4. Phương pháp nghiên cứu
2.3.2.2. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
Ngôn ngữ là đặc trưng quan trọng của thể loại tự sự bởi nó vừa là công cụ, vừa là phương tiện để nhà văn thể hiện tác phẩm. Khi sáng tác, người nghệ sĩ có nhiệm vụ sử dụng khéo léo, sáng tạo ngôn ngữ để miêu tả các sự kiện cũng như xây dựng các nhân vật một cách sinh động và sâu sắc. Ngôn ngữ
trong tác phẩm sử dụng dưới hình thức là ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.
Qua Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã thể hiện tài năng
nghệ thuật điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ của mình với việc khắc hoạ chân dung các nhân vật, nhất là nhân vật vua chúa một cách toàn diện từ ngoại hình, hành động cụ thể, cho đến lời nói, các trạng thái cảm xúc khác nhau trước mỗi hành động đó.
Trước hết là ngôn ngữ người kể chuyện.
Đây là yếu tố giữ vai trò quyết định đối với toàn bộ cấu trúc ngôn ngữ trong một tác phẩm tự sự. Người kể chuyện là người dẫn dắt mạch chảy của tác phẩm và có thể đứng ngoài hoặc tham gia trực tiếp vào tác phẩm, để từng bước định hướng cho người đọc về ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mình. Trong tiểu
thuyết Hoàng Lê nhất thống chí có điểm đặc biệt là người kể chuyện tham gia
trực tiếp vào tác phẩm, họ sống cuộc đời các nhân vật nên việc miêu tả nhân vật dễ thuyết phục và lôi cuốn hơn.
Khi khắc hoạ các nhân vật vua chúa, ngôn ngữ người kể chuyện được biểu hiện ở hai dạng là lời trần thuật và lời trần thuật nửa trưc tiếp.
Lời trần thuật xuất hiện hầu hết trong tác phẩm. Nó đóng vai trò thuần
tuý là thuật lại, kể lại ngoại hình, hành động, tính cách các nhân vật mà không
kèm theo thái độ đánh giá. Viết theo lối tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất
thống chí lấy lịch sử làm đề tài, các câu chuyện, tình tiết trong tác phẩm được
tổ chức xoay quanh nhân vật vua chúa; hơn thế viết theo lối chương hồi, cách kể bắt đầu bằng các niên hiệu lịch sử… vì thế lời trần thuật là chủ yếu. Qua lời trần thuật của người kể, các nhân vật được khách quan hoá, hiện lên như con người của lịch sử.
Nét độc đáo trong ngòi bút của Ngô gia là sáng tạo ra lời trần thuật nửa
trực tiếp.Trần thuật nửa trực tiếp là lời nhận xét, đánh giá và biểu thị thái độ
của tiểu thuyết chương hồi chỉ giữ vai trò là người giới thiệu câu chuyện bắt đầu tác giả biến mất để cho sự việc tự nó diễn biến theo trình tự khách quan. chỉ khi mỗi hồi kết thúc, tác giả mới xuất hiện để tóm tắt câu chuyện dẫn đến câu chuyện khác, hoặc thêm vào nhận xét dưới hình thức các câu thơ. Họ Ngô đã phá vỡ hình thức chung đó để biểu thị thái độ, tình cảm, tư tưởng của mình… Điều này cho thấy lập trường chính trị rõ ràng và nhãn quan lịch sử tinh nhạy của Ngô gia trước thời cuộc.
