Một số khuyến nghị để củng cố, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỚI CƠ CẤU VIỆC LÀM CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN (Trang 56 - 74)

cấu cây trồng tới cơ cấu việc làm của lao động nông thôn.

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Với nhu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cùng với chủ chương và sự vận động, định hướng của các cấp chính quyền, việc CĐCCCT tại địa phương đã diễn ra khá mạnh mẽ với sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân. Từ kết quả điều tra bảng hỏi cho thấy có tới 92% số hộ được hỏi trả lời việc CĐCCCT phù hợp với gia đình họ. Trong đó: 23,91% hộ gia đình cho rằng rất

phù hợp, 43,48% cho rằng phù hợp và 32,61% hộ gia đình lựa chọn mức độ không phù hợp lắm. Diện tích CĐCCCT tăng nhanh với đa dạng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên việc không xây dựng một đề án, kế hoạch CĐCCCT cụ thể đã dẫn đến hiện tượng CĐCCCT một cách ồ ạt, tràn lan trên địa bàn toàn xã. Chính quyền địa phương định hướng cho người dân CĐCCCT trên đất chuyên màu và trên diện tích đất chuyên lúa xấu, cho hiệu quả kém với các loại cây trồng chuyển đổi là một số loại cây ăn quả phù hợp với lợi thế của vùng và các cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, người dân địa phương đã CĐCCCT trên tất cả các loại đất, kể cả đất chuyên lúa, với diện tích lớn, các loại cây chuyển đổi chủ yếu là cây ăn quả như: nhãn, bưởi, cam, chuối,… dẫn đến diện tích một số loại cây đã quá lớn trên địa bàn toàn xã, toàn huyện, đặc biệt là cây nhãn.

Để có thể củng cố và nâng cao hiệu quả của việc CĐCCCT, các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương cần:

Thứ nhất, đa dạng hóa các loại cây chuyển đổi. Không nên quá tập trung vào trồng một hoặc một số loại cây nào đó, các loại cây chuyển đổi không chỉ là các loại cây ăn quả mà cần kết hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Đây là việc mà người dân địa phương cần làm ngay trước mắt bởi diện tích một số loại cây ăn quả đã quá lớn trên địa bàn, cần dừng ngay việc chuyển đổi sang các loại cây đó.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, lai tạo những giống cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao, phù hợp với thế mạnh của vùng. Để làm được như vậy, người dân mà đặc biệt là nam giới trong các hộ gia đình cần tăng cường học hỏi, bổ sung các kiến thức, kỹ năng về trồng và chăm sóc những loại cây trồng mới chuyển đổi. Các ban ngành, đoàn thể địa phương cần mở thêm các lớp đào tạo, liên kết đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân.

Hộp 4.10: Người dân cần tăng cường học hỏi, bổ sung các kỹ thuật chăm sóc những loại cây trồng mới

“Ngày trước thì chỉ cấy lúa với trồng lạc, trồng đỗ, mấy năm nay mới chuyển đổi cây trồng nên chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Trồng nhãn,

trồng bưởi phải chăm sóc khác với cấy lúa, trồng ngô chứ. Chúng tôi tự học hỏi một số kỹ thuật của nhau, người làm sau học hỏi những người làm trước, người nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật hơn rồi dần dần tự đúc rút kinh nghiệm cho mình, có kỹ năng nhiều hơn”.

(Nguồn: Thảo luận nhóm)

Thứ ba, tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Các hộ gia đình cùng với chính quyền địa phương có thể liên kết với các cơ sở chế biến nông sản hay liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Tránh để tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Hộp 4.11: Tìm đầu ra cho nông phẩm

“Trồng cây ăn quả thu nhập cao hơn, lại đỡ vất vả nhưng tôi cũng lo rồi đến lúc quả nhãn, quả bưởi cũng giống như quả vải Bắc Giang hay như quả dưa hấu, mang lên cửa khẩu bao nhiêu ngày cũng không bán được hoặc có bán được thì cũng bị thương lái ép giá”.

