Khả năng liên tưởng, tưởng tượng

Một phần của tài liệu Đặc sắc tuỳ bút Vi Thuỳ Linh (Trang 56 - 62)

3.1.1 Khả năng liên tưởng

Liên tưởng là hoạt động tâm lí của con người, từ việc này mà nghĩ đến việc kia, từ người này mà nghĩ đến người khác dựa trên mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng trong đời sống. Trong mỗi bài văn của mình Linh đều sử dụng dày đặc mật độ liên tưởng để làm nổi bật một sự vật hiện tượng nào đó, nhằm nêu ra một ý nghĩa để người đọc tri nhận.

Đọc văn ViLi nhiều người sẽ nghĩ rằng nó “lộn xộn” bởi có những đoạn văn, có những nội dung người đọc không nhận thấy sự logic trong đó. Đấy chỉ là sự đánh giá bề ngoài chứ chưa thật sự nhìn sâu vào nội dung tác phẩm. Mỗi đoạn văn, mỗi vấn đề xuất hiện đều được thể hiện thông qua dòng cảm xúc của chị. Nó logic đến bất ngờ, khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên “sao lại có thể liên tưởng được như thế?”. Sự việc này dẫn sang sự việc khác được lên kết với nhau bằng nội dung, đôi khi nó còn bằng cả dòng cảm xúc tạo cho người đọc những bất ngờ thú vị.

Ngay trong tác phẩm mở đầu “Hộ chiếu tâm hồn” Vi Thuỳ Linh đã sử dụng thủ pháp liên tưởng khi nói về vai trò của gia đình. Trong tác phẩm đầu tiên khi gợi nhắc đến những người thân đã mất, đến cuộc điểm danh người. “Mỗi gia đình, dù vắng hay mất đi thành viên nào, cũng vẫn ấm cúng khi tất

cả đều nhớ nhau, cùng hướng về tổ ấm, tưởng nhớ tổ tiên, tiền bối, ông bà”

(11). Đến đây chị bắt đầu liên tưởng đến gia đình giáo sư Vũ Khiêu là một gia đình kiểu mẫu. Ông là người rất xem trọng nền tảng gia đình. Ông luôn yêu mến bạn bè, những thế hệ học trò tất cả họ tập hợp lại thành một gia đình lớn dẫu không cùng huyết thống. Sang đến đoạn tiếp theo chị giới thiệu về vợ

chồng con trai cả giáo sư Vũ Khiêu là giáo sư “Đặng Cảnh Khanh là Tiến sĩ

Xã hội học đầu tiên của Việt Nam bảo vệ luận án tại Sophia (Bulgaria) năm 1985, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển. Vợ là giáo sư Lê Thị Quý bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1989. Bà là Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển, uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nghiên cứu phụ nữ châu Á (trụ sở tại Hàn Quốc) và là thành viên của một số tổ chức trong khu vực ASEAN” (12). Đoạn văn trên

tưởng như không có liên quan đến đoạn trước và nó làm đứt mạch cảm xúc của bài văn. Nhưng nó có sự liên kết đấy chứ. Nó cho thấy học thức, sự thành đạt của con cái giáo sư Vũ Khiêu để mà từ đó khẳng định vai trò của gia đình là quan trọng và quan trọng hơn cả là người đứng đầu gia đình phải luôn là “cây cao bóng cả” cho con cháu. Giáo sư Vũ Khiêu đã làm được điều này, nền tảng gia đình là điều không thể thiếu đối với mỗi người. Nhắc đến giáo sư Lê Thị Quý đề đến đoạn tiếp theo chị có thể đề cập đến nhận định của bà về vai trò của gia đình đối với xã hội. Không nhiều người thành đạt cả hai vế “giàu vì bạn, sang vì vợ” nhưng điều đó lại được thể hiện rất rõ ở gia đình giáo sư Đặng Cảnh Khanh. Điều đó giúp tác giả liên tưởng đến bà Tôn Nữ Lệ Minh vợ thi sĩ Lưu Trọng Lư. Bà là người thấu cảm được thi sĩ và trở thành cảm hứng trong mọi sáng tác của ông. Vợ chồng có đồng cảm được với nhau thì mới có thể xây tổ ấm. Từ đó ViLi lại chợt nhớ đến chú bé Rémi trong tác phẩm “Không gia đình”. Hiếm có ai như chú bé không được sống trong gia đình hoàn thiện, phải chịu bao nỗi vất vả đi từ nhà tù này đến nhà tù khác, sống ở nơi vẩn đục mà em vẫn sống ngay thẳng tự trọng, trung thực, ân nghĩa và thương người. Để người đọc thấy được vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi người, Vi Thuỳ Linh đã dẫn dắt chúng ta khứ hồi về quá khứ để gặp vợ chồng thi sĩ Lưu Trọng Lư, đến hiện tại để gặp gia đình giáo sư Vũ Khiêu, sang châu Âu để gặp lại đại văn hào Pháp Hector Malot. Sự liên tưởng

