1965 -1975 CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
3.3.2. Chủ trương của ta
Trước âm mưu và hành động phản động của địch, Thường vụ Trung ương Cục đã họp (từ ngày 07 đến 10 tháng 01 năm 1973) nhận định tình hình và đề ra phương hướng khi có Hiệp định ngừng bắn. Đối với vùng ven Sài Gòn, chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, diệt ác phá kềm, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở. Ở những vùng tranh chấp, ta chủ động vận động, tổ chức quần chúng bỏ khu tập trung ấp chiến lược, bung về xóm làng cũ làm ăn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh võ trang, binh vận, diệt ác phá kềm. Ở vùng căn cứ, vùng giải phóng, phải tích cực xây dựng và phát triển lực lượng ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, sẵn sàng đánh trả quyết liệt khi địch càn quét, lấn chiếm.
Ngày 20/11/1973, Thành ủy ra Chỉ thị nêu rõ tình hình, nhiệm vụ và hướng dẫn phương châm, phương pháp đấu tranh ở các vùng. Tháng 2 năm 1973, Thành ủy họp Hội nghị lần thứ 6, kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy, nêu ra một số bài học kinh nghiệm, nêu ra tình hình và đề ra nhiệm vụ trong thời gian trước mắt. Bộ Chỉ huy và Quân ủy đã quán triệt cho các cấp ủy, cán bộ địa phương, đơn vị quán triệt chỉ thị 05 của Trung ương Cục về nhiệm vụ mùa khô 1973-1974, chuẩn bị cho mùa xuân 1975. Nâng cao nhận thức trong cán bộ địa phương, đơn vị, quần chúng nhân dân về âm mưu địch và dùng 03 mũi vây lấn, bao vây loại bỏ các đồn bót, ra sức chuẩn bị chống càn ở vùng trung tuyến. Đối tượng tác chiến là quân địa phương, cơ sở ngụy quyền và nền tảng hậu bị của địch. Căn cứ Nghị quyết 21 của Trung ương (7/1973), Thành ủy chỉ đạo vùng nông thôn đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh võ trang, chính trị, liên tục tấn công địch.
Quán triệt Chỉ thị của Thành ủy và nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng tiến công, nhận rõ âm mưu sâu sắc của địch, lực lượng vũ trang thành phố nói chung và Củ Chi nói riêng vẫn ở nguyên vị trí chiến đấu, cảnh giác,
cầm chắc súng sẵn sàng tiêu diệt quân địch khi chúng tiến quân lấn chiếm, quyết giữ vững vùng giải phóng và những thành quả đã đạt được. Nhằm hỗ trợ cho chiến trường Củ chi, Quân khu chỉ đạo các đơn vị tập trung đánh mạnh vào các vị trí xuất phát hành quân của địch, chặn đứng bước chân lấn chiếm của chúng khi chưa kịp hành động. Không những lực lượng vũ trang tổ chức đánh địch ngoại cứ, bảo vệ các vùng giải phóng mà còn hoạt động mạnh trong ấp chiến lược, kết hợp vận động quần chúng đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, đòi tự do về vườn đất cũ làm ăn. Phòng chính trị triển khai đợt học tập chính trị cho 03 thứ quân về tình hình nhiệm vụ mới, những nhận thức đánh giá của Trung ương và phương hướng nhiệm vụ năm 1973. Trong đó trọng tâm là chống địch lấn chiếm, giành dân, bảo vệ vùng giải phóng, tiếp tục mở vùng mở mang, đưa thế trận áp sát địch.
Tháng 8 năm 1973, Hội nghị tổng kết chống phá bình định của Khu ủy được tổ chức tại khu vực Căm Xe ( Dầu Tiếng), Khu ủy giao nhiệm vụ cho 07 huyện nông thôn phải bức rút 100 đồn tua, Củ Chi được giao 20 đồn, nhưng với quyết tâm của mình, Huyện Củ Chi đăng ký tiêu diệt 40 đồn tua. Khẩu hiệu hành động lúc này là “đánh tới đâu, chiếm tới đó, không cho địch lập lại, đánh tới đâu là đưa dân về, dân về tới đâu là xây dựng chiến khu du kích mạnh lên, đẩy mạnh sản xuất, đứng chân trong ấp chiến lược (cả mật và công khai)” [8,160].
