Tình hình Củ Chi sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết

Một phần của tài liệu Đóng góp của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 28 - 34)

Hiệp định Genève (Giơnevơ) được ký kết chính thức ngày 21 tháng 7 năm 1954 buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Mặc dù Pháp đã thừa nhận thất bại nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu biến Việt Nam mà trước tiên là miền Nam Việt Nam thành “con đê ngăn làn sóng đỏ”. Mỹ đã xây dựng một chính quyền bù nhìn thân Mỹ ở đây. Tháng 7 năm 1954, Bửu Lộc - Thủ tướng bù nhìn của chính quyền thân Pháp đã phải nhường ghế Thủ tướng cho Ngô Đình Diệm, một con bài mới của Mỹ. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, Bảo Đại bị phế truất, Ngô Đình Diệm lên ghế “Quốc Trưởng”. Ngày 26 tháng 10 năm 1955, Diệm tuyên bố thành lập “Việt Nam Cộng hòa” lấy Sài Gòn làm thủ đô. Bằng cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu do Mỹ dàn dựng, ngày 11 tháng 3 năm 1956, Diệm chính thức lên làm Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Với những hành động đó, Mỹ - Diệm đã ngang nhiên vi phạm Hiệp định, phản bội lại những quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Ngược lại với hành động của Mỹ, nhân dân ta đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định này. Tất cả lực lượng kháng chiến miền Nam đều tập kết ra Bắc trong đó không loại trừ lực lượng vũ trang Củ Chi. Mặc dù không có lực lượng vũ trang yểm trợ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ huyện, nhân dân Củ Chi vẫn đấu tranh vô cùng anh dũng để đòi Mỹ thi hành đúng những điều khoản Hiệp định Giơnevơ đã ký.

Ngay từ khi bước chân đến mảnh đất phương Nam, Mỹ đã nhận thấy rõ vị trí chiến lược của Sài Gòn cũng như sự ngoan cường dũng cảm của người dân nơi đây, đặc biệt là vùng đất Củ Chi. Trong chiến tranh, đối với địch Củ Chi là một khu vực vành đai then chốt bảo vệ cơ quan đầu não và bộ máy chiến tranh của chúng ở Sài Gòn; đối với lực lượng cách mạng, đây là bàn đạp tấn công vào đầu não của kẻ thù. Vì vậy, Củ Chi được cả địch và lực lượng cách mạng coi là một địa bàn chiến lược quan trọng.

Từ cuối năm 1954 cho đến giữa năm 1956, Pháp tiếp tục chuyển giao cho Mỹ quyền huấn luyện và trang bị cho quân đội Ngụy, tuyên bố chấm dứt chế độ cao ủy ở Miền Nam Việt Nam, từ bỏ trách nhiệm một bên phải thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Cuối cùng, ngày 25 tháng 4 năm 1956, Pháp tuyên bố giải tán Bộ chỉ huy và đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Từ đây, Mỹ thực sự nắm quyền ở Nam Việt Nam.

Để củng cố quyền lực ở Miền Nam Việt Nam, Mỹ không ngừng tăng cường trang bị cho chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Với sự trợ giúp của Mỹ, chính quyền Diệm nhanh chóng nắm quyền kiểm soát quân đội, bộ máy hành chính, cảnh sát. Ngoài việc kế thừa những đồn, bốt đã có từ thời thực dân Pháp, Diệm còn xây dựng đồn bốt mới, thành lập các đơn vị bảo an, dân vệ tạo thành một hệ thống kìm kẹp nhằm bóp chết ý chí đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân huyện Củ Chi nói riêng. Hơn thế nữa, chúng không những xây dựng ngụy quân, ngụy quyền làm con bài thực hiện tham vọng của mình mà còn ác liệt hơn là dùng âm mưu chia rẽ sự đoàn kết dân tộc. Chúng dùng thủ đoạn lôi kéo tầng lớp giáo dân vào cuộc chiến của chúng. Tờ báo cánh hữu của Pháp Le Monde đã thừa nhận rằng: “Diệm coi giáo dân là một nguồn dự trữ cho quân đội và những tổ chức chính trị của chế độ Sài Gòn”[20;147]. Tại Củ Chi, Mỹ xây dựng chính quyền quận, xã, hình thành bộ máy cảnh sát, xây dựng nhiều đồn bót, tạo thành vành đai phòng thủ phía Tây - Bắc Sài Gòn. Tiến hành thành lập các tổ chức thanh

niên cộng hòa, phụ nữ liên đới. Đến tháng 12 năm 1957, địch tổ chức cái gọi là “ngũ gia liên bảo”để “dùng dân trị dân” và kiểm soát lẫn nhau.

