CRP (C REACTIVE PROTEIN)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nồng độ CRP huyết thanh của bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại trung tâm hô hấp bệnh viện bạch mai (Trang 31 - 34)

1.4.1. CRP và một số yếu tố chỉ điểm trong viêm.

Khi một yếu tố gây viêm vượt qua hàng rào vật lý, sẽ phá hủy một số tế bào tạo các yếu tố khởi phát như yếu tố đông máu, các kinin, bổ thể và một số chất trung gian như histamine, serotonin, các enzyme và các cytokine (IL1, IL6, TNF α).

Các protein giai đoạn cấp có bản chất dịch thể và có nhiều chức năng khác nhau. Các cytokine thường tăng trong giai viêm cấp nhưng không phân biệt được nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, nồng độ cũng sẽ giảm nhanh do mức tiêu thụ cao. Trong giai đoạn này CRP và Serum amyloid protein A tăng cao gấp hàng trăm lần. Serum amyloid protein A có độ nhạy cao nhưng về mặt kỹ thuật đo lại hạn chế vì vậy hiện nay CRP được coi là yếu tố chỉ điểm viêm tốt nhất.

1.4.2. Những hiểu biết chung về CRP

1.4.2.1. Lịch sử phát hiện.

CRP bản chất là protein miễn dịch có tên là pentaxin, hình đĩa lõm năm cạnh. CRP được tạo nên bởi năm tiểu đơn vị đồng nhất với trọng lượng phân tử 120.000 dalton. Nó có vai trò quan trọng trong giai đoạn cấp thuộc hệ thống đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu.

CRP được phát hiện vào những năm 1930 bởi Tillet và Francis trong một nghiên cứu phản ứng huyết thanh bệnh nhân với vi khuẩn phế cầu. Theo nghiên cứu, trong giai đoạn cấp của nhiễm vi khuẩn phế cầu, huyết thanh người bệnh bị kết tủa bởi một phần của polysaccharid C ở vỏ phế cầu khuẩn. (phần C). Sự kết tủa của polysaccharid C với huyết thanh người bệnh mất nhanh sau khi khỏi bệnh. Sau này người ta xác định được chất gây kết tủa trong huyết thanh bệnh nhân có bản chất protein và huyết thanh người bệnh

có chứa thành phần C của phế cầu. Vì vậy, người ta gọi protein này là C Reactive Protein (CRP).

1.4.2.2. Vai trò

CRP có hai vai trò chính là nhận dạng và hoạt hóa. Tại ổ viêm, nồng độ CRP tăng cao cùng với sự có mặt của ion canxi sẽ tác dụng lên polysaccharid của vi khuẩn và cố định hệ thống bổ thể . Sau khi gắn, CRP hoạt hóa bổ thể theo con đường cổ điển và hoạt động như một opsonin chọc thủng vách tế bào dung giải vi khuẩn. Như vậy CRP và các thành phần bổ thể tham gia trực tiếp vào giai đoạn cấp để loại trừ yếu tố gây viêm. Các nghiên cứu invitro còn cho thấy CRP hoạt hóa bạch cầu trung tính, tăng kết dính, và giáng hóa tiểu cầu, hoạt hóa tế bào diệt tự nhiên (NK), kích thích đại thực bào hoạt động. CRP được chứng minh tăng rõ rệt trong huyết thanh ở giai đoạn cấp.

Tùy theo từng loại và mức độ của các yếu tố gây viêm, tế bào gan sẽ sản xuất ra lượng CRP nhất định, CRP bắt đầu tăng từ 4 – 6 giờ sau khi có tác nhân kích thích, đạt cao nhất sau 36 – 48 giờ. Khi nguyên nhân gây viêm đã được loại bỏ lượng CRP sẽ giảm nhanh chóng với thời gian bán hủy là 19 giờ.

1.4.2.3. Ứng dụng CRP

- Ở người khỏe mạnh, kể cả trẻ em và người lớn, nồng độ CRP huyết thanh thường rất thấp:

95% số người khỏe mạnh có nồng độ CRP từ 0 – 7mg/L [42], [43]. Giá trị CRP lớn hơn 10 mg/L được coi là tình trạng bệnh lý.

- Ở trẻ sơ sinh, nồng độ CRP huyết thanh: 95% số sơ sinh có nồng độ CRP từ 0 – 7 mg/L.

Trẻ sinh non, yếu có nồng độ CRP cao hơn là do ảnh hưởng của các yếu tố kích thích viêm và do chức năng gan chưa hoàn thiện.

- Từ những năm 1950, CRP đã được nghiên cứu trên 70 rối loạn bệnh lý khác nhau gồm các bênh nhiễm khuẩn và không do nhiễm khuẩn. Các công

trình nghiên cứu cũng đã chứng minh nồng độ CRP huyết thanh tăng ở các mức độ khác nhau giữa các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus:

+ Trong các bệnh nhiễm khuẩn CRP có xu hướng tăng rất cao. Khi nồng độ CRP tăng cao trên 100 mg/L thường liên quan đến bệnh cảnh lâm sàng nặng và có giá trị chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn.

+ Trong các bệnh nhiễm virus, CRP không tăng hoặc tăng nhẹ dưới 20mg/L, hiếm khi lên tới 40 mg/L.

1.4.2.4. Một số nghiên cứu về CRP và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Nghiên cứu của Stolz D và CS (2007) về Copectin, CRP và Procalcitonin đã nhận thấy Copectin, CRP, Procalcitonin là các dấu ấn sinh học để ước tính mức độ trầm trọng của đợt cấp COPD [12].

- Dahl M, Nordestaard BG (2009) cũng nhận thấy mức tăng cao của CRP như là một yếu tố dự báo sớm đợt cấp COPD và mức độ nặng của bệnh [44].

- Hurst JR và CS (2006) nghiên cứu về việ sử dụng các dấu ấn sinh học trong huyết thanh bệnh nhân đợt cấp COPD nhằm xác định đợt cấp và tiên lượng mức độ nặng của đợt cấp COPD. CRP được sử dụng như là một dấu ấn sinh học chỉ điểm viêm trong đợt cấp COPD nhưng không đủ nhạy cảm và cũng không sử dụng độc lập một mình khi nhận định kết quả xét nghiệm mà cần có sự kết hợp với các yếu tố chỉ điểm viêm khác và các dấu hiệu nhận biết trên lâm sàng [13].

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nồng độ CRP huyết thanh của bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại trung tâm hô hấp bệnh viện bạch mai (Trang 31 - 34)