Hiện trạng công nghệ lĩnh vực thủy sản

Một phần của tài liệu Báo cáo hiện trạng công nghệ ngành nông nghiệp việt nam 2009 (Trang 36 - 38)

IV. HIỆN TRẠNG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

3. Hiện trạng công nghệ lĩnh vực thủy sản

Trong hơn 10 năm qua, ngành thuỷ tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân đạt 5%/năm về sản lượng, 20%/năm về giá trị xuất khẩu. Năm 1985 xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 90 triệu USD, năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD, tăng hơn 40 lần so với 1985, đưa Việt Nam thành một trong 10 nước xuất khẩu thuỷ sản nhiều và ổ định nhât nhất thế giới.

Nuôi trồng thủy sản năm 2008 đã đạt 2,45 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản bình quân trong 10 năm qua là 19,8%; giá trị kim ngạch xuất

khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.. Các sản phẩm chiếm sản lượng chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản nước ta là: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi.

Có được các kết quả trên, một trong những nhân tố quyết định chính là đóng góp của các thành tự KH&CN. Cụ thể như sau:

- Về sản xuất giống: Đã chủ động công nghệ sản xuất giống trong điều kiện nhân tạo hầu hết các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Gần đây trong lĩnh vực sản xuất giống phải kể đến thành công sản xuất giống các loài các nước ngọt (cá tra cá basa, cá rô phí đơn tính, cá hồi, cá tầm, cá lăng, cá anh vũ) các loài thủy sản nước mặn, nước lợ (cá song, cá giò, ngao, tu hài, hầu, ốc hương, cua biển, hải sâm, bào ngư, cá vược). Một số công nghệ sản xuất giống thuỷ sản đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực như: công nghệ sản xuất giống cá song, công nghệ sản xuất giống cua biển có tỷ lệ sống đến con giống đạt 6-8%, cao hơn so với trung bình 3-5% của khu vực Đông Nam Á; công nghệ sản xuất giống ốc hương đạt tỷ lệ sống đến con giống 20%, cao hơn so với Ấn Độ và các nước trong khu vực; công nghệ sản xuất giống cá lăng chấm tương đương công nghệ sản xuất giống cá lăng của Trung Quốc; công nghệ sản xuất cá hồi vân (là đối tượng cá nước lạnh nhập nội) đã thành công sinh sản nhân tạo với tỷ lệ thành thục 90%, tỷ lệ đẻ 70-80%, tỷ lệ nở 60-70% tương đương với công nghệ của các nước Châu Âu.

Thành công sản xuất tôm sú bố mẹ trong điều kiện nhân tạo đạt tỷ lệ sống từ giai đoạn tôm trưởng thành đến tôm bố mẹ là 40-50%, sức sinh sản đạt 150.000 -200.000 PL12. Các chỉ tiêu sinh sản đạt tương đương của Thái Lan. Thấp hơn Mỹ về khả năng ứng dung ở quy mô sản xuất và khả năng kiểm soát bệnh ở đàn tôm bố mẹ (sạch bệnh) được sản xuất nhân tạo.

- Về chọn tạo giống: Các giống cá, cá rô phi do Việt Nam chọn tạo đã có tốc độ tăng trưởng, khả năng thích ứng rộng và chất lượng thương phẩm tăng đáng kể so với các giống đang phổ biển trong sản xuất (giống cá tra PANGI có tốc độ sinh trưởng tăng nhanh hơn 13%, giống cá rô phi NOVIT-4 có tốc độ sinh trưởng tăng nhanh 20%). Các sản phẩm Cá tra, cá rô phi chọn giống đạt trình độ tương đương các công nghệ chọn giống cá của các nước Nauy với cá hồi, Philippine và Trung tâm nghề cá thế giới (World Fish Center) với cá rô phi.

Việc ứng dụng công nghệ di truyền điều khiển giới tính đã chủ động sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn 30%, góp phần nuôi tôm càng xanh có hiệu quả cao. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ tạo tôm toàn xanh càng đực ở quy mô sản xuất.

Ứng dụng công nghệ lai khác loài trong sản xuất cá rô phi toàn đực đạt kết quả ổn định tỷ lệ > 95% cá đực, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đạt trình độ tương đương Trung Quốc, Ixrael, Đài Loan.

- Về công nghệ nuôi: Công nghệ nuôi tôm sú ở nước ta đạt được những tiến bộ đáng kể trong hơn thập kỷ qua. Số cơ sở nuôi thâm canh có trình độ công nghệ ở mức trung bình chiếm 56,9%, trung bình tiên tiến là 29,9%, tiên tiến là

11,1%, lạc hậu là 2,8%. So sánh trình độ nuôi tôm thâm canh của nước ta với các nước trong khu vực theo 5 tiêu chí: (i) cơ sở hạ tầng, (ii) thiết bị công nghệ, (iii) quy trình công nghệ, (iv) nhân lực và tổ chức quản lý và (v) hiệu quả kinh tế, trình độ công nghệ nuôi tôm ở nước ta tương đương với Indonesia, thấp hơn so với Thái Lan.

Công nghệ nuôi cá tra trong ao đạt mức độ siêu thâm canh, năng suất đạt từ 150 - 600 tấn/ha, trung bình đạt 400 tấn/ha. Đây là năng suất nuôi cá ao cao nhất trong các nước có nuôi cá da trơn (Bangladesh, Indonesia, Thái Lan). Tuy nhiên về hiệu suất sử dụng thức ăn còn chưa cao, vấn đề kiểm soát và xử lý môi trường ao nuôi còn hạn chế.

Do có các tiến bộ công nghệ về chọn tạo giống, nhân giống và nuôi như trên nên năng suất của 4 sản phẩm nuôi chính của ta là tôm sú đã đạt 3-6 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng: 10-20 tấn/ha, cá rô phi: 15-20 tấn/ha, cá tra 150-600 tấn/ha.

- Công nghệ chế biến: Hiện cả nước có 530 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp với hơn 300 cơ sở chế biến với các sản phẩm đạt yêu cầ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật và nhiều thị trường khó tính khác. Cơ cấu sản phẩm ăn liền, sản phẩm giá trị gia tăng từ 17,5% những năm 1990 của thế kỷ trước lên trên 40% như hiện nay.

- Công tác phòng trừ dịch bệnh quản lý môi trường nuôi thủy sản: Tuy đã ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, các kỹ thuật PCR, RT-PCR, ELISA dùng trong chuẩn đoán sớm các bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm, cá để giúp người nuôi lựa chọn giống sạch bệnh, giảm rủi ro dịch bệnh, song việc áp dụng vẫn chưa thực sự rộng rãi và có hiệu quả. Do quy hoạch và hạ tầng vùng nuôi còn kém, sản xuất nhỏ lẻ nên việc quản lý, xử lý môi trường nuôi và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi thuỷ sản còn rất hạn chế.

Một phần của tài liệu Báo cáo hiện trạng công nghệ ngành nông nghiệp việt nam 2009 (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(40 trang)
w