 2013 (Trang 26 - 28)

Bong võng mạc sau chấn thương là BVM ngoại khoa, nghĩa là việc chỉ định can thiệp phẫu thuật là tuyệt đối cần thiết để điều trị bệnh. Tuy nhiên, chỉ định điều trị theo phương pháp nào đôi khi vẫn còn là vấn đề cần tranh luận.

Mục đích của việc điều trị BVM liên quan đến chấn thương cũng tương tự như BVM thông thường nói chung: phát hiện và xử trí tất cả các vết rách võng mạc, giải phóng mọi co kéo dịch kính-võng mạc. Bên cạnh phương pháp mổ đai/độn củng mạc đơn thuần, có rất nhiều các phương pháp phẫu thuật khác nhau như mổ BVM khí (pneumatic retinopexie), CDK hay phối hợp giữa các phương pháp. Việc lựa chọn một phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tình trạng bệnh lý cụ thể, trang thiết bị cũng như tay nghề của mỗi phẫu thuật viên [20], [22].

Nói chung, trong trường hợp BVM liên quan đến các co kéo của dịch kính hoặc có kẹt dịch kính-võng mạc vào mép vết thương, CDK thường được lựa chọn để giải phóng các co kéo. Chỉ trong một vài trường hợp rất đặc biệt, các co kéo này có thể bù trừ bằng đai/độn củng mạc mà không cần CDK. Tuy nhiên, ngay cả khi BVM liên quan đến chấn thương đã được điều trị bằng

CDK, một số tác giả đề xuất đặt thêm một đai củng mạc để làm giảm các co kéo của võng mạc phía trước, qua đó giảm được tỷ lệ BVM tái phát. Đó là do đa phần các bệnh nhân bị BVM do chấn thương là bệnh nhân trẻ, dịch kính sau dính rất chặt với võng mạc nên rất khó lấy bỏ hoàn toàn màng hyaloid sau. Hơn nữa, các bệnh nhân này thường có thủy tinh thể còn trong, vì vậy, việc cắt sạch dịch kính ở phía trước là rất khó khăn hoặc không thể nếu không lấy bỏ thủy tinh thể còn trong. Đặt đai củng mạc sau khi CDK trong các bệnh lý dịch kính võng mạc sau chấn thương ngay cả khi không có bong võng mạc được rất nhiều các phẫu thuật viên dịch kính-võng mạc chấn thương ủng hộ. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc rằng việc đặt một đai củng mạc có thực sự cần thiết trong mọi trường hợp BVM do chấn thương không (bệnh nhân có tuổi, đã bong dịch kính sau, không còn thủy tinh thể…) do nguy cơ biến chứng cận và loạn thị do đai củng mạc.

Một vấn đề khác được đặt ra trong phẫu thuật BVM sau chấn thương là việc lựa chọn các vật liệu ấn độn nội nhãn. Hai tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn vật liệu ấn độn nội nhãn là sự tồn tại và mức độ giải phóng được các tăng sinh dịch kính võng mạc. Tăng sinh dịch kính VM là một trong những nguyên nhân gây BVM sau chấn thương và cũng là nguyên nhân làm cho phẫu thuật BVM bị thất bại. Vậy sau khi đã cắt sạch được dịch kính, giải phóng được hết các co kéo lên bề mặt nhãn cầu và bù trừ được các co kéo ở vùng nền của dịch kính bằng đai củng mạc thì nên ấn độn nội nhãn bằng không khí, khí nở hay dầu silicon nội nhãn? Trên các mắt BVM do chấn thương luôn tồn tại rất nhiều các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng quá trình tăng sinh dịch kính võng mạc như XHDK, viêm mủ dịch kính, kẹt dịch kính vào mép vết thương, đục vỡ thủy tinh thể….Mặt khác, trên các mắt này, ngay cả khi võng mạc đã được áp lại, các màng tăng sinh đã được lấy hết, quá trình tăng sinh dịch kính võng mạc vẫn có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vì vậy,

một số tác giả đề xuất ở các mắt này, có thể sử dụng dầu silicon nội nhãn hoặc khí nở có thời gian tác dụng kéo dài (C3F8) làm vật liệu ấn độn nội nhãn. Tuy nhiên, quan điểm về việc sử dụng các vật liệu ấn độn bên trong nội nhãn cũng khác nhau tùy từng tác giả. Chauvaud cho rằng, chỉ nên sử dụng dầu silicon ngay trong lần phẫu thuật đầu tiên nếu BVM kèm theo xuất huyết hoặc tổ chức hóa dịch kính [43].

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả lâu dài điều trị bong võng mạc do chấn thương tại bệnh viên mắt trung ương từ năm 2009 đến năm 2013 (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w