3.1.2.1. Chủ thể bảo quản vật chứng
Tồn tại
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003 thì “ Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an là chủ thể có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành
án”. Tuy nhiên, đối với những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết riêng
biệt trong Quân đội nhân dân thì trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố sẽ do chủ thể nào đảm trách lại chưa được BLTTHS 2003 đề cập
cụ thể. Bởi lẽ, một khi vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt trong Quân đội thì trách nhiệm bảo quản vật chứng trong vụ án cũng phải thuộc về cơ quan Quân đội chứ không thể giao cho cơ quan Công an phụ trách. Vì thế, việc quy định chỉ cơ quan Công an là chủ thể có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố trong trường hợp vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố
tụng bảo quản là chưa đầy đủ. Do không xác định được chính xác chủ thể nào có
trách nhiệm bảo quản vật chứng trong các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết trong
Quân đội nhân dân, cho nên khi để xảy ra tình trạng vật chứng không được bảo
quản tốt thì sẽ không biết quy trách nhiệm cho chủ thể nào.
Giải pháp
Để chủ thể bảo quản vật chứng được xác định rõ ràng và đầy đủ đối với cả
những vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết trong Quân đội nhân dân, thiết nghĩ điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003 cần được bổ sung theo hướng “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an, cơ quan điều tra trong Quân đội có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.” Quy định này giúp xác định rõ chủ thể nào trách
nhiệm bảo quản vật chứng đối với những vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết riêng
biệt trong Quân đội nhân dân. Từ đó, có cơ sở để quy trách nhiệm trong trường
hợp để xảy ra sai phạm, thiếu sót trong việc bảo quản vật chứng đối với những vụ
3.1.2.2. Bảo quản vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ,
chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ
Tồn tại
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003 thì “Vật chứng là tiền, vàng, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác”. Tuy nhiên, do BLTTHS 2003
quy định việc bảo quản những loại vật chứng này chưa rõ ràng, cụ thể nên dẫn đến
trên thực tế việc bảo quản những loại vật chứng này đã nảy sinh nhiều khó khăn,
bất cập:
Thứ nhất, đối với việc bảo quản những vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý. BLTTHS 2003 quy định những vật chứng này phải được giám định
ngay sau thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng. Do đây là
những loại vật chứng có giá trị nên luật quy định việc gửi bảo quản tại ngân hàng
là hoàn toàn phù hợp, đồng thời đảm bảo được mức độ an toàn cho những vật
chứng này. Tuy nhiên, BLTTHS 2003 chỉ mới dừng lại ở việc quy định gửi bảo
quản những loại vật chứng này tại ngân hàng còn vấn đề khi gửi bảo quản những
loại vật chứng này tại ngân hàng thì gửi vào tài khoản nào, khi gửi có tính lãi suất
hay không, nếu tính lãi suất thì khi có phát sinh lãi suất sẽ được xử lý như thế nào
vẫn chưa được đề cập cụ thể. Chính những tồn tại này đã dẫn đến phát sinh những
hệ quả tiêu cực khi bảo quản những loại vật chứng có giá trị này trong quá trình
thu giữ, bảo quản. Chẳng hạn, trong vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi
thi hành công vụ” xảy ra tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang do
các đối tượng Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út, nguyên là các
cấp lãnh đạo trong cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang thực hiện.
Sau khi khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại công ty TNHH Thành Phát Tiền Giang,
các đối tượng đã mang toàn bộ số tiền vật chứng thu được gần 12,6 tỉ đồng và hơn 249.000 USD đi gửi ngân hàng để chia chác tiền lãi thu lợi cá nhân39. Qua vụ án
này cho thấy, quy định về việc bảo quản những loại vật chứng có giá trị là tiền,
vàng, bạc, kim khí quý, đá quý chưa được quy định cụ thể nên dễ dàng tạo cơ hội
cho việc phát sinh những tiêu cực, sai phạm trong quá trình bảo quản. Hơn nữa,
những loại vật chứng này một khi chưa có quyết định xử lý vật chứng thì vẫn được
39Tuổi trẻ, Mang tiền vật chứng gửi tiết kiệm để chia chác, Minh Quang, http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa- hoi/494121/mang-tien-vat-chung-gui-tiet-kiem-de-chia-chac.html, [truy cập, ngày 4/4/2013].
xem là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân mà các cơ quan có thẩm quyền
tạm thời thu giữ để phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Do đó, nếu chỉ quy định mang đi bảo quản tại ngân hàng mà không nói rõ gửi vào tài khoản nào, khi gửi có tính lãi suất hay không, nếu tính lãi suất thì khi lãi suất phát sinh sẽ được xử lý như
thế nào, thì liệu có kịp thời đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức. Vì vậy, vấn đề này cần sớm được quy định cụ thể để hạn chế những
tiêu cực phát sinh và đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân có tài sản bị tạm giữ.
