Ở nước ta, trong những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều hơn các trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế, đào tạo cán bộ y tế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH-CN trong y, dược đã giúp cho ngành y tế trong nước có bước phát triển vượt bậc, đưa nền y học nước nhà tiếp cận được với các nước trong khu vực và nhiều mặt tiếp cận với thế giới. Có thể nói đến nay hầu hết các kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng đang thực hiện trên thế giới thì đã được thực hiện hoặc nghiên cứu ứng dụng ở trong nước.
Để chẩn đoán bệnh ngoài thăm khám lâm sàng thì các xét nghiệm cận lâm sàng có vai trò rất quan trọng giúp cho chẩn đoán bệnh được sớm và chính xác. Trước đây, với trang thiết bị, máy móc thô sơ, kỹ thuật xét nghiệm cổ điển nên việc chẩn đoán bệnh thường muộn, ít chính xác vì vậy hiệu quả điều trị không cao. Hiện nay, chúng ta đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán mới, hiện đại vì vậy việc chẩn đoán bệnh thường sớm, chính xác, hiệu quả điều trị cao, giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị. Các kỹ thuật hiện đại được sử dụng như siêu âm 3 chiều, siêu âm 4 chiều, chụp cắt lợp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp
PET-CT, nội soi chẩn đoán, chụp mạch và ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử.v.v. Nhờ các kỹ thuật tiên tiến, nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, các bệnh mới phát sinh như SART, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 v.v. được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cứu sống nhiều người bệnh.
Trong khoảng 5-10 năm nay các kỹ thuật điều trị ở trong nước có bước phát triển vượt bậc. Có thể nói hầu hết các kỹ thuật mới, tiên tiến đang tiến hành ở các nước trên thế giới thì trong nước đều đã được thực hiện như phấu thuật nội soi, kỹ thuật can thiệp nội mạch, kỹ thuật y học hạt nhân, ứng dụng sóng siêu cao tần, laser, các kỹ thuật tiên tiến cũng được ứng dụng trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh như kỹ thuật bơm bóng đối xung động mạch chủ, siêu lọc máu, tuần hoàn ngoài cơ thể.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong điều trị bệnh đã và đang từng bước được triển khai thực hiện. Một trong những kỹ thuật được ứng dụng thành công ở nước ta là các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi cấy tế bào gốc sinh tinh để điều trị vô sinh, ứng dụng tế bào gốc tạo máu tự thân và đồng loại trong điều trị bệnh ung thư, tim mạch, xương khớp… đã có những kết quả rất khả quan. Chúng ta cũng đã xây dựng được một số ngân hàng tế bào gốc và bước đầu có những nghiên cứu cơ bản về biệt hóa tế bào gốc.
Chúng ta cũng đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng. Đây là một kỹ thuật cao, trường hợp thành công ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu bằng ghép thận thực hiện năm 1992, đến nay chúng ta đã có 12 trung tâm ghép thận với gần 300 ca ghép và đã làm chủ được kỹ thuật này. Ghép gan là kỹ thuật khó khăn và phức tạp nhất trong các loại ghép và đã thực hiện thành công đầu tiên ở Việt Nam năm 2004, đến nay trong nước đã có 4 cơ sở đã tiến hành ghép gan. Như vậy những vấn đề cơ bản về ghép tạng chúng ta đã đạt được. Song ở Việt nam mới chỉ ghép tạng từ người cho sống, chưa tiến hành ghép tạng lấy tạng từ người cho chết não; một số ghép tạng khác chưa thực hiện được như ghép tim, phép phổi, ghép tụy … Khó khăn chính của ghép tạng hiện nay ở nước ta là thiếu tạng cho. Việc giải quyết kỹ thuật lấy tạng từ người cho chết não đã và đang được triển khai thông qua các đề tài cấp nhà nước.
Để phòng bệnh có nhiều biện pháp, sử dụng văc-xin là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Hiện nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất được 10 loại văc-xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trừ văc-xin sởi. Ngoài 10 loại văc-xin tiêm chủng mở rộng chúng ta còn sản xuất một số loại văc-xin khác mà các nước hay sử dụng như vắc-xin Rota, vắc xin Hib v.v. Nhờ vậy chúng ta đã hạn chế được sự phát sinh nhiều bệnh, đặc biệt đã ngăn chặn và đẩy lùi nhiều vụ dịch nguy hiểm.
Công nghệ sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc: Chúng ta đã bước đầu tiếp cận với các công nghệ bào chế hiện đại nhằm nâng cao chất lượng của thuốc như đông khô, bào chế thuốc tác dụng kéo dài, hệ điều trị qua da, công nghệ vi nang v.v. Đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình điều hành, kiểm soát chất lượng thuốc như công nghệ SCADA ở một số Công ty dược. Chúng ta cũng đã ứng dụng các công nghệ chiết xuất hiện đại trong việc chiết
tách các hoạt chất từ dược liệu làm nguyên liệu sản xuất thuốc như phương pháp chiết xuất siêu âm, chiết xuất CO2 v.v. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc cũng đã được tiến hành tại một số cơ sở như quy trình sinh khối tế bào Sâm Ngọc Linh thay thế Sâm Ngọc Linh tự nhiên bằng công nghệ bioreactor, sản xuất kháng thể đơn dòng, interleukin trong điều trị ung thư, sản xuất thuốc điều trị rối loạn lipít máu v.v. Tuy nhiên, thực trạng công nghệ dược ở nước ta vẫn còn ở mức thấp, 90% nguyên liệu làm thuốc vẫn phải nhập khẩu, chất lượng thuốc sản xuất trong nước chưa cao.
Công nghệ sản xuất trang thiết bị Y tế: chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất một số vật tư y tế tiêu hao và thiết bị y tế thông thường, đảm bảo nhu cầu trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu như bơm tiêm tiệt trùng các loại, dây truyền dịch, dây truyền máu, khẩu trang y tế, một số dụng cụ phẫu thuật, máy điện châm, tủ cấy vi sinh v.v.. Chúng ta mới bắt đầu tiếp cận việc chế tạo các thiết bị y tế kỹ thuật cao như sản xuất các thiết bị laser y tế, sản xuất máy X quang kỹ thuật số, máy thở. Tuy nhiên chất lượng chưa cao. Hầu hết các thiết bị y tế kỹ thuật cao đều phải nhập khẩu như máy siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, máy xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, PET/CT v.v.