4.2.1.1. Nồng độ axít uric huyết thanh và thời gian mắc ĐTĐ.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian mắc bệnh trung bình của bệnh nhân ĐTĐ type 2 cao tuổi là 7,17 ± 5,6 năm, chứng tỏ là thời gian mắc bệnh của bệnh nhân tương đối dài. Trong đó, đa số thời gian mắc bệnh là trên 5 năm, chiếm tới 60,6% tổng số bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu mối liên quan giữa thời gian mắc ĐTĐ và nồng độ AUHT cho thấy nhóm bệnh nhân có thời gian mắc ĐTĐ trên 10 năm có AUHT trung bình cao hơn
các nhóm khác. Tuy nhiên sự khác biệt giữa các nhóm là không có ý nghĩa thống kê.
Có thể nói thời gian mắc ĐTĐ type 2 ở bệnh nhân cao tuổi có HCCH không liên quan tới nồng độ axít uric. Kết quả này của chúng tôi tương tự như kết quả nghiên cứu của một số tác giả:
Shokoofeh Bonakdaran và cộng sự (2011) nghiên cứu trên 1275 bệnh nhân ĐTĐ kết quả cũng cho thấy không có mối liên quan giữa thời gian mắc ĐTĐ và nồng độ AUHT .
Eun Sook Kim và cộng sự (2011) cũng cho rằng không có mối liên hệ nào giữa thời gian mắc ĐTĐ và nồng độ AUHT .
Ogbera A và cộng sự (2010) nghiên cứu trên 601 bệnh nhân ĐTĐ type 2 Nigeria cũng nhận thấy không có mối liên quan giữa thời gian mắc ĐTĐ và nồng độ AUHT .
Như vậy, thời gian mắc ĐTĐ có lẽ không chịu ảnh hưởng nhiều đến nồng độ AUHT. Điều này có thể lý giải do AUHT tăng nhiều năm trước khi bệnh nhân được chẩn đoán.
4.2.1.2. Nồng độ axít uric huyết thanh và đường máu đói.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có mối liên quan giữa AUHT và đường máu lúc đói (r= -0,67; p>0,05). Nồng độ AUHT trung bình của bệnh nhân có kiểm soát đường máu tốt và chấp nhận được cao hơn so với nhóm kiểm soát đường máu lúc đói không tốt, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p> 0,05.
Tỷ lệ tăng AUHT ở hai nhóm bệnh nhân ĐTĐ có kiểm soát đường máu tốt và chấp nhận được so với nhóm kiểm soát đường máu không tốt cũng không có sự khác biệt với p > 0,05.
Như vây phải chăng nồng độ đường máu cao không ảnh hưởng gì đến nồng độ AUHT?
Nghiên cứu của tác giả Chin-Hsiao Tseng (2005) nghiên cứu sự tương quan của axít uric và tỷ lệ bài tiết albumin niệu trên 343 bệnh nhân ĐTĐ thấy rằng nồng độ AUHT và đường máu lúc đói không có sự liên quan với nhau với r = - 0,03, p > 0,05.
Anthonia Ogbera và cộng sự (2010) tiến hành tại Nigeria trên 601 bệnh nhân ĐTĐ type 2 thấy rằng nồng độ AUHT và đường máu lúc đói không có sự liên quan với nhau với r = 0,001, p = 0,08 .
Eun Sook Kim và cộng sự (2011) nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ AUHT và HCCH, microalbumin niệu ở 504 bệnh nhân ĐTĐ type 2 Hàn Quốc nhận thấy giữa AUHT và đường máu lúc đói không có mối liên quan với nhau ( r = - 0,057 và p = 0,208) .
Qin Li và cộng sự (2011) nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ AUHT với HCCH và vữa xơ động mạch cảnh ở bệnh nhân ĐTĐ đã thấy giữa AUHT và đường máu lúc đói có mối tương quan nghịch biến với r = - 0,26 và p < 0,001 .
Cũng chính Shokoofeh Bonakdaran và cộng sự (2014) khi nghiên cứu mối quan hệ giữa nồng độ cao AUHT và HCCH ở 1978 bệnh nhân ĐTĐ type 2 Iran cũng thấy có mối liên quan nghịch giữa nồng độ AUHT với đường huyết lúc đói .