Song song với việc phân loại dân để kiểm soát, địch áp dụng các toán công dân vụ (thực chất là mật vụ) luồn sâu vào xóm ấp để theo dõi và phát hiện cán bộ cách mạng. Từ tháng 2 năm 1955, Diệm đã thành lập Ủy ban tố cộng ở Trung ương, tỉnh, quận để chỉ đạo việc đánh phá phong trào cách mạng của quần chúng; mở các lớp tố cộng để ly gián trong nhân dân, gây nghi ngờ với cách mạng; tiến hành cùng lúc vừa khủng bố vừa mua chuộc nhân dân. Chúng còn ra sức đàn áp, khủng bố kể cả giết người, bắt bớ tra tấn bằng mọi nhục hình để dập tắt phong trào cách mạng ở Củ Chi, để người dân không dám che chở nuôi giấu cán bộ cách mạng [3;72]

Sau khi ổn định bộ máy đầu não và bộ máy cơ sở cấp tỉnh, huyện, để củng cố lại chính quyền cơ sở xã ấp, Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều âm mưu thâm độc để kìm kẹp nhân dân và bóp chết cách mạng. Tại Tân Phú Trung, bộ máy chính quyền xã được đặt tại Nhà việc ấp Đình. Chủ tịch Hội đồng xã tên là Nguyễn Văn Giáo (còn gọi là Giáo), ban canh nông hội tề cai điền địa là Trần Văn Thuận, hai bên làm hành chính chuyện thu thuế và chứng giấy tờ là tên Phu và tên Hát. Để khống chế nhân dân, địch lập hai bót. Một lập ở ấp Đình do cai Trí chỉ huy và một ở ấp Dốc do cai Hạ chỉ huy. Mỗi bót có một tiểu đội lính bảo an và dân vệ được trang bị vài khẩu xê-nê và các-bin.

Tháng 4 năm 1955, Ngô Đình Diệm đưa 2.000 dân di cư về định cư ở Sở cao su Phan Văn Tư trước đây nhằm lợi dụng số dân này làm cơ sở cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Tân Phú Trung. Số dân này có nguồn gốc thuộc hai tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh, hầu hết theo Công giáo, họ lập hai nhà thờ Thiên Chúa Giáo: nhà thờ Sơn Lộc cho giáo dân Sơn Tây, nhà thờ Bắc Đoàn cho giáo dân Bắc Ninh và lập một chợ.

Kể từ năm 1955-1959, với khẩu hiệu “đã thực, bài phong, diệt cộng”, địch ra sức đàn áp khủng bố trắng lực lượng cách mạng, bắt thanh niên đi

lính. Trong âm mưu đó, để khống chế phía bắc Hóc Môn, năm 1955 địch tách bắc Hóc Môn thành huyện Củ Chi, tỉnh Bình Dương, đưa tên Bình về làm Quận trưởng. Tên Bình nổi tiếng ác ôn, sẵn sàng móc ruột gan, moi tim uống mật các cán bộ chiến sĩ cách mạng. Chính từ thời điểm này chúng tổ chức khủng bố dã man lực lượng cách mạng. Nhất là khi Luật 10/59 ban hành (6/5/1959), địch càng khủng bố lực lượng cách mạng quyết liệt, đem máy chém đặt tại Tân An Hội. Cũng tại Tân Phú Trung, địch theo dõi gia đình nào có con em tập kết, có người làm cách mạng thì tập trung khoanh lại bắt dở nhà ra cất sát ngoài đồn bót với ý đồ ngăn không cho lực lượng cách mạng ra ngoài hoạt động, nếu ai chống lại thì bị đốt nhà, bị bắt và bỏ tù. Nếu du kích ra ngoài với gia đình thì chúng bắn thẳng vào nhà [9;62-63].

Cùng với việc bình định, địch sử dụng bọn mật thám và tay sai để bắt cóc hoặc thủ tiêu cán bộ cách mạng khi ta thiếu cảnh giác. Cuối năm 1955, bọn chúng ám sát hai đồng chí trong chi bộ: Đồng chí Nguyễn Văn Rành và Trần Tấn Nhơn tại Cây Da. Trong lúc đồng chí Nguyễn Văn Ba và đồng chí Mười Khóm đang đánh cờ ở bên ngoài hiên thì bốn tên địch ập vào bắt cóc đồng chí Bảy, tức đồng chí Lê Văn Hiền - Phó Bí Thư Huyện ủy Hóc Môn, đồng chí bị giải lên bót Ấp Dốc, sau đưa về bót Hàng Keo (gần chợ Bà Chiểu) trên 5 tháng rồi chuyển về nhà lao Biên Hòa. Đồng chí Bùi Văn Xong bị bọn chỉ điểm tố giác nên bị bắt tại ngã tư Bến Đò, đồng chí Võ Văn Đồng, Hồ Văn Công trong lúc đi dự đám tang của một đồng chí cán bộ bị chỉ điểm nên cũng bị bắt [9;64-65].