(Nguồn: Thảo luận nhóm)

Thứ tư, dồn điền đổi thửa để sản xuất trên quy mô lớn, có thể kết hợp phát triển kinh tế trang trại. Khuyến khích các hộ gia đình dồn thửa đổi ruộng cho nhau vì ruộng đất manh mún khó có thể sản xuất hàng hóa khối lượng lớn, đồng đều về chất lượng, khó hình thành vùng chuyên canh.

Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ về vốn, phân bón,… cho người nông dân. Chính quyền địa phương có thể đầu tư vốn, máy móc cho những hộ gia đình đang chế biến nông sản trên địa bàn xã để họ có thể mở rộng hệ thống bảo quản, chế biến.

Có như vậy, việc CĐCCCT của địa phương mới mang lại hiệu quả cao, từ đó người dân mới có thể yên tâm chuyển sang làm các ngành nghề khác, vừa đảm bảo hoạt động nông nghiệp, vừa có thể chuyển lượng lao động dư thừa sang hoạt động phi nông nghiệp. Hơn nữa, việc CĐCCCT mang lại hiệu quả kinh tế

cao còn giúp hộ gia đình có thể đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất của gia đình mình, tạo thêm việc làm cho người khác.

Về cơ cấu việc làm của hộ gia đình sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cơ cấu việc làm của lao động nông thôn hiện nay đang thay đổi theo xu hướng tích cực: giảm tỷ trọng việc làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng việc làm công nghiệp và dịch vụ. CĐCCCT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho hộ gia đình mà còn có ảnh hưởng tích cực tới sự thay đổi cơ cấu việc làm của lao động nông thôn. CĐCCCT tạo ra nguồn lao động dôi dư trong nông nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho lao động nông thôn có điều kiện để chuyển sang làm việc trong các ngành nghề phi nông nghiệp, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo kết quả điều tra, có 96% số hộ được hỏi cho rằng cơ cấu việc làm hiện nay là hợp lý. Trong đó có 16,67% số hộ lựa chọn mức độ rất phù hợp, 56,25% lựa chọn mức độ hợp lý và 27,08% cho rằng không hợp lý lắm. Sau CĐCCCT phần lớn các hộ gia đình trong xã đã chuyển sang làm nghề hỗn hợp: vừa trồng trọt, vừa làm các nghề phi nông khác. Các ngành nghề phi nông nghiệp trên địa bàn hiện nay cũng rất đa dạng như: nghề mộc, nề, may mặc, sản xuất gạch hay cơ khí, buôn bán, kinh doanh, dịch vụ. Trong vài năm gần đây, một lượng lao động không nhỏ của địa phương chuyển sang làm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động, hay làm thuê tự do; ngoài ra còn có những hộ gia đình làm tiểu thủ công nghiệp như làm vàng mã, mây tre đan.

Để cơ cấu việc làm hợp lý, mang lại hiệu quả cao hơn cần:

Thứ nhất, giảm tỷ trọng việc làm trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp. Việc chuyển lượng lao động dôi dư sau CĐCCCT sang làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ hoặc làm nông nghiệp kiêm phi nông nghiệp cần được phát huy để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

“…Làm nông nghiệp mất mùa, thất thu thì còn có công việc phi nông; làm phi nông không được như công ty, xí nghiệp giải thể chẳng hạn thì vẫn có nghề nông. Làm nông nghiệp phải hết năm hết vụ mới có thu nhập, đi làm thuê hay buôn bán vừa tranh thủ được lúc nông nhàn vừa có thu nhập hàng ngày, hàng tháng”.

PVS nữ, 40 tuổi.

(Nguồn: Phỏng vấn sâu)

Thứ hai, lao động nông thôn cần được đào tạo, nâng cao tay nghề. Trước đây phần lớn người lao động nông thôn làm việc trong ngành nông nghiệp, để lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp có thể chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp và có thể mang lại thu nhập cao thì họ cần thiết phải được đào tạo. Việc đào tạo, nâng cao tay nghề giúp người lao động đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp hoặc làm cho năng suất, hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình tăng.

