IV. HIỆN TRẠNG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
2. Hiện trạng công nghệ lĩnh vực lâm nghiệp
Những năm qua, nhiều tiến bộ KH&CN đã được nghiên cứu, áp dụng trong sản xuất giống cây rừng và thâm canh rừng kinh tế, nên năng suất rừng, những nơi áp dụng kỹ thuật tiến bộ, đã tăng lên gấp 3-4 lần trong một chu kỳ sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chế biến gỗ rừng trồng cũng làm thay đổi đáng kể thói quen dùng gỗ rừng tự nhiên, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng tỉ lệ che phủ rừng cả nước lên 38,7% (năm 2008).
Do không có bộ giống tốt và qui trình canh tác hợp lý nên năng suất rừng trồng trước năm 1990 thường rất thấp chỉ dưới 10 m3/ha/năm. Từ năm 1990 tới nay đã có gần 100 dòng, giống cây rừng mới (tập trung vào 2 loại bạch đàn và keo) được công nhận và đưa vào sản xuất. Hiện nay có một số dòng bạch đàn cao sản (U6, UC, UM, GM ..) đã cho năng suất 20-25 m3/ha/năm, một số dòng keo lai (AM1, AM2, MA1, MA2..) đạt 25-30 m3/ha/năm.
Cùng với việc sử dụng giống mới là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống và thâm canh rừng kinh tế nên năng suất rừng đã tăng lên rõ rệt. Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và nhân nhanh giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô tế bào và giâm hom, sử dụng chế phẩm sinh học chức năng (Mycorrhiza, Metarhizium) trong bảo vệ thực vật và phân bón cây rừng,… đã được ứng dụng rộng rãi. Hiện nay diện tích trồng rừng kinh tế được trồng mới bằng giống tiến bộ kỹ thuật đạt 60% diện tích; tỉ lệ thành rừng đạt trên 80%; năng suất rừng trồng trung bình đã đạt 15-20 m3/h/năm. Các kết quả KH&CN lĩnh vực lâm sinh đã góp phần nâng diện tích rừng trồng ở nước ta từ ….. triệu ha năm 2000 lên 2,77 triệu ha vào năm 2008.
Công nghệ nhân giống cây mô hom và chọn lọc dòng vô tính ở nước ta đã đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN. Công nghệ sinh học dùng trong lâm nghiệp là những công nghệ hiện đang được sử dụng tại các nước trong khu vực (như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan) và tại các nước phát triển như Úc, Thụy Điển, Đức. Một số công nghệ như công nghệ gen, công nghệ nấm rễ nội cộng sinh đứng ở mức khá trong khu vực và trong khối ASEAN. Tuy nhiên, công nghệ vườn ươm của ta nói chung còn lạc hậu so với các nước trong khu vực (vẫn sử dụng vừon ươm trên nền đất bằng, chưa sử dụng vườn ươm treo với hỗn hợp ruột bầu chỉ gồm các chất hữu cơ).
Nhiều công nghệ về bảo quản gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ (sấy, xử lý bằng các chế phẩm hóa học, sinh học như: XM5, chế phầm từ cây neen…) đã được nghiên cứu ứng dụng và cho kết quả tốt. Công nghệ diệt trừ mối cho các công trình xây dựng bằng chế phẩm nấm Metarhizium đã giúp hình thành một nghề kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp. Các công nghệ sản xuất các sản phẩm gỗ và đồ gỗ cũng có những tiến bộ đáng kể. Đặc biệt là các công nghệ biến tính (cơ, hóa, lý) gỗ, sản xuất ván thanh, ván dăm, gỗ thanh từ các gỗ rừng tự nhiên để làm vật liệu xây dựng, bao bì và đỗ gỗ gia dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của ngành đồ gỗ, kể cả đồ gỗ xuất khẩu. Những kết quả trên đã góp phần làm cho giá trị xuất khẩu đồ gố của nước ta có bước tăng trưởng đột biến (năm 2002 chỉ là 0,5 tỉ USD, năm 2008 đã là 2,8 tỉ USD).
Mặc dầu có các tiến bộ kể trên song các giải pháp KH&CN để nâng cao năng suất rừng kinh tế, phát triển rừng từ các cây rừng bản địa, các giải pháp công nghệ về chế biến gỗ rừng trồng, nhất là chế tạo dây chuyền thiết bị chế biến gỗ hiện đại, các giải pháp về quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng vẫn là những bài toán cần tiếp tục giải đáp.