Mối quan hệ giữa nhân vật với nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật vua chúa trong hoàng lê nhất thống chí (Trang 32 - 35)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1.3. Mối quan hệ giữa nhân vật với nhân vật

Mác nói “Con người là mối tổng hoà của các mối quan hệ xã hội”. Qua các mối quan hệ đó, con người sẽ bộc lộ mình. Khi nhà văn gắn kết nhân vật thành một hệ thống nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau sẽ tạo nên bản chất xã hội của nhân vật. Bản chất thẩm mĩ đó có thể là cái xấu, cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả hay cái trác tuyệt. Nó có thể xuất phát từ nhiều kiểu quan hệ khác nhau một cách đa dạng và phong phú.

Hoàng Lê nhất thống chí, đời sống chính trị và tình cảm của các nhân

vật vua chúa diễn ra trên phạm vi rộng, tức là mối quan hệ giữa các nhân vật đa dạng. ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu những mối quan hệ cơ bản cốt yếu, qua đó nhân vật thể hiện mình rõ nhất. Đó là quan hệ của các vua chúa với nhau, các nhân vật vua chúa với các nhân vật khác trong tác phẩm; giữa tập đoàn phong kiến này với tập đoàn phong kiến kia để làm nổi bật nét riêng và nét chung trong từng nhân vật.

Trịnh Sâm được đặt trong quan hệ với vua Lê - Lê Hiển Tông để làm nổi bật lên tham vọng bá vương quá lớn của con người này. Đối với cung tần mĩ nữ, Trịnh Sâm là người chồng hoang dâm vô độ, sa đoạ và nhẫn tâm. Với Trịnh Tông và Trịnh Cán, Sâm là người cha thiếu trách nhiệm, bên trọng bên khinh.

Còn trong quan hệ với bề tôi, Trịnh Sâm là vị chúa nhu nhược. Chúa để quận Huy và Khanh lộng quyền. Qua cái nhìn của nhiều đối tượng, nhân vật hiện lên khách quan, sinh động và biểu hiện được các tư tưởng thẩm mĩ rõ ràng.

Xét trong quan hệ với kiêu binh, Trịnh Tông không có vị trí thực quyền

nào, chỉ là công cụ tốt để họ điều hành triều chính. Trong quan hệ với cha,

Tông là đứa con đại bất hiếu, dám “bãi bỏ mệnh cha giữa triều đình, phô bày tội lỗi của cha với cả nước”.(1) Trong con mắt của bàn dân thiên hạ chúa là “giặc”, chúa không có một giá trị gì.

Là đứa trẻ lên năm, Trịnh Cán hiện lên khá sinh động. Cán là nạn nhân đáng thương ngay trong tay mẹ mình, là công cụ để Thị và quận Huy mưu quyền bá chủ.

Khi đặt các vị chúa Trịnh tương quan với các vị tiên triều nhà Lê, ta sẽ có cái nhìn bổ sung và toàn diện: “bên phủ liêu, chúa chẳng ra chúa; trong triều đình vua chẳng ra vua”(2). Sự bổ sung đó là minh chứng sắc sảo cho quá trình sụp đổ không cưỡng được của một triều đại.

Lê Hiển Tông được khắc hoạ chủ yếu qua hai mối quan hệ chính: Trước Trịnh Sâm, Hiển Tông chỉ là vị vua hờ, vô tích sự, “có nước mà không được tham dự”, chỉ “khoanh tay rủ áo” mà thôi. Trong vai trò của người cha, vua có tình yêu thương con nhưng nhu nhược: để Trịnh Sâm bắt Duy Vĩ ngay trong phủ, gả Ngọc Hân cho Bình nhằm giữ tình bang giao giữa hai nước.

Các mối quan hệ của Lê Chiêu Thống được mở rộng hơn với nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, vua được nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều cấp độ và khách quan. Trong quan hệ với nhà chúa, Chiêu Thống luôn tìm cách chế ngự, rất ích kỷ nhỏ nhen, luôn tìm cách trả thù (đốt phủ chúa); với Hữu Chỉnh, vua chỉ là công cụ để hắn thâu tóm quyền lực trong triều; với vua Tây Sơn Chiêu Thống chỉ là mạt hạng; còn với người dân vua thật không đáng “nể”, chỉ là cơ hội cho chúng kiếm trác khi binh lửa xảy ra… Khách quan đánh giá qua cái

nhìn nhiều chiều, Chiêu Thống là nhân vật mang màu sắc bi hài. ở đó, tác giả không chỉ phản ánh với thái độ khinh bỉ, châm biếm mà đằng sau đó còn nỗi xót xa cho một triều đại tới hồi bị diệt vong.

Vua Tây Sơn là hình tượng duy nhất trong tác phẩm được Ngô Gia xây dựng với hệ thống các mối quan hệ phong phú và đa dạng. Trong quan hệ rộng nhất, tác giả đặt vua Tây Sơn tương quan với các vua chúa đàng ngoài, để nhận ra sự tương phản. Dường như nó đẩy các nhân vật tới hai thế cực không thể dung hoà.

Nguyễn Huệ trở thành trung tâm của các mối quan hệ trong tác phẩm. Trước hết, làm nổi bật yếu tố con người đời thường gần gũi, Ngô gia đặt Nguyễn Huệ trong quan hệ với Ngọc Hân và vua Hiển Tông. ở đó, Nguyễn Huệ là người chồng trách nhiệm, lo chu tất lễ tang cho bố vợ, yêu thương bình đẳng với Ngọc Hân. Nguyễn Huệ cũng là một người kiêu căng thích nịnh. Khi Ngọc Hân ca tụng, chỉ mình nàng lấy được chàng “ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa đời, được sa vào chốn lâu đài”; Huệ hãnh diện. Hiển Tông mất, chàng rất quan trọng việc nghi lễ, đó là cái hiếu đạo.

Trong quan hệ với quân lính, Nguyễn Huệ là vị tướng có tài có tâm. Nguyễn Huệ dùng quân luật để hành binh “phép quân Tây Sơn lệnh cấm ban đêm rất ngặt”(1), biết động viên và khao thưởng kịp thời.

Đối với kẻ thù, Nguyễn Huệ vừa kiên quyết vừa khôn khéo mềm dẻo. Sức mạnh trong con người Nguyễn Huệ là nỗi khiếp sợ khôn cùng đối với Lê Chiêu Thống ngay từ ngày đầu tiên ra Bắc.

Trước kẻ sĩ và quan lại Bắc Hà, Nguyễn Huệ được nhìn nhận đa chiều khách quan và cụ thể như ông vốn hiện diện. Nguyễn Đình Giản nói: “Bắc Bình vương cũng là một bậc anh hùng, xem thường ông ta không được đâu”(2). Phan Lê Phiên nhận xét Nguyễn Huệ là “người rất quỉ quyệt hay dùng mưu khôn để

lung lạc người ta. Trong lúc bàn bạc, khi ném xuống khi nâng lên không biết đường nào mà dò”(1). Kiêu căng như Nguyễn Hữu Chỉnh mà nói đến Nguyễn Huệ cũng phải thán phục “Bắc Bình Vương là tay hùng hào kiệt Nam Hà”(2). Hống hách như bọn quan lại Trung Quốc nhưng “tai nghe thanh thế Quang Trung đang mạnh mà trong bụng không khỏi e dè…”. Dưới cảm nhận của người đương thời, con người Nguyễn Huệ như một nhân vật pha màu sắc thần kì siêu nhiên. Một cung nhân đã thán phục: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng cảm và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường biết”(3).

Trong quan hệ phức tạp, các nhân vật lần lượt xuất hiện, hoặc để tôn thêm cái đẹp, hoặc để lột tẩy bản chất xấu, hoặc để diễn tả cái bi, hoặc để ngợi ca cái hùng… mỗi tình huống giúp người đọc có cái nhìn cụ thể về một tính cách, một số phận nhân vật, cũng như tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn.

Tóm lại thông qua nghệ thuật xây dựng kết cấu, Ngô Gia đã khắc họa

thành công các nhân vật đại diện cho một thời kì tang thương dâu bể của dân

tộc. Đi vào xây dựng nhân vật qua từng yếu tố cụ thể của kết cấu, nhà văn đã thể hiện cho bạn đọc thấy tài năng qua ngòi bút điêu luyện của mình.

Một phần của tài liệu Nhân vật vua chúa trong hoàng lê nhất thống chí (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)