Thứ hai, đối với việc bảo quản những loại vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất
cháy, chất độc, chất phóng xạ. BLTTHS 2003 cũng quy định khi thu thập được
những vật chứng này phải được giám định ngay sau thu thập và chuyển ngay để
bảo quản tại cơ quan chuyên trách khác. Tuy nhiên, BLTTHS 2003 cũng chỉ quy định một cách chung chung là chuyển giao cho cơ quan chuyên trách bảo quản,
còn vấn đề là chuyển giao cho cơ quan chuyên trách nào bảo quản thì lại không
được quy định cụ thể. Chính việc quy định một cách chung chung như vậy, dẫn đến trên thực tế khi các cơ quan có thẩm quyền gửi vật chứng để bảo quản thì không có cơ quan chuyên trách nào chịu trách nhiệm đứng ra tiếp nhận, bảo quản,
từ đó gây khó khăn trong việc bảo quản những loại vật chứng này. Điển hình như
tại Nghệ An, việc bảo quản những vật chứng là vật liệu nổ khi xử lý các vụ án quy định tại Điều 23240 BLTHS 1999 còn gặp khó khăn. Khi cơ quan điều tra thu được
vật chứng là vật liệu nổ và tiến hành chuyển giao cho cơ quan Công an bảo quản
thì cơ quan Công an không nhận vì không có kho chuyên dụng để bảo quản. Tương tự, khi chuyển giao cho cơ quan Quân đội bảo quản thì cơ quan cũng Quân đội không nhận vì cho rằng chưa có quyết định xử lý vật chứng. Trước tình hình đó, buộc cơ quan điều tra phải thuê kho của một số doanh nghiệm có chức năng
bảo quản, sử dụng vật liệu nổ để bảo quản những loại vật chứng này trong khi chờ
quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền41. Do đó, cần có văn bản quy định
cụ thể những cơ quan chuyên trách nào có trách nhiệm tiếp nhận, bảo bảo những
vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ nhằm tạo điều kiện
thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi gửi bảo quản những loại vật chứng
này.
40Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
41Trần Thanh Thủy, Những khó khăn vướng mắc khi xử lý các tội phạm được quy định tại Điều 232 của Bộ luật
Giải pháp
Trước những tồn tại của việc bảo quản vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003, thiết nghĩ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc gửi bảo quản những loại vật chứng đặc biệt này, cụ thể:
Thứ nhất, đối với những loại vật chứng có giá trị như tiền, vàng, kim khí quý, đá quý thì văn bản cần hướng dẫn cụ thể những vấn đề sau: khi cơ quan có
thẩm quyền gửi bảo quản tại ngân hàng thì gửi vào tài khoản nào; khi gửi bảo quản
có tính lãi suất hay không; trong trường hợp có tính lãi suất thì khi phát sinh lãi
suất sẽ được xử lý như thế nào. Có như vậy, vấn đề gửi bảo quản những vật chứng
là tiền, vàng, kim khí quý, đá quý tại ngân hàng mới được cụ thể hóa, góp phần
hạn chế phát sinh những vấn đề tiêu cực khi gửi bảo quản những loại vật chứng này, đồng thời bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có
tài sản bị tạm giữ.
Thứ hai, đối với những vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất
phóng xạ. Nhằm tránh tình trạng trong thực tế các cơ quan có thẩm quyền gặp khó
khăn trong việc xác định cơ quan chuyên trách nào có trách nhiệm tiếp nhận và
bảo quản những loại vật chứng này thì cần có hướng dẫn quy định cụ thể cơ quan
chuyên trách là những cơ quan nào. Việc xác định cụ thể cơ quan chuyên trách nào
là căn cứ vào đặc điểm của từng loại vật chứng và chức năng quản lý chuyên môn
của từng cơ quan trên thực tế mà đưa ra quy định cho phù hợp. Đối với vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, văn bản hướng dẫn cần quy định theo hướng giao cho những cơ quan chuyên trách sau đây bảo quản: “Vật chứng là đổ cổ thì chuyển giao cho ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước bảo quản; vật chứng là chất nổ, chất cháy thì chuyển giao cho cơ quan Quân đội bảo quản; vật chứng là chất độc thì chuyển giao cho cơ quan Y tế bảo quản; vật chứng là chất phóng xạ thì chuyển giao cho các viện, trung tâm nghiên cứu về hạt nhân bảo quản”. Việc quy định cụ thể cơ quan chuyên trách sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền
dễ dàng xác định được những cơ quan chuyên trách là những cơ quan nào có trách
nhiệm tiếp nhận, bảo quản khi gửi bảo quản vật chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc gửi bảo quản những loại vật chứng này.
