IV. HIỆN TRẠNG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
3. Hiện trạng công nghệ lĩnh vực chăn nuôi – thú y
Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi luôn ở mức cao ở mức 7-8%/năm làm cho cơ cấu giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp luôn có xu hướng tăng lên (năm 2005 là 24,7%, năm 2008 là 27%). Phương thức chăn nuôi trang trại phát triển nhanh về số lượng và qui mô. Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh với tăng trưởng trung bình 16,1%/năm, đạt 8,536 triệu tấn năm 2008.
Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được kết quả trên là do có sự đóng góp đáng kể của các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi:
- Về chăn nuôi lợn: Số lượng lợn liên tục tăng qua các năm, từ 21,8 triệu con năm 2001 lên 26,7 triệu con năm 2008, tăng trưởng bình quân trên 4%/năm. Sản lượng thịt năm 2008 đạt 2,771 triệu tấn, tăng 4,1%.
Những năm gần đây, bên cạnh phương thức chăn nuôi lợn truyền thống, phương thức chăn nuôi tập trung công nghiệp (trang trại, gia trại) đang có xu hướng ngày càng phát triển. Hiện nay số lượng được chăn nuôi từ các cơ sở này đạt trên 50% tổng đàn. Chương trình nạc hóa đàn lợn với các các công thức lai 2-3 máu giữa lợn ngoại với lợn nội cho tỉ lệ nạc cao (45-50%); lai 3-4 máu ngoại
(Landrace, Yorshire, Duroc, Đại bạch) cho tỉ lệ nạc 55-60%, trọng lượng xuất chuồng 6 tháng tuổi đạt 90-100kg). Hệ thống chuồng nuôi và trang thiết bị chuồng trại đã được nâng cấp hiện đại hoá. Đặc biệt là các trại nuôi giống ông bà, cụ kỵ; nhiều cơ sở chăn nuôi lợn đã áp dụng tin học trong theo dõi, quản lý giống; thụ tinh nhân tạo đã thành công nghệ phổ biến trong chăn nuôi lợn hiện nay. Với sự phát triển của KHCN công nghệ đồng bộ đã giúp nâng cao đáng kể năng suất và chất lượng lợn nuôi ở nước ta.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn ở nước ta vẫn phổ biến là nhỏ, phân tán trong nông hộ; năng suất chăn nuôi thấp, giá thành cao: Năm 2005, sản lượng thịt sản xuất trung bình/nái/năm đạt 589 kg (nái ngoại đạt 1.423 kg/nái/năm; lợn lai nội ngoại 563 kg/nái/năm, lợn nội 248 kg/nái/năm), trong khi đó các nước có trình độ chăn nuôi lợn tiên tiến là 1.800-1.900 kg/nái/năm. Công tác chọn lọc, nuôi dưỡng và quản lý đực giống chưa tốt; giết mổ, chế biến thịt phổ biến còn thủ công, chưa đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Về chăn nuôi bò sữa: Hiện nay số lượng bò sữa của nước ta là 107,98 ngàn con, cao hơn gần 3 lần so với năm 2001 (2001: 41,2 ngàn con). sản lượng sữa đạt 262,169 ngàn tấn, tăng 11,8%. Chất lượng giống bò sữa được cải thiện đáng kể, hiện nay cơ cấu giống bò sữa của Việt Nam chủ yếu là bò lai HF (tỷ lệ lai máu HF từ 50%, 75% và 87,5%) chiếm gần 85% tổng đàn bò sữa. Số lượng bò HF thuần chiếm khoảng 14% tổng số đàn, được nuôi chủ yếu tại các cơ sở giống hoặc trang trại lớn; còn lại khoảng 1% là các giống khác. Chính vì vậy, sản lượng sữa tăng liên tục trong những năm qua, tăng từ 3,1 tấn/chu kỳ năm 2000 lên 3,9 tấn/chu kỳ năm 2006 đối với bò lai và tương tự từ 3,8 tấn lên 4,7% đối với bò HF. Hiện nay năng suất trung bình của bò sữa Việt Nam còn cao hơn một số nước trong khu vực (năng suất trung bình toàn quốc là 3.900 kg/con/chu kỳ. Trong khi của Thái Lan: 3.200 kg/con/chu kỳ, Indonesia: 3.100 kg/con/chu kỳ, Trung Quốc: 3.418 kg/con/chu kỳ, Đài Loan: 7.160 kg/con/chu kỳ, Hàn Quốc: 7.300 kg/con/chu kỳ, Nhật Bản: 7.700 kg/con/chu kỳ). Công nghệ thụ tinh nhân tạo, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ sinh học về cấy chuyền phôi cũng đã được thực hiện để nhân nhanh giống bò sữa cao sản.