Lực lượng chủ yếu là bộ đội địa phương, du kích và quần chúng các nơi đứng lên tạo thế lấy một loạt đồn tua, khởi điểm là đồn Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi. Cùng với việc phá rã kềm kẹp của địch, quân dân Củ Chi còn tích cực xây dựng vùng giải phóng và phát triển sản xuất ở các căn cứ du kích. Củ Chi phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, tranh thủ phối hợp với các lực lượng bộ đội địa phương và chủ lực, quyết tâm đẩy lùi âm mưu bình định, lấn chiếm của địch. Tranh thủ cơ sở pháp lý của Hiệp định Paris, ta đã đẩy lùi có hiệu quả các cuộc hành quân của địch và tổ chức bung dân về ruộng đất làm ăn. Chỉ đạo của trên đối với huyện
Củ Chi lúc này là phải cho chuyển biến mạnh việc diệt ác, phá kềm, chuyển thế tranh chấp yếu thành tranh chấp mạnh, đưa thế làm chủ của quần chúng lên. Từ đó khai thác tốt những thuận lợi của tình hình địa phương, đồng thời củng cố xây dựng phát triển bộ máy binh vận từ huyện xuống xã, ấp, cơ sở nội tuyến trong các sắc lính tề, tạo điều kiện tốt tiến lên giành những bước thắng lợi lơn hơn [24;154]
Trước tình hình mới, tháng 02 năm 1975, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã giao cho huyện Củ Chi: “đảm trách nhiệm vụ trọng yếu, gấp rút chuẩn bị lực lượng, truy quét địch tại địa phương, cung cấp lực lượng và mở đường cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn” [11;252]
Phương châm chỉ đạo của Quận ủy Củ Chi là: “Phát huy sức mạnh 03 mũi giáp công, tiến công địch liên tục, không cho chúng hồi sức. Trên cơ sở chuẩn bị mọi điều kiện khi thời cơ đến thì tự lực giải phóng địa phương, không do dự, chờ đợi, không cho địch chạy thoát” [11;254]. Nhiệm vụ cơ bản trước mắt trong thời gian này là đoàn kết, tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và phải tùy lúc, tùy nơi, kết hợp các mặt trận đó với nhau một cách hết sức chủ động và linh hoạt, nắm vững và giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động của địch phá hoại Hiệp định Paris. Đồng thời, giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
3.3.3. Quân và dân Củ Chi đóng góp vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng quê hương “Đất thép thành đồng”
Trong những ngày đầu năm 1975, hòa cùng khí thế sôi sục của cả nước, quân và dân Củ Chi đã sôi nổi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 25 tháng 02 năm1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã quyết định giao nhiệm vụ cho Quận ủy Củ
Chi thành lập một Trung đoàn bộ binh. Trong vòng hai tháng (02/1975 đến 4/9175), ở đây đã triển khai nhanh công tác xây dựng lực lượng Trung đoàn và trong 15 ngày cuối của kế hoạch triển khai, một trung đoàn bộ binh đã được thành lập lấy tên là “Trung đoàn Củ Chi Đất Thép” hay còn gọi là “Trung đoàn Đất Thép”, “Trung đoàn Gia Định 2 BB”, do đồng chí Tám Sơ – Quận đội trưởng là Trung đoàn trưởng, đồng chí Năm Thắng - Bí thư Quận ủy là Chính ủy. “Trung đoàn Củ Chi Đất Thép” là trung đoàn đủ sức chiến đấu với lực lượng gồm 3 tiểu đoàn, đại đội cối, trung đội trinh sát, trung đội nữ và ban tham mưu, chính trị, hậu cần, quân y, từ nguồn các đại đội bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang các xã thị trấn, các ban ngành chính đảng và quân y của huyện với tổng số 786 đồng chí [18,5].
