Hiện trạng công nghệ lĩnh vực trồng trọt

Một phần của tài liệu Báo cáo hiện trạng công nghệ ngành nông nghiệp việt nam 2009 (Trang 30 - 33)

IV. HIỆN TRẠNG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

1.Hiện trạng công nghệ lĩnh vực trồng trọt

Từ năm 2001 đến nay sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân khoảng 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân 23,6%/năm. Năm 2008 sản lượng thóc đạt mốc mới 38,6 triệu tấn, xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo/năm; giá trị xuất khẩu nông sản (trồng trọt) đã đạt mức hơn 8,2 tỷ USD, trong đó gạo 2,9 tỷ USD, cà phê 2 tỷ USD, cao su 1,6 tỷ USD.

Đối với cây lương thực:

Các tiến bộ về giống và kỹ thuật canh tác đã mang lại hiệu quả to lớn trong sản xuất lương thực. Giữa những năm 1980, Việt Nam còn là một nước thiếu lương thực, song chúng ta đã vươn lên thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Lượng gạo xuất khẩu tăng từ 1,5 triệu tấn năm 1989 lên 4,06 triệu tấn năm 2004 và từ đó đến nay ổn định ở mức 4,5-4,8 triệu tấn/năm. Có được các kết quả trên không thể không kể đến các thành tựu về công tác giống và kỹ thuật canh tác trong sản xuất cây lương thực. Đến nay trên 80% diện tích lúa được trồng bằng giống cải tiến (giống lúa mới chọn tạo, nhập nội và thích nghi), trên 90% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 1986 đến nay các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo và tuyển chọn được 317 giống lúa, trong đó có tên 200 giống lúa mới chọn tạo, trên 100 giống là các giống địa phưưong cổ truyền được tuyển chọn. Trong số 160 giống mới chọn tạo có gần 160 giống đã được công nhận là giống quốc gia, trên 40 giống còn lại là đang ở giai đoạn sản xuất thử. Tuy mới nghiên cứu phát trển lúa lai trong khoảng 15 năm gần đây, song Việt Nam đã có nhiều giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao đã được các tổ chức KH&CN bán quyền sản xuất kinh doanh với giá trị lên tới hàng tỉ đồng/giống (VD: Giống TH3-3 được bán 10 tỉ đồng, giống HYT100 được bán 3 tỉ đồng, …). Các tiến bộ kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý đối với từng giống cây trồng, từng loại đất…được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất lúa. Kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” là một kỹ thuật được sáng tạo bởi Việt Nam, được nhiều nước sản xuất lúa trong khu vực học tập và được tổ chức FAO đánh giá cao. Vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp được chú trọng, nhất là

ở vùng vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (đến nay 90% diện tích lúa đã được cơ giưới hóa khâu làm đất, trên 70% khâu thu hoạch cũng đã được cơ giới hóa). Các giải pháp về thủy lợi như xây dựng hệ thống kênh thoát lũ, bờ bao, thau chua rửa mặn, dẫn nước ngọt chủ động, tưới tiêu nước hợp lý đã tạo nên những thay đổi to lớn ở các vùng trồng lúa và các loại cây lương thực khác. Chính các tiến bộ KH&CN trên đã góp phần quyết định làm cho năng suất lúa bình quân đã tăng trên 2 lần trong vòng gần 20 năm qua (năm 2008 đạt 52,23 tạ/ha gấp 2,03 lần so với 25,7 tạ/ha của năm 1990).

Hiện nay giống ngô lai do Việt Nam chiếm khoảng 40% thị phần giống ngô lai trong nước. Các tiến bộ kỹ thuật như trồng ngô bầu, trồng ngô trên đất ướt, trồng ngô xen cây đậu đỗ,…cũng đã góp phần đáng kể đối với việc tăng năng suất và mở rộng diện tích ngô. Từ năm 1990 đến nay năng suất ngô đã tăng gần 2,6 lần (1990: 15,5 tạ/ha, 2008: 40,2 tạ/ha). Có thể nói hầu hết các giống ngô lai của Việt Nam có năng suất không thua kém giống ngô lại cùng loại của các công ty lớn trên thế giới như CP Group, Pacific (Thái Lan) Pioneer, Bioseed (Ấn Độ), Mosanto (Mỹ), Syngenta (Thụy sĩ) trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam.

