Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của lượng tiền vay tín dụng chính thức đến thu nhập của nông hộ tại huyện châu thành, tỉnh sóc trăng (Trang 30 - 32)

Vị trí địa lý

Huyện Châu Thành nằm ở phía Bắc của tỉnh Sóc Trăng, cách Thành phố Sóc Trăng 13km và cách Thành phố Cần Thơ khoảng 50km về phía Bắc. Châu Thành là cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng và là huyện có đường quốc lộ 1A đi qua xuyên suốt chiều dài của huyện, kết nối với các tuyến đường tỉnh 939B, 982, là tuyến giao thông huyết mạch đi trong và ngoài huyện, nối địa bàn huyện với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu.

Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên 23.632,43 ha, bằng 7,14% diện tích tự nhiên của tỉnh Sóc Trăng. Phía Đông tiếp giáp với Thành phố Sóc

Trăng và các huyện Long Phú, Kế Sách; Phía Tây giáp huyện Phụng Hiệp, Thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang; Phía Nam giáp huyện Mỹ Tú; Phía Bắc giáp huyện Kế Sách và Thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Với vị trí địa lý nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Châu Thành là cầu nối với các tỉnh phía Bắc Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa giới hành chính của huyện được chia thành 07 xã và 01 thị trấn, trung tâm huyện lỵ đặt tại Thị trấn Châu Thành. Gồm các xã: Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Thuận Hòa, Phú Tân, Thiện Mỹ, An Hiệp, An Ninh. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 1A xuyên suốt dài khoảng 20 km và chia huyện Châu Thành thành 02 vùng:

- Một là, Vùng Đông quốc lộ 1A: chủ yếu gồm Thị trấn Châu Thành, xã Phú Tân, Phú Tâm và một phần xã An Hiệp và Hồ Đắc Kiện.

- Hai là, Vùng Tây quốc lộ 1A: Chiếm phần lớn diện tích đất đai trong huyện gồm các xã An Ninh, Thiện Mỹ, An Hiệp, Thuận Hòa và phần lớn xã Hồ Đắc Kiện.

Khí hậu

Huyện Châu Thành nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên huyện cũng mang những nét đặc trưng của khí hậu đồng bằng châu thổ, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có hai mùa mưa nắng rõ rệt.

Nhiệt độ: do ảnh hưởng của xích đạo nên nhiệt độ khá ổn định, nhiệt độ trung bình 26,80oC. Tháng nóng nhất trong năm thường từ tháng 3 đến tháng 4, tháng lạnh nhất là tháng Giêng.

Bức xạ và chiếu sáng: Nguồn năng lượng bức xạ dồi dào bình quân 10 Kcal/cm2 và trên 2.372 giờ nắng/năm. Các tháng có giờ nắng cao là từ tháng 3 đến tháng 9 trung bình đạt 260 giờ/tháng (cao nhất vào tháng 5). Các tháng có giờ nắng thấp nhất từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, trung bình từ 120 – 130 giờ/tháng (thấp nhất vào tháng 12). Quang lượng chiếu sáng cao thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Mưa: Mùa mưa thường trùng với gió mùa Tây Nam từ biển Đông thổi vào từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mang theo nhiều hơi nước làm cho thời tiết mát mẽ, khí hậu ẩm, lượng mưa trung bình hàng năm bình quân 1.840 mm/năm, phân bố không điều giữa các mùa; mùa mưa tập trung nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Mưa thường xảy ra và kết thúc rất nhanh nên mang đặc tính mưa giông. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 thường có tiểu hạn gọi là hạn Bà Chằn kéo dài từ 10 – 15 ngày.

Gió: Hướng gió thịnh hành là gió Đông từ tháng 11 đến tháng 4; gió Đông Nam tháng 5; gió Tây từ tháng 6 đến tháng 9; gió Tây Nam tháng 10. Tốc độ gió trung bình năm là 3,9m/s, trung bình tháng lớn nhất là 4,9m/s; trung bình tháng nhỏ nhất là 3,1m/s.

Ẩm độ: Bình quân hàng năm là 83,4%, trong mùa mưa là 88%, mùa khô là 77,3%; ẩm độ giữa các tháng trong năm chênh lệch không đáng kể phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Đặc điểm khí hậu và thời tiết ở huyện Châu Thành thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là sản xuất nông nghiệp. Điều kiện khí hậu có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng nhiệt đới; mặt khác, với nền nhiệt đới, ẩm độ tương đối cao có tác động mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng khối lượng, tăng năng suất các loại cây trồng. Thời tiết không có bão cũng là một thuận lợi trong sinh hoạt và phát triển sản xuất. Hạn chế lớn nhất là về mùa khô, lượng mưa ít, gây hạn ảnh hưởng đối với sản xuất.

Địa hình

Toàn huyện có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 70 – 200cm. Địa chất được hình thành bởi các tầng địa chất chủ yếu là trầm tích mới. Độ sâu từ 0 - 20m phổ biến là đất sét pha thịt có độ dẻo cao mềm, chịu lực kém. Độ sâu từ 20 - 21m là đất sét có độ dẻo trung bình và thấp, chịu lực tốt. Huyện có độ dốc chính nghiêng từ Đông sang Tây, với phần lớn diện tích đất nằm ở vùng tương đối cao, tập trung ở các xã Phú Tân, Phú Tâm, An Hiệp, An Ninh và Thị trấn Châu Thành. Phần diện tích còn lại nằm ở vùng trung bình đến thấp tập trung ở các xã Hồ Đắc Kiện, Thiện Mỹ, Thuận Hòa. Đặc điểm địa hình, đất đai đã tạo cho Châu Thành tiềm năng, thế mạnh về phát triển toàn diện các ngành kinh tế.

Địa hình bằng phẳng cộng với hệ thống sông ngòi dày đặc giúp bà con nông dân nơi đây thuận lợi trong việc lưu thông giữa các vùng, tạo điều kiện cho việc trao đổi và tiêu thụ hàng hóa diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi đã cung cấp một lượng nước dồi dào cho nông nghiệp trong việc tưới, tiêu vào những mùa hạn, đồng thời địa hình cao cũng tạo nhiều điều kiện tốt cho việc trồng trọt của người dân, có thể tránh được ngập úng khi mùa lũ về, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của lượng tiền vay tín dụng chính thức đến thu nhập của nông hộ tại huyện châu thành, tỉnh sóc trăng (Trang 30 - 32)