Nghệ thuật miêu tả nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật vua chúa trong hoàng lê nhất thống chí (Trang 36 - 39)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.3.2.1. Nghệ thuật miêu tả nhân vật

Miêu tả là biện pháp cơ bản nhằm tái hiện con người, sự vật và sự kiện… một cách cụ thể. Qua sự miêu tả của nhà văn, nhân vật hiện lên vừa chân thực vừa sinh động, vừa có sự khái quát hoá cao. Đây là biện pháp nghệ thuật giữ vai trò đắc lực trong việc xây dựng chân dung nhân vật, nhất là nhân vật điển hình. Nghệ sĩ có thể tả ngoại hình, tả hành động. Qua đó tính cách, tâm hồn, số phận của nhân vật được thể hiện. Điểm nhìn có thể thay đổi từ tác giả đến các nhân vật khác.

Nhân vật gây ấn tượng sâu sắc đầu tiên trong tác phẩm hiện lên qua ngòi bút đặc tả của nhà văn là Vương Tử Cán. Cán được giới thiệu là đứa trẻ rất thông minh, tuấn tú. Lúc chưa đầy tuổi tôi, Cán có “cốt cách tướng mạo khôi ngô, đẫy đà, khác hẳn người thường đến khi biết nói… đối đáp gẫy gọn, cử chỉ không khác gì người lớn”(1). Đúng là “con thánh”, là nòi đích của Trịnh Sâm, là điềm “sao sáng biển hoà”. Từ hình ảnh đẹp mở đầu người đọc chờ đợi đấng thánh nhân xuất thế. Nhưng bất ngờ họ Ngô cho ra mắt bạn đọc một quái thai, “bụng to mắt lồi, da nhợt gân xanh, chân tay gầy khẳng khiu”.(2)Tự nhiên tiếng cười bật ra trước chân dung vị ấu chúa sẽ trị vì thiên hạ. Trịnh Cán giống như nhân vật của bức tranh biếm hoạ, tuy gây tiếng cười nhưng không đáng ghét. Cái mâu thuẫn trong ngòi bút tinh tế của họ Ngô khi miêu tả Trịnh Cán đã gợi

mở cho người đọc cảm nhận về một số phận không tốt đẹp trong tương lai, vừa đáng cười vừa đáng xót xa.

Ngô gia không đặt ngòi bút vào miêu tả ngoại hình để xây dựng chân dung Trịnh Tông, mà đi vào miêu tả sự kiện, miêu tả các hành động, thậm chí là miêu tả trực tiếp số phận Trịnh Tông để khắc hoạ con người.

Sự kiện lễ đăng quang của Trịnh Tông được miêu tả chi tiết, “trong lúc gấp vội không có kỷ sập, họ phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt thế tử ngồi lên rồi tám người kề vai vào khiêng, chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên đầu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta dỡn quả cầu hoặc rước pho tượng phật”.(1) Hình ảnh Tông được phác hoạ chỉ như một thứ cỗ lộc, tượng phật để thờ, như quả cầu cho thiên hạ dỡn. Lễ đăng quang trang trọng diễn ra như trò hề. Chúa là một trò chơi. Nơi tôn nghiêm biến thành nơi ô hợp… Tác giả khéo léo để nhân vật tự hé mở tính cách và số phận của mình. Làm chúa mà chỉ như đồ vật cho thiên hạ dỡn chơi thì chúa bất tài. Số phận cũng chỉ như là con rối cho người đời giật dây.

Hình ảnh Trịnh Tông trong cơn loạn lạc hiện lên như là kẻ ham sống, “Chúa vội cởi bỏ quần áo trận, đội khăn chữ đinh tụt xuống núp trong ngăn hòm da ở mé bành voi…”(2) nhằm phía cửa Yên Hoa mà chạy.

Số phận buồn và đáng thương của chúa được xoáy sâu và hiện lên trực tiếp qua nét phác hoạ chính số phận nhà chúa. Đó là cái chết thảm “chúa bèn dùng ngón tay chọc vào vết thương xé cho rách thêm ra”, quân Tây Sơn “đem phơi xác chúa ra ngoài cửa Tuyên vũ”.(3) Như vậy kết cục số phận Trịnh Tông được tác giả vẽ lên qua cái nhìn chính diện, để tự người đọc cảm nhận, suy nghĩ và đánh giá bình phẩm.