Với các tiế bộ KH&CN đạt được, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã chọn các nhà khoa học nông nghiêp Việt Nam (nhất là cây lương thực) sang làm chuyên gia quốc tế giúp các nước Châu Phi phát triển nông nghiệp.

Tuy đã đạt nhiều tiến bộ như trên, song năng suất lúa, ngô của nước ta còn thấp hơn ở nhiều nước trên thế giới (năng suất lúa trung bình của nước ta năm 2008 đạt 52,2 tạ/ha, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt hơn 62 tạ/ha. Năng suất ngô trung bình mới đạt 39,8 tạ/ha trong khi Mỹ, Úc, Pháp đã đạt hơn 80 tạ/ha); chất lượng lúa gạo của nước ta nhìn chung là còn thấp hơn của Thái Lan, nên giá bán luôn thấp hơn khoảng 20-30 USD/tấn; vấn đề sản xuất lương thực theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững chưa được chú trọng đúng mức; việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch mới thực hiện được nhiều ở các tỉnh phía Nam; công nghệ sau thu hoạch nhìn chung chưa được làm tốt nên lương thực chủ yếu bán dưới dạng sản phẩm thô, giá trị không cao. Đối với công tác chọn tạo giống cây lương thực nói riêng cũng như cây trồng nói chung, hạn chế chính là việc chậm áp dụng công nghệ sinh học (công nghệ gen, kỹ thuật sinh học phân tử) trong việc chọn tạo giống. Đây là một trong những vấn đề cần được quan tâm đổi mới trong thời gian tới đây.

Các vấn đề về dân số tăng nhanh (dự kiến đến năm 2020 là 100 triệu, đến 2030 là 110 triệu), diện tích canh tác bị thu hẹp do công nghiệp hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, canh tranh của nông sản trong thời kỳ hội nhập sẽ là những thách thức lớn cho sự phát triển của sản xuất lương thực trong nước.

Đối với cây công nghiệp ngắn ngày:

Công tác giống đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày (mía, lạc, đậu tương, bông) giai đoạn 2001-2005 có những tiến bộ vượt bậc: đã chọn tạo 7 giống lạc, 7 giống đậu tương, nhiều giống bông, mía mới. Trong đó đáng lưu ý là chúng ta đã có các giống lạc mới có năng suất cao 5-7 tấn/ha, các giống bông lai

kháng sâu xanh, các giống mía cao sản. Hiện nay đã có 40-50% diện tích lạc, 50- 60% diện tích đậu tương, trên 60 % diện tích mía và trên 90% diện tích bông được trồng bằng các giống mới. Việc áp dụng kỹ thuật màng phủ trong sản xuất lạc cũng làm cho năng suất lạc của các vùng trồng lạc chính tăng 25-30%.

Tuy nhiên, năng suất lạc, đậu tương, mía của ta nhìn chung còn thấp (hiện nay lạc bình quân chỉ đạt 20,8 tạ/ha, trong khi Trung Quốc trên 30 tạ/ha, Hy Lạp đã đạt trên 40 tạ/ha, Israel gần 60 tạ/ha; năng suất đậu tương mới đạt từ 14,5 tạ/ha bằng 50-60% năng suất trung bình của thế giới; năng suất mía cây trung bình của ta chưa vượt 60 tấn/ha, trong khi các nước trồng mía chính của thế giới đạt trên 100 tấn/ha).Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày cũng rất hạn chế.

Đối với cây công nghiệp dài ngày:

- Đã có hàng chục giống cao su có năng suất mủ trên 2 tấn/ha (cá biệt 2,5- 3 tấn/ha) được đưa vào sản xuất. Hiện nay gần 100% diện tích cao su của Việt Nam được trồng bằng các loại giống tốt. Chính vì vậy mà năng suất cao su trung bình của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới (1,55 tấn/ha) chỉ thua Thái Lan và Ấn Độ (1,75 tấn/ha). Các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp giúp cho cây cao su phát triển nhanh, rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản xuống còn 5-6 năm (so với 7-8 năm trước đây).