Trung đoàn tập kết và xuất phát từ căn cứ tại xã An Phú, có nhiệm vụ chiến đấu và mở hành lang tiến thẳng vào Sài Gòn. Khẩu hiệu thực hiện của Trung đoàn là: “Đảng viên cầm lái; Đoàn viên cầm chèo; Tất cả nhổ neo; Ra
khơi quyết thắng”. Mục tiêu cuối cùng là: tòa hành chính Tỉnh Gia Định của
chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tiếp quản các mục tiêu được giao, Trung đoàn cùng với lực lượng cơ sở cách mạng tại chỗ phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, tính mạng tài sản của nhân dân. Thiết lập chính quyền lâm thời cơ sở, đồng thời cùng nhân dân vận động ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện.
Cùng lúc cấp trên cho hình thành Trung Đoàn Gia Định 1 BB (bộ binh) ngày 20 tháng 3 năm 1975 và long trọng tổ chức lễ ra quân ở rừng Làng An Nhơn Tây để tấn công địch.
Chiến trường Củ Chi là địa bàn tiếp giáp cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính vì vậy mà kẻ thù mới bằng mọi cách bình định, gom dân vào ấp chiến lược, ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học, cày ủi và tranh chấp ác liệt để bảo vệ cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn.
Dù ác liệt như vậy, nhưng khi Đảng cần là dân quân Củ Chi chỉ trong 60 ngày đã hình thành ngay một Trung đoàn với tổ chức đầy đủ đã hành quân
chiến đấu và chiến thắng. Dù chưa được đào tạo huấn luyện chính quy, nhưng với tinh thần chiến đấu cao cùng với lòng dũng cảm và kinh nghiệm chiến trường, chuyển từ phòng ngự sang vận động cường kích, từ phân tán nhỏ lẻ sang binh chủng hợp thành, từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, từ nhiệm vụ chiến đấu giải phóng quê hương, sang giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhiệm vụ chủ yếu của Củ Chi là làm căn cứ, bàn đạp cho các lực lượng hoạt động và tấn công vào Sài Gòn. Do đó mà mấy vấn đề xây dựng cơ sở chính trị xây dựng các lõm căn cứ có tầm quan trọng ngang với nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Thậm chí có những thời kỳ giữ dân, giữ địa hình, vận động nhân dân vùng lên làm chủ từng phần được đưa lên vị trí hàng đầu nên thường gọi là “trận địa lòng dân”. Quân dân Củ Chi đã chuẩn bị tốt mọi mặt từ xây dựng lực lượng nổi dậy ở địa phương, lực lượng giải phóng Sài Gòn đến cả lực lượng tiếp quản Củ Chi và các quận nội thành. Đồng thời chuẩn bị tốt công tác hậu cần, quân y, làm tốt công tác binh vận, đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, phá rã dần thề kềm kẹp, công tác vận tải vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, thuốc men... Củ Chi đã xây dựng được các căn cứ, là hậu phương vững chắc làm bàn đạp lớn, làm chỗ dựa đứng chân và là hành lang chiến lược nối liền vùng rừng miền Đông với thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đảm bảo tốt về xây dựng lực lượng tại chỗ cũng như cung cấp lực lượng cho Khu ủy - Quân ủy đã tạo điều kiện thuận lợi để ta nhanh chóng thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.Củ Chi đã anh dũng chiến đấu trong suốt cả thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Dù đã bao nhiêu lần bị tàn phá bởi B52, bom xăng, pháo bầy, chất hủy diệt mọi mầm sống trên mặt đất, nhưng quân và dân Củ Chi vẫn tìm mọi cách để chiến đấu ngay trên quê hương mình, một mảnh đất có tầm chiến lược mà hai bên đều quyết giành quyền kiểm soát để bảo vệ sự tồn vong của căn cứ cũng như giành thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân dân Củ Chi đã nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của trên và
chủ động liên tục tiến công địch, dù địch có quân số đông hơn với các loại vũ khí hiện đại nhưng với lòng yêu nước và quyết tâm cao của quân dân Củ Chi đã từng bước làm địch dần tan rã, bằng những đòn chiến lược đánh mạnh, thọc sâu vào những cứ điểm quan trọng của địch, cùng với quân chủ lực đánh tan căn cứ Đồng Dù, kết hợp chặt chẽ các lực lượng nổi dậy giành chính quyền, nhanh chóng giải phóng quê hương, hạn chế được những tổn thất về người và của.
