Đó là sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại và nhu cầu liên tục tăng lên cùng với xu thế tăng trưởng kinh tế. Mức sống càng cao đòi hỏi phải ăn mặc càng đẹp, đó là tất yếu. Hơn thế nữa, sản phẩm lại gọn nhẹ, mỗi nước có những sở thích thị hiếu ăn mặc khác nhau, nên có thể thâm nhập và khai thác đặc điểm của mỗi loại thị trường, giúp cho các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn.
Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế, ngành dệt may hiện nay ở nước ta vẫn là ngành hoạt động hiệu quả kinh tế chưa cao, sản xuất gia công là chính, công nghệ còn lạc hậu, mẫu mã chưa phong phú, phát triển chưa đồng bộ giữa dệt với may; phải nhập nhiều nguyên liệu, quản lý còn chồng chéo, sự liên kết, hợp tác chưa cao.
Do vậy, để tiếp xúc phát triển một ngành có lợi thế này ở Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu của chiến lược tăng tốc đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2005 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may phải đạt 4 - 5 tỷ USD và đến năm 2010 sẽ là 8 - 10 tỷ USD, thu hút 2,5 - 3 triệu lao động) cần phải phân tích các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của ngành. Điều này có một ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hội nhập hiện nay khi sản phẩm dệt may của Việt Nam phải đương đầu với những đối thủ mạnh
hơn ta nhiều. Từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế của một ngành quan trọng này.
Tuy nhiên những yếu tố liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng cạnh tranh trước mắt và lâu dài của hàng dệt may thì "gỡ rồi vẫn vướng". Nhiều chính sách khuyến khích xuất khẩu được ban hành nhưng được triển khai không đồng bộ và kịp thời nên chưa phát huy tác dụng với xuất khẩu dệt may như quyết định miễn thu một số loại phí đối với hàng xuất khẩu chưa có quy định cụ thể, hay như chủ trương Nhà nước bù lỗ cho hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ đã được đưa ra một năm nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.
Cạnh tranh trước hết và quyết định nhất định là giá. Một số ưu đãi về thuế đã được ban hành, song một số quy định hiện hành về thuế và sự tăng giá nhiều loại phí như phí cầu đường, cảng, giá điện, nước bưu chính viễn thông... liên tục tăng vẫn làm giá thành hàng dệt may cao hơn các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt với thị trường Trung Quốc xuất khẩu theo phương thức FOB là mục tiêu của ngành Dệt - May và cũng là xu hướng phát triển trong buôn bán hàng dệt may thế giới. Những các quy định về thuế cho nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng FOB (sau 275 ngày chưa xuất hàng thì phải nộp thuế nhập khẩu (ít nhất cũng 40%) và 10% thuế GTGT đã làm giảm động lực phát triển phương thức này. Ngay ở phương thức chủ yếu là gia công, các quy định về tái xuất nguyên, phụ liệu dư thừa cũng gây không ít mệt mỏi cho doanh nghiệp, vì nếu không tái xuất được thì doanh nghiệp phải nộp thuế (thuế suất thuế nhập khẩu và GTGT không nhỏ) mà bán cho nội địa thì chẳng ai mua, các chi phí phát sinh bất khả kháng do giá thành phải gánh. Bên cạnh đó là các quy định rườm rà của Hải quan khi theo dõi nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi gia hạn thời gian tạm nhập nguyên, phụ liệu, khi có các phát sinh khác đã hạn chế hoạt động xuất khẩu. Một chiến lược xuất khẩu hàng dệt may vững chắc và hiệu quả cao phải trên cơ sở phát triển đồng bộ nguyên phụ liệu. Song các quy hoạch đầu tư cho ngành Dệt, cho phát triển nguyên liệu ngành Dệt phải nhiều năm sau mới có thể phát huy tác dụng.
Về chủ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính về xuất khẩu và cạnh tranh. Nhưng theo một đánh giá thì các doanh nghiệp yếu nhất về xúc tiến thương mại, vẫn thụ động, thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin và khả năng tài chính để phát triển thị trường...
