Địa điểm nghiên cứu

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỚI CƠ CẤU VIỆC LÀM CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN (Trang 30 - 31)

Huyện Khoái Châu nằm ở phía tây tỉnh Hưng Yên – tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Khoái Châu có hệ thống giao thông khá đồng bộ gồm quốc lộ 39A, các tỉnh lộ 199, 204, 205, 206, 209, tuyến đê sông Hồng, các huyện lộ, các đường liên thôn, liên xã, cùng tuyến đường thủy sông Hồng…đã tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi cho việc phát triển giao lưu hàng hóa từ Khoái Châu tới các vùng phụ cận và ngược lại.

Khoái Châu là vùng đất phù sa màu mỡ, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Với đặc điểm địa lý và truyền thống phát triển ngành nghề, lao động nông nghiệp chiếm khoảng 80% lao động của toàn huyện.

Cây trồng trong huyện tương đối đa dạng, phong phú từ các cây ăn quả lâu năm như nhãn, cam, quýt,…, các cây trồng ngắn ngày như rau, đậu đến các cây dược liệu. Trong đó lúa nước là cây trồng chủ yếu, năng suất lúa của huyện luôn dẫn đầu tỉnh Hưng Yên, năm 2009 năng suất lúa bình quân đạt từ 64 – 65,25 tạ/ha . Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nhiều xã trong huyện đã chuyển đổi phần lớn đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả, kể cả đất lúa.

Nghiên cứu được thực hiện tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trước đây Ông Đình vốn là xã thuần nông với một năm hai vụ lúa là chủ yếu và một số cây lương thực khác nhưng trong vài năm trở lại đây phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã được người dân chuyển sang các loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi, chuối - những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang tiếp tục được chuyển đổi. Năm 2013, diện tích cây ăn quả trên toàn xã là hơn 200 mẫu. Trong đó gồm các cây trồng chủ yếu là: cây đu đủ có 15 mẫu, cây chuối có 15 mẫu, cây cam 10 mẫu, cây bưởi 43 mẫu, đặc biệt cây nhãn với 140

mẫu đã mang lại gần 13 tỷ đồng . Quá trình CĐCCCT trên địa bàn xã diễn ra mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây với sự gia tăng nhanh chóng diện tích các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập trung chủ yếu vào một số loại cây ăn quả.

Lao động của toàn xã phần lớn là lao động nông nghiệp tuy nhiên trong những năm gần đây đã có một lượng lao động không nhỏ đang hoạt động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2013, có khoảng 450 lao động tham gia lao động cho các công ty, doanh nghiệp và có khoảng hơn 100 người tham gia hợp tác lao động và buôn bán tại nước ngoài. Số lượng lao động làm thuê cho các công ty, làm thuê tự do, kinh doanh buôn bán và lao động tại nước ngoài có xu hướng gia tăng (UBND xã Ông Đình, 2013).

Các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ có nhiều chuyển biến đa dạng, phát triển rộng rãi trong khu dân cư. Các ngành nghề mộc, nề, may mặc, sản xuất gạch, chế biến sản phẩm nông sản, cơ khí,... vẫn được duy trì ổn định và phát triển. Tuy nhiên, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn chậm, chưa có ngành nghề mũi nhọn, sản phẩm đơn điệu (UBND xã Ông Đình, 2013). Hiện nay trên địa bàn xã cũng có một số công ty, xưởng may mặc và xưởng sản xuất gạch, cơ khí, … tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Như vậy có thể thấy rằng, việc làm phi nông nghiệp ngày càng được tạo ra nhiều hơn trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỚI CƠ CẤU VIỆC LÀM CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN (Trang 30 - 31)

w