Lê Hiển Tông được Ngô gia giới thiệu theo lối công thức ước lệ của văn học trung đại. Cho nên, Cảnh Hưng xuất hiện với diện mạo của bậc quân vương “uý lạo hết sức ôn tồn”, “dâu rồng, mũi cao, tóc bạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non, tính nết hiền từ giản dị”(1). Vẻ đẹp của vua là vẻ đẹp của bậc thiên tử, của sức mạnh, tài năng và phẩm chất hơn người. Thế nhưng, suốt đời vua chỉ biết “khoanh tay rủ áo”, có nước mà không được tham dự. Sự đối lập này có tác dụng làm nổi bật hơn con người thực của nhà vua. Số phận và tính cách phụ thuộc vào hoàn cảch sâu sắc.

Đối với Lê Chiêu Thống, tác giả không đặc tả nhiều ở ngoại hình, chỉ điểm xuyết qua một số tư thế, hành động, việc làm cũng đủ để nhân vật đạt đến tính khái quát. Tác giả miêu tả hành động “tức thì sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa… khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt”(2), làm lộ rõ nét tính cách nhỏ nhen trong con người Chiêu Thống, có thù dù nhỏ cũng phải trả. Nó trở thành mục tiêu trong mọi hành động việc làm của vua. Hình ảnh “vua lật đật chạy đến dinh của Chỉnh” trước sức mạnh của Tây Sơn là một tư thế bại trận, sợ hãi của người không nắm thực quyền. Đặc biệt hơn, người đọc không thể quên một Chiêu Thống “ứa nước mắt cởi ngự bào”, trao cho bề tôi của Nguyễn Cảnh Thước.

Với bút pháp hiện thực châm biếm, họ Ngô đã xây dựng hình tượng các đấng chí tôn và chúa tể Bắc Hà bằng các nét vẽ linh hoạt. Họ gần giống nhau về số phận và kết cục, nhưng họ nổi lên với mỗi người một vẻ, gắn liền các hình ảnh, đặc trưng riêng, sinh động, hấp dẫn.

Vua Tây Sơn hiện lên trong sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp hiện thực và sử thi của nhà văn. Tác giả miêu tả Nguyễn Huệ chân thực như con người vốn có ở ngoài đời. Nhưng khi miêu tả, tác giả lồng vào đó cảm hứng ngợi ca lãng mạn hoá các vẻ đẹp để nhân vật Nguyễn Huệ hiện lên như sự khái quát và kết tinh sức mạnh cộng đồng.

Nguyễn Huệ được miêu tả đầu tiên ở chi tiết vào điện Vạn Thọ ra mắt vua. Bình “sụp xuống đất lạy hai lạy, rập đầu vái năm cái… Bình nhún nhường không giám ngồi… Bình mới ngồi ghé vào một góc chiếu cuối sập, một chân thả thõng xuống đất”(1). Một con người không quen lễ nghi triều chính, quen tự do, phóng khoáng. Đây là nét tính cách rất chân thực đời thường của Nguyễn Huệ, tạo ra cảm giác gần gũi, thân quen không xa vời.

Nguyễn Huệ còn được miêu tả với vẻ đẹp của người anh hùng tài ba. Vẻ đẹp đó được ngợi ca, sử thi hoá, “thần sắc của Bình rực rỡ, nghiêm nghị”(2)

khiến mọi người trong điện Vạn Thọ phải hãi hùng. Sức mạnh của người anh hùng áo vải là sức mạnh cố kết cộng đồng. Khẳng định sức mạnh của Nguyễn Huệ chính là khẳng định sức mạnh đạo quân Tây Sơn: người Tây Sơn “hành binh như bay”, “tiến quân rất gấp”, “đi lại vùn vụt như thần”… Ngô gia tài tình trong ngòi bút miêu tả trận đánh. Chỉ vài nét tác giả đã phác ra bức tranh hoành tráng: Ngày 25 tháng 12 năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất phát từ Phú Xuân, ngày 29 tới Nghệ An, ngày 30 tới Tam Điệp… Sức tấn công thần tốc đã đưa Nguyễn Huệ tới sức mạnh mang tầm vóc thời đại lớn lao. Con người đó hiện lên vừa cụ thể cá nhân, vừa khái quát, vừa đạt mức điển hình của một vĩ nhân lịch sử.

Qua xem xét, phân tích, độc giả nhận thấy ngòi bút khách quan của tác giả khi miêu tả nhân vật theo những quan điểm riêng dựa trên những gì nhân vật bộc lộ.

Một phần của tài liệu Nhân vật vua chúa trong hoàng lê nhất thống chí (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)