6. Bố cục khoá luận
1.2.2.1 Một tâm hồn phong phú
Trong Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê, Nhà xuất bản KHXH, 1988,
viết: “Tâm hồn là ý nghĩ và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người”[20,1112].
Như vậy, vẻ đẹp tâm hồn còn gọi là vẻ đẹp nội tâm, là thế giới bên trong của con người. Hay cũng có thể được gọi là vẻ đẹp tinh thần hay vẻ đẹp tâm linh. Nó nằm bên trong vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp dung mạo.
Trong Anna Karênina, nếu Kitty chỉ được Tônxtôi miêu tả thoáng qua
bằng vẻ đẹp ngoại hình thì Anna hoàn toàn ngược lại. Ấn tượng đầu tiên mà người đọc nhớ về Anna không chỉ là vẻ đẹp của dung mạo mà còn là vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tinh thần. Với kĩ xảo chân dung tâm lý, Tônxtôi đã vẽ lên hình ảnh về thế giới nội tâm đa cảm, phong phú bằng nhiều nét vẽ khác nhau, ở những thời điểm không giống nhau. Là nhân vật trung tâm trong tác phẩm,
Anna đã được Tônxtôi dành cho sự ưu ái hơn cả. Có thể nói, hình ảnh Anna là tất cả nhiệt huyết và sinh lực của nhà văn bậc thầy Tônxtôi.
Nếu như trong Chiến tranh và hòa bình, ta không thấy có nhân vật nữ
nào thể hiện sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn, “vẻ đẹp tinh
thần đặc biệt” thì trong Anna Karênina hoàn toàn ngược lại. Anna không chỉ
đẹp quyến rũ và bí ẩn mà ở tận trong sâu thẳm đó là một tâm hồn cực kì sâu sắc và tin yêu.
Nếu ở các tác phẩm khác, nhà văn thường để cho nhân vật của mình xuất hiện với dung mạo rực rỡ, hào nhoáng để gây ấn tượng, tạo sự thích thú
cho độc giả thì trong Anna Karênina, Tônxtôi đã đánh vào tâm trí bạn đọc
bằng vẻ đẹp của tâm hồn. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, ngay từ lần đầu tiên xuất hiện, với vẻ đẹp tâm hồn Anna đã dịu dàng chinh phục bao trái tim. Cái vẻ tinh thần đặc biệt ấy của Anna đã được Vrônxki, một chàng sĩ quan trẻ cảm nhận hết sức sâu sắc. “Chàng xin lỗi rồi tiếp tục đi, nhưng tự nhiên lại ngoái nhìn nàng một lần nữa, không phải vì sắc đẹp, cũng không phải vì vẻ thanh lịch và cái duyên thầm tỏa ra từ khắp toàn thân nàng mà lúc đi ngang qua, chàng đã nhận thấy một vẻ dịu dàng và thùy mị lạ lùng trên bộ mặt yêu kiều ấy”[26,134].
Xuất hiện lần đầu tiên với vẻ đẹp tâm hồn, Anna đã hớp hồn chàng sĩ quan trẻ ranh mãnh Vrônxki. Ai đã từng một lần gặp một lần không thể không ngắm nhìn người thiếu phụ thượng lưu quý tộc này. Thế giới nội tâm huyền bí của nàng khiến người ta không thể không khám phá.
Là sứ giả hạnh phúc đi dàn hòa cho gia đình xích của Đôly, Anna đã thể hiện nàng là người tận tâm và nhiệt thành. Với sự khéo léo, thông minh, Anna đã hoàn thành xuất sắc vai trò của vị sứ giả. Và cũng chính từ lúc này,
Đôly đã bị choáng ngợp về tất cả đã thấy ở Anna. Đôly đã từng nói rằng: “Mình chỉ thấy ở cô ấy những đức tính, phẩm chất tốt đẹp nhất và bao giờ cô ấy cũng mến mình và thân mật với mình”[26,142] hay “trong lòng cô cái gì cũng trong sáng và đôn hậu, ở cô mọi cái đều trong sáng cả”[26,187].