của ViLi không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà sang cả những nước khác từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

Điều làm độc giả bất ngờ hơn nữa là sự liên tưởng cứ “ùn ùn” lớp lang, hết cái này sang cái khác, xuất hiện dường như không có điểm dừng thể hiện khả năng liên tưởng phong phú đa dạng cũng như sự hiểu biết sâu rộng của tác giả. Chị miêu tả tỉ mỉ, kĩ càng về hoạt động bắt mồi của loài rắn “loài bò

sát bơi, leo, phi, quấn, mổ, thít con mồi đến chết và nuốt chửng...” (24,53).

Từ đặc điểm dễ gây sợ hãi của rắn nói chung tác giả dẫn chúng ta sang Ấn Độ gặp những ông thầy “phép thuật” đang điều khiển dẫn dắt những chú rắn lắc lư theo điệu nhạc. Rắn từ đường phố đi vào đền thờ trở thành Visnu biểu tượng cho sự bất tử. Rắn tượng trưng cho nước ở Úc, là thần bảo hộ gia đình ở Mexico, Thần rắn Naga ở Campuchia... Chị dắt chúng ta đi chu du khắp nước Âu, Á, chưa kịp tỉnh cơn say sóng, say gió, Linh lại dắt chứng ta đến với ngành công nghiệp thời trang. Hình ảnh rắn, hoạ tiết da rắn được đưa vào làm hoạ tiết trên áo, túi sách, giầy dép... Đang choáng ngợp giữa núi rừng thời trang từ da rắn chúng ta lại phiêu du lên vườn địa đàng gặp Adam và Eva và chứng kiến sự lừa dối của quỷ Satan. Từ vườn địa đàng chúng ta quay trở về mặt đất, trở lại Việt Nam với trò “rồng rắn lên mây” gắn bó với tuổi thơ mỗi người. Rồng rắn dắt ta phiêu du hay bởi sự liên tưởng phong phú của Vi Thuỳ Linh dắt ta đi đến mọi miền.

Mỗi lần đọc văn Linh là một lần Linh dắt chúng ta đi chu du khắp các châu lục. Mỗi lần như vậy chúng ta lại thu nhận được nhiều thông tin mới bởi sự liên tưởng phong phú kết hợp với tính phóng sự được thể hiện ngay trong các vấn đề Linh đề cập đến. Đó là những vấn đề về sự bất ổn trên thế giới “Nam Bắc Triều Tiên chia cắt hơn sáu mươi năm”, “Nhà nước Palestine

không được quốc tế công nhận, công dân không có hộ chiếu, nhiều gia đình chia cắt nơi bờ Tây và dải Gaza bằng bức tường cao 8m (Xây bởi Israel),

