1.3.6.1. Giới và tuổi.
Tăng AUHT gặp chủ yếu ở nam giới. Chỉ có 5% bệnh nhân tăng AUHT là nữ, tuy nhiên nồng độ AUHT thường tăng ở phụ nữ mãn kinh.
Nồng độ AUHT có xu hướng tăng theo tuổi, giới hạn bình thường cao ở trẻ trai là 3,5mg/dl (210µmol/l) và tăng tới mức 5 ± 2mg/dl (300 ±120µmol/l) ở nam giới trưởng thành. Ngược lại nồng độ AUHT ở nữ thường ổn định nhưng thấp hơn nam giới. Lý do là estrogen làm tăng thải trừ axít uric .
1.3.6.2. Béo phì.
Có sự liên quan giữa trọng lượng cơ thể và nồng độ AUHT. Tỉ lệ tăng AUHT tăng rõ rệt ở những người có trọng lượng cơ thể tăng trên 10%. Béo phì làm tăng tổng hợp axít uric máu và làm giảm thải axít uric niệu, kết hợp của cả 2 nguyên nhân gây tăng axít uric máu. Theo các thống kê gần đây, 50% bệnh nhân tăng AUHT có thừa cân trên 20% trọng lượng cơ thể.
1.3.6.3. Rối loạn lipid máu.
Sự kết hợp giữa tăng triglycerit (TG) máu và tăng AUHT đã được xác định chắc chắn. Có đến 80% người tăng TG máu có sự phối hợp của tăng AUHT, và khoảng 50 -70% bệnh nhân tăng AUHT có kèm tăng TG máu. Ở bệnh nhân tăng AUHT, ngoài sự rối loạn của thành phần TG, người ta còn nhận thấy có sự rối loạn của HDL, một loại lipoprotein có lợi, có tính bảo vệ đối với cơ thể. Sự liên quan giữa tăng AUHT và rối loạn lipid máu chính là một phần của hội chứng chuyển hoá bao gồm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), béo phì vùng bụng, tăng TG, giảm HDL, tăng huyết áp, ĐTĐ, tình trạng đề kháng insulin và nguy cơ bị bệnh mạch vành. Tăng AUHT kết hợp với béo phì vùng bụng là nhóm nguy cơ cao của bệnh tim mạch có liên quan đến sự đề kháng insulin.
1.3.6.4. Lối sống.
Uống nhiều rượu bia làm tăng dị hoá các nucleotid có nhân purin, làm tăng dị hóa ATP thành AMP gây tăng sản xuất axít uric. Rượu còn có thể gây mất nước và làm tăng axít lactic máu. Khi uống rượu cùng với các đồ ăn thì một mặt bản thân rượu đã bổ sung một lượng purin, mặt khác còn hạn chế bài tiết urat qua nước tiểu, tạo điều kịên giữ lại purin của thức ăn và tăng quá trình tinh thể hoá các urat ở nước tiểu và tế bào.
Thức ăn: ăn nhiều hải sản làm tăng 50% nguy cơ gút, ăn nhiều thịt tăng 40% nguy cơ gút. Dùng các thực phẩm giàu purin như bột kiều mạch, đậu Hà Lan, nấm, đậu lăng, rau bina, súp lơ không làm tăng nguy cơ gút. Dùng sữa hay sữa chua làm giảm nồng độ urat huyết thanh. Chế độ ăn có thể làm giảm nồng độ axít uric máu 10 mg/l [9].
1.3.6.5. Tăng huyết áp.
Tăng AUHT được phát hiện ở 22% – 38% bệnh nhân tăng huyết áp không được điều trị. Mặc dù tỉ lệ tăng AUHT tăng ở đối tượng tăng huyết áp nhưng không có sự liên quan giữa axít uric máu và trị số huyết áp. Năm 2009 Hồ Thị Ngọc Dung và Châu Ngọc Hoa đã tiến hành khảo sát nồng độ AUHT ở BN THA và đã đưa ra kết luận tăng AUHT xảy ra ở người THA độ 2 cao hơn độ 1 và tăng tỉ lệ thuận với thời gian THA . Do đó, có thể nói tăng AUHT không triệu chứng là yếu tố tiên đoán THA, tiên lượng mức độ nặng THA, độc lập với các yếu tố khác. Có 25% – 50% bệnh nhân tăng AUHT có kèm tăng huyết áp, chủ yếu ở các bệnh nhân béo phì. Tỷ lệ tăng AUHT là 25% ở các bệnh nhân THA không được điều trị, 50% ở bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu và 75% ở bệnh nhân THA ác tính . Cơ chế được biết đến bao gồm:
Giảm lưu lượng máu thận (MLCT giảm) kích thích tái hấp thu urat. Tổn thương vi mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ.
Thiếu máu cục bộ có liên quan đến tăng sản xuất lactat gây ngăn tiết urat ở ống lượn gần và tăng tổng hợp axít uric do tăng phân hủy RNA – DNA và tăng purin trao đổi chất, làm tăng axít uric và các phản ứng oxy hóa thông qua ảnh hưởng của xanthine oxidase.
Thiếu máu cục bộ gây ra tăng sản xuất xanthine oxidase và tăng axít uric huyết thanh và tăng các phản ứng oxi hóa.