Thứ ba, chính thức hóa hoạt động phi nông nghiệp. Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động phi nông nghiệp ở địa phương hoạt động dưới dạng chính thức như công ty, doanh nghiệp hay hợp tác xã. Chẳng hạn như các xưởng may mặc, xưởng cơ khí hay cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng,… nên hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp hay công ty, từ đó các hộ gia đình cũng có thể tự nguyện góp vốn kinh doanh với nhau.

Thứ tư, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đây là hoạt động tạo ra việc làm tại chỗ cho người lao động trên địa bàn, cần tích cực duy trì và phát triển các ngành nghề tại chỗ, tập trung vào ngành mũ nhọn. Chính quyền địa phương có thể khuyến khích, đầu tư mở rộng sản xuất đối với hộ gia đình chế biến nông sản hay sản xuất vàng mã,… trong xã.

Thứ năm, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hoặc các hộ gia đình để họ phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo thêm việc làm trên địa bàn.

Việc phát triển các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn giúp tạo việc làm phi nông nghiệp cho người lao động, tạo điều kiện cho lượng lao động dư thừa có thể chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp hoặc dễ dàng tìm kiếm việc làm trong khoảng thời gian nông nhàn. Từ đó làm gia tăng tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp trong cơ cấu việc làm của lao động nông thôn.

PHẦN 5: KẾT LUẬN

Qua quá trình nghiên cứu và phân tích ảnh hưởng của việc CĐCCCCT tới cơ cấu việc làm của lao động nông thôn tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, quá trình CĐCCCT ở địa phương diễn ra mạnh mẽ. Với nhu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cùng với chủ chương và sự vận động, định hướng của các cấp chính quyền, việc CĐCCCT tại địa phương đã diễn ra khá mạnh mẽ với sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân. Đến nay hầu hết các hộ gia đình trong xã đã CĐCCCT, đặc biệt trong khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, việc CĐCCCT ở địa phương tăng nhanh cả về diện tích và số hộ CĐCCCT. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã CĐCCCT với đa dạng các loại cây, tập trung vào một số loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thế mạnh của vùng như: nhãn, bưởi, chuối,… Kết quả là diện tích các loại cây trồng mới như: nhãn, bưởi, cam, chuối, đu đủ, táo, ổi… tăng nhanh, cùng với đó là diện tích các loại cây trồng cũ như: lúa, ngô, đỗ, lạc giảm đi.

Tuy nhiên, việc thiếu một đề án, kế hoạch cụ thể cho quá trình CĐCCCT ở địa phương đã dẫn đến tình trạng người dân CĐCCCT một cách ồ ạt. Từ kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy, phần lớn các hộ gia đình đã CĐCCCT trên tất cả các loại đất, từ đất chuyên màu đến đất một màu một lúa thậm chí là cả đất

chuyên lúa. Các loại cây chuyển đổi chủ yếu tập trung vào một số loại cây ăn quả như: nhãn, bưởi, chuối. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục diễn ra ở địa phương, lãnh đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã đã phải kêu gọi, vận động người dân ngừng trồng một số loại cây đã có diện tích quá lớn trên địa bàn. Như vậy có thể thấy rằng, sự tuyên truyền, vận động và định hướng của người dân là chưa đủ để quá trình CĐCCCT ở địa phương diễn ra hợp lý, cần thiết phải có một đề án, kế hoạch CĐCCCT cụ thể.