Có thể thấy có nhiều nghiên cứu cho kết quả khác nhau về mối liên quan giữa tăng đường máu và nồng độ AUHT, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây nhất đa số cho rằng việc tăng đường máu có mối liên quan nghịch với nồng độ AUHT.
Kết quả của chúng tôi tuy nồng độ AUHT ở nhóm kiểm soát đường máu tốt cao hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê p > 0,05. Có thể vì những lí do sau:
+ Nồng độ đường máu đói trung bình là 8,22 ± 2,96, nồng độ đường máu đói trung bình của nhóm kiểm soát tốt và chấp nhận được là 7,2 ± 1,3 và của nhóm bệnh nhân chưa được kiểm soát đường máu tốt là 11,9 ± 4,1, sự chênh lệch này cũng không thực sự quá cao nên mức độ ảnh hưởng đến chuyển hóa axít uric chưa thực sự lớn để có sự khác biệt.
+ Nghiên cứu chỉ đánh giá được mối liên quan giữa nồng độ đường máu đo tại một thời điểm và nồng độ AUHT, như vậy đường máu lúc đói cũng chưa phản ánh một cách chính xác nồng độ đường máu thường xuyên của người bệnh, do đó có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
4.2.1.3. Nồng độ AUHT và HbA1C.
HbA1C phản ánh nồng độ đường huyết trong một khoảng thời gian 2-3 tháng, nó cũng là một trong những mục tiêu điều trị bệnh ĐTĐ.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kể cả về nồng độ AUHT trung bình hay tỷ lệ tăng AUHT của nhóm kiểm soát HbA1C tốt và chấp nhận được đều cao hơn nhóm kiểm soát HbA1C kém. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Kết quả này của chúng tôi cũng tương tự kết quả nghiên cứu của đa số tác giả trên thế giới:
Shokoofeh Bonakdaran và cộng sự (2011) nghiên cứu mối quan hệ giữa sự tăng nồng độ AUHT và albumin niệu ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 thấy rằng có mối liên quan nghịch giữa axít uric và HbA1C với r = - 0,182, p < 0,01 .
Eun Sook Kim và cộng sự (2011) nhận thấy rằng giữa nồng độ AUHT và HbA1C có sự tương quan nghịch biến với r = - 0,211, p < 0,01 .
Qin Li và cộng sự (2011) nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ AUHT với HCCH và vữa xơ động mạch cảnh ở bệnh nhân ĐTĐ đã thấy giữa AUHT và HbA1C có mối tương quan nghịch biến với r = - 0,24 và p<0,001.
Shokoofeh Bonakdaran và cộng sự (2014) nghiên cứu mối quan hệ giữa nồng độ cao AUHT và HCCH ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 Iran cũng cho thấy có mối liên quan nghịch giữa nồng độ AUHT và HbA1C .
Để giải thích điều này nhiều nghiên cứu đã chứng minh nồng độ axít uric ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 thấp hơn ở những người không bị ĐTĐ hoặc ngay trong những bệnh nhân ĐTĐ thì nhóm có đường máu cao lại có nồng độ AUHT thấp hơn nhóm kiểm soát đường máu chặt chẽ . Lý do được đưa ra thứ nhất là do lượng đường niệu ở ĐTĐ góp phần tăng bài tiết axít uric ở thận . Thứ hai là sự đáp ứng viêm của ĐTĐ có vai trò bảo vệ.
Mặt khác, tăng AUHT đã được chứng minh gây ra rối loan chức năng nội mô và giảm sản xuất axít nitric . Giảm axít nitric có thể làm giảm insulin - kích thích đường đi vào trong cơ xương, góp phần vào sự đề kháng insulin và gây ĐTĐ. Ngoài ra, tăng AUHT có liên quan đến sự oxy hóa - điều này đóng một vai trò quan trọng trong bệnh sinh của ĐTĐ type 2 .
Trong mối quan hệ nhân quả này thực chất không thể xác định được yếu tố nào là nguyên nhân, yếu tố nào là kết quả.