Thực tế xuất khẩu thời gian qua cho thấy hàng dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế trên thị trường về trình độ lao động và chất lượng sản phẩm, đồng thời có cơ hội và thị trường mới (Mỹ). Tận dụng những lợi thế và cải thiện các yếu tố liên quan đến quá trình sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh hơn cho xuất khẩu hàng này. Ngày 26/7/2001Chính phủ đã ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, trong đó có tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng dệt may như ưu đãi về thuế trong lĩnh vực gia công, miễn thu lệ phí hải quan một năm, hoàn trả 100% tiền ký quỹ đấu thầu hạn ngạch... Đây là những thuận lợi cơ bản cho xuất khẩu. Bên cạnh đó là những giải pháp hỗ trợ toàn diện hơn của Chính phủ như tiếp tục đàm phán với EU và Canada để mở rộng thị trường; điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu hàng dệt may cho phù hợp thực tiễn và tận dụng hết hạn ngạch (khuyến khích hoàn trả hạn ngạch, điều chỉnh mặt hàng cấp phép tự động...); đồng thời mở rộng đàm phán cấp quốc gia đối với một thị trường quan trọng khác.
Cùng với biện pháp vĩ mô, các doanh nghiệp tiếp tục đề nghị tạo cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may như tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành cho hàng xuất khẩu dạng FOB được áp dụng gia hạn tạm nhập nguyên liệu như hàng gia công, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh hợp lý giá các loại phí điện, nước, cầu đường, viễn thông..., có chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng FOB, và có quỹ dự phòng cho hàng này... Các doanh nghiệp cũng đề nghị giới hạn thời gian hoàn trả hạn ngạch vào 01/3/2001 chứ không nên đợi đến 31/8/2001. Đồng thời các doanh nghiệp có nhu cầu được cung cấp kịp thời, cập nhật các thông tin liên quan đến cơ chế quản lý, điều hành XNK hàng dệt may để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình. Xúc tiến thương mại là vấn đề bức xúc của hoạt động xuất khẩu. Để đạt hiệu quả cao công tác này phải được đẩy mạnh ở cả 8 cấp. Chính phủ, các Bộ, các cơ quan xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp. Dệt May đang thực sự là ngành mũi nhọn vì vậy nên có một cơ quan điều hành của Chính phủ chuyên trách vì vậy nên có một cơ quan điều hành của Chính phủ chuyên trách về ngành này, để có thể phối hợp đồng bộ các ngành, cấp liên quan giải quyết đồng bộ, có hiệu lực các vấn đề về lao động đảm bảo thực hiện tốt chiến lược xuất khẩu. Để thực hiện chiến lược phát triển nguyên liệu, Nhà nước và các ngành liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu và ban hành các chính sách khuyến khích trồng bông (trợ giá cho người trồng bông)...
Về phía các doanh nghiệp phải khai thác tối đa lợi thế của mình, xây dựng các phương án giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, có sự phối hợp, phân chia thị trường, mặt hàng, có sách lược để giữ khách hàng và mở rộng thị trường.
Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trên sẽ tạo sự thông thoáng và tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn để nhằm tới thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD hàng dệt may năm 2001 và chuẩn bị cho thị trường năm 2002.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng dệt may Việt Nam trong thời kỳ hội nhập cần tăng khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp (bao gồm chất lượng, giá, thương hiệu, tiếp thị) và tăng khả năng cạnh tranh của toàn hệ thống.
- Về chất lượng: Đây là yếu tố chính và điểm mạnh chính làm cho hàng dệt may Việt Nam tăng tính cạnh tranh được như hiện nay. Vấn đề là chất lượng phải tốt hơn để nâng cao hơn tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may. Đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn chỉ có thể thực hiện được bởi chính bản thân các doanh nghiệp bằng cách đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, tăng khả năng tự động hóa quá trình sản xuất kết hợp với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
- Về yếu tố giá: Đây là yếu tố hạn chế của hàng dệt may Việt Nam. Giá của chúng ta thường cao hơn giá sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực khoảng 10 - 15%. - Yếu tố "nghệ thuật bán hàng" của ta đã khá hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây, song vẫn còn là điểm yếu so với các nước trong khu vực. Đội ngũ xúc tiến thương mại, tiếp thị, hệ thống nhân viên bán hàng còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Rất nhiều Doanh nghiệp chưa thiết lập được mạng lưới trao đổi thông tin, hệ thống phân phối trong cả nước, đại diện thương mại trong khu vực và các nước.
