Không gian sông nước

Một phần của tài liệu khảo sát tập thơ “hải ông thi tập” của đoàn nguyễn tuấn (Trang 133 - 143)

6- Đóng góp của luận văn

3.1.2- Không gian sông nước

Nước Việt Nam ta nổi tiếng lắm sông nhiều suối, tuy lớn nhỏ, rộng hẹp khác nhau nhưng hầu như vùng miền nào cũng có. Phải chăng vì thế mà không ở đâu như ở nước ta, “nước” còn có nghĩa là Tổ quốc, là lãnh thổ, quốc gia. Quả vậy, mỗi con sông không chỉ mang trong mình phù sa để tưới tiêu ruộng đồng mà còn mang cả mảnh hồn quê chan chứa. Con sông không chỉ là không gian kiếm sống của cư dân vùng sông nước mà còn là không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng. Và chính vì thế, con sông đã trở thành biểu tượng cho không gian văn hóa của mỗi làng quê và không gian tâm tình của mỗi con người nơi ấy.

“Hải Ông thi tập” của Đoàn Nguyễn Tuấn tràn ngập hình ảnh những dòng sông. Phải chăng hành trình phiêu bạt của ông trải dài theo những dòng sông? Điểm qua tập thơ có thể thấy điều đó qua nhan đề mỗi bài thơ: Quá Nhĩ hà quan Bắc binh cố luỹ (Qua sông Nhị xem luỹ cũ của quân Bắc), Độ Nguyệt Đức giang hữu cảm (Cảm tác khi qua sông Nguyệt Đức), Giang trình (Hành trình trên sông), Giang lâu cửu vọng - Ngắm mãi trên lầu bên sông Mậu mạnh đông phụng hộ Nam tuần, hiểu phát Hương giang (Tháng người năm Mậu Tý phụng mệnh hộ giá tuần du phương Nam, sáng sớm từ sông Hương ra đi), An Bình giang vãn thiểu (Chiều tối ngắm cảnh trên sông An Bình), Ninh Minh giang hành (Đi trên sông Ninh Minh), Vãn độ Sa Hà (Buổi chiều qua sông Sa Hà), Quá Hoàng Hà khẩu chiến (Qua sông Hoàng Hà ứng khẩu ngâm thơ), Quá Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm viếng quan Tam Lư đại phu), Độ Trăn Vị xa phúc, mạn thành (Qua sông Trăn Vị, xe bị đổ, viết phiếm)… Tuy nhiên, không gian sông nước trong thơ Đoàn Nguyễn Tuấn không chỉ là không gian tả thực mà chủ yếu là không gian tâm trạng.

Không gian sông nước gắn liền với niềm tự hào về những chiến công của cha ông thuở trước. Có thể nói, chính chiến thắng của quân đội Tây Sơn đã làm tươi những trang sử cũ để một lần nữa những dòng sông lịch sử lại đi vào thi ca với một niềm kiêu hãnh. Đó là dòng Nhĩ Hà mà năm xưa đã từng ghi dấu chiến công “Chương Dương cướp giáo giặc” của vua tôi nhà Trần:

Sát khí xung khai vạn táo yên, Duy dư trĩ điệp Nhĩ Hà biên. Tái vinh thảo mộc huân tàn chiếu, Nhất độ can qua trọng đảo huyền. Ngũ Lĩnh qui hồn ưng vạn lý,

Giải tri hưng kế tu xuyên nhạc, Tảo hướng Tây Sơn tống hạ tiên!

(Sát khí xông lên từ khói muôn bếp, Trơ lại mảnh luỹ bên dòng Nhị Hà. Cỏ cây lại tươi dưới nắng chiều ấm áp;

Gươm giáo một phen khiến dân chúng lầm than. Hồn về Ngũ Lĩnh hẳn bằng muôn dặm;

Việc cũ Chương Dương nay đã ngàn năm.

Nếu biết được việc “cứu Lê” thẹn cùng sông núi, Đã sớm phải hướng về Tây Sơn gửi thiếp chúc mừng!)