Là một người mẹ rất yêu con, coi đứa con trai bé bỏng là hạnh phúc của đời mình, ở Mạc Tư Khoa nhưng trong lòng Anna vẫn một niềm khôn nguôi nhớ về con: “Thường thường cứ đến mười giờ là nàng đến đắp chăn cho con và chúc bé ngủ ngon trước khi đi khiêu vũ”[26,154]. Nỗi buồn vì phải xa con đã xâm chiếm nàng. Dù nghĩ về điều gì nhưng tâm trí nàng vẫn luôn hướng đến Xêriôgia tóc búp của mình. Trong Anna ẩn chứa tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc. Có thể nói, nếu vẻ đẹp hình thể làm người ta xao xuyến thì chính cái đẹp về tâm hồn của Anna làm người đọc phải khắc khoải, day dứt; như lời của Xtêpan đã nói với Lêvin: “Trước hết đó là một thiếu phụ có tâm hồn, rồi cậu sẽ thấy”[26,1041]. Còn Lêvin chỉ gặp Anna có một lần duy nhất nhưng nàng đã để lại trong chàng một niềm thán phục và yêu mến: “Thật là một phụ nữ rất đáng mến, tốt và rất đáng thương”[26,1051].
Chính Tônxtôi đã nói: “Ở đâu mà không hiểu biết về tâm hồn con người thì ở đấy không có nghệ thuật”[16,350] hay ở thời đại Phục hưng, nhà nghệ sĩ điêu khắc thiên tài Ý Lêôna Đơ Vanhxi từng tâm sự: “Cái khó không phải là nặn một bức tượng mà là nặn cái thần của bức tượng”[16,350]. Anna đẹp cả người lẫn nết nhưng đời sống nội tâm của nàng không thuần nhất một chiều mà rất phong phú, đa dạng. Có người nói Anna có tâm hồn đa sầu, đa cảm.
Bài Anna Karênina 124 tuổi báo Văn nghệ, 2001, số 28 đã nhận xét: “Anna Karênina là một cuốn sách có cuộc sống riêng hết sức phong phú và
có nghĩa là khẳng định cuộc sống tâm hồn phong phú của các nhân vật trong tiểu thuyết, đặc biệt là nhân vật trung tâm Anna. Tất cả những mâu thuẫn giằng xé dữ dội trong nhà nghệ sĩ, nhà tư tưởng Tônxtôi đều được chuyển hóa thành nỗi đau vò xé nhân vật và thấm đẫm trong hiện thực mà nhà văn miêu tả.
Nếu nàng Tachiana của Puskin mơ mộng theo kiểu sách vở, nàng
Bôvary của Flôbe lãng mạn phù phiếm, nàng Natasa trong Chiến tranh và
hòa bình mơ mộng, hồn nhiên thì niềm đam mê là một nét tính cách mãnh
liệt trong Anna, nó vừa là điểm yếu của nàng. Câu chuyện về Anna còn giữ lại dư âm của một lời nhận xét trong bản thảo: “Cô ấy có nhiều cái tốt và rất ít cái xấu…nhưng sự say mê đã làm hại cô ấy”. Và chính điều đó cũng là nguyên nhân lý giải tâm hồn phong phú trong Anna.
“Anna lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu”. Đó là một sai lầm ghê gớm. Và đến lúc tính nết chân thực, cuồng nhiệt khao khát được yêu, được sống tự do của Anna không thể kìm hãm được nữa và chỉ cần thoáng gặp Vrônxki, một người trái ngược hẳn với chồng là nàng lao đầu vào tình yêu bất chấp tất cả. Cũng chính từ đây tâm hồn đa sầu đa cảm lại nổi lên những đợt sóng lòng, những mâu thuẫn, giằng xé, dằn vặt trong Anna bắt đầu xuất hiện.