đoàn tụ là ước mơ bất khả” (24,14). Sự tiến bộ của khoa học trong việc sử

dụng năng lượng mặt trời: “Hãng Siemens (Đức) rất chú trọng ưu việt của

năng lượng mặt trời”, “Lưới điện siêu nhỏ phát ra từ những tấm pin mặt trời có diện tích 8.000 mét vuông lắp đặt tại Huizingen (Bỉ) thực hiện dự án Volt – Air theo công nghệ của Siemens từ năm 2011, tới đây sẽ vận hành xe hơi điện vận chuyển tích hợp ứng dụng lưới điện thông minh.” (24,26). Vấn đề với đời

sống – giáo dục – xã hội: “Đông năm 2012 tuyết ở Tokyo đóng dày 30 cm

trên mặt đất, các sân bay ngừng 400 chuyến lên/xuống/ngày. Và khó tin rằng ở quốc gia của triết học âm nhạc, luôn kiêu hãnh về trí tuệ, quê hương của đại thi hào J.Goethe (1749 – 1832), Cộng hoà Liên bang Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu lại đang có 7,5 triệu người mù chữ. Cả triệu người Italia bị đói, thất nghiệp, hàng đoàn dài nhân lực xêp hàng đợi việc làm ở thủ đô Rome, nơi có đấu trường La Mã di sản thế giới, thành “đấu trường” khắc nghiệt chịu khủng hoảng nợ công cùng Tây Ban Nha, Hy Lạp.”. Những vấn đề về

mọi mặt đời sống hàng ngày, được Linh cập nhật ngay trên những bài viết của mình. Tại thời điểm đó, những thông tin trên đã gây ra sự bàng hoàng ngạc nhiên cho người đọc. Đó là những tri thức quá mới mẻ, người ta chưa có cơ hội tìm hiểu về nó, nhưng chị đã biết và đã hiểu nó. Điều đó cho thấy tầm hiểu biết phong phú, đa dạng, không ngừng tri nhận những tri thức mới của tác giả với tuổi đời còn khá trẻ.

Độc giả được chu du khắp mọi miền nhờ sự liên đầy bất ngờ của Vi Thuỳ Linh. Điều đó thể hiện Linh là người ham học, ham đọc, có vốn tri thức sâu rộng mà ở tuổi chị ít người có được điều đó. Không những người đọc có thể tri nhận được thêm nhiều kiến thức mới mà còn nắm bắt được, hiểu rõ hơn vấn đề mà Linh đề cập đến. Để từ đó tự bản thân cảm nhận và đồng cảm với những vấn đề chị sẻ chia.

3.1.2. Khả năng tưởng tượng

Tưởng tượng là hoạt động tâm lí nhằm tái tạo, biến đổi các biểu tượng trong trí nhớ và sáng tạo ra hình tượng mới. Bằng sự tưởng tượng của mình Vi Thuỳ Linh đã viết lên hai tuỳ bút giả tưởng, nữ nhà văn giả định được gặp những cây bút quá cố Nguyên Hồng, Thạch Lam trong tập tuỳ bút “Hộ chiếu tâm hồn”.

Thu 2013, Vi Thuỳ Linh tìm về trại Cẩm Giàng, khu vườn vắng lặng ấy đã hiện lên một không gian tươi mới, ánh sáng diệp lục trong khiết như lúc Tự lực văn đoàn đương thời. Vi Thuỳ Linh đã đến và đã gặp Thạch Lam. “Tâm

hồn nhân ái và thánh thiện của Thạch Lam, đang đón tôi vào khu vườn miên man diệp lúc” (24,132). “Thạch Lam hình như tuổi ba mươi hay không tuổi, đang ở khu vườn ấy, chờ tôi. Dáng gầy đang nhả thuốc dưới tán nhãn vươn cao, thỉnh thoảng tay trái đỡ ngực, ghìm cơn ho, song khuôn mặt ông thật thanh thản và ánh nhìn dịu dàng” (24,129). Thạch lam vẫn ở Cẩm Giàng, vẫn

luôn sống với tuổi ba mươi ba. Chị đến gần “nhìn sâu vào đồng tử ông, nắm

lấy đôi bàn tay ngón dài mềm ấm”. Gió heo may vấn tóc sao bỗng “gió lạnh đầu mùa”. Tiếng chim hót trong veo, không gian tĩnh mịch quá, chạm cả hơi

thở nhẹ. Hơi thở của Linh như chạm phải hơi thở của Thạch Lam. Thạch lam vẫn sống nơi đây để mà quan sát Cẩm Giàng thay đổi từng ngày. Là Thạch Lam đang nhìn hay tác giả đang dùng đồng tử của ông đề mà chiêm nghiệm: “không còn nhà ngôi nhà gỗ, cột vuông lan can gỗ, của quay bốn phía…”