Sự sáng tạo lời trần thuật nửa trực tiếp này biểu hiện rõ khi tác giả lồng tình cảm, thái độ chủ quan của mình vào những câu kể, câu tả với ngôn từ chính xác đầy sức gợi, khiến nhân vật hiện lên sinh động, mang màu sắc thẩm mĩ cao. Ngay mở đầu tác phẩm, Ngô gia kể về triều đại nhà Lê: “Thánh Tổ Thịnh vương Trịnh Sâm chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc; vua Lê chỉ biết chắp tay rủ áo”(1) mà thôi. Lời kể đó có pha lời nhận xét thể hiện thái độ quay lưng, không đồng tình của tác giả với chúa Trịnh, xót xa thương cảm cho vua Lê. Khi miêu tả cảnh Trịnh Tông lên ngôi, tác giả ví như “người ta dỡn quả cầu hoặc rước pho tượng phật”, đã biểu hiện rõ thái độ khinh thường, chế giễu, mỉa mai. Dù có tư tưởng trung quân, ngòi bút Ngô gia không ngại để toát lên nét khôi hài, châm biếm khi kể về Cảnh Hưng: “Lúc nhà vua ở ngôi, chẳng qua chỉ rủ áo khoanh tay, tìm trò mua vui chứ không có việc gì phải lo. Nhà vua lại giỏi về các kỹ nghệ lặt vặt…”(2). Nhưng, lời kể khách quan của tác giả về Nguyễn Huệ lại cho thấy một thái độ nể trọng, ngưỡng mộ vị tướng có tài, “Thấy thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ, nghiêm nghị, ai cũng run sợ hãi hùng”(3)… Ngôn ngữ nửa trực tiếp có tác dụng đặc biệt giúp Ngô gia xây dựng hình tượng các nhân vật đế vương và chúa tể thiên hạ một cách sinh động và mang màu sắc tư tưởng rõ ràng.
Các nghệ sĩ còn khéo mượn lời nhận xét của dân gian để thay mình trực tiếp bàn luận đánh giá về nhân vật. Đây là sự sáng tạo tài tình, vừa có tác dụng làm nhân vật hiện lên đa dạng vừa truyền đạt được nội dung tư tưởng của tác giả. Tội ác của Trịnh Sâm giết thái tử Vỹ khiến trời đất thiên hạ bất bình, “Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm… Già trẻ, trai gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng việc làm của chúa là trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay”(1). Trước việc làm hèn hạ của kẻ bán nước, tác giả cũng không ngần ngại khi đánh giá “Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đe hèn đến thế”.(2) Điều khó nhất của họ Ngô gia là họ viết tác phẩm khi lịch sử đang diễn tiến, những giá trị đạo đức, quan điểm chính trị chưa rõ ràng, nên đánh giá nhận xét vẫn chỉ mang tính chủ quan cá nhân; hơn thế tác giả là bề tôi của vua chúa Bắc Hà, nên để có cái nhìn đúng đắn lại càng khó. ở đây, họ Ngô đã làm được, đã tự vượt mình vĩ đại. Có thành công đó về mặt tư tưởng chính là nhờ nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài tình của tác giả dưới góc nhìn của người kể chuyện.
Cái nhìn đa chiều về nhân vật vua chúa thêm khách quan và thuyết phục khi tác giả khéo lồng ngôn ngữ người kể chuyện vào ngôn ngữ nhân vật. Nhân vật tự nhận xét về nhau để bộc lộ thái độ, tình cảm của nhà văn. Qua lời kể của Ngô Văn Sở, Lê Duy Cận hiện lên đầy đủ từ tính cách đến số phận cũng như sự biểu hiện tinh tế thái độ khinh bỉ, coi thường có pha chút xót xa của tác giả đối với vị vua cuối cùng của nhà Lê. “Lão ấy chỉ là phường a dua không được tích sự gì, rốt cuộc chỉ là một cục thịt trong cái túi da, làm sao mà sai khiến được kẻ khác?”. Tiêu biểu là nghệ thuật xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ được kể qua nhiều nhân vật: Trần Công Xán, Nguyễn Đình Giản, Phan Lê Phiên, Nguyễn Hữu Chỉnh… Tất cả đều thán phục, để thấy được vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh trong con người này.
Đơn cử một vài trường hợp như vậy, chúng tôi muốn nói rằng, ngôn ngữ người kể chuyện rất đa dạng và nhằm trúng đối tượng miêu tả khiến các bậc
mẫu nghi thiên hạ xuất hiện trong cái nhìn nhiều chiều khác nhau. Đây là nét
đặc sắc trong văn phong miêu tả của Ngô gia làm nên phong cách nghệ thuật của cả một dòng họ.