Sống bên người chồng cằn cỗi về tinh thần Anna thấy ghê tởm cuộc sống đó. Có lần nghe ông ta nói câu: “Tôi yêu mình” nàng đã rộn lên nỗi phẫn uất. “Nàng nghĩ: yêu à? Ông ta mà đủ sức yêu được à? Ví thử ông ta chưa từng thấy nói đến tình yêu thì không hẳn bao giờ ông ta dùng đến chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia…Nhớ tới tình cảm đã có giữa hai người, cũng được gán cho cái tên ái tình, nàng dùng mình kinh tởm”[26,260]. Hàng loạt những câu hỏi ngắn Anna tự đặt ra để tố
cáo “tình yêu” của Karênin. Nói ra những điều này, hẳn tâm trạng nàng đang phẫn uất, chộn rộn, dòng nội tâm đang sục sôi trong nàng. Phải là con người rất nhạy cảm, tinh tế, thì trong Anna mới xuất hiện những dòng cảm xúc dồn dập như vậy.
Rõ ràng Anna đã phải cam chịu, phải đè nén tình cảm rất nhiều, nàng sống không phải cho mình mà sống chỉ vì trách nhiệm và bổn phận của người vợ mà thôi. Trong Anna luôn bùng cháy những ý nghĩ về con người đê tiện và bỉ ổi kia: “Họ không biết trong mỗi bước đi lão đều làm mình khổ nhục…mình đã chẳng cố yêu lão, yêu con mình trong khi mình không thể yêu chồng được nữa đó sao?[26,569]. Thử hỏi một con người không tim như Karênin làm sao có thể xứng với tâm hồn nhạy cảm, khát khao yêu đương của nàng. Anna mơ ước về một hạnh phúc chân chính, tình yêu lứa đôi luôn luôn cháy bỏng, rạo rực trong Anna, háo hức như khí trời, giống như người đi đường đang đói, đang khát cần bánh mì và nước uống vậy. Trong hoàn cảnh éo le đó Vrônxki xuất hiện đột ngột tựa như cơn bão tuyết dữ dội và đẹp đẽ. “Vừa sung sướng, vừa hổ thẹn lại vừa khiếp sợ” đó là những cảm giác khi Anna được sống trong tình yêu của Vrônxki. Nàng đã phải nếm trải biết bao cay đắng, ngọt ngào trước tình yêu mới mẻ này. Buổi đầu đến với tình yêu nàng đã đấu tranh quyết liệt:
- “Tình yêu, tôi không ưa cái chữ đó, chính vì nó chứa đựng quá nhiều ý nghĩa, chính vì nó chứa đựng quá nhiều ý nghĩa đối với tôi, nặng nghĩa hơn ông có thể hình dung nổi rất nhiều…”[26,251].
“Hôm nay, tôi chủ tâm đến đây vì biết sẽ gặp ông. Tôi đến để nói với ông rằng việc này phải chấm dứt. Tôi chưa bao giờ phải hổ thẹn trước mặt ai cả, thế mà ông đã buộc tôi thấy mình có lỗi”. “Nếu quả thực ông yêu tôi như lời ông nói, thì xin ông để cho tôi được yên”[26,248].
Đối mặt trước hiện thực, phải sống giả dối hay sống với bản chất của chính mình. Nếu sống vì mình thì con trai nàng sẽ ra sao? Bao nhiêu câu hỏi dằn vặt, giằng xé nội tâm nàng. Bao nhiêu ý nghĩ, tình cảm và cảm xúc đan xen, nàng như bị co đi kéo lại mà không biết phải làm thế nào? Tình yêu con hay sống cho hạnh phúc của chính mình? Nàng không biết.