- Uy tín của thương hiệu sản xuất ngày càng trở nên quan trọng. Cùng một mức chất lượng nhưng sản phẩm có thương hiệu uy tín, được nhiều người biết đến có thể bán giá cao hơn hàng chục lần. Xu thế hội nhập ATC/WTO còn yêu cầu cao hơn cho thương hiệu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xử lý và quản lý môi trường (theo tiêu chuẩn ISO - I4000) và có trách nhiệm với xã hội, với người lao động (theo tiêu chuẩn SA - 8000).
- Về biện pháp tăng khả năng cạnh tranh của toàn hệ thống: Khả năng cạnh tranh của hệ thống được đề cập ở đây chính là bối cảnh, là môi trường hoạt động của toàn ngành Dệt May Việt Nam. Hệ thống có tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Đối với trường hợp của ngành Dệt May Việt Nam, những vấn đề sau đây là những vấn đề hệ thống mà Chính phủ và các Tổ chức phi chính phủ cần hết sức quan tâm để tạo điều kiện tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các Hiệp định song phương và đa phương về thương mại giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế cần được mở rộng hơn.
Cơ chế quản lý DNNN cần được đổi mới theo mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả điều hành trong các doanh nghiệp dệt may. Giám đốc là người chịu trách nhiệm mọi mặt trong Công ty. Do vậy cần gắn cam kết về kinh tế của giám đốc với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty và Giám đốc cần được trao các quyền cần thiết để thực thi nhiệm vụ của mình theo đúng luật định.
Hiện nay cả nước có khoảng 1 ngàn doanh nghiệp dệt may lớn nhỏ khác nhau song chỉ khoảng 50 doanh nghiệp (5% có khả năng cạnh tranh cao trên khu vực và quốc tế. Đây là một con số rất đáng lo ngại.
Nâng cao khả năng cạnh tranh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Doanh nghiệp phải là chủ thể chính của quá trình này. Tuy nhiên vai trò của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ cũng hết sức quan trọng. Nên chăng về mặt quản lý vĩ mô, cần có một văn phòng quốc gia về phát triển ngành Dệt May nhằm nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho ngành này phát triển trong từng giai đoạn; Tham gia các diễn đàn dệt may khu vực và quốc tế, đấu tranh đảm bảo sự bình đẳng và có lợi cho ngành Dệt May Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ truyền thống gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cần sử dụng quỹ thưởng xuất khẩu để khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu. Hơn nữa, Nhà nước cần hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp tìm kiếm và khai thác thị trường hoàn toàn mới như thị trường Trung Đông như cấp tín dụng dài hạn, lãi suất thấp. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy chế tín dụng xuất khẩu vào Mỹ, chế độ ưu đãi phổ cập (102 - 103) để khai thác nguồn vốn này mua sắm nguyên liệu.
Trong chiến lược phát triển ngoại thương của nước ta từ nay đến năm 2010, hàng dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo vì nó rất phù hợp với điều kiện tác động và sản xuất của Việt Nam. Bước sang những năm đầu của thế kỷ mới, Việt Nam sẽ thực hiện hàng loạt những cam kết quốc tế và khu vực về hội nhập mà vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu là cắt giảm thuế quan. Để đối phó với sự cạnh tranh bình đẳng nhưng khốc liệt hơn rất nhiều khi chúng ta là hội viên chính thức của các tổ chức quốc tế, Nhà nước Việt Nam cùng với ngành dệt may phải thực hiện một cách nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các chính sách, biện pháp về quản lý và sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.