Để tăng tinh thần cho bọn lính dân vệ, cảnh sát xã, lính bảo an quận thường kéo lên Trung Lập, Trung Hòa ruồng bố các ấp vùng sâu. Địch lấy bót lính Cao Đài trước đây làm trung tâm huấn luyện lính biệt động quân “Con cọp đen”. Nơi đây thường xuyên có mặt một tiểu đoàn biệt động quận huấn luyện. Năm 1956, cùng với nhiều địa phương khác, tại Trung Lập Hạ, lực lượng bảo an quận, cảnh sát và bọn dân vệ dùng súng, dao lê đi ruồng bố, uy hiếp dân, gom dân vào sống tập trung trong khu trù mật Trung Hòa. Ai chống

đối không đi thì chúng lôi kéo, đánh đập, đốt nhà. Mặt khác, từ đồn Trung Hòa, lính địch dùng súng bắn vào các xóm nhà bên trong làm người chết, trâu bò chết làm cho dân chúng sợ sệt phải dỡ nhà vào khu trù mật. Trong khu trù mật thuộc ấp Trung Hòa, bọn tề xã lập tờ khai gia đình từng nhà, phân loại dân bằng gia đình bảng đen (là gia đình có người thân tham gia kháng chiến), bảng đỏ (gia đình theo địch) [11;48]

Ngoài ra, Ngô Đình Diệm không thi hành Hiệp định Giơnevơ mà đẩy mạnh công việc tố cộng, uy hiếp các gia đình có liên quan đến cách mạng, gom dân, tách dân ra khỏi vùng giải phóng cũ. Sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm không hể giảm mà còn siết chặt hơn trong vùng chúng kiểm soát. Cảnh sát, trưởng phó ấp trở thành những tên ác ôn hà hiếp dân lành, gây nhiều nợ máu với nhân dân.

Ở xã Phú Hòa Đông, chính quyền tay sai Mỹ đã nhanh chóng được thiết lập với đầy đủ bộ máy kìm kẹp, đàn áp nhân dân và những người kháng chiến cũ. Đứng đầu bộ máy ngụy quyền xã là Ban hội tề, đứng đầu Ban hội tề là xã trưởng, Ban hội tề có một phần là những phần tử ác ôn từng gây nợ máu với nhân dân như: tổng Công, hương hào Bàn, hương quản Hoa… Công cụ đàn áp nhân dân của bọn tề xã là bọn lính bảo an, dân vệ, bọn do thám chỉ điểm. Trong hai năm 1954-1955, được lệnh của cấp trên, bọn tề xã ra mặt phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ. Khắp nơi trên xã Phú Hòa Đông kẻ địch đã đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý với mục đích tập trung là chống cộng. Luận điệu tuyên truyền của địch lúc này là: chế độ cộng sản Bắc Việt độc tài, vô thần, lệ thuộc Nga-Tàu; Mỹ là bạn, Ngô Đình Diệm là cứu tinh của dân tộc. Khắp các nẻo đường, nơi công cộng ở xã Phú Hòa Đông điều treo, dán những khẩu hiệu phản động như: đã đảo Cộng sản độc tài, Việt Nam cộng hòa muôn năm, Ngô Chí Sĩ muôn năm.

Nhằm mục đích kiểm soát bắt bớ số cán bộ Việt Minh không tập kết, bọn tề xã lên danh sách cụ thể các gia đình có con em là những người kháng chiến cũ để tập trung theo dõi. Ban đêm địch cho bọn do thám chỉ điểm rình

rập mỗi nhà, ban ngày địch tung bọn thám báo giả làm dân thường đi sâu vào vùng ruộng làng, khu Ba Gia, rừng Cấm để tìm chổ ở của cán bộ cách mạng.

Cuối năm 1955, khi Ngô Đình Diệm được đế quốc Mỹ đặt vào ghế thủ tướng, bộ mặt chống cộng của Mỹ - Diệm càng lộ rõ, bọ tề xã điên cuồng chống phá cách mạng, đàn áp khủng bố nhân dân, chúng tổ chức mổ bụng moi gan nhiều người dân vô tội nhất là tên hương hào Bàn hành động rất dã man. Ngoài ra, để khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân, đêm đêm tên hào Bàn cho tay sai bịt mặt nạ xông vào nhà dân bắt người ra ngoài để cắt cổ, mổ bụng, moi gan trong tiếng la hét đau đớn của nạn nhân. Sáng hôm sau gia đình nạn nhân tìm thấy xác của người thân nhưng không có lá gan. Bọn Hào Bàn và tay sai lấy lá gan nạn nhân đem về xào nấu nhậu rượu và lãnh tiền thưởng của cấp trên.

