Một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh tỉnh tuyên quang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc tày tu nam 1991 den nam 2012 (Trang 58 - 61)

7. Bố cục của luận văn

2.4.2. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày

dân tộc Tày Tuyên Quang

Một là, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể phải gắn với phát triển giáo dục toàn diện. Nếu như trong thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc con người là mục tiêu của cách mạng, thì trong thời kì phát triển, xây dựng đất nước, xây dựng con người được coi là chiến lược hàng đầu. Đặc biệt, những thập niên gần đây, phát triển đất nước luôn là mối quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chiến lược ở các nước. Các quốc gia dân tộc đang tự tìm tòi để xác định một chương trình phát triển theo một mô hình nhất định. Quan điểm lấy kinh tế, khoa học, công nghệ làm nền tảng, làm nhân tố quyết định của phát triển đã bộc lộ rõ tính chất sai lầm, phiếm diện. Các nước chọn mô hình phát triển theo quan điểm này đã đưa xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc. Có được những tăng trưởng đáng kể về kinh tế nhưng đi cùng với nó là sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, nhân phẩm, tình trạng bất ổn về chính trị - xã hội, sự xuống cấp đáng báo động của môi trường sinh thái, nhân văn, công lí, tự do, hòa bình, lẽ phải bị tước đoạt … Thực trạng đó đang đặt nhân loại tiến bộ trước một lựa chọn tất yếu, đó là muốn thực sự có được sự phát triển theo hướng bền vững nhân văn thì phải nhận thức được mối quan hệ mật thiết hữu cơ giữa văn hóa và phát triển; phải thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, là động lực, mục tiêu của sự phát triển; mà nói đến sức mạnh của văn hóa là nói tới sức mạnh của nhân tố con người. Vai trò động lực của văn hóa được thể hiện chính là ở vai trò động lực của con người. Để gìn giữ và phát triển văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng, đạo đức của con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”, khía cạnh đạo đức muốn đề cập ở đây chính là

nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trước hết, phải nhận thức sâu sắc chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam với những nội dung cơ bản: yêu quê hương, xứ sở, xóm làng, gắn bó và cố kết cộng đồng, tự hào lịch sử và văn hóa của ông cha … Phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa. Thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác. Vì vậy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể tất yếu phải gắn liền với phát triển giáo dục toàn diện: Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha ông; giáo dục tình cảm thẩm mĩ, các giá trị chân, thiện, mĩ; đây chính là cơ sở phát triển ý thức, nhận thức của thế hệ trẻ đối với những di sản văn hóa của quê hương đất nước.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc Tày mới định cư. Tăng cường đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ trí thức, nâng cao học vấn đối với đồng bào Tày ở vùng sâu, vùng xa.

Ba là, nắm vững quan điểm của Đảng ta: Kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, cần khai thác tài nguyên văn hóa một cách hợp lý để phát triển du lịch, mở rộng giao lưu giữa các vùng miền, tạo điều kiện để văn hóa truyền thống phát triển. Động viên những người làm công tác văn hóa cơ sở, đặc biệt là các nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống có nhiều công lao đóng góp cho việc bảo tồn, truyền dạy và phát huy văn hóa dân gian truyền thống.

Bốn là, tuyên truyền giáo dục rộng rãi văn hóa các dân tộc thiểu số để nâng cao lòng tự hào dân tộc để đồng bào nhận thấy rõ giá trị phong phú độc đáo trong văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc chỉ có thể được bảo tồn, phát huy, được lưu giữ vững chắc trong ý thức của mỗi người dân. Việc tuyên truyền giáo dục này không chỉ thông qua việc giáo dục trường học mà còn phải tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo, truyền hình … để đồng bào

Tày hiểu sâu sắc hơn giá trị văn hóa của cộng đồng mình, tăng thêm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Năm là, tiếp tục triển khai nghệ thuật quần chúng trong cộng đồng Tày, làm cho vốn văn nghệ dân gian được đâm chồi, nảy lộc ngay trên mảnh đất đã sinh ra nó. Duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, duy trì các đội nghệ thuật quần chúng ở thôn bản, khai thác các tiết mục văn nghệ dân gian, tranh thủ sự trao truyền của các bậc nghệ nhân, già làng, thường xuyên tổ chức biểu diễn, hội diễn văn nghệ thôn bản để cổ vũ, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc của đồng bào. Qua đó, có thể phát hiện tài năng của các cá nhân trong cộng đồng dân tộc.

Sáu là, đối với các lễ hội văn hóa dân gian, cần có kế hoạch khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào Tày. Tìm kiếm các bài dân ca, các làn điệu dân vũ, các trò chơi dân gian để thu hút đông đảo quần chúng tham gia lễ hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Nhiệm vụ trước mắt lâu dài là phải làm cho các lễ hội dân gian của đồng bào Tày ở khu định cư mới tồn tại song hành với các loại hình văn hóa hiện đại.

Bảy là, qua những nghiên cứu văn hóa phi vật thể của người Tày có thể giúp tiếp cận, hiểu sâu hơn truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Trên cơ sở nắm được các luật tục, hiểu rõ nguồn gốc, phong tục tập quán để từng bước điều chỉnh các quan hệ trong phong tục tập quán, từ bỏ hủ tục lạc hậu, giảm bớt những thủ tục dài dòng, phát huy thuần phong mỹ tục. Khi đến nơi định cư mới, chính quyền địa phương cùng với bà con dân tộc Tày nên khôi phục các lễ hội dân gian, trò chơi dân gian, các làng nghề thủ công, để hình thành một vùng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Tám là, tăng cường đầu tư ngân sách, có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ ngành văn hóa, nghệ nhân văn hóa. Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cần có kế hoạch hỗ trợ về mặt kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất cho các nghệ nhân dân gian và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân phát huy khả năng truyền dạy các giá trị văn hóa cho đời sau. Đây là việc làm hết sức cần thiết và phải thực hiện ngay. Trên thực tế, khi thực hiện đề tài, tác giả đã có thời gian dài tiếp xúc với các nghệ

nhân dân gian, điều mà các nghệ nhân mong mỏi là cán bộ văn hóa các cấp cần quan tâm hơn nữa và tạo điều kiện cho họ phát huy giá trị văn hóa một cách hiệu quả nhất. Đại đa số các nghệ nhân vừa phải chế tác nhạc cụ tùy theo số lượng học viên phát sinh, vừa phải bỏ thời gian và công sức truyền dạy trong điều kiện vật chất thiếu thốn.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh tỉnh tuyên quang lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc tày tu nam 1991 den nam 2012 (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)