Bên cạnh ngôn ngữ người kể chuyện là ngôn ngữ nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật là lời nói nhân vật trong tác phẩm tự sự (hoặc tác phẩm kịch), được nhà văn dùng làm phương tiện để tái hiện cuộc sống và tính
cách nhân vật. Nó có thể là ngôn ngữ đối thoại hoặc độc thoại nội tâm. Hoàng
Lê nhất thống chí là tiểu thuyết Cổ điển nên ngôn ngữ nhân vật chủ yếu là đối
thoại.
Đối thoại là hình thức nhà văn để nhân vật trao đổi trò chuyện, thậm chí tranh luận về vấn đề nào đó. Các mối quan hệ của nhân vật càng đa dạng, nhân vật càng đối thoại nhiều. Qua đó nhân vật bộc lộ mình.
Các nhân vật vua chúa được đặt trong nhiều mối quan hệ, các quan hệ đa dạng, vì thế các nhân vật đối thoại nhiều. Họ đối thoại và dần dần thể hiện mình một cách rõ nét, trong đó, có những lời đối thoại có tác dụng khắc hoạ nhân vật đạt tính điển hình.
Trịnh Tông đối thoại với Kiêu Binh, Trịnh Tông hiện lên là vị chúa hèn yếu, một con rối trong tay quân ô hợp.
“Chúa nói:
- Bức bách nhau thế này, thà đừng lập làm chúa còn hơn! Quân lính nói:
- Tưởng rằng muốn làm chúa nên mới lập, chớ nếu không muốn thì có ai ép?.
Một người nữa hùa theo nói:
- Chúa hoảng sợ không dám ho he gì nữa”.(1)
Vua Cảnh Hưng đối thoại với cung nhân đã tự lột tả bản chất điển hình
của loại vua vô tích sự:
“Có lần nhà vua lại nói với các cung nữ rằng:
- Trong đời ta, thế nào cũng có phen được trông thấy cuộc thống nhất, nhưng đó chẳng phải là điều ta vui mừng.
Các cung nữ hỏi lại:
- Nhà chúa chèn ép như vậy, nếu chúa bại là may cho nhà Vua, cớ sao bệ hạ lại không vui mừng?.
Nhà vua đáp:
- Trời sai nhà chúa phò ta, chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn gì vui”.(2)
Người ta tranh giành thiên hạ, nhưng Cảnh Hưng coi thiên hạ của mình là gánh nặng cần trút bỏ. Đối thoại, Cảnh Hưng đã “bộc bạch” hết mình, cũng là thể hiện bản chất rõ nhất.
Nguyễn Huệ là nhân vật có lời thoại nhiều nhất trong các nhân vật, vì vậy qua lời thoại cho thấy Nguyễn Huệ là người khôn khéo, sắc sảo, biết dụng người tài, biết nhìn xa trông rộng.
Hữu Chỉnh nói:
- “Người Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại”.
Nguyễn Huệ nói đùa bẻ lại:
“Không nghi ngại người nào khác, chủ hoá ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư”(3).
Chỉnh nghe mà tái mặt vì Huệ đã đi guốc trong bụng Chỉnh. Đó còn là
lập luận chặt chẽ, suy nghĩ chín chắn. Hơn bất cứ một nhân vật nào, Nguyễn
(1) Hồi thứ ba, Tr 85
Huệ nhận thức sâu sắc bản chất của kẻ thù và đề ra được những chiến lược và sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt để đảm bảo thắng lợi.
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại là ngôn ngữ độc thoại được tác giả dùng cho các nhân vật điển hình: Trịnh Sâm, Nguyễn Huệ…Song, do đặc điểm của thi pháp trung đại, loại ngôn ngữ này xuất hiện rất ít trong tác phẩm. Khi nhân vật độc thoại là khi nhân vật bộc lộ ý nghĩ sâu kín nhất, thật nhất và sắc nét nhất. Thành công này giúp Ngô gia tiến dần đến lối viết tiểu thuyết cận hiện đại.
Như vậy, Ngô gia đã sử dụng ngôn ngữ như là phương tiện quan trọng để khắc hoạ tính cách, phẩm chất… của nhân vật vua chúa. Đó là biện pháp nghệ thuật cơ bản của tiểu thuyết mà tác giả đã khai thác thành công.