“nhà ánh sáng” Cẩm Giàng không còn, “nhà cây liễu Hà Nội đã mất, Thạch Lam ngủ trong đất thiêng Hà Nội (nghĩa trang Hợp Thiện, gần Ô Đống Mác)” (24,134). Nhiều thứ đã không còn giữ được nguyên sơ của nó, giờ chỉ

còn lại “nhà xây, ao hồ nhân tạo, không còn chỗ lưu giữ khu vườn”. Còn bao nhiêu lần Linh được về thăm Cẩm Giàng cũ nữ, hụt hãng trước sự thay đổi từng ngày của nó. Nhưng Thạch Lam vậy, vẫn mãi tuổi ba mươi hai dắt Linh

về gặp hai đứa trẻ, vẫn quầy hàng xén cổng trại Cẩm Giàng, bên ga – không – thời – gian.

Bao nhiêu lần về Hải Phòng, Vi Thuỳ Linh luôn chọn đi tàu hoả để thiên nhiên con người gần nhau lại, nhưng cốt là để gặp lại Nguyên Hồng. Nhưng chưa một lần chị được gặp. Vậy mà chị lại thấy “Nguyên Hồng trên

những chuyến tàu điện ngầm từ trung tâm ra ngoại ô thủ đô nước Pháp”. Phải chăng vì “Paris đầy “Tám Bính, Năm Sài Gòn” mà chị gặp Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ, lam lũ. Dưới cống ngầm Paris, nơi Hugo đứng quan sát để mô tả cảnh J. Valjiean chạy trốn cảnh sát Javert và ở lòng đất Paris chị thấy Nguyên Hồng có điểm tương đồng với đại văn hào Pháp Victor Hugo ở “trái tim bác ái, thương xót phận kiếp nhỏ nhoi, bị khinh

rẻ, thuộc tầng xã hội bị phân biệt khỏi xã hội được thừa nhận, có quyền lợi.” (24,140). Nguyên Hồng vẫn đi trên những chuyến tàu đời với hy vọng, ấm áp tốt lành cho nhân dân lao động. Vì đó mà mỗi lần về Hải Phòng chị lại chọn đi hoả xa để gặp lại Nguyên Hồng.

Sự liên tưởng, tưởng tượng đa dạng, kết nối từ vấn đề này sang vấn đề khác cho thấy trường lực ngôn ngữ, vốn văn hoá, vốn sống, vốn kinh nghiệm phong phú. Vi Thuỳ Linh đã nới kích không gian, mở rộng thời gian quá khứ - hiện tại -tương lai đan quyện vào nhau. Người đọc như được chu du đến các vùng đất mới, thu nhận được nhiều lượng thông tin tri thức, văn hoá. Người đọc như ăn một món ăn bổ dưỡng với nhiều chất dinh dưỡng tri thức, nêm nếm với gia vị của cảm xúc. Vi Thuỳ Linh giúp cho độc giả được đi du lịch bằng ngôn ngữ. Liên tưởng, tưởng tượng đã chắp cánh cho ngòi bút của Vi Thuỳ Linh bay xa, vượt qua ngoài những khuôn khổ hạn hẹp, giới hạn của tư duy. Tầm nhìn được mở rộng, đi vào những chỗ sâu thẳm của thế giới và con người, tạo ra những hình tượng nghệ thuật không lặp lại.

Một phần của tài liệu Đặc sắc tuỳ bút Vi Thuỳ Linh (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w