Các tiến bộ KH&CN về giống và kỹ thuật thâm canh cây cao su đã góp phần đưa sản lượng cao su hiện nay tăng hơn 10 lần so với năm 1990. Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu, mang về cho đất nước 1,59 tỉ USD (2008).

- Từ chỗ chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ trong xuất khẩu cà phê, đến nay Việt Nam liên tục giữ vị trí là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với giá trị đạt 1,5 tỉ USD năm 2007, chỉ sau Brazil. Từ năm 2000 đến nay năng suất cà phê của nước ta tăng trên 30% (năm 2000 là 1,5 tấn/ ha; 2008 là 2 tấn/ha). Có được các kết quả trên là do các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được nhiều giống cà phê chè, cà phê vối lai có năng suất cao (3,5 tấn/ha, cá biệt trong điều kiện thâm canh đạt 6 tấn /ha; năng suất trung bình trong sản xuất đại trà là 1,7 đến – 2 tấn/ha) cỡ hạt lớn, chín tập trung, chống chịu được sâu đục cành, bệnh rỉ sắt. Trong canh tác, các kỹ thuật về ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng những giống chất lượng cao; kỹ thuật tưới tiết kiệm nước (phun mưa, nhỏ giọt), góp phần nâng cao năng suất cà phê rõ rệt; nhiều loại sâu bệnh hại nguy hiểm cho cà phê (bệnh rỉ sắt, rệp sáp, ve sầu hại rễ,...) cũng đã được nghiên cứu và có qui trình phòng trừ thích hợp.

- Trước đây Việt Nam chỉ là nước xuất khẩu điều thô qua Ấn Độ để chế biến xuất khẩu điều nhân, đến năm 2006 Việt Nam đã xuất khẩu được 127.000 tấn hạt điều, vượt Ấn Độ (118.000 tấn) để trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Năm 2008 Việt Nam xuất khẩu trên 150 ngàn tấn nhân điều, đạt 920 triệu USD, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới. Năm 2010 Việt Nam sẽ có giá trị xuất khẩu hạt điều đạt trên 1 tỉ USD. Chất lượng hạt điều của Việt Nam được coi là cao hơn hẳn Ấn Độ, Tanzania, Brazil.

Đối với ngành điều, hoạt động KH&CN có những đóng góp rất quan trọng. Đó là: (i) Chọn tạo các giống điều lùn có năng suất cao (từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 20 giống điều lùn được chọn tạo cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); (ii) hoàn thiện và phổ biến rộng rãi qui trình công nghệ ghép điều có thể nhân nhanh các giống tốt, rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản và để cải tạo các vườn điều năng suất thấp; (iii) chế tạo được các dây chuyền tương đối đồng bộ trong chế biến hạt điều từ bó vỏ cứng, bóc vỏ lụa tới phân loại sơ bộ hạt điều. Hiện nay Việt Nam đã tự chế tạo được máy bóc vỏ luạ (loại máy phức tạp trong thiết kế, chế tạo) với tỉ lệ sạch lên đến gần 90% (trong khi máy của Italia cũng chỉ đạt độ sạch là 40%). Thiết bị này đã giảm được 280 công/10 tấn hạt và là một thiết bị bóc vỏ lụa hạt điều tốt nhất hiện nay.

Tuy đã đạt các tiến bộ kể trên song đối với nhiều lọai cây công nghiệp dài ngày như cà phê, điều tỉ lệ trồng các giống mới còn hạn chế (cà phê ước đạt… % giống mới, điều: đạt 35%); các kỹ thuật về tưới tiết kiện nước, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học còn chưa được áp dụng nhiều; công nghệ sau thu hoạch đối với các sản phẩm từ cà phê, cao su còn rất hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, thực thi các giải pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với csản phẩm cà phê làm chưa được nhiều. Chính vì vậy mà giá bán của sản phẩm này trên thị trường thế giới thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Brazil, Colombia.

Một phần của tài liệu Báo cáo hiện trạng công nghệ ngành nông nghiệp việt nam 2009 (Trang 30 - 33)