Thứ hai, CĐCCCT đã làm thay đổi cơ cấu việc làm theo hướng giảm tỷ trọng việc làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao không những mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, mặt khác CĐCCCT còn giúp người nông dân giảm bớt công lao động, tạo ra nguồn lao động dôi dư trong nông nghiệp. Những điều đó tạo điều kiện cho lao động nông thôn dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ và có thể giúp người lao động đầu tư sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Sau CĐCCCT, phần lớn các hộ gia đình trong xã đã chuyển từ hộ thuần nông sang hộ làm nghề hỗn hợp. Với việc CĐCCCT, hoạt động sản xuất nông nghiệp mà ở đây là hoạt động trồng trọt của hộ gia đình giảm bớt công lao động, thời gian nông nhàn nhiều hơn, tạo ra nguồn lao động dôi dư đã giúp một bộ phận người dân tìm kiếm các việc làm phi nông nghiệp vào thời gian nông nhàn hoặc chuyển hẳn sang làm việc trong ngành phi nông nghiệp. Mặt khác, CĐCCCT còn kéo những hộ phi nông nghiệp trước đây bỏ đồng ruộng quay lại với ngành trồng trọt. Như vậy, CĐCCCT đã làm thay đổi cơ cấu việc làm của lao động trên địa bàn đang thay đổi theo xu hướng tích cực, tỷ trọng việc làm trong nông nghiệp giảm, tăng tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp.

Thứ ba, CĐCCCT không những ảnh hưởng tới cơ cấu việc làm nông nghiệp – phi nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới cơ cấu việc làm giữa nam – nữ

của lao động nông thôn. Trước đây nam giới là người đảm nhiệm các công việc trong nông nghiệp ít hơn nữ giới, tỷ lệ nam giới tham gia loại hình làm thuê cao hơn so với nữ giới. Sau CĐCCCT, tỷ lệ nam giới làm việc trong nông nghiệp nhiều hơn nữ giới, từ đó tạo điều kiện cho nữ giới làm việc phi nông nghiệp nhiều hơn. Với các loại cây trồng mới, nam giới là người đảm nhiệm chính các công việc trong hoạt động trồng trọt của hộ gia đình, từ việc trồng cây, chăm sóc cây như bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho đến thu hoạch. Từ đó người phụ nữ có điều kiện nhiều hơn để chuyển sang làm việc trong các khu công nghiệp, buôn bán, kinh doanh, xuất khẩu lao động hay làm thuê tự do,…

Ảnh hưởng của việc CĐCCCT tới cơ cấu việc làm của lao động nông thôn còn có sự khác nhau giữa các hộ gia đình, phụ thuộc vào diện tích mà hộ đã CĐCCCT. Hộ gia đình CĐCCCT trên tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp càng lớn thì càng có nhiều điều kiện, cơ hội chuyển sang các ngành nghề khác hơn. Cũng như vậy, hộ gia đình CĐCCCT trên tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp càng lớn thì nam giới của hộ gia đình đó đảm nhiệm hoạt động nông nghiệp nhiều hơn, nữ giới trong gia đình đó càng có cơ hội làm việc trong các ngành nghề phi nông nhiều hơn.

Khác với những nghiên cứu trước chỉ ra rằng, CNH – HĐH hay sự phát triển của các làng nghề, sự phát triển của các hoạt động phi nông nghiệp là các nhân tố tạo ra sự thay đổi cơ cấu việc làm của lao động nông thôn. Nghiên cứu này cho thấy, sự thay đổi từ chính nông nghiệp mà cụ thể ở đây là quá trình CĐCCCT cũng là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới cơ cấu việc làm của lao động nông thôn.

Thứ tư, để việc CĐCCCT ở địa phương mang lại hiệu quả cao hơn cần đa dạng hóa các loại cây trồng, không chỉ tập trung vào một số loại cây ăn quả như hiện nay mà nên kết hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, người dân mà đặc biệt là nam giới cần tăng cường học hỏi các kỹ thuật

trồng trọt những loại cây trồng mới. Tìm đầu ra cho nông sản cũng là việc rất quan trọng, cần thiết phải mở rộng cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỚI CƠ CẤU VIỆC LÀM CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN (Trang 56 - 74)

w