8. Bố cục khóa luận
2.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó có cuộc sống con người, không gì có thể tồn tại ngoài thời gian.
Khoa học và thực tiễn cho thấy: Có một thời gian vật lý tuyệt đối không theo ý muốn của con người. Đó là thời gian diễn ra từng giây, từng phút, từng giờ và được đo bằng mặt trời, bằng đồng hồ… thời gian này được hiểu là hình thái tồn tại của vật chất diễn biến theo ba trạng thái: Quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó vận động và phát triển một chiều tuyến tính và khách quan không theo ý muốn của con người, tuy nhiên đó chưa phải là thời gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật chỉ có trong thế giới nghệ thuật và mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học”, các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi nhận xét: “Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật” [8; tr 322]. Tác phẩm văn học biến sự cảm thụ thời gian mang tính chất khách quan thành một trong những hình thức phản ánh hiện thực. Tuy nhiên, tác phẩm văn học cũng thể hiện cả thời gian khách quan, có khi nó tuân thủ triệt để nguyên tắc thống nhất giữa thời gian của truyện và thời gian của người đọc. Có khi nó lại phá bỏ nguyên tắc ấy, tô đậm sự khác nhau giữa các dạng thời gian bằng cách dấu mạch trần thuật chủ yếu theo dòng thời gian chủ quan.
Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Có thời gian nghệ thuật không tách rời chuỗi biến cố cốt truyện, có thời gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức. Thời gian nhệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kì lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Là phản ánh thời gian khách
quan nên thời gian nghệ thuật cũng có độ dài, nhịp độ, tốc độ; có ba chiều: Quá khứ, hiện tại, tương lai; có hướng vận động trật tự: Trước, sau, liên tục. Thời gian trong tác phẩm văn chương chỉ trở thành thời gian nghệ thuật khi nó trực tiếp tác động vào nhân vật, những biến động của tâm tư. Nó cùng với các yếu tố khác góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
Thời gian nghệ thuật là sáng tạo của tác giả trên cơ sở tổ chức dữ liệu. Nó có thể trùng khớp với “thời gian vật chất” nhưng cũng có thể biến dạng để chuyển tải tư tưởng, cảm nhận của tác giả về thế giới về đời sống xã hội. Cả chiều dài, quy mô hướng vận động của thời gian trong tác phẩm nghệ thuật đều phụ thuộc vào nhận thức của nghệ sĩ. Nó thoát khỏi sự vận động một chiều của ”thời gian tự nhiên khách quan” (đo bằng lịch và đồng hồ). Nghệ sĩ có thể chọn điểm nhìn bắt đầu và kết thúc, có thể đảo ngược từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ, hoặc có thể đồng hiện cho ta thấy một lúc cái hôm qua, ngày mai, trong ngày hôm nay. Tác giả cũng có thể để thời gian nhanh hay chậm, có khi thời gian kéo dài dằng dặc như ngàn năm cũng có thể thấy tháng năm như chốc lát hoặc có thể dồn nén trăm năm, nghìn năm vào một giờ để cho thấy các cuộc vận động chậm chạp mà đời người không thể cảm nhận được.
Trong tác phẩm văn học, thời gian được biểu hiện bằng nhiều phương tiện, đó là các trạng từ chỉ thời gian: “Ngày xửa ngày xưa”, “ngày xưa”, “ngày ấy”, “cách không lâu”… Đó là các từ chỉ các đoạn thời gian, chỉ cách tính thời gian. Thời gian còn được chỉ bằng các dấu hiệu tuổi trẻ, xuân, hạ, thu, đông, hoa mai nở… song điều quan trọng không chỉ là cách biểu thị thời gian mà là quan niệm, cách hiểu thời gian của tác giả.