(Quá Nhĩ hà quan Bắc binh cố luỹ - Qua sông Nhị xem luỹ cũ của quân Bắc)

Đó là con sông Bạch Đằng đã đi vào huyền thoại:

Nhất phát viễn Nam tùng hải khứ, Niên niên tống khách Bạch Đằng khâu.

(Một dòng từ phía Nam xa xa chảy ra biển, Bãi sông Bạch Đằng, nơi tiễn khách hằng năm.) (Giang lâu cửu vọng - Ngắm mãi trên lầu bên sông)

Đó là con sông Nguyệt Đức gắn liền sự kiện lịch sử năm 1076, Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống:

Lưỡng ngạn phong cương nhất thuỷ lưu, Liên vân trĩ điệp, mãn giang thu.

Tinh kỳ ảnh lộng long xà quật, Huyền quản thanh dư cổ giác lâu.

(Đôi bờ là đồi núi, một dòng ở giữa, Tường luỹ cao liền mây, vẻ thu đầy sông. Bóng cờ quạt lay động cả hang rồng rắn;

Tiếng đàn sáo còn văng vẳng cùng tiếng trống, tiếng tù và trên lầu.)

(Nguyệt Đức giang hoài cổ - Qua sông Nguyệt Đức nhớ chuyện xưa)

Tuy nhiên cảm hứng lịch sử không phải là cảm hứng chủ đạo khi nhà thơ đứng trước những dòng sông. Khi một mình đối diện với sông người ta thường nghĩ về mình, về cuộc đời nhiều hơn. Đoàn Nguyễn Tuấn cũng vậy. Sông gắn liền với những hồi ức đẹp của ông về tuổi thơ:

Nghiêm quân du hoạn nhật, Thử địa thí tuần tuyên. Trị hậu ỷ thạch sơn, Trị tiền lâm đại xuyên. Hoạn nhàn, sự diệc tỉnh, Sơn thủy đa bàn tuyền. Ngã thì tại mao thiều. Huề hồ phủng thi tiên.

(Lúc cha ta ra làm quan,

Thử tuyên truyền giáo hóa nơi đây. Sau công đường dựa vào núi đá, Trước công đường trông ra sông cái. Quan nhàn, việc cũng ít,

Nhiều khi dạo quanh sông núi. Khi ấy, ta còn để trái đào,

Mang bầu rượu, cắp túi thơ theo hầu.)

(Vọng Triều Khẩu cựu trị hữu cảm - Cảm nghĩ khi trông công đường cũ ở làng Triều Khẩu)

Sông cũng là người bạn cùng ông chuốc chén cho vơi nỗi sầu về giấc mộng không thành:

Lâm phong nhất trù trướng, Thiểu chước cựu giang biên…

(Đứng trước luồng gió, trạnh nỗi ngậm ngùi, Bên bờ sông xưa, tạm rót chén suông…)

(Vọng Triều Khẩu cựu trị hữu cảm - Cảm nghĩ khi trông công đường cũ ở làng Triều Khẩu)

Nhưng không gian mênh mang của sông nước càng làm cho ông cảm nhận rõ hơn sự nhỏ bé, bèo bọt của thân phận lữ khách:

Giang hồ hạo diếu than vi ngạnh, Vạn hộc hương hoài lãnh tự thu.

Sông hồ mênh mông, thân như bèo bọt Lòng quê muôn hộc lạnh tựa mùa thu.

(An Bình giang vãn thiểu - Chiều tối ngắm cảnh trên sông An Bình)

Không gian sông nước không chỉ khiến con người rợn ngợp, cảm thấy nhỏ bé trước cái bao la của vũ trụ mà còn khiến con người cảm nhận rõ cái vô hạn của thời gian. Quả vậy, từ xưa đến nay, sông nước đã là biểu tượng cho dòng chảy bất tận của thời gian và do đó không gian sông nước thường gợi cho con người những suy nghĩ về sự đổi thay của cuộc đời, thời thế. Các triều đại trải qua bao thăng trầm, thịnh suy nhưng những dòng sông thì vẫn không ngừng chảy như một chứng nhân thầm lặng với thời gian:

Thiên phong tiễu lập khan triều đại, Nhất thuỷ bình lưu tống cổ câm.

