“Buôn có bạn, bán có phường” từ lâu đã được ông cha ta đúc kết, nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng đồng thời những nhà buôn cũng có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giá cả, kho hàng, hợp tác kinh doanh… Cũng từ xưa, một Hà Nội có 36 phố phường, mỗi phố là một ngành hàng. Hải Phòng có chợ Sắt; thành phố Hồ Chí Minh có chợ vải Soái Kình Lâm; các chợ rau quả, lúa gạo, trái cây, các khu phố kinh doanh cùng mặt hàng ở Chợ Lớn,
Cầu Ông Lãnh… Các chợ hay phố kinh doanh này phát triển dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên như bến thuyền, bến xe kho bãi hay đặc điểm của cư dân-người tiêu dùng mỗi vùng. Gần Đà Nẵng còn có một đô thị cổ Hội An cũng đã hình thành các khu phố ẩm thực, phố may mặc, phố hàng lưu niệm, phố giải khát, phố homestay… bên cạnh các di
tích lịch sử văn hóa, các vùng ven đô… Nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng không nằm ngoài các đặc điểm nêu trên, nhưng quy mô đã lớn hơn. Họ có các phố, các khu phố, các đô thị vệ tinh tập trung những hoạt động về tài chính, ngân hàng, điện tử, công nghệ, hàng hải nổi tiếng…
Việc hình thành các phố, các khu phố hoặc khu vực kinh doanh đó, tuy quy mô có thể khác nhau, nhưng lại trở nên thuận lợi cho công tác quản lý đô thị và trật tự xã hội.
Chính vì vậy, vai trò quy hoạch, tổ chức quản lý của các chính quyền đô thị nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng các phố chuyên doanh là cần thiết. Thậm chí, các ngành quản lý về an toàn thực phẩm, thuế, thống kê… cũng chia sẻ được lợi ích khi tác nghiệp theo phận sự của mỗi ngành, vì sự thuần nhất, tương đồng của người kinh doanh mà họ đang quản lý.