Củ Chi là một bản anh hùng ca bất diệt về pháo đài thép trên vùng trung tuyến Tây Bắc Sài Gòn. Củ Chi đã có những sáng tạo khoa học về cách đánh, về tổ chức trận địa và tạo thế trận, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Củ Chi là ngọn cờ tiêu biểu “Đất thép thành đồng”. Là bàn đạp trực tiếp tấn công giải phóng Sài Gòn.
Trong quá trình trưởng thành qua cuộc chiến đấu với một đối tượng có tiềm lực quân sự mạnh, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại, quân đông và thiện chiến lại vô cùng xảo quyệt và tàn bạo, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Củ Chi luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí chiến đấu cao, sự sáng tạo độc đáo phong phú và đa dạng trên một địa bàn xung yếu, Củ Chi luôn là khu vực “yết hầu”, là cửa ngõ quan trọng bảo vệ “thủ đô” của bộ
máy đầu não chiến tranh của Mỹ - ngụy. Xây dựng được phong trào du kích chiến tranh, thế trận hiểm yếu, xây dựng được căn cứ bám trụ vững chắc, bàn đạp, hành lang thông suốt trong cuộc kháng chiến toàn dân, liên tục làm cho kẻ thù thất bại trong mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh, duy trì được thế trận chiến đấu, thế trận lòng dân, trong cả những thời điểm khó khăn nhất, tạo tiền đề vươn lên, xốc tới khi có thời cơ chiến lược, giành thắng lợi quyết định. Như vậy, trong cuộc đọ sức cuối cùng, Đảng bộ và quân dân Củ Chi đã chiến thắng. Quận Củ Chi hoàn toàn giải phóng vào chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, mở toang cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, để đại quân của ta tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quân dân
Củ Chi đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn.
Tiểu kết
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị đánh bại nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố lao vào “con đường hầm không có lối thoát”. Một giai đoạn mới của chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu. Kế hoạch của chiến lược“Chiến tranh cục bộ” lấy đồng bằng Sông Cửu Long và nông thôn ven Sài Gòn làm trọng điểm bình định.
Tại Củ Chi, địch tổ chức cuộc hành quân Crimp với nhiều binh chủng để phá địa đạo với quyết tâm là “bóc vỏ trái đất”. Sau đó Mỹ lại mở cuộc hành quân Ce1derFalls, mục tiêu là vùng “Tam giác sắt”, bao gồm cả Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, coi đây là “mũi tên đáng sợ chĩa thẳng vào Sài Gòn”. Với kế hoạch mang tên Junetion City, địch đã triển khai chiến dịch “Toàn thắng” đánh ra vùng ven thành phố, phản kích quyết liệt vào địa bàn Củ Chi. Chúng mở hàng loạt các cuộc hành quân cấp tiểu đoàn, trung đoàn, tung quân vào khắp các làng, ấp sục sạo truy tìm lực lượng vũ trang của ta. Mục tiêu hàng đầu là nhằm tiêu diệt chủ lực giải phóng, triệt phá căn cứ đầu não Quân khu Sài Gòn - Gia Định, giải tỏa áp lực “Việt Cộng” và mở rộng vành đai an toàn quanh Sài Gòn.
Đối phó với âm mưu của địch, quân dân Củ Chi từng bước phối hợp đấu tranh trên ba mặt trận: Chính trị, binh vận, vũ trang, làm yếu bộ máy tề ngụy tại xã, giảm bớt thế kìm kẹp của địch, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Với phương châm chiến lược chung vẫn là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, Củ Chi được xây dựng thành vùng giải phóng, là căn cứ kháng chiến giáp Sài Sòn, nơi tập trung mũi nhọn chuẩn bị vào trận lớn với quân Mỹ.