Sau bao nhiêu thổn thức, bao cuộc đấu tranh giằng xé trong nội tâm, nàng nghĩ, mình không thể sống mãi như thế này được. Mình phải sống cho chính mình, cho hạnh phúc của mình. Ngồi trên xe ngựa trên đường về nhà, sau khi xem cuộc đua, Anna không ngần ngại thú nhận với chồng về mối tình say đắm của mình. Cuộc đua ngựa đã đánh dấu một mốc trong đời sống nội tâm của nàng. Anna đã dứt khoát: “Không, mình không lầm đâu…Mình không lầm đâu. Tôi đã hốt hoảng và tôi không thể hốt hoảng. Nghe mình nói, tôi lại nghĩ tới chàng. Tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình, mình làm tôi sợ, tôi ghét mình…Mình muốn làm gì tôi thì làm?[26,355].
Với bản tính của một con người ngay thẳng, Anna không muốn tâm hồn mình bị dằn vặt, day dứt, nàng muốn được thanh thản. Nhưng nói ra sự thật là cũng đồng nghĩa với việc nàng phải đối đầu với bao sóng gió tiếp theo. Và cũng từ đây, tâm hồn Anna lại chông chất những mối dày vò không yên. Thế giới bên trong con người nàng lại tiếp tục bao mớ hỗn độn ngổn ngang.
Đến với Vrônxki, đây là tình yêu chân chính. Ở đây có niềm say mê dịu ngọt, có vẻ nồng đượm dạt dào của trái tim con người tuy vẫn pha lẫn vị đắng của cuộc đời thực. Thế giới tâm hồn Anna lại chuyển sang trang mới, con người đa sầu, đa cảm trong Anna dường như lại trỗi dậy, bắt đầu những chuỗi cảm xúc, ý nghĩ chồng chéo lên nhau. Chẳng phải nàng đã bộc bạch với Vrônxki khi chàng nói về nỗi đau khổ của nàng đó sao? “Em mà đau khổ ấy
Nhưng anh lại giống như người đang đói mà được cho ăn. Có thể đang rét, quần áo rách rưới, hẳn hổ thẹn nhưng không đau khổ? Em mà đau khổ ấy à? Không? Đây là hạnh phúc của em…”[26,324]. Trong tâm hồn nàng giờ đây đan xen cả hạnh phúc và đau khổ. Một loạt những đợt sóng mới lại trỗi dậy.
Những tưởng hạnh phúc thật đã đến trong vòng tay, nàng nhất quyết đòi ly dị để xây dựng một cuộc đời mới mẻ với Vrônxki nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với nàng. Nàng bỏ Karênin nhưng lại không được chăm sóc cho đứa con trai yêu quý của mình. Đó là một bất hạnh lớn đối với nàng. Nỗi đau xé ruột ấy, Anna đã bộc lộ với chị dâu trong nước mắt đầm đìa, không sao ngăn nổi: “Em đã được lão ta đồng ý: còn…con trai em thì sao? Họ sẽ không trả nó cho em đâu?”[26,965]. Cắt đứt với người chồng sau 8 năm trời chung sống để đi theo tiếng gọi của tình yêu nhưng trong tâm hồn nàng luôn day dứt khôn nguôi khi nghĩ về Xêriôgia bé bỏng của mình. Tâm can nàng bị giày vò, giằng xé, triền miên: dù cho lão ấy có hắt hủi, dù cho Vrônxki hờ hững, nhạt nhẽo thì nàng vẫn quyết làm mọi cách để bảo vệ đứa con trai yêu quý nhất đời nàng. Nàng căm giận, uất ức, “nàng tưởng như những lời nàng thú với chồng là nàng đã nói ra trước toàn thế giới và toàn thế giới đã nghe thấy”[26,354].