3.1.3. Xử lý vật chứng
Tồn tại
Thứ nhất, đối với những vật chứng chỉ đơn thuần là vật mang dấu vết tội
phạm và có giá trị, khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 chưa quy định biện pháp xử lý
phù hợp. Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS 2003 thì vật chứng được phân thành
nhiều loại khác nhau trong đó có vật chứng là những vật mang dấu vết tội phạm. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 quy định nhiều biện pháp xử lý tương ứng với từng loại vật chứng khác nhau nhưng không quy định biện pháp xử lý đối với những vật chứng chỉ là vật mang dấu vết tội phạm và có giá trị . Chính
việc quy định chưa đầy đủ này đã dẫn đến trong thực tế các cơ quan có thẩm quyền thu được những loại vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm và có giá trị nhưng
khi xử lý thì lại gặp lúng túng do chưa có cơ sở pháp lý để áp dụng. Chẳng hạn,
đêm ngày 22/3/2004 Nguyễn Minh Ph đã lẻn vào phòng làm việc của Lê Văn Th để dùng đoạn sắt cạy tủ lấy trộm tiền. Qua khám nghiệm hiện trường cơ quan điều
tra phát hiện chiếc mũ bảo hiểm của Lê Văn Th để trên nóc tủ có dấu vân tay nên
đã tiến hành thu giữ. Kết luận giám định cho thấy dấu vân tay trên chiếc mũ bảo
hiểm của Lê Văn Th là của hung thủ Nguyễn Minh Ph để lại, nên chiếc mũ được
xem là vật chứng để kết tội hung thủ Nguyễn Minh Ph. Khi vụ án đưa ra xét xử,
trong phần xử lý vật chứng, Hội đồng xét xử không biết phải áp dụng cơ sở pháp lý
nào để xử lý vật chứng là chiếc mũ bảo hiểm. Bởi lẽ, xét theo khoản 2 Điều 76
BLTTHS 2003 thì thấy chiếc mũ bảo hiểm không phải là công cụ, phương tiện
phạm tội, không phải vật cấm lưu hành, không phải là tiền bạc, tài sản của người
khác bị chiếm đoạt, không phải là tiền bạc do phạm tội mà có, cũng không phải là
hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản hoặc vật không có giá trị, không sử dụng được
(vì chiếc mũ bảo hiểm vẫn còn mới). Chiếc mũ bảo hiểm chỉ đơn thuần là vật
mang dấu vết do tội phạm để lại (dấu vân tay của hung thủ Nguyễn Minh Ph). Nên
cuối cùng để xử lý chiếc mũ bảo hiểm này, Hội đồng xét xử chỉ áp dụng điều luật
mang tính chung chung là khoản 2 Điều 76 để trả lại cho chủ sở hữu là Lê Văn
Th42. Qua vụ án này cho thấy đối với những vật chứng chỉ đơn thuần là vật mang
dấu vết tội phạm và có giá trị như chiếc mũ bảo hiểm vừa nêu trong vụ án thì vẫn chưa có cơ sở pháp lý để xử lý cho phù hợp.
Thứ hai, điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 quy định “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ
42 Nguyễn Văn Trượng, Một số vướng mắc khi xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, kỳ 2 tháng 11 năm 2009, tr. 29-33.
sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước”. Trong khi đó, tại
khoản 3 Điều 41 BLHS 1999 lại quy định “Vật, tiền bạc thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước”. Như vậy, từ hai quy định
vừa nêu cho thấy, việc điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 quy định biện pháp
xử lý như vậy là chưa thống nhất và chưa chặt chẽ với quy định tại khoản 3 Điều
41 BLHS 1999. Bởi lẽ, theo tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 41 BLHS 1999 thì
nếu một cá nhân mà có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vật, tiền của
mình dùng vào việc thực hiện tội phạm thì tùy vào mức độ lỗi mà vật, tiền đó sẽ
không được trả lại mà có thể bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Trong khi đó, tại điểm
b khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 lại quy định biện pháp xử lý bằng cách trả lại
những vật, tiền bạc cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp khi bị người
phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng vào việc thực hiện tội phạm mà không có sự
phân biệt trường hợp cá nhân có lỗi hay không có lỗi trong việc để cho người
phạm tội sử dụng vật, tiền bạc của mình vào việc thực hiện tội phạm. Do đó, việc điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 quy định như vậy là chưa có sự thống nhất và chưa chặt chẽ với quy định tại khoản 3 Điều 41 BLHS 1999. Điều này dẫn đến