Đầu tư phát triển KCN, KCX ở Hà Nội đã có những đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cấp như xử lý rác thải rắn nguy hại, ô nhiễm nước thải công nghiệp, ô nhiễm không khí, bụi và tiếng ồn…
Ở các nước phát triển, các điều khoản về môi trường được ban hành và áp dụng khắt khe, nên đối với những nghành sản xuất có công nghệ lạc hậu, chi phí môi trường rất cao, kéo theo chi phí sản xuất cao, đẩy giá thành sản xuất hàng hóa lên cao, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư. Mặt khác, đối với những nước đang phát triển như nước ta thì các công nghệ nói trên vẫn ở mức độ tiên tiến, hơn nữa trong điều kiện nguồn vốn trong nước hạn chế để đầu tư phát triển công nghệ nên vẫn có nhu cầu nhận các công nghệ, thiết bị đó. Vì vậy, đã hình thành xu hướng chuyển các
ngành sản xuất với công nghệ lạc hậu ở các nước phát triển sang các nước đang phát triển như nước ta. Mặc dù chúng ta cũng đề ra những biện pháp để ngăn chặn những công nghệ và thiết bị quá lạc hậu, song việc tiếp nhận những công nghệ, máy mọc thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài gây nguy cơ ô nhiễm là khó tránh khỏi. Đặc biệt đối với những ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao, gây ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài.
Vì vậy, ngay từ đầu khi xây dựng các KCN, KCX TP. Hà Nội phải quan tâm đến việc kiểm soát, bảo vệ môi trường. Việc quan tâm sớm đến bảo vệ môi trường sẽ tránh được những nguy hại đáng tiếc về sau, tạo nên sự phát triển bền vững; về lâu dài, làm giảm chi phí môi trường cho cả TP. Hà Nội và phía doanh nghiệp. Ngay khi xây dựng quy hoạch KCN, KCX, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng KCN, KCX phải quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường. Các KCN, KCX cần bố trí tại những địa điểm phù hợp, có vùng đệm cây xanh cách ly với khu dân cư; Cần đảm bảo khoảng cách tương đối giữa KCN, KCX với khu dân cư và đường giao thông để hạn chế tối đa những ảnh hưởng ô nhiễm môi trường mà KCN, KCX gây ra cho các vùng lân cận. Khi triển khai xây dựng KCN, KCX, phải tuân thủ chặt chẽ quy hoạch được duyệt. Khi thu hút đầu tư vào các KCN, KCX cần được tiến hành theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng giải quyết ô nhiễm của địa phương. Còn đối với những dự án thuộc cùng ngành nghề và có nguy cơ gây ô nhiễm cao, ngoài việc tuân thủ các quy định còn cần phải được bố trí vào những KCN, KCX đặc biệt để thuận lợi cho việc xử lý chất thải cũng như quản lý, kiểm soát bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng công tác thành lập KCN, KCX cũng như thẩm định dự án đầu tư vào KCN, KCX, đặc biệt là thẩm định về yếu tố môi trường. Cần đánh giá được tổng lượng chất thải nguy hại, rác thải rắn, khí thải và nước thải mà công cuộc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN, KCX, xây dựng nhà xưởng sản xuất gây ra cũng như hoạt động sản xuất mà các doanh nghiệp KCN, KCX thải ra. Xác định mức độ ô nhiễm môi trường trong KCN, KCX để làm cơ sở xây dựng xác lập phương án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải với quy mô, chất lượng xử lý đáp ứng yêu cầu, tính toán vốn đầu tư cần thiết và phương án huy động vốn để xây dựng các công trình này.
Xây dựng hệ thống chế tài bắt buộc đối với chủ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong việc xây dựng các công trình xử lý rác thải tập trung trong KCN, KCX. Có thể đưa yếu tố xây dựng công trình xử lý rác thải tập trung là điều kiện để xem xét mở rộng KCN, KCX hoặc là điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai…
Xây dựng hệ thống các quy định về đánh giá tác động môi trường trong KCN, KCX theo phạm vi đối với từng doanh nghiệp KCN, KCX, đối với đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KCX và đối với tổng thể cả KCN, KCX.
Cần có những quy định cụ thể về giám sát các dự án đầu tư nói chung và công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KCX nói riêng. Để đảm bảo hiệu quả của công tác giám sát, cần quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan giám sát môi trường, đồng thời quy định những điều khoản về ưu đãi, xử phạt đối với các doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Đối với các địa phương không đủ điều kiện được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình xử lý rác thải tập trung và đền bù giải phóng mặt bằng KCN, KCX theo quy định của Chính phủ thì xem xét các phương án hỗ trợ về tài chính như: cho vay từ Quỹ tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất ưu đãi hoặc có thể nghiên cứu cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư KCN, KCX hoàn thành hệ thống xử lý rác thải đạt yêu cầu…
Cần ý thức rõ cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp KCN, KCX trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động tìm giải pháp thỏa đáng và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích – chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung và cho riêng từng doanh nghiệp KCN, KCX. Có thể thực hiện việc xử lý nước thải như một hình thức kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phát triển hạ tầng liên kết với các doanh nghiệp chuyên lĩnh vực môi trường tham gia đầu tư hệ thống xử lý rác thải trong KCN, KCX và thu phí xử lý rác thải đối với các doanh nghiệp KCN, KCX.
Bảo vệ môi trường trong KCN, KCX nói riêng và môi trường tổng quan nói chung là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý nhà nước KCN, KCX, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp KCN, KCX. Vấn đề quan trọng là cần phải thống nhất nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của từng tổ chức, cá nhân trong các cơ quan trên để tạo mối quan hệ phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường KCN, KCX, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
KẾT LUẬN
Sau gần 20 năm phát triển (1991-2010), mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất đã gặt hái những thành tựu to lớn, khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. KCN, KCX thực sự là một sản phẩm mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá cùng hoà vào thành tựu và tồn tại chung của cả nước trên con đường phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được những thành công đó là do trong quá trình hình thành và phát triển, Nhà nước, UBND các tỉnh và Ban quản lý các khu Công nghiệp đã xác định đúng được vai trò quan trọng của các Khu công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế để từ đó có các chính sách phát triển các Khu công nghiệp một cách phù hợp với xu hướng phát triển chung. Vì vậy, các khu công nghiệp của nước ta trong những năm qua không ngừng khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng, bộ máy quản lý, tăng cường các biện pháp hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, đào tạo đội ngũ lao động .v.v. để từ đó từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh của các khu công nghiệp. Trong đề tài này, chúng tôi chỉ xin phép nêu ra một số biện pháp nhằm khắc phục khó khăn có thể áp dụng hiểu quả của các khu công nghiệp.
Do thời gian và trình độ có hạn, đề tài của nhóm tôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ phía thầy giáo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng và các bạn để đề tài được hoàn thiện hơn.