(Ngàn núi đứng sững xem các triều đại, Một dòng phẳng lặng đưa đón cổ kim.) (Giang trình - Hành trình trên sông)

Ngay cả khi đi qua sông Trường Giang, dòng sông đi vào lịch sử với ra trận Xích Bích nổi tiếng trong thời Tam quốc lịch sử, điều Đoàn Nguyễn Tuấn nghĩ đến cũng không phải là chiến thắng lẫy lừng mà là lẽ mất – còn:

Trường Giang dạ sắc bích du du, Tam Quốc can qua thử địa đầu. Phân đỉnh đồ khuynh sơn tự trĩ, Liên hoàn thuyền tân thủy không lưu.

(Cảnh đêm trên Trường Giang một màu biếc xanh man mác, Nơi đây, từng xảy ra trận can qua thời Tam Quốc.

Cơ đồ chia ba chân vạc đã sập, mà núi non vẫn còn sừng sững; Thuyền bè theo kế liên hoàn đã hết, nhưng sông nước vẫn cứ chảy hoài.)

KẾT LUẬN

Trong những trang sử vàng của thời đại Tây Sơn, một trong những thời đại lẫy lừng nhất của lịch sử dân tộc, Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ là một cái tên nhỏ bé. Các nhà viết sử trong một số công trình nghiên cứu có lúc quên ghi tên ông hoặc cũng có khi họ ngầm xếp ông trong dấu (…) những trí thức ra phục vụ Tây Sơn sau những tên tuổi lớn như Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích. Tuy nhiên trong những công trình nghiên cứu chuyên sâu về ngoại giao thời Tây Sơn, cái tên Đoàn Nguyễn Tuấn lại thường được nhắc đến. Điều đó phần nào chứng tỏ đóng góp lớn nhất của ông cho triều đại chính là trên mặt trận ngoại giao, một mặt trận cân não, có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định của đất nước thời kì này.

Cũng giống như tất cả những sứ thần, những người đã được lịch sử giao phó cho sứ mệnh đại diện cho quốc gia, dân tộc, những người mà từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động đều liên quan đến thể diện nước nhà, Đoàn Nguyễn Tuấn để lại dấu ấn của mình trong những lần trực tiếp “đáp vấn” với đối phương hay gián tiếp qua thơ thù tạc. Và bài thơ “Đáp vấn” của ông được nhiều người nhắc đến như một minh chứng cho sự đối đáp sắc sảo, tinh tế của sứ thần nước ta trong những lần chạm mặt với Trung Hoa lúc bấy giờ. Có lẽ, chỉ riêng bài thơ đó thôi cũng đủ để tên tuổi Đoàn Nguyễn Tuấn ghi một dấu ấn vào văn học yêu nước thời Tây Sơn. Nhưng hơn thế nữa, ông còn để lại cho văn học dân tộc cả một tập thơ khá dày dặn với hơn 250 bài - “Hải Ông Thi tập”.

Với “Hải Ông Thi tập”, Đoàn Nguyễn Tuấn đã góp một tiếng thơ vào dòng riêng của văn học Tây Sơn, đưa nó hòa vào nguồn chung của văn mạch dân tộc mà yêu nước là cảm hứng chủ đạo. Niềm tự hào dân tộc, ý thức độc lập chủ quyền được thể hiện trên nhiều bình diện: tự hào về những chiến

thắng lớn đang diễn ra trước mắt, tự hào về bề dày văn hoá mấy nghìn năm của dân tộc, tự hào về chiều sâu sức mạnh nội tại của những con người dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết học cách ngẩng cao đầu. Có thể nói, qua những bài thơ viết về quê hương đất nước, ông đã khắc họa khá thành công chân dung thời đại mình từ góc nhìn của một con người mà cuộc đời đã gắn liền với hơn nửa thế kỉ đầy bão táp. Bên cạnh đó, trong bức tranh chung của văn học nửa cuối thế kỉ XVIII tràn ngập cảm hứng hoài cổ, nuối tiếc, việc ghi lại bức tranh hiện thực cuộc sống với một cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào triều đại mới quả thật là một đóng góp đáng trân trọng của nhà thơ.

