Tòa án độc lập có ý nghĩa quyết định trong bảo vệ quyền công lý, bảo vệ quyền con người... Muốn tòa án độc lập, việc tách bạch khỏi sự ảnh hưởng bởi yếu tố hành chính, chính quyền là khâu then chốt. Thực hiện chủ trương tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức tòa án năm 2014 đã thành lập thêm Tòa án nhân dân cấp cao trong hệ thống tòa án nhân dân, có chức năng xét xử phúc thẩm các bản án của Tòa án nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị, kháng cáo và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tòa án nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Do việc thành lập thêm Tòa án nhân dân cấp cao nên Tòa án nhân dân tối cao sẽ không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng không còn thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm các bản án của tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Điều này hạn chế sự ảnh hưởng, sự can thiệp của các cấp chính quyền ở địa phương. Các thẩm quyền nói trên theo Luật tổ chức tòa án năm 2014 được chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao. Để tăng cường việc bảo vệ các quyền
con người và quyền công dân, mà đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đã thành lập thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên trong Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án cấp cao và có thể thành lập tòa này ở Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Để tăng cường tính độc lập và ổn định nghề nghiệp của thẩm phán, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 cũng đã kéo dài thời gian từ nhiệm kỳ thứ hai của thẩm phán từ 5 năm lên 10 năm (Điều 74 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).
Mặt khác, còn có một số vấn đề liên quan cần giải quyết đồng bộ với việc nâng cao vai trò của Tòa án trong giai đoạn hiên nay, đó là:
- Đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp nói chung, Toà án nói riêng là vấn đề có tính nguyên tắc hiến định. Sự lãnh đạo của Đảng không mâu thuẫn hoặc ảnh hưởng tới tính độc lập của Toà án. Nội dung lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; lãnh đạo về tổ chức cán bộ; lãnh đạo định hướng công tác. Cũng có ý kiến mong muốn thành lập đảng bộ ngành Toà án để lãnh đạo theo ngành dọc từ Toà án nhân dân tối cao xuống đến Toà án sơ thẩm khu vực. Ý kiến này là không thuyết phục, vừa làm cho Toà án nhân dân tối cao thêm “cồng kềnh” vừa dễ mâu thuẫn với nguyên tắc độc lập trong hoạt động của mỗi cấp Toà án. Vì vậy, tổ chức đảng của Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm cần phải gắn bó với cấp uỷ địa phương, nơi có trụ sở của các Toà án này tọa lạc.
- Yếu tố độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án.
Chỉ khi tòa án độc lập trong xét xử mới có ý nghĩa quan trọng để quyền của con người được thực thi đúng pháp luật, tránh tình trạng Thẩm phán, Hội thẩm bị tác động của các yếu tố khách quan, “các thế lực” làm sai lệch vụ án.
Ghi nhận quyền bình đẳng trước Tòa án là một phần của quyền bình đẳng trước pháp luật - quyền đã được Hiến định. Để bảo vệ quyền con người trong hoạt động xét xử thì bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án rất quan trọng, đương sự có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Đây à vấn đề cốt lõi để tạo nên nguồn lực cho tòa án thực hiện chức năng bảo vệ công lý của mình
Để quy định này được thực thi thì Hội đồng xét xử phải điều khiển phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật tố tụng, phải có thái độ khách quan, tạo điều kiện để người tham gia phiên tòa thực hiện quyền bình đẳng của họ trước Tòa án. Điều này sẽ khắc phục được các vi phạm quyền con người trong xét xử