Rõ ràng, bắt đầu từ cuộc hôn nhân với Karênin, rời bỏ chồng đến với Vrônxki, rồi xa con trong tâm hồn Anna trào lên ba đợt sóng nội tâm khác nhau, ba thế giới tinh thần khác nhau. Sống với Karênin đó là cảm giác cam chịu, hạnh phúc lẫn đắng cay khi ở bên Vrônxki và sự đau khổ khi phải xa con trai. Đó là những sắc màu tình yêu khác nhau của Anna. Nàng lâm vào bấy nhiêu hoàn cảnh là bấy nhiêu trạng thái tinh thần khác nhau và mỗi đợt sóng tinh thần đều đem lại cho nàng những dư vị khác nhau.
Thế giới tâm hồn của Anna lại tiếp tục được dâng cao lên đỉnh điểm đó là sự thất vọng trong cuộc sống với Vrônxki. Anna đã nhận ra anh chàng
phong lưu mã thượng chỉ là một kiểu người hời hợt chẳng quan tâm đến trách nhiệm gì mà chỉ nhằm sao cho thỏa mãn được những dục vọng cá nhân. Đó là một anh chàng “rất ngu si, hợm hĩnh, sạch sẽ, ngoài ra chẳng có gì khác hơn”. Cuộc sống giữa hai người xảy ra nhiều mâu thuẫn, cãi vã, có dấu hiệu rạn nứt. Dám bỏ chồng, xa con, và giờ đây Anna chỉ còn tình yêu duy nhất là Vrônxki. Đời sống nội tâm của nàng không nguôi những câu như “tra khảo”: “Chàng có còn yêu mình nữa không? Tối nay chàng có về nhà không? Chàng đi đâu mà bây giờ chưa về?”[26,1053]. “Rồi nàng thấy bên cạnh mối tình gắn bó giữa hai người còn xuất hiện một ý thức đấu tranh ác độc không sao xua được ra khỏi trái tim Vrônxki lẫn trái tim nàng”[26,1056] hay trong suy nghĩ của nàng cũng ngầm dự báo điều không tốt sẽ xảy ra đối với hai người: “Khi em cảm thấy trong phút này là anh đối xử với em như với kẻ thù, phải, như kẻ thù, nếu anh biết được cái đó nghĩa là thế nào đối với em! Những phút như thế này, em thấy em gần kề một bất hạnh, em sợ lắm, em sợ lắm! Và nàng quay mặt đi giấu những tiếng nức nở”[26,1055]. Trong tâm hồn đa cảm của Anna giờ đây đã linh cảm được bao điều chẳng lành đối với tình yêu của hai người. Từ trong sâu thẳm trái tim Anna đã rộn lên những lo sợ khủng khiếp.
Càng thấu hiểu tính cách của Vrônxki, nàng càng ngậm ngùi ai oán: “Giờ đây nàng yêu chàng, yêu như người đàn bà dám đặt tình yêu lên trên mọi của cải ở trên đời này…mà chàng lại thấy hạnh phúc xa xăm hơn cả khi rời Matxcơva…chàng nhìn nàng như nhìn một bông hoa tàn héo mà mình đã hái và khó khăn lắm mới thấy lại cái vẻ đẹp đã xui khiến anh ta hái hoa”.
Giữa lúc Vrônxki đi tìm thú vui một mình chốn bầu cử nơi danh vọng, tâm hồn nàng cô quạnh đến tột đỉnh. Muốn tự giải thoát khỏi lo phiền, nàng tự nhủ: “Tại sao không tắt hết ánh sáng đi khi không còn gì để nhìn nữa, khi đối với ta mọi chuyện đã trở nên bỉ ổi” [26,1143].
Trong giây phút hoảng loạn, tinh thần nàng mất hết bình tĩnh, nàng muốn đi tìm Vrônxki; song đang mải mê với danh vọng chàng chưa trở về. Quả là chàng hờ hững, không xứng đáng với sự hy sinh ghê gớm của mình “Thoáng thấy mũ của Vrônxki treo trên mắc áo, nàng rùng mình ghê tởm”