Tuy nhiên phương thức chăn nuôi nhỏ, phân tán và thủ công vẫn là chủ yếu, trên 95% số bò sữa hiện nay được nuôi phân tán trong các nông hộ, bình quân 3-5 con/hộ (miền Bắc); 5-7 con/hộ (miền Nam). Máy vắt sữa chỉ được sử dụng chủ yếu ở các trang trại qui mô lớn, chăn nuôi trong các trang trại qui mô nhỏ tỉ lệ sử dụng máy vắt sữa mới đạt khoảng 10%.
- Về chăn nuôi trâu, bò thịt: Tổng đàn bò thịt của ta những năm gần đây tăng trung bình 9,67%/năm (năm 2001: 3,89 triệu con, năm 2007: trên 6 triệu con). Chăn nuôi bò tập trung, trang trại đã hình thành và bước đầu phát triển: Đến nay cả nước đã có hàng ngàn trang trại nuôi bò giống và bò thịt tập trung (trong đó khoảng 1/3 là ở phía Bắc và 2/3 là ở phía Nam). Một số cơ sở giống và cơ sở chăn nuôi tập trung đã đầu tư cải tạo nâng cấp chuồng trại đạt yêu cầu kỹ thuật, áp dụng công nghệ tin học trong quản lý đàn bò và công nghệ vỗ béo bò thịt. Tuy nhiên, phần lớn bò thịt (trên 90%) vẫn là chăn nuôi nhỏ, phân tán
trong các nông hộ. Chăn nuôi trâu càng có mức độ phân tán, nhỏ lẻ hơn, mang tính quảng canh tận dụng; chưa có hệ thống sản xuất, quản lý giống trâu.
Chương trình zebu hóa đàn bò và công nghệ nhân giống bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo để nâng cao tầm vóc và năng suất thịt của đàn bò, công nghệ cấy chuyền phôi cũng đã được thực hiện để nhân nhanh một số giống bò quí, song tới nay mới có trên 30% bò lai trên tổng lượng đàn bò. Công nghệ chăn nuôi bò thịt đổi mới chưa nhiều. Tuy việc trồng cỏ nuôi bò và bổ sung thức ăn tinh cho bò đã ngày càng phổ biến, song chăn nuôi bò thịt vẫn chủ yếu dựa vào chăn thả tự nhiên, tỉ lệ bò giống tốt còn thấp, năng suất sinh sản, tăng trọng, chất lượng thịt thấp; thiếu đồng cỏ và thức ăn thô xanh; quy trình kỹ thuật chưa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
- Về chăn nuôi gia cầm: Mặc dầu những năm gần đây dịch bệnh gia cầm liên tiếp sảy ra, song chăn nuôi gia cầm vẫn phát triển với tốc độ trên 10% trong những năm gần đây. Đàn gia cầm đã được chọn lọc, thích nghi được nhiều giống gia cầm như gà nuôi lấy thịt, gà nuôi lấy trứng; các giống vịt siêu trứng, siêu thịt. Mặc dầu vậy, hiện nay chăn nuôi gia cầm ở nước ta vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ hộ gia đình và chăn nuôi (vịt) thả đồng (chiếm 68,5% ở gà và 92,9% ở vịt) đang là nguy cơ lây lan phát tán mầm bệnh, nhất là chăn nuôi vịt thả đồng. Chăn nuôi công nghiệp chỉ chiếm 30,2% ở gà và 7,1% ở vịt.
Việc giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, công nghiệp mới chỉ là khởi đầu và đang gặp nhiều khó khăn. Thói quen tiêu thụ gia cầm sống, buôn bán, giết mổ thủ công, phân tán đang là một trong những nguyên nhân lây lan phát tán bệnh dịch.
- Về sản xuất thức ăn chăn nuôi: Tuy hình thành chậm nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, là lĩnh vực thu hút được đầu tư trong và ngoài nước ngoài lớn nhất trong nông nghiệp. Trình độ công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam theo thang điểm ALAS đạt 80/100 điểm thuộc nhóm khá phát triển.
Hiện nay nước ta đã có tập đoàn giống cỏ khá phong phú, năng suất nhiều giống có thể đạt 250-350 tấn/ha/năm, doanh thu có thể đạt 40-60 triệu đồng/ha/năm. Việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi là một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả và giúp cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ có triển vọng phát triển. Tuy vậy việc chế biến thức ăn thô xanh (ủ chua, chế biến phụ phẩm,...) để dự trữ cung cấp thức ăn cho gia súc vào mùa đông, mùa khô chưa phát triển.