Cụ thể như vào đêm ngày 18 tháng 7 năm 1955, bọn Hào Bàn đã xông vào nhà bắt anh Phan Thái Hòa là con trai ông Phan Văn Để ở ấp Phú An. Sáng hôm sau người dân tìm thấy xác anh Hòa ở Bến Cây Me, bên bờ sông Sài Gòn vì anh là một thanh niên thuộc gia đình tu hành. Cùng với vụ sát hại anh Hòa bọn địch còn mổ bụng moi gan hàng chục người dân vô tội trên địa bàn xã Phú Hòa Đông.

Tháng 3 năm 1955, Diệm đã ban hành chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, tàn sát hàng loạt những người cộng sản và những người kháng chiến cũ. Khi đã thanh toán xong những lực lượng đối lập khác, chính quyền Diệm càng tập trung vào tiêu diệt lực lượng và phong trào cách mạng của ta. Lúc này Đảng bộ và nhân dân Củ Chi phải chịu thiệt hại rất nặng nề từ những cuộc vây lùng, bắt, giết của chính quyền Ngụy. Tuy nhiên, theo chủ trương đấu tranh chung mà Đảng đã đề ra, nhân dân Củ Chi lúc này vẫn tận dụng tất cả những cơ hội để đấu tranh hòa bình tạo điều kiện, thời gian xây dựng phong trào cách mạng. Đảng bộ Củ Chi và chi bộ cơ sở vẫn bám sát dân củng cố lòng tin vào cuộc chiến. Các tổ chức Đảng thường xuyên làm công tác tư tưởng nội bộ,

chống tư tưởng mơ hồ, hòa bình chung chung, dẫn đến chủ quan khinh địch, đồng thời cũng chống tư tưởng nôn nóng bộc lộ lực lượng quá sớm.

Trong khi ta luôn đấu tranh hòa bình và tỏ rõ thiện chí đề nghị tổng tuyển cử ở hai miền Nam Bắc thì chính quyền Ngụy lại công khai phá hoại Hiệp định, tự tổ chức tổng tuyển cử chia cắt quan hệ hai miền. Đặc biệt chính quyền Mỹ-Diệm còn dùng những hình thức đàn áp dã man trước những cuộc đấu tranh ôn hòa của ta. Để không ngừng phát triển quân đội Ngụy, Mỹ liên tục tăng cố vấn quân sự và kiện toàn tổ chức MAAG (tổng số cố vấn từ 200 vào năm 1954 đến 669 tên năm 1956). Các đoàn tố cộng lưu động và bọn điệp báo tấn công điên cuồng vào phong trào và cơ sở cách mạng bằng nhiều hình thức như là khủng bố, chiến tranh tâm lý gieo không khí chết chóc khủng khiếp bao trùm đời sống của nhân dân nhằm uy hiếp tinh thần của quần chúng và cán bộ cách mạng. Cùng với “quốc sách tố cộng”, chính quyền Diệm thực thi hai chính sách lớn là “cải tiến nông thôn” và “lập khu dinh điền, khu trù mật” nhằm kiểm soát, thao túng lực lượng nông dân và những vùng xung yếu. Đây cũng là một thủ đoạn chính trị thâm độc của Mỹ, “tranh thủ trái tim và khối óc người nông dân”, tách nông dân ra khỏi ảnh hưởng cách mạng.

Nhìn chung, từ sau Hiệp định Giơnevơ, phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Củ Chi gặp nhiều khó khăn và thử thách. Kẻ thù đã nhận thấy được vị trí địa – chiến lược của vùng đất Củ Chi nên đã biến nơi đây thành “vùng tam giác sắt” để chúng tiến hành âm mưu xâm lược khu vực ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Chúng ra sức dồn dân, lập ấp chiến lược, càn quét, khủng bố. Mục đích của chính quyền địch là biến vùng đất này thành “vùng trắng” để phục vụ cho mưu đồ đen tối, tàn bạo mà chúng đã hoạch định từ trước đó. Có thể nói, đây là thời kỳ mở đầu, báo hiệu một giai đoạn khó khăn gian khổ ác liệt và hy sinh lớn lao nhất của quân và nhân dân Củ Chi.

Một phần của tài liệu Đóng góp của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)