Bên cạnh nội dung yêu nước với cảm xúc hào sảng, thơ Đoàn Nguyễn Tuấn còn hấp dẫn người đọc bởi những bài thơ tự thuật, thấm đẫm cảm xúc trữ tình và trĩu nặng tâm tình tác giả. Tâm trạng của một con người đa cảm lại từng trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, chứng kiến bao phen thay đổi sơn hà, giờ đây lại lưu lạc nơi chân trời góc bể xa xôi, với trọng trách, sứ mệnh lớn lao khiến thơ ông luôn đầy ắp tâm sự, nỗi niềm trăn trở khôn nguôi. “Hải Ông thi tập” không chỉ mở cánh cửa lịch sử để chúng ta một lần nữa có dịp trở về với một thời hào hùng, hiểu thêm vẻ đẹp của quê hương đất nước mình mà còn mở cánh cửa để người đời sau đến gần với tâm hồn Hải Ông hơn nữa, một tâm hồn đẹp nở hoa giữa một thời đại rực rỡ. Có thể nói, tập thơ không chỉ là hình ảnh khúc xạ của hiện thực đương thời mà còn là hình ảnh khúc xạ tâm hồn của chính nhà thơ.

Như vậy, sau bước đầu đi vào khảo sát toàn bộ tập thơ “Hải Ông thi tập” của Đoàn Nguyễn Tuấn, chúng ta có thể xác định được những đóng góp của ông trong nền văn học Tây Sơn nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung là rất đáng trân trọng. Hơn nữa, xác định giá trị và vị trí của Đoàn Nguyễn Tuấn cũng đồng thời là xác định giá trị và vị trí của văn học yêu nước thời Tây Sơn cũng như góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học đa

dạng, phong phú của thế kỉ XVIII mà “sự nhảy vọt của nó là một bộ phận của sự phục hưng văn hoá vĩ đại lúc bấy giờ” (Đinh Gia Khánh, Tổng luận về bộ Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1, Hà Nội, 1980).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Nguyễn Huệ Chi, Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du, Hội thảo Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long, tháng 8/2010, do Hội Phật Giáo kết hợp với Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM tổ chức

2- Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002

3- Nguyễn Thạch Giang (chủ biên), Tinh tuyển văn học Việt Nam (Tập 5, Quyển hai),Văn học thế kỉ XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, 2004

4- Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004

5- Mai Quốc Liên, Ngô Thời Nhậm trong văn học Việt Nam, Sở văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1985

6- Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb KHXH, Hà Nội, 1981

7- Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – Hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, 2005

8- Phương Lựu, Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1997

9- Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, 1994

10- Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập), Nxb Giáo dục,2006

11- Trần Đình Sử, Trần Đình Sử tuyển tập (tập 1), Nxb Giáo dục, 2005

12- Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1996

13-Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn – Hải Ông thi tập,

Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982

14- Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Việt Nam thời Lý Trần – Khảo sát từ góc độ nghệ thuật, chuyên đề Cao học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

15- Đoàn Thị Thu Vân, Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kỳ trung đại, NXB Giáo dục, TP. HCM, 2007

16- Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, TP. HCM, 2008

17- Đoàn Thị Thu Vân, Bài thơ Vận nước và những giá trị văn hóa Việt, Tạp chí Văn học, số 5-2010

18- Lê Thu Yến, Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên, 1999

19- Lê Thu Yến, Thăng Long trong thơ xưa, Hội thảo Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long, tháng 8/2010, do Hội Phật Giáo kết hợp với Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. HCM tổ chức

20- Lê Thu Yến, Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, Tạp chí Văn học, Số 5/2010

Trang web:

- www.honvietquochoc.com.vn

Một phần của tài liệu khảo sát tập thơ “hải ông thi tập” của đoàn nguyễn tuấn (Trang 133 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)