Sắc điệu hành động

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật anna karênina trong tiểu thuyết cùng tên của l n tônxtôi (Trang 41 - 45)

6. Bố cục khoá luận

1.2.2.3 Sắc điệu hành động

Nếu ngoại hình nhân vật được thể hiện sinh động sẽ góp phần bộc lộ tính cách, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hóa nhân vật. Còn hành động của nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết để bộc tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy diễn biến của chân dung tâm lý nhân vật. Hành động của nhân vật phải được miêu tả một cách nhất quán. Ở điểm này lời khuyên của L.Tônxtôi rất có ý nghĩa: “Hãy sống cuộc sống của các nhân vật được miêu tả và tự các nhân vật sẽ làm những gì mà họ cần phải làm do tính cách của họ”[14,79].

Miêu tả hành động là một trong những thủ pháp cơ bản nhất của Tônxtôi. Với Tônxtôi, nhân vật bao giờ cũng gắn với hành động , bộc lộ tính cách, tâm lý của mình thông qua hành động. Hành động của Anna thể hiện một cách nhất quán tính cách, chân dung tâm lý nhân vật. Những nét tâm lý được khẳng định bằng chuỗi hành động mang tâm lý khác nhau.

Quá trình miêu tả chân dung tâm lý của Anna không chỉ được xem xét trong hoàn cảnh, thời điểm khác nhau mà còn được bộc lộ qua những tình huống gay cấn, khi nhân vật bị đặt trước những mâu thuẫn gay gắt, những dằn vặt nội tâm giằng xé.

Sự lựa chọn đầu tiên trong cuộc đời Anna đó là việc đứng giữa hai bờ vực: Thứ nhất là an phận trở về làm vợ của một viên đại thần nhạt nhẽo, ưa hư danh, làm mẹ của đứa con trai mà Anna hết lòng yêu thương, là lẽ sống của nàng tám năm qua; hay từ bỏ tất cả những thiên chức tốt đẹp đó để được yêu, được sống đúng với con người thật, sôi nổi, dạt dào ở nàng. Sau khi đấu tranh với chồng, với bản thân, Anna đã đưa ra một hành động quyết định.

Theo Tônxtôi, “thay vì kể toàn bộ cuộc đời nhân vật nên đặt con người đó vào một tình huống, thắt một cái nút mà khi mở nút thì toàn bộ con người anh ta được bộc lộ”. Với Anna, hoạt động tuyên chiến với Karênin là hoạt động thắt nút để từ đó hàng loạt những mâu thuẫn dằn vặt trong Anna xuất hiện: “Không, mình không lầm đâu…Tôi đã hốt hoảng và tôi không thể hốt hoảng. Nghe mình nói, tôi lại nghĩ tới chàng, tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình”[26,355]. Liệu trong xã hội ưa sĩ diện, hám hư danh đó có con người nào thẳng thắn và dũng cảm đứng ra bảo vệ tình yêu như Anna đã làm không? Hành động đó cho thấy sự phủ nhận của Anna đối với cái gọi là dối trá. Đây là một hành động nổi loạn. Nhân vật này trước sau như một đấu tranh suốt đời để loại bỏ sự dối trá ra khỏi xã hội nhưng Anna có làm được hay không? Đánh giá nhân vật như thế nào qua mối quan hệ thứ nhất này còn phụ thuộc vào quan niệm hôn nhân, gia đình của độc giả.

Anna xấu số nhưng lại là một người mẹ rất yêu con. Chính mâu thuẫn này làm nàng đã phải chịu nhiều cay đắng, đau khổ khi hưởng hạnh phúc tình yêu mới. Hành động xa lìa con để đi theo người tình là một hành động táo bạo. Yêu con nhưng lại phải lìa con thử hỏi có người mẹ nào không đau khổ? Hành động này của Anna đã tới hàng loạt những đau khổ trong lòng: “Đời này em chỉ yêu hai người đó và có người này thì không thể có người kia. Em không thể liên kết hai người đó lại được…”[26,965]. Nỗi lòng người mẹ yêu con không được Vrônxki thấu hiểu cộng vào đó là những cảm giác yêu thương không trọn vẹn, tình yêu không bù đắp nổi những mất mát, những thiếu hụt trong tâm hồn nàng. Lẽ dĩ nhiên, Anna sẽ rơi vào trạng thái mâu thuẫn giằng xé triền miên trong đời sống nội tâm và hành động đó chính là hành động tâm lý của nhân vật Anna.

Về sống với Vrônxki, Anna cũng có lúc nuối tiếc cuộc sống của một phu nhân hàng nhất phẩm. Hơn bất cứ ai, nàng đã từ bỏ thanh danh, địa vị, hạnh phúc để đến với Vrônxki. Đã đến lúc Anna phải đấu tranh để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Sau khi làm người vợ phụ bạc, nàng đã thể hiện bằng hành động xuất hiện ở rạp hát để hứng chịu mọi “búa rìu” dư luận để tìm một thái độ đồng tình, thấu hiểu.

Nhân vật Anna luôn được đặt trong những tình huống éo le, căng thẳng để từ đó bắt buộc nàng phải lựa chọn, phải hành động, rồi từ đó lại xuất hiện những nỗi giằng xé ghê gớm diễn ra trong tâm hồn Anna.

Hành động Anna đi ra ga tàu để tìm Vrônxki cho thấy tâm lý vớt vát tình yêu đối với Vrônxki nhưng cũng thể hiện sự bất lực, tuyệt vọng trong tâm hồn nàng. Anna thấy mình cô đơn, hoảng loạn thực sự. Hành động lao mình xuống gầm toa xe lửa đang chạy là sự tố cáo bản chất con người Vrônxki, đồng thời cũng là sự lên án xã hội khắc nghiệt trong thế giới tàn nhẫn này “Tất cả đều là giả dối, tất cả đều là gian trá, tất cả đều là lừa đảo, tất cả đều là tội ác”[26,1143]. Anna đã chết bằng cái chết thảm khốc. Đây là sự trừng phạt người và trừng phạt mình. Cả xã hội thượng lưu lẫn Karênin và Vrônxki. Tấn trò ái tình đã hạ màn, cái chết bất đắc kì tử của người đàn bà bạc phận mãi mãi còn làm cho nhiều người phải giận, phải thương.

Toàn bộ quá trình tâm lý của nhân vật đã được tác giả thể hiện qua mọi hành động nảy sinh trong cuộc đấu tranh để giải quyết những mâu thuẫn lớn gay gắt, chồng chéo cuộc đời nhân vật. Xây dựng trên nền những mâu thuẫn này, hệ thống hành động đầy kịch tính đã bộc lộ được chân dung và chiều sâu tâm lý của Anna.

*Tiểu kết

Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Tônxtôi đã xây dựng khá thành công bức chân dung tinh thần của Anna qua rất nhiều nét vẽ, sắc điệu khác

nhau. Nàng không chỉ đẹp mà còn có tâm hồn giàu lòng yêu thương. Tận sâu trong tâm hồn nàng luôn khát khao mãnh liệt hạnh phúc, tình yêu chân chính, mang trong mình những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp. Với kĩ xảo chân dung linh hoạt, Tônxtôi đã vẽ lên chân dung tâm lý Anna cực kì sống động. Điều đó thể hiện sự bứt phá, vươn tới những cái mới mẻ của Tônxtôi. Việc khám phá thế giới bên trong, làm hiện lên rõ nét “con người trôi chảy” sống động, đã chứng minh tài năng bậc thầy của Tônxtôi.

CHƯƠNG 2

ANNA KARÊNINA - MÂU THUẪN, SỐ PHẬN

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật anna karênina trong tiểu thuyết